5 triết lý sống giúp thành công

05 Triết lý sống góp phần làm nên thành công trong cuộc đời của một con người :

Thành công có rất nhiều định nghĩa của thành công. Và con người thì mỗi người mỗi khác. Nên vì thế thành công trong cuộc đời của một con người là tùy thuộc vào từng con người, và mức độ thỏa mãn của người đó. Ở đây, tôi sẽ xét vấn đề theo một khía cạnh rõ ràng là: triết lý sống góp phần làm nên “thành công” trong cuộc đời của một con người “lớn” – “vĩ đại” – “người”. Triết lý thành công của những con người suy nghĩ “lớn” sẽ khác với triết lý thành công của những con người suy nghĩ “nhỏ”.

1. Sống là không chờ đợi
Cuộc sống của chúng ta là cố gắng và lao động. Sự nghỉ ngơi hoàn toàn chỉ chờ chúng ta trong những nấm mồ.
F.Đê-xtô-ep-xki
Năm tháng đi tới không phải trả tiền. Chỉ có thời gian quá khứ là phải trả giá.
X. Vruplepxki
Khi bạn thích hay muốn làm một công việc gì đó thì hãy làm đi. Đừng chờ đợi, vì thời gian sẽ qua đi và cơ hội cũng sẽ mất đi. Có những điều sẽ chỉ đến một lần trong cuộc đời bạn mà thôi.
Lý luận về sự an toàn, hay cần nhiều thêm thông tin để quyết định. Đều là những lý luận đúng, nhưng ta phải biết sự kết hợp cần thiết, phải có được cảm giác để phân định được ranh giới đúng-sai, nên hay không nên.
Hãy làm đi ! Nhất là khi bạn còn trẻ, bạn có tuổi trẻ, bạn có thời gian, và quan trọng nhất là “bạn không có nhiều thứ để mất”, hãy cứ làm đi, đừng chờ đợi. Hãy làm những gì mà trái tim và khối óc của bạn mách bảo, hãy làm những gì mang lại lợi ích cho chính bản thân bạn và những con người quanh bạn. Đừng sợ thất bại !
Sẽ không có sự nghiệp lớn nếu không có thử thách lớn
Vontaire
Trong đời, có một điều tệ hại hơn thất bại là:không dám thực hiện.
F. Rudơven
Đủ, đầy, trọn vẹn … trên đời này không có quá nhiều thứ để bạn chờ đợi cho đến lúc nó “đủ, đầy, trọn vẹn..” . Cách để biết một hạt giống là tốt hay xấu, thì không có cách thử nào hoàn hảo nhất bằng việc trồng nó lên, và xem xét quá trình sinh trưởng và phát triển của nó. Chỉ trong quá trình hành động thì nhận thức con người mới được hoàn thiện và ngày càng hoàn hảo, chỉ có hành động chúng ta mới biết được việc đó là đúng hay sai, thất bại hay thành công. “Sống là không chờ đợi”

2. Sống để phụng sự xã hội và mang lại điều tốt đẹp hơn.
Người hoàn thiện nhất là người đã giúp ích cho nhân loại nhiều nhất.
Kinh Côran

Triết lý này sinh ra không phải như là một giải pháp để thành công hơn, tốt đẹp hơn. Không phải là phương cách “mang tên phụng sự xã hội” để mong xã hội “trả ơn”. Mà nó phải xuất phát từ tấm chân tình, từ thực tâm của những con người làm nên nó. Và “sự trả ơn” tốt đẹp này, có chăng đi nữa, cũng chỉ là hệ quả của “tấm chân tình” đó, “làm ơn há trông người trả ơn”, “sự trả ơn” của xã hội dành cho những con người này không phải là kết quả của hành động “sống để phụng sự xã hội và mang lại điều tốt đẹp hơn” mà nó là một “hệ quả”. Chúng ta phải hiểu được điều này, để tránh có những suy nghĩ khiến mình lệch lạc đi.
Hành động tốt mà âm thầm là hành động đáng quý nhất .
B. Pascal

Chúng ta có tình yêu thương chân thành, có tình yêu thương đồng loại, có lòng thương cảm, có sự quan tâm. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” – đây là những biểu hiện, những phẩm giá đáng trân trọng của một con người, chính nhờ long thương cảm này, đã khiến họ suy tư, ngẫm nghĩ, mang theo nhiều nỗi niềm của xã hội, của cộng đồng. Đốc thúc họ phải làm một điều gì đó, để tạo nên sự khác biệt, để cải biến và thay đổi. “Sống để phụng sự xã hội và mang lại điều tốt đẹp hơn” – đây chính là những suy nghĩ làm nên một nhà lãnh đạo, một nhà lãnh đạo là người có được sự tôn thờ, sự tôn trọng của xã hội, và chỉ có những con người biết “lo nỗi lo của thiên hạ” thì mới được sự tôn thờ và tôn trọng đó mà thôi.

“Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý”
A.Einstein

3. Hãy làm nhiều hơn nói.
Xã hội chỉ thừa nhận và tôn trọng những phẩm chất nào được chứng minh bằng việc làm. Ai không thể chứng minh điều đó thì không được xã hội biết đến và tôn trọng.
A.Hen-vê-ti-uýt
Nói thì rất là hay, nhưng cho dù nói ít hay nói nhiều đi chăng nữa… thì nói vẫn chỉ là nói suông, nếu như không có hành động thực tế để chứng minh, hoặc là nói quá nhiều nhưng làm thì quá ít. Xã hội hiện nay có quá nhiều người, quá nhiều điển hình chỉ giỏi nói mà không giỏi làm, chỉ giỏi “nổ” mà không giỏi “cày”.

Bởi vì chỉ có làm, con người mới tạo ra được giá trị thực cho xã hội, “lao động tạo ra giá trị”. Khi làm, con người sẽ hiểu biết nhiều hơn, nhận thức được sâu sắc vấn đề hơn, để từ đó đúc rút được kinh nghiệm, cải tiến và nâng cao sự hiểu biết. Chu Văn An - nhà trí thức có tầm nhìn sâu rộng, coi trọng việc học của quốc gia, dân tộc. Ông từng nói : ‘‘Học mới chỉ có mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến được. Có biết mới làm, có làm mới biết, nhưng cái biết trong làm mới là cái biết sâu sắc nhất, thiết thực nhất”.
Hãy làm đi, để có thể kiểm nghiệm những gì mình nói, đúng – sai , phải – trái, đầy đủ hay chưa đầy đủ… chỉ có thể thông qua những việc làm cụ thể, những hành động cụ thể thì mới có thể xác minh được giá trị của nó. Hãy làm nhiều, và nói ít lại để cảm nhận được hạnh phúc - “Hạnh phúc là khi được đổ những giọt mồ hôi”, cảm nhận được sự nghỉ ngơi, cảm nhận được hơi thở của cuộc sống qua những hành động của mình.

Những người lười biếng sẽ không bao giờ biết rằng chỉ trong hoạt động mới có sự nghỉ ngơi.
Dai dan
Xã hội sẽ không coi trọng bạn là ai, bạn nói gì… họ chỉ coi trọng những việc mà bạn đã làm, bạn đã thực hiện và mang lại giá trị cho xã hội.

4. Con người sẽ không bao giờ cô độc khi đồng hành cùng lý tưởng của mình.

("They are never alone that are accompanied with noble thoughts" Sir Philip Sidney English poet, politician, & soldier)

Đây là một câu nói, một triết lý sống tuyệt vời. Có thể xem rằng, nó là cội rễ của mọi thành công, mọi điều vĩ đại trên thế giới này.
Mọi điều vĩ đại trên thế giới này, đều được tạo dựng nên từ những con người vĩ đại, và những con người vĩ đại là những con người “mạnh mẽ”, có đủ “sức lực và ý chí” để làm nên những điều to lớn , vĩ đại.
Trên con đường đời của mỗi người, chúng ta đang bước từng bước để hoàn thành mục tiêu và lý tưởng cuộc đời. Trên con đường này, đôi lúc ta cảm thấy buồn, ta có cảm giác cô đơn, ta mong muốn có được bạn, những người bạn – người mà ta tin tưởng, trông cậy – người sánh vai cùng ta, cùng sải bước trên hành trình chinh phục cuộc đời, người mà sẽ cười với ta khi ta đưa mắt liếc nhìn khi vẫn bước những bước chân tiến về phía trước, là điểm tựa của nhau.
“con người sẽ không bao giờ cô độc khi đồng hành cùng lý tưởng của mình” – câu nói này ở một đẳng cấp hoàn toàn khác , một bước vượt bậc của tinh thần độc lập – không bị lụy. Và những người có thể ngộ ra được điều này, hấp thụ nó và chính là nó là những con người cực kì mạnh mẽ.
Khi song hành cùng với những người bạn, nếu ta và bạn ai cũng mạnh như nhau, ai cũng tuyệt vời như nhau, thì đôi ta sẽ cùng sánh vai, tiến bước và tựa vào nhau để tiến lên phía trước. Nhưng con người không phải là “bất biến”, con người là một sinh vật có cảm xúc, có sức chịu đựng, con người có khả năng “thay đổi”. Một ngày nào đó, nếu người bạn của ta thay đổi, không còn muốn đi trên con đường của ta nữa, một ngày nào đó, nếu người bạn của ta ốm yếu, vì những nguyên nhân khách quan hay chủ quan v.v… mà bạn của ta không còn bước cùng ta nữa. Thì lúc này ta sẽ như thế nào? Đó có thể là một sự hụt hẫng vô cùng to lớn đối với chính ta trên con đường ta bước, nhẹ thì buồn bã, tâm tư nặng trĩu, đình trệ công việc.. nặng thì ta mất đi niềm tin, mất đi cả lý tưởng mà mình hằng đeo đuổi.
Song hành cùng con người với nhau, chúng ta sẽ nương tựa lẫn nhau, tôi là điểm tựa tinh thần cho bạn – và bạn là điểm tựa tinh thần cho tôi. Nhưng chính bởi vì là điểm tựa, nên vô tình nó đã là một áp lực, một sức nặng đè lên vai người bạn mà tôi song hành. Tôi muốn bạn của tôi cũng mạnh mẽ như tôi, tôi muốn bạn phải cống hiến nhiều hơn, tôi muốn … chính bởi vì tựa vào nhau như vậy, nhưng không ai có thể đảm bảo được rằng, vai của bạn tôi vẫn khỏe, hay mãi mãi khỏe mà sẽ có lúc mềm yếu, yếu đuối, xụi vai đi… thì ta mất đi điểm tựa. “Con người không phải là bất biến”
Nhưng – “lý tưởng cuộc đời” lại là một thứ “bất biến”, khi chúng ta đã xác định được lý tưởng sống của mình, và song hành cùng với lý tưởng đó, “thực sự song hành” – mà không cảm thấy cô đơn, cô độc thì lúc này ta đã đạt đến một đẳng cấp khác, một đẳng cấp mạnh mẽ hơn trong tư duy và suy nghĩ. Ta sẽ không còn phải lo nghĩ về người bạn của mình, không còn đặt lên vai họ một “điểm tựa” nữa, mà “điểm tựa” lúc này của ta là một thứ “bất biến” – là lý tưởng của mình. Ta sẽ không còn cảm thấy suy sụp , yếu đuối hay phụ thuộc quá nhiều vào người khác. Ta đã không còn cảm thấy cô đơn, cô độc khi bước đi trên con đường mà mình đã lựa chọn, bởi vì song hành cùng với ta là một người bạn đáng tin cậy, một người bạn không bao giờ thay đổi - Lý tưởng sống – đức tin của chính ta.
Đồng thời, gánh nặng sẽ được giải tỏa trên đôi vai “bạn bè” của chúng ta. Những người bước trên cùng con đường với ta sẽ bước đi thoải mái hơn, vui tươi hơn và nhanh hơn … do không còn “bị đè” nặng vai.
Khi song hành cùng với lý tưởng, ta sẽ nhìn thấy được cuộc đời rộng hơn, to lớn hơn, có được một cách nhìn mới rõ ràng hơn. Ta sẽ cảm nhận được sự thoải mái, bao la và sự đúng đắn hơn trong quyết định, suy nghĩ.

Ai không có mục đích thì không thể thấy niềm vui trong trong bất kỳ công việc gì. Cần nhớ chúng ta tồn tại để làm gì và chúng ta đang cố đạt tới cái
Lêôpácdi

Tóm lại, đây là một triết lý sống tuyệt vời, với những ai đang muốn sống và đang sống để thực hiện lý tưởng cuộc đời mình.

5. Phản chiếu, ánh xạ và so sánh để mình tiến bộ hơn. Lúc mình nghĩ rằng mình đang thắng, thì có nghĩa là mình đang thua và ngược lại.

Bí quyết của sự thành công nếu có - đó là khả năng tự đặt mình vào địa vị người khác và xem xét sự vật vừa theo quan điểm của họ vừa theo quan điểm của mình.
Henry Ford
Để tiến bộ hơn, việc học là điều cần thiết. Và một trong những phương pháp học hay nhất là học từ mọi người, học từ xã hội. Chúng ta phải biết lắng nghe và tiếp thu những cái mới, phải có tinh thần cầu tiến và nhẫn nại.

Muốn cầu tiến hơn người, ra đời phải biết ngước mặt nhìn lên. Vì nhìn xuống ta thấy hơn người, nhưng nhìn lên, ta chỉ là con số không vĩ đại
Francois Mauriac

Phải luôn luôn phấn đấu không ngừng nghỉ, không được để thói tự cao, tự đại xuất hiện trong suy nghĩ cuả chính chúng ta. Hằng ngày ta phải ánh xạ và so sánh với cuộc đời để hiểu thêm rằng, ta chỉ là một phần nhỏ của thế giới, để hiểu được cách sống tốt nhất trên cuộc đời này. Khi biết được mình là ai, định vị được bản thân mình so với thế giới này, ta sẽ biết mình nên làm gì và cần phải làm gì để đạt được những thành công mà mình mong muốn.

Nếu muốn thông minh , bạn hãy học cách hỏi hợp lý, cách chăm chú lắng nghe, cách trả lời thông minh và ngừng nói khi không còn gì nói nữa.
G. Lafata

Nguyễn Quang Hội
Nguồn: IPL Forum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét