Sự tò mò...

Con người không thích tò mò. Dân gian thường nói tò mò là một tính xấu và thường mang lại hiểm nguy. Người ta coi tò mò như là hành động của những kẻ rỗi hơi – mặc dầu những người tò mò hiếm khi nào nhàn rỗi. Các bậc phụ huynh dùng mọi cách để ngăn chặn tính tò mò nơi con trẻ, bởi vì nó làm cho đời sống trở nên rối rắm, khi đối diện với hàng loạt những câu hỏi nan giải. Trẻ con – những kẻ đang nỗ lực trưởng thành, những kẻ mà tính tò mò của chúng khiến cho những lời răn đe của cha mẹ luôn luôn tồn tại – được chào đón gia nhập Đại học Yale. Tại đây, chúng tiếp tục hỏi và cố gắng tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi của chính mình. Dưới đôi mắt của người học, đó chính là lý do mà người ta cần phải có ngôi trường đại học, nơi mà mọi thái độ thù nghịch đối với tính tò mò sẽ bị từ khước.

Một số câu hỏi của người học dường như đối với nhiều người là không đáng để hỏi và không cần phải trả lời. Họ – những người học – hỏi về hoạt động của các hạt proton, về ngày tháng trên một đồng xu La Mã, và về bố cục của một bài thơ. Họ hỏi cặn kẽ và chuyên sâu đến nỗi các bạn và tôi khó có thể hiểu được nếu không có nhiều năm tháng để được diễn giảng một cách tường minh.

Nếu người ta hỏi một vị học giả tại sao ông muốn biết lời đáp cho một câu hỏi chuyên biệt, thì có lẽ ông sẽ nói, đặc biệt nếu ông là một khoa học gia, rằng lời đáp, bằng một phương cách mơ hồ, sẽ làm cho một cỗ máy, hoặc một thiết bị mới nào đó có thể vận hành. Ông đáp như thế, bởi vì biết rằng con người thường chỉ hiểu và tôn sùng tính hữu dụng và không cần hiểu điều gì khác hơn ngoài đặc tính ấy. Nhưng đối với các bạn đồng môn và với chính các bạn, vị học giả ấy chắc sẽ không đáp như thế. Giờ đây các bạn đã là thành viên của ngôi trường đại học này, và vị học giả trông đợi các bạn hiểu rằng ông muốn biết lời đáp, đơn giản chỉ là vì ông không biết; người leo núi muốn chinh phục ngọn núi bởi vì trước mặt anh ta có ngọn núi.

Tương tự như vậy, một sử gia, khi được người ngoại cuộc hỏi tại sao ông nghiên cứu lịch sử, có thể sẽ đáp rằng nghiên cứu để có sự hiểu biết về quá khứ, nhằm thấu đạt hiện tại và định hình tương lai. Tôi đoan chắc rằng các bạn ít nhiều đã có lần được nghe một câu trả lời như vậy. Nhưng nếu các bạn thực sự muốn biết tại sao một sử gia bỏ công nghiên cứu dĩ vãng, thì lý do của điều ấy giản dị hơn bạn nghĩ rất nhiều: có một sự kiện đã xảy ra và vị sử gia chỉ muốn biết đó là gì.

Tất cả những điều này không hàm ý rằng những câu trả lời mà người học khám phá không mang đến một hậu quả nào. Trái lại, chúng có thể tạo ra những hệ lụy lớn lao; chúng có thể đổi thay hoàn toàn đời sống nhân loại. Nhưng những hậu quả ấy hiếm khi hình thành duyên do khiến người ta đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Thực tế cũng có việc các học giả đi tìm lời đáp cho các câu hỏi vì sự thúc bách của hậu quả, ví dụ như trong các cuộc nghiên cứu để tìm cách chữa trị căn bệnh ung thư. Nhưng đây không phải là động lực hàng đầu của họ. Hậu quả, đối với họ, chỉ là thứ yếu so với việc được thoả mãn tính tò mò. Ngay cả những người nghiên cứu về y khoa, cái khát vọng dập tắt những chứng bệnh hiểm nghèo có lẽ cũng yếu ớt hơn nhiều so với ước muốn khám phá bản chất của vấn đề. Einstein không hề muốn tạo ra bom hay điện nguyên tử. Thực ra, ông chỉ muốn tìm hiểu về năng lượng và vật chất mà thôi.

Tôi đã nói rằng tò mò là một hành động nguy hiểm. Nó nguy hiểm không chỉ vì các hệ quả ngẫu nhiên như bom nguyên tử, mà còn vì nó thực sự là nỗi khát khao chân lý. Trên thực tế, sự khao khát chân lý xem chừng như là một tình cảm được tôn trọng. Vì có nhiều người đáng kính quả quyết với ta rằng họ đã tìm thấy chân lý; điều ấy nghe như chân lý không có vẻ gì là nguy hiểm. Nhưng trái lại, nó thực sự là điều hiểm nguy.

Truy tìm chân lý luôn phải đối diện và đánh đổ các định chế và niềm tin tồn tại lâu đời trong các lãnh vực khoa học, tôn giáo và chính trị.

Ngày nay, dễ dàng thấy rằng các cuộc cách mạng trong quá khứ đã mang lại lợi ích vĩ đại cho nhân loại. Tuy nhiên, khó nhận ra ích lợi ấy trong lúc cuộc cách mạng đang diễn ra, đặc biệt khi các bạn cảm thấy mình hoàn toàn hài lòng với tình trạng trước đó.

Tương tự thế, ngày nay, không phải lúc nào cũng nhận thấy được rằng sự thoả mãn tính tò mò của nhà nghiên cứu tỏ ra tương xứng với một cuộc đổ vỡ xã hội.

Truy tìm chân lý là, luôn luôn là, một hoạt động mang tính chất lật đổ. Và người học đã ý thức rằng họ không thể nào tham gia vào hoạt động ấy nếu đôi khi thiếu vắng sự tranh đấu.

Vì lẽ đó, các bạn có thể tìm thấy sự chống chọi của họ trước bất cứ hành động đe doạ nào đối với công cuộc tự do mưu cầu chân lý. Họ rất thận trọng với việc ràng buộc vào các định chế hoặc niềm tin mà có thể áp đặt cho mình những giới hạn, hoặc mang đến những lời đáp khuôn mẫu cho các vấn đề. Các bạn sẽ thấy nỗi hồ nghi của họ đối với những lời thệ ước trung thành, những tín điều tôn giáo hay sự gia nhập bè phái chính trị. Đăc biệt, họ cố gắng gìn giữ thế giới riêng của mình như là một nơi chốn tôn nghiêm, mà ở đó, bên trong bốn bức tường của không gian thiêng thánh ấy, không có câu hỏi nào có thể bị cấm ngăn.

Nỗi âu lo bị giam hãm vào định kiến đôi lúc có thể thoái hoá thành một căn bệnh học thuật, một căn bệnh làm tê liệt óc tò mò, trong khi đáng ra phải bảo vệ đức tính ấy. Một người học tệ hại nhất xem chừng như chỉ là một kẻ không thể tự mình quyết định. Tất cả các phòng học, từ nơi chốn này cho đến tận Melbourne, nay vẫn còn âm vang những lời lẽ do dự, nhu nhược như thế này: “Có hai trường phái tư tưởng cho vấn đề này, và sự thật có thể nằm ở giữa hai trường phái ấy”. Khi các bạn nghe lời lẽ trên được lặp lại, hoặc khi các bạn bị cám dỗ lặp lại lời lẽ đó, hãy nhớ rằng chân lý có thể nằm ở điểm trung dung giữa hai thái cực, nhưng chắc chắn nó không nằm ở giữa cái đúng và cái sai. Đừng làm gián đoạn sự tò mò bằng cách làm ra vẻ mình đã khám phá ra câu trả lời, trong khi các bạn chỉ mới tạo ra một danh sách gọn gàng các giải pháp tạm chấp nhận.

Sự cung hiến cho óc tò mò không nên kết thúc trong nỗi do dự. Nó nên là, trên thực tế, sự tự nguyện để cho tâm trí dấn sâu vào các quyết định khó khăn.
Đối với người học, một đặc tính thứ hai có vẻ như không liên quan gì đến đặc tính thứ nhất, nhưng lại gắn bó một cách mật thiết với nó. Đó là sự thúc bách thông tri. Người học bị chi phối bởi một thế lực mạnh mẽ không kém tính tò mò, và thế lực ấy buộc anh ta phải kể lại cho mọi người nghe những gì anh ta đã học được. Anh ta không thể thảnh thơi ngừng nghỉ với những điều đã học: anh ta phải nói về chúng. Tinh thần học hỏi khởi đầu bằng tính tò mò, nhưng kết thúc bằng sự thông tri. Dẫu người học có thể lẩn tránh xã hội trong các bờ tường của viện đại học, nhưng họ phải nhận lãnh trách nhiệm đối với xã hội, trách nhiệm thông đạt một cách tự do và trọn vẹn những gì mà họ đã khám phá được bên trong khuôn viên đền thiêng của họ.

Truy tìm chân lý không cần một lý lẽ biện minh, và khi một người nghĩ rằng mình đã khám phá sự thật, anh ta không thể và cũng không phải im lặng. Con người lắm lúc không muốn nghe, nhưng người học lúc nào cũng phải nói, cho đến khi nào mục đích thông tri thành tựu.

Với học giả, chỉ có hai phương pháp thông tri – viết và nói. Vị học giả xuất bản các phát kiến của mình thông qua sách báo và thuyết giảng về chúng trong lớp học. Có lúc một trong hai phương pháp sẽ làm hài lòng ông ta, nhưng hầu hết tất cả chúng ta đều cần đến cả hai. Vị học giả chỉ viết sách thường rơi vào thói quen chỉ có thể nói cho các nhà chuyên môn nghe. Nếu làm việc với đề tài đồ sộ, ông ta sẽ đạt tới một địa vị mà không ai có thể có đủ kiến thức chuyên môn để hiểu ông ta; thế là ông ta viết cho chính mình. Trong khi đó, nếu vị học giả ấy không viết lách gì cả, ông ta có thể trở nên say sưa với giọng nói của mình, đến nỗi sẽ thôi làm học giả để trở thành diễn giả.

Sự thông tri không chỉ là ước vọng và trách nhiệm của học giả; đó là lề luật của chính ông, là một khu vực thử nghiệm để khảo nghiệm những khám phá của mình trước các ý kiến phê bình. Không có thông tri, cuộc truy tìm chân lý sẽ biến thành hành động kỳ quặc, khó coi. Học giả cần dành nhiều thời gian trong thư viện và phòng thí nghiệm để tìm kiếm đáp án cho các vấn đề nghiên cứu. Nhưng ông ta cũng nhất thiết phải liên tục cọ xát với các ý kiến khác. Ông ta cần phải được kiểm chứng, thăm dò và giám sát. Ông ta cần phải sẵn sàng để giải thích thoả đáng. Chỉ khi nào ông ta đã chứng tỏ được mình, chỉ khi nào ông ta đã thông tri được tư tưởng của mình, khi đó ông ta mới có thể cả quyết rằng mình đã suy tư tường tận.

Học giả, nói cách khác, cần có người đồng hành để thấy mình có ý nghĩa. Và đặc biệt, ông ta cần người đồng hành có một tâm trí thanh khiết, những người mà ông ta phải diễn giảng mọi điều ngay từ lúc khởi đầu. Ông cần người thách thức mình trong từng bước đi, những không thừa nhận bất cứ điều gì vĩnh viễn là chân lý. Nói một cách ngắn gọn, ông ta cần các bạn.

Khi đặt chân đến đây, các bạn có thể ôm ấp những mục đích khác nhau và các bạn có thể thực hiện các điều ấy: các bạn có thể chơi túc cầu, quần vợt; các bạn có thể hát ca, diễn kịch và tham gia các hoạt động giải trí cuối tuần. Nhưng điều mà nhà trường trông đợi nơi các bạn là bốn năm chuyên cần học tập. Trong bốn năm ấy, chúng tôi mong muốn các bạn cùng tham gia hành trình truy tìm chân lý, và chúng tôi sẽ đòi hỏi ở các bạn những gì mà chúng tôi đòi hỏi cho chính bản thân mình, đó là: tính tò mò và sự thông tri.

Tò mò, tất nhiên, không là điều mà các bạn sẽ đạt được chỉ bằng cách ước muốn. Nó có đặc tính lây lan một cách đáng kinh ngạc. Tính tò mò mà chúng tôi mong đợi phải lớn hơn mối quan tâm thi cử. Chúng tôi sẽ không thoả mãn trước các câu hỏi sáng sủa và sự tiếp nhận các thông tin dễ hiểu của các bạn. Tiến trình thụ nhận thông tin chỉ là phần cần thiết của việc học hỏi, và bất hạnh thay, phần cần thiết này hầu như sẽ được trắc nghiệm trong các kỳ thi, đặc biệt là những bài thi khó khăn có danh xưng là “trắc nghiệm khách quan”, nơi mà sự thật luôn nằm trong các ô chọn lựa A, B, C, D hoặc E, nhưng không bao giờ vươn tới X, Y, hoặc Z. Tính tò mò mà chúng tôi mong mỏi nơi các bạn không thể được thoả mãn bằng cách vượt qua các kỳ thi, hay bằng cách ghi nhớ các câu trả lời và câu hỏi của người khác. Chúng tôi không muốn đặt các bạn vào khoá học rèn luyện trí tuệ.

Chúng tôi chỉ muốn các bạn không được ưng thuận với bất cứ điều gì ngoài toàn bộ sự thật về đề tài khiến bạn quan tâm.

Điều này có nghĩa là chúng tôi muốn các bạn mãi mãi không hài lòng với sự hiểu biết ít ỏi của chúng ta. Chúng tôi muốn các bạn dồn chúng tôi vào chân tường, vạch mặt và buộc chúng tôi phải thú nhận rằng chúng tôi không biết. Điều này nghe ra có ghê gớm lắm không? Xin thưa: Không. Chúng tôi có thể nói với các bạn về điều chúng tôi biết bằng một sự cả quyết, nhưng hãy xô ngã chúng tôi và các bạn sẽ khám phá nhiều lỗ hổng.

Hãy để tâm trí của các bạn len lỏi vào mọi ngóc ngách của những lỗ hổng ấy. Hãy để tính tò mò dẫn dắt tâm trí các bạn. Các bạn sẽ không đạt được toàn bộ sự thật, không phải về các hạt proton, không phải về bố cục của một bài thơ, thậm chí cũng không phải về đồng xu La Mã. Không ai đạt được cả. Nhưng nếu bạn học được bất cứ điều gì, thì chính điều ấy sẽ làm đổi thay tâm hồn bạn, và hy vọng cũng sẽ đổi thay cả tâm hồn chúng tôi. Dấu hiệu để cả các bạn lẫn chúng tôi thấy rằng chúng ta đã để hoài phí bốn năm ròng rã là mai đây, sau khi rời khỏi chốn này, các bạn vẫn nghĩ suy giống như bây giờ, hoặc giống như chúng tôi bây giờ.

Khi đó, chúng tôi mong muốn các bạn sẽ lại tò mò để truy tìm chân lý. Chúng tôi cũng trông đợi các bạn truyền đạt bất cứ sự thật nào mà các bạn khám phá được và sẽ thực hiện điều đó bằng cả hai phương pháp viết và nói. Nhiều người ngỡ rằng khi họ bập bẹ phát biểu về điều gì, có nghĩa là họ đã biết tỏ tường về điều đó. Họ đã lầm. Hoàn toàn không có việc bạn đã suy nghĩ thật cặn kẽ, mà lại không thể tự diễn đạt một cách rõ ràng, đặc biệt bằng cách viết. Viết không chỉ đơn giản là một cách thức thông tri; nó còn là một phượng tiện suy tư. Cho đến giờ, chắc là các bạn đã thụ nhận được một kỹ năng viết lách nào đó rồi. Nhưng thậm chí nếu đã có được điều đó, các bạn vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi thêm về kỹ năng ấy. Và nếu bạn không biết thêm gì về kỹ năng ấy trong vòng bốn năm sắp tới, thì một lần nữa, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy chúng tôi đã thất bại trong trách vụ của mình, trách vụ làm cho bạn có thể thông tri một cách rõ ràng.

Thông tri là một tiến trình hai chiều, và đại học là nơi chốn dành cho mọi người đến học hỏi, là nơi mà câu hỏi được hỏi và lời đáp được thông tri – lời đáp của các bạn hướng đến chúng tôi, và của chúng tôi hướng đến các bạn. Sau khi kết thúc bốn năm, đa số các bạn sẽ rời khỏi Yale, nhưng nếu nơi chốn này thực sự là một nơi chốn của sự thành tựu, nếu chúng ta thực sự có được sự thông tri lẫn nhau, tôi tin rằng các bạn, trong một ý nghĩa nào đó, sẽ là những người học tiếp tục đặt câu hỏi mới, tìm kiếm lời đáp mới, và truyền đạt chúng đến với mọi người.

Edmund S. Morgan
Cao Hùng Lynh dịch
----------------------------------
Bản tiếng Việt © 2007 talawas

Nguồn: Trích từ Saturaday Review, số ra ngày 23 tháng 1 năm 1960. Nguyên bản: The World of Ideas, Essays for Study do Micheal W. Alssid và William Kenny biên soạn

IPL và chuyện khổ học không vì bằng cấp

37 bạn trẻ xuất sắc nhất đã vượt qua hàng ngàn ứng viên, vừa trúng tuyển vào Chương trình Hạt giống Lãnh đạo IPL - một môi trường phải khổ học nhưng không bằng cấp hiếm hoi ở Việt Nam.

Những người muốn "đi ngược" dòng chảy

Phải kiên nhẫn vượt qua 5 vòng thi kéo dài suốt 8 tháng, 37 bạn trẻ khao khát trở thành doanh nhân thành đạt trong tương lai, nhưng theo một cách không thông thường: muốn được học cho ra học đúng nghĩa và có lý tưởng sống “vì người là cách vì mình khôn ngoan nhất”.

37 hạt giống của thế hệ IPL 2 đọc lời tuyên thệ trong lễ khai giảng.
Nguyễn Hoàng Khang, người vừa trúng tuyển vào khóa học IPL2, kể về kỳ thi tuyển ấn tượng nhất của đời mình: “Điều tôi ngạc nhiên là vòng thi phỏng vấn với các nhà sáng lập IPL. Trước những câu hỏi của Hội đồng tuyển sinh, tôi đã tưởng mình trượt, vì về kiến thức, tôi còn thua nhiều người khác. Về sau tôi mới biết, Hội đồng tuyển sinh hỏi để nhìn ra tố chất của tôi chứ không kiểm tra kiến thức, điều này hoàn toàn khác với tất cả những cuộc thi mà tôi từng tham dự”.
Khang đã thuyết phục được hội đồng sáng lập IPL khi thể hiện mơ ước của mình là xây dựng được một công ty hàng đầu Việt Nam mang thương hiệu Việt về kết nối vận tải. Giải thích về công ty hiện Khang đang làm chủ (Sàn giao dịch thông tin vận tải-hàng hóa và kho bãi), bạn cho biết, hiện có khoảng 40% xe tải chở hàng khi quay về là xe không, làm lãng phí gần 5.000 tỉ đồng mỗi năm. Nếu như Khang có thể kết nối nhu cầu của tất cả mọi người, lượt về của những chuyến xe này có thể tiếp tục chở hàng thì sẽ bớt lãng phí cho xã hội rất nhiều.

Khát vọng quá lớn, trong khi những đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực của mình đến từ các nước như Philipin và Malaysia lại quá mạnh, Hoàng Khang đã quyết định đi tìm con đường mà cậu có thể học hỏi thực sự và tin tưởng để hoàn thành mơ ước của mình: xây dựng được một thương hiệu Việt.
Một cảnh trong chương trình “Ánh sáng của những ước mơ” tại Lễ khai giảng do đạo diễn Đinh Anh Dũng dàn dựng.
Nhiều học viên rất ngỡ ngàng khi thấy một thành viên được lọt vào môi trường học để làm doanh nhân IPL là một giảng viên dạy piano của Nhạc viện TP.HCM. Trương Thanh Ái Nguyên bị ban giám khảo "quay" rất nhiều khi cô thể hiện mong ước của mình là muốn đem tinh hoa âm nhạc đến với đông đảo mọi người hơn. "Nếu em muốn chơi đàn giỏi thì em cứ tiếp tục học đàn, em chọn IPL làm gì?", Nguyên trả lời: “Nếu chỉ một mình em có cơ hội chơi đàn thì chỉ là "tự sướng" với mình, em mong muốn có một môi trường để học hỏi, gặp được những người đồng chí hướng để tạo cơ hội cho nhiều người được chơi đàn như em”.

Nguyên nói, động lực để bạn muốn trở thành doanh nhân đến từ những buổi dạy đàn thêm cho người lớn. Nguyên rất cảm động khi nhìn những người đã ở độ tuổi rất khó học đàn, cặm cụi với từng nốt nhạc, khao khát được học một loại nhạc cụ hiện còn là "xa xỉ" ở Việt Nam. Trong khi đó, ở nước ngoài, việc học đàn piano, học nhạc từ bé là một điều rất bình thường. Vì lẽ đó, Nguyên hướng tới một dự án âm nhạc sau này để nhiều người, thậm chí trẻ em nghèo có thể tham gia.

“Cái gì thực thì sẽ đẹp”

Nói với những học viên tại Lễ khai giảng IPL khóa 2 tại Nhà hát lớn TP.HCM tối 28/6/2011, chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung, Chủ nhiệm Chuyên môn Chương trình IPL, chia sẻ: "Gần đây, các tờ báo lớn đã đưa tin, một cái bằng thạc sĩ chỉ có giá 18 triệu đồng, đặt cọc 2 triệu và trong 4 ngày sẽ có bằng, bao luôn bảng điểm và công chứng. Rồi 11 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã thỏa thuận với nhau để cho điểm vô tư trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua… Trong một bối cảnh như vậy, giá trị thực học đôi khi có cảm giác chỉ là một khẩu hiệu và khó trở thành hiện thực. Tuy nhiên, kể từ ngày khai giảng khóa IPL đầu tiên tới giờ, chúng tôi thấy rằng các bạn học rất vất vả, rất tốn kém, dài lâu (mỗi khóa kéo dài 06 năm) mà rút cục không có tấm bằng nào cả."

“Có thể nói rằng, sự tồn tại và trưởng thành của IPL đến ngày hôm nay là một minh chứng sống động, khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả và bền vững của “cú bắt tay” lịch sử giữa các trí thức tiêu biểu, các doanh nhân tâm huyết, Trường Doanh Nhân PACE và các bạn trẻ ưu tú” - Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, Thành viên Hội đồng Sáng lập IPL, phát biểu tại Lễ Khai giảng IPL Khóa 2.


"Sự học của các bạn trẻ ở IPL là một minh chứng sống động rằng, bằng cấp cũng quan trọng, nhưng có một thứ còn quan trọng hơn mọi thứ bằng cấp trên đời, đó là học làm sao cho ra một con người và làm làm sao cho ra một sự nghiệp để đóng góp cho đời một giá trị. Chỉ có thực học mới có năng lực thực, chỉ có năng lực thực mới có thể làm thực, chỉ có làm thực mới tạo ra giá trị thực, chỉ có tạo ra giá trị thực mới có thể sống thực. Tất cả, đều bắt đầu từ thực học. Đến học mà còn giả dối nữa thì trên đời này sẽ không có gì là thực."

Vẫn cần phải có thêm thời gian để các bạn trẻ học IPL chứng tỏ thực học là con đường tốt nhất để thành công. Đây là con đường không dễ dàng, nhưng với cộng đồng IPL, việc những doanh nhân, những trí thức lớn làm cho giới trẻ tin rằng, có một con đường lập nghiệp trước hết vì người khác rồi mới vì lợi ích của chính mình quan trọng hơn nhiều. Con đường làm giàu chỉ chăm chăm có lợi cho mình mà quên đi lợi ích của người khác, thậm chí làm phương hại đến xã hội, cách mà không ít doanh nghiệp đang theo đuổi, là con đường dễ làm nhất nhưng không để lại kết cục tốt đẹp cuối cùng.

Lời nhắn gửi của tiến sĩ Vũ Minh Khương từ Singapore.
Trần Duy Công, học viên IPL khóa 1 cho biết, 9 tháng đào tạo đã cho bạn một sự tự tin, một cơ sở nhận thức và phân tích vấn đề thấu đáo trong cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn hết là hình thành một tư tưởng trở thành một doanh nhân có mục tiêu rõ ràng là “kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội”. Hiện Công đang làm việc ở công ty sách và nỗ lực đưa đến những cuốn sách đem lại giá trị nhân văn hơn là những sách đáp ứng thị hiếu tầm thường. Giữa nhiều dòng chảy hỗn loạn của thị trường sách vì lợi nhuận trước mắt, Công nói, điều khó nhất là làm cách nào để bảo vệ các giá trị của bản thân mà mình cho là đúng.

Chương trình Hạt giống Lãnh đạo IPL là một dự án giáo dục không vì mục tiêu lợi nhuận, do các doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam và một số trí thức tâm huyết, cùng Trường Doanh Nhân PACE phối hợp sáng lập và triển khai thực hiện. Khóa 1 IPL khai giảng vào năm 2009 với 36 học viên được lựa chọn và nhận được học bổng toàn phần trị giá 150 triệu đồng/mỗi học viên. Tuy nhiên, với khóa IPL thứ hai, 37 học viên chỉ nhận được 50% học bổng và buộc các bạn phải học tập hết mình để nhận 50% học bổng còn lại trao cho những học viên xuất sắc nhất vào cuối khóa. Những học viên khó khăn về tài chính cũng được chương trình tạo điều kiện để không bỏ lỡ cơ hội học tập của chính mình, cụ thể là sẽ được chương trình hỗ trợ làm việc với ngân hàng để được vay vốn hỗ trợ học tập với một cơ chế cho vay ưu đãi.



Hương Giang
Nguồn: VietNamNet

"Không ngừng tìm kiếm!" ;)

Bài nì tớ tham gia dự thi "Phía trước là bầu trời" (http://forum.ipl.edu.vn/showthread.php?t=5327), đem lên đây chia sẻ cùng cả nhà ^^

------------------------------


Nếu bạn hỏi, ước mơ của tớ là gì, tớ có thể nói say sưa 1 ngày (nếu bạn đủ sức nghe) bởi vì tớ là người tham lam lắm, ước mơ của tớ to nhỏ, lớn bé, xa gần, sự nghiệp, yêu đương gì cũng có cả ^^. Hôm nay tớ sẽ viết, một góc nhỏ thôi trong cái kho tàng những ước mơ đó của tớ - tài sản quý giá của một cô bé hay mơ mộng và hát ca "Em có một ước ao, em có một khát khao"...


Cái hồi còn là học sinh cấp 3:


Tớ trăn trở giữa những ước mơ: trở thành một cô giáo dạy Hóa (vì tớ rất thích chia sẻ với những người khác và yêu môn Hóa), trở thành một dược sĩ (vì tớ sẽ có thể bán thuốc giá tốt hơn cho những người khó khăn, tớ sẽ trang bị một tủ thuốc vĩ đại cho nhà mình để không còn ai phải lo bệnh tật nữa hết), trở thành một nhà văn (vì tớ thích viết & lắng nghe hơi thở của cuộc sống), trở thành một người giàu có (vì tớ nghĩ khi tớ giàu thì sẽ giúp được nhiều người lắm í, rồi còn có thể làm từ thiện nữa),... Nói chung là búa xua ước mơ. Ước mơ nào cũng đẹp, cũng thích cả.


Đến một ngày đọc "Cha giàu cha nghèo", không hiểu sao nhớ mãi 1 cái câu trong cuốn sách đó, đại ý là để thành công trong tương lai, có 2 nghề cần phải biết là Quản trị kinh doanh và Marketing. Tớ thay đổi cái một suy nghĩ, hình thành cái quyết tâm phải chinh phục cho được 2 "bạn" nì. Quyết định sẽ phải thi và vào được khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Kinh tế HCM (vì tớ search được đây là khoa dạy về Quản trị kinh doanh đầu tiên của VN, nên tớ yên tâm hơn về giáo trình & giáo viên giảng dạy ^^). Dù gia đình phản đối nhưng tớ vẫn cắn răng cắn lợi giở trò "lừa đảo" để thi cho bằng được và đậu vào trường, vào khoa như mong muốn.


Cái hồi còn là Sinh viên:


Ngồi trên ghế giảng đường, học Quản trị kinh doanh lại tiếp tục đứng trước các lựa chọn sẽ đi chuyên sâu theo con đường nào: Marketing, Nhân sự, Kinh doanh, Tài chính hay Sản xuất. Theo Tài chính cũng thích (vì máu kinh doanh Tiền mờ). Theo Nhân sự cũng khoái (vì máu làm việc với con người). Theo Marketing cũng mê (vì thích các ý tưởng kết nối khách hàng đến sản phẩm),... Nói chung là tiếp tục rối.


Thời điểm đó cũng bắt tay làm 1 dự án khởi nghiệp về Giáo dục. Chạy một đoạn cho no nê rồi cuối cùng ngậm ngùi dừng lại vì phát hiện ra mình & đồng bọn chưa sẵn sàng cho nó. Hẹn ngày tái ngộ trong tương lai....


Cái hồi còn đi làm:


Đùng một phát, mới thực tập xong thì bị một đại ca "dụ dỗ" vào làm. Bắt đầu ở vị trí PR, viết lách và chăm sóc khách hàng. Sau đó tiến tới biên tập nội dung website, viết bài cho nội san. Rồi tiếp tục là đối ngoại, Marketing, sự kiện,... Thành ra vị trí nào cũng được thử sức và nắm bắt được cái công việc chính trong mảng đó là gì. Rốt cuộc trở thành 1 trợ lý không chính thức của Sếp. Nhưng quái một cái là vẫn chưa biết mình thật sự giỏi gì, thật sự muốn gì???


Tiếp tục thử sức ở công ty thứ hai, có liên quan đến Giáo dục - Một trường dạy nhảy và khiêu vũ. Sở dĩ lựa chọn điểm đến này là vì mình quan tâm đến cách vận hành của 1 trường học (giai đoạn đầu), cách dạy và triết lý giáo dục của nó. Tham gia ở vai trò vận hành chung, học hỏi được nhiều điều. Cũng từ đây dần dần tớ bắt đầu nhận ra những việc mình có thể làm tốt nhất và cái đam mê ngâm cứu con người cũng như niềm tin vĩ đại vào năng lực con người. Một ước mơ sâu thẳm nào đó lâu giờ ngủ yên bắt đầu lồm cồm thức dậy, cựa quậy mãi không yên - Giấc mơ làm giáo dục.


Cái hồi giờ:


Bỏ lại tất cả ở đằng sau: một công việc ổn định, một vị trí tốt, một nhịp sống nhẹ nhàng để bắt đầu dấn thân vào con đường cam go - Con đường khởi nghiệp. Con đường mà mới nghe xong đã không ít người can ngăn: "em chưa đủ kinh nghiệm", "em chưa đủ nguồn lực", "em chưa đủ mạnh mẽ để chịu đựng thất bại", "em còn nhiều thời gian mà không việc gì phải nôn nóng", "em là con gái, hãy chọn một con đường phù hợp hơn"... Vẫn quyết định làm và đang làm.


Giấc mơ Giáo dục ngày nào đã mở qua một trang mới và viết tiếp một cách nghiêm túc hơn. Đã rõ ràng hơn về điều mình mong muốn và cái lộ trình sẽ đi. Con đường "Khai phá bản thân" còn một lô lốc chông gai phía trước đó. Vẫn sẽ đi vì có một động lực mạnh mẽ từ giấc mơ đó thúc đẩy, nó không phải chỉ là sự cam kết với bản thân, với lời tuyên bố mà trên nữa đó là một thứ tình cảm mãnh liệt khiến mình yêu vô cùng những việc đang làm và tin tưởng vào hành trình đang đi.


Một đứa nhỏ loắt choắt và hay cười hihi, luôn đi ngược lại với mong muốn, kỳ vọng của gia đình từ lúc chọn trường để học, chọn công ty để làm, chọn con đường tương lai để tiếp tục đã khiến không ít người lo lắng và lo ngại. Giờ đây vẫn còn đó những áp lực, những khó khăn không thể gọi tên đang chực chờ. Ừ, nhưng con bé đó vẫn đang đi, dù đôi khi chỉ một mình nhưng không hề cảm thấy cô độc...


Hãy tiếp tục tìm kiếm: Tìm kiếm bản thân nếu chưa hiểu về chính mình; Tìm kiếm đam mê nếu vẫn còn trăn trở; Tìm kiếm ước mơ của mình nếu vẫn còn mơ hồ; Tìm kiếm con đường phù hợp cho mình giữa muôn vàn lựa chọn;... Có lẽ "không ngừng tìm kiếm" là sứ mệnh, chức năng thiêng liêng nhất của con người. Đó là cội nguồn của những sáng tạo, những đột phá cho thế giới tốt đẹp hơn hay đơn giản là hành trang để đi đến cùng với giấc mơ - giấc mơ của chính mình!

Tận cùng nỗi sợ hãi

Thông thường con người ta có nhiều nỗi sợ, có những nỗi sợ có tên và không tên. Theo kinh nghiệm và những gì đã trải qua thì mình nghĩ nỗi sợ đó đến từ những điều mình không biết và cũng chính vì vậy mà cảm giác không nắm bắt được đã làm mình sợ hãi.


Khi đứng chênh vênh trước 1 cái vực sâu, nhìn xuống sẽ xuất hiện một nỗi sợ. Có người gọi là sợ độ cao, có người gọi là sợ chết, nhưng chính xác là mình sợ bởi mình không biết được cái gì đang chờ mình ở dưới cái vực sâu thăm thẳm kia.


Khi đứng trước việc quyết định 1 vấn đề quan trọng, đối diện với nó cũng sẽ xuất hiện một nỗi sợ. Có người gọi là sợ không đủ nguồn lực, sợ không đủ căn cứ, sợ bị phản đối, sợ bị thất bại. Nhưng chính xác là mình sợ vì không biết cái quyết định đó có thật sự xuất phát từ bên trong con người mình không hay đang chịu ảnh hưởng của bên ngoài mà không hề hay biết.


Khi đứng trước 1 người mình yêu thương, họ ngay trong tầm tay, tầm mắt cũng thoáng thấy sợ hãi - mơ hồ nhưng chắc chắn tồn tại. Có người gọi là sợ mình sẽ không được thương yêu, sợ sẽ bị cho ra rìa, sợ rồi đây họ sẽ quên mình, hay họ sẽ bỏ rơi mình. Nhưng điều mình sợ là cái giây phút được thấy họ, được cảm thấy sự tồn tại của họ, được nhìn ánh mắt, nụ cười, lắng nghe tiếng nói của họ,... sẽ sớm chấm dứt đâu đây.


Khi đứng trước 1 con người, cũng sẽ có một nỗi sợ. Có người gọi là sợ nhìn sai người, sợ "bị dụ", sợ đặt niềm tin sai chỗ, sợ bị phản bội. Nhưng điều mình sợ là mình không đủ chân thành, tin tưởng và bao dung dành cho con người đó để hiểu họ, cảm thông cho họ và chấp nhận con người họ như họ vốn có, sợ sẽ làm họ tổn thương.



Những nỗi sợ làm chính ta tự bó hẹp mình trong những rào cản, làm ta không dám yêu thương và mở lòng... Những nỗi sợ làm ta không được sống hết & sống đúng với chính mình... Những nỗi sợ giam hãm ta trong cái mong muốn ích kỷ.


Một ngọn lửa có thể dễ dàng được phát hiện và bị dập tắt nhưng những tàn tro thì sẽ còn mãi âm ỉ âm thầm. Mỗi người sẽ chôn giấu mãi những nỗi sợ hãi cho riêng mình và đối diện cuộc đời, con người với những câu hỏi không tìm ra lời giải đáp...

Chỉ là gỗ mọc lên vào mùa hè...

Nhấc bút định viết về mùa hè của thiếu nhi, tự nhiên trong đầu tôi vang lên câu "Chỉ là gỗ mọc lên vào mùa hè", tên một tác phẩm của nữ văn sĩ người Romania gốc Đức đoạt giải Nobel văn chương năm ngoái, mặc dù tôi chẳng nhớ nổi nội dung của tác phẩm.

Nhưng đúng là, những thân cây mọc lên vào mùa hè mới nhanh làm sao !

Những đứa trẻ của chúng ta, ở thành phố, miền núi hay nông thôn, cũng lớn thật nhanh vào mùa hè. Qua một mùa hè nóng nực, đứa trẻ đến trường cao hẳn lên, khiến người lớn xuýt xoa : "Cha, thằng nhỏ nhổ giò !", "Trời, lớn như thổi !". Đôi khi có cảm giác, các mùa khác trong năm, chúng không lớn nhanh và nhiều như thế. Cũng như những thân cây.

Mùa hè đến rồi. Lũ trẻ được giải phóng đôi chút khỏi những bộn bề bài vở, và chúng bắt đầu lớn.

Lớn bằng những trò chơi. Lớn bằng sự gần gụi với thiên nhiên. Lớn bằng cảm giác mình đang lớn mà không bị bất kỳ điều gì gò ép, kéo chậm lại sự lớn ấy.

Nhưng đó là tuổi thơ của chúng tôi ngày xưa. Chúng tôi đi sinh hoạt hè, dậy cùng tiếng còi buổi sớm, và lao xao chạy đuổi nhau ngoài sân của khu tập thể mỗi đêm. Chúng tôi được bố mẹ cho về quê, đôi khi cả tháng trời, tha hồ bắt cào cào châu chấu, đánh bạn với nhái bén ễnh ương... Những bước chạy sải rộng, những cái nhìn dài, xa đến tận chân trời, những bàn tay dang ra phóng khoáng ôm lấy nhiều điều thú vị của thiên nhiên...

Bây giờ, con của tôi đang bước vào những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè. Bước chân nó loanh quanh trong gian phòng chúng tôi dành riêng cho nó, ánh mắt nó bị cái màn hình tivi phẳng giới hạn, bàn tay nó hết lắp trò chơi Lego lại đặt ngay ngắn một cách buồn chán lên mặt bàn hèm hẹp và ngày mỗi ngày càng thêm chật chội. Thốt nhiên tôi thấy sợ hãi. Thân cây gỗ với đầy những giới hạn trói chặt như thế, liệu có lớn được lên không ?

Một người bạn tôi chuẩn bị cho mùa hè thật chu đáo. Cô ấy đăng ký cho con 3 lớp học hè : tiếng Việt, Toán và tiếng Anh. Rồi học nhạc và tham gia câu lạc bộ vẽ. Lại mua về một bộ phim trẻ con mới, nhiều tập, của Trung Quốc. Thở phào : "Thế là con bé nhà mình yên tâm hưởng mùa hè rồi ! Con nghỉ hè, bố mẹ khổ, trông thì không trông được, chả lẽ bỏ việc để chăm con ! Vạ vật mãi ở nhà bà nội bà ngoại, cũng chỉ chúi đầu vào tivi thôi.".

- Không cho về quê à ? - Không, về quê thì nó học hè làm sao ? - Cho đi công viên ? - Công viên thành phố, bụi trắng những tán lá, có cả chuột chạy ríu rít dưới đất, trên cây. Cỏ thì trụi, lại lổn nhổn kim tiêm ! - Không cho đi biển, đi dã ngoại ư ? - Có, thì cũng phải đợi bố mẹ xin nghỉ phép đã chứ, có phải muốn là đi ngay được đâu !

Đúng vậy. Không phải cứ muốn là được ! Cuộc đời này đầy những ràng buộc và giới hạn ! Kể cả những giới hạn dành cho một đứa trẻ con.

Tôi mới nhớ, chiều qua, tôi cùng con trai đứng bên cửa sổ, cái khung chật hẹp đánh dấu "lãnh thổ" riêng của chúng tôi, những cư dân của cái thành phố đầy ắp người chen chúc trong những dòng chảy trên đường, nơi mỗi ngày có tới hàng trăm biên bản vi phạm luật giao thông được ký. Giữa tiếng còi xe hắt từ dưới đường lên, con trai tôi hốt hoảng nhận ra có thứ tiếng gì rất lạ, khi thì rộ lên ồn ĩ rồi im, khi lại âm âm dai dẳng thành một bản hợp ca ám ảnh tâm trí người. Tôi bảo nó, đó là tiếng ve. Lạ thật, sao tôi chưa bao giờ bày cho con lắng nghe cái thứ tiếng thân thuộc ấy của mùa hè nhỉ ?

Ôi những thân cây gỗ của chúng tôi, chúng đòi lớn mà không có không gian mùa hè để lớn, cho dù chúng được tưới bón no đủ và hết mực được yêu thương !

Thụy Anh

Nguồn:Giáo dục hiện đại

Văn hóa xấu hổ và văn hóa tội lỗi

Văn hóa tội lỗi được cho là thông dụng ở các nước phương tây trong khi văn hóa xấu hổ được coi là ngự trị ở các nước phương đông.

Sự khác biệt của hai nhóm văn hóa

Nhận thức về trách nhiệm và điều sai trái sẽ không giống nhau giữa các nền văn hóa, thậm chí cũng khác nhau với từng nhóm người với mức độ nhận thức khác nhau trong cùng hệ văn hóa.

Các nhà nghiên cứu đã chia văn hóa làm hai nhóm khác biệt:Shame culture (văn hóa cảm nhận xấu hổ hay gọi tắt là văn hóa xấu hổ, đôi khi còn gọi là honour-shame culture: Văn hóa cảm nhận về vinh dự-xấu hổ) và guilt culture (văn hóa cảm nhận tội lỗi hay gọi là văn hóa tội lỗi).

Xấu hổ là cảm giác "tôi thật xấu xa". Tội lỗi là cảm giác "tôi đã làm một việc xấu". Cảm giác xấu hổ là để chỉ tôi là ai trong khi cảm giác tội lỗi để chỉ việc tôi đã làm gì.

Có thể nói người tiên phong cho các khái niệm văn hóa này là nhà nhân chủng học về văn hóa, Ruth Benedict, người Mỹ. Bà đưa ra phân định này trong nghiên cứu của mình về nước Nhật trong Thế chíến thứ II (bài viết được xuất bản năm 1946).

Có thể tóm tắt như sau:

Guilt-culture (VH tội lỗi)

Nếu mọi người tin rằng:

Còn tôi tin rằng:

Tôi không làm điều đó

Tôi làm điều đó

Tôi không làm điều đó

Không sao

Tôi sẽ bảo vệ mình

Tôi làm điều đó

Tôi cảm thấy có tội dù thế nào

Tôi cảm thấy có tội và sẽ bị trừng phạt

Shame-culture (VH xấu hổ)

Nếu mọi người tin rằng:

Còn tôi tin rằng:

Tôi không làm điều đó

Tôi làm điều đó

Tôi không làm điều đó

Không sao

Tôi thấy xấu hổ và bị coi khinh (bởi mọi người tin là tôi có tội)

Tôi làm điều đó

Chẳng ai biết nên tôi không xấu hổ

Tôi cảm thấy có tội và sẽ bị trừng phạt

Từ niềm tin của cả cá nhân lẫn cộng đồng đối với những khái niệm liên quan đến tội lỗi, mỗi nền văn hóa có những định nghĩa có thể không giống nhau về những điều sai trái.

Người ta qui kết dạng văn hóa nào là dựa trên phản ứng hay hành xử của cá nhân đối với ý kiến của cộng đồng. Thực ra, trong cả hai dạng văn hóa, cá nhân ứng xử tương tự nếu có sự thống nhất trong đánh giá của cả hai phía, cá nhân và cộng đồng.

Sự khác biệt cơ bản sẽ là: Cá nhân trong mỗi dạng văn hóa sẽ hành xử khác khi đánh giá của cộng đồng khác với đánh giá của chính cá nhân đó. Đó là trường hợp cá nhân tin mình không có lỗi trong khi cộng đồng tin là có và ngược lại.

Người thuộc văn hóa tội lỗi sẽ phản bác (thậm chí rất mãnh liệt) khi bị oan và cảm thấy tội lỗi cả khi không ai biết tội của họ. Với họ, động lực ưu tiên là nội lực, là nhận thức của chính họ. Nhận thức bên ngòai không quan trọng. Họ coi trọng thực tế hơn cái biểu hiện bên ngòai.

Với người thuộc văn hóa xấu hổ họ sẽ xấu hổ cả khi bị oan và không xấu hổ khi người khác không biết lỗi của họ. Với họ, lỗi thực không phải cái để suy nghĩ. Họ coi trọng thể hiện bên ngòai hơn thực tế.

Văn hóa tội lỗi nhấn mạnh vào trách nhiệm cá nhân, không ảnh hưởng bởi định kiến của xã hội hay những điều đã được xã hội phê duỵệt. Văn hóa tội lỗi liên quan đến sự thật, pháp lý và bảo tồn quyền cá nhân.

Ảnh minh họa

Cá nhân và cộng đồng trong sự phát triển văn hóa

Nó cũng cho thấy sự phán xét bên trong của cá nhân mới đóng vai trò quan trọng trong hành xử. Do vậy dạng văn hóa này thích hợp với xã hội đề cao tự do cá nhân (individualistic society). Cảm giác tội lỗi sẽ giữ con người khỏi những việc làm sai trái. Tuy nhiên nó cũng nguy hiểm khi người ta nhận thức sai.

Trong nền văn hóa xấu hổ, các tập tục xã hội phát triển xung quanh các ý niệm liên quan mật thiết đến nhận dạng về cộng đồng. Dạng văn hóa này thích hợp với xã hội đề cao cộng đồng (collective society). Trong văn hóa xấu hổ, cái mọi người tin (hay nghĩ) quan trọng hơn.

Cá nhân thường đặt tiêu chuẩn sống cho mình dựa vào khát khao được tôn trọng hoặc tránh bị xấu hổ lên trên mọi thứ. Những động cơ này làm người ta buộc phải sống tốt theo mong đợi của xung quanh nhưng cũng dễ làm người ta liên quan đến những việc sai trái có thể che giấu được.

Về mặt tâm lý, người phương tây cho rằng cảm giác tội lỗi được coi là cảm xúc "cao cấp" hơn cảm giác xấu hổ. Xấu hổ hay tội lỗi đều là cảm giác tinh thần về trách nhiệm cá nhân, nhưng cảm giác tội lỗi diễn tả trách nhiệm theo chủ quan và vì vậy khuyến khích sự thay đổi nhân cách một cách tích cực.

Cảm giác xấu hổ lành mạnh có thể kích thích động cơ tốt nhưng vẫn bao hàm trách nhiệm ép buộc (mang tính khách quan) và ức chế thay đổi tích cực. Cảm giác xấu hổ hay cảm giác bị coi thường có thể dẫn đến sự hối cải nhưng cũng có thể dẫn đến tính trơ cứng.

Có ý kiến cho rằng khi phương tây di chuyển từ văn hóa xấu hổ sang văn hóa tội lỗi, sự hiện đại hóa được tạo ra. Bởi vì khi cảm giác tội lỗi trở thành động lực chủ yếu của một nền văn hóa thì nền văn hóa ấy sẽ thành công hơn trong việc xây dựng các nền tảng hợp lý, là tiền thân cho phát triển.

Xã hội với văn hóa xấu hổ là xã hội hướng đạo con trẻ bằng cách tạo tâm lý xấu hổ và mối đe dọa bị tẩy chay. Đồng thời điều hành người lớn cũng bằng tâm lý đó. Xã hội với văn hóa tội lỗi được điều hành bằng cách tạo ra và duy trì cảm giác tội lỗi đối với hành vi mà cá nhân tin là không được xã hội phê duyệt và chắc chắn bị lên án (dẫn đến việc trước sau cũng sẽ bị trừng phạt).

Có ý kiến cho rằng khi phương tây di chuyển từ văn hóa xấu hổ sang văn hóa tội lỗi, sự hiện đại hóa được tạo ra. Bởi vì khi cảm giác tội lỗi trở thành động lực chủ yếu của một nền văn hóa thì nền văn hóa ấy sẽ thành công hơn trong việc xây dựng các nền tảng hợp lý, là tiền thân cho phát triển.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thực chất quá trình cảm nhận này thể hiện lòng tin (tin điều này là đúng, điều kia là sai) hơn là kiến thức. Cho nên không có dạng văn hóa nào là hòan hảo, cũng không có dạng nào là xa lạ với mỗi con người.

Khái niệm về mắc lỗi và sự công bằng được hiện diện trong cả hai lọai văn hóa, chỉ có chúng được vận hành theo những luật lệ khác nhau. Hai dạng văn hóa này thực sự cùng tồn tại trong một xã hội, chỉ có mức độ ảnh hưởng là khác nhau. Thậm chí trong mỗi con người cũng có thể tồn tại cả hai dạng văn hóa đó.

Văn hóa tội lỗi được cho là thông dụng ở các nước phương tây trong khi văn hóa xấu hổ được coi là ngự trị ở các nước phương đông. Người ta cũng giả định rằng các dân tộc mang tôn giáo Do thái và Thiên chúa thuộc về văn hóa tội lỗi. Còn các dân tộc Hồi giáo và phương đông thuộc văn hóa xấu hổ. Như phân tích ở trên, các giả định này chỉ mang tính tương đối.

Kết luận của nhà nhân chủng học Ruth Benedict về xã hội Nhật với văn hóa xấu hổ đặc trưng đã bị nhiều học giả Nhật ngày nay phản đối và bác bỏ. Nhưng những khái niệm về hai dạng văn hóa trên rất có ích trong phân tích hành vi của cá nhân và cộng đồng liên quan đến nghiên cứu về văn hóa.

Châu Sa

Nguồn: TuanVietNam