Hiểu rõ bản thân: Không đơn giản

“Hãy phác thảo tính cách, con người của bạn”. Đây là bài tập về nhà dành cho sinh viên Khoa Quản trị du lịch của một trường ĐH. Kết quả khiến nhiều người giật mình, có không ít SV đang rất lơ mơ về bản thân.

Tôi là ai?

Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản, rất dễ trả lời, nhưng có nhiều bạn đã lúng túng khi “định vị” mình. Dưới đây là những đoạn trích “tự bạch” của một số bạn SV.

“Tôi luôn sống trong sự bảo bọc, chăm sóc quá kỹ của gia đình. Tôi chẳng bao giờ phải bận lòng lớn lên tôi sẽ làm gì? Từ khi tôi còn bé, ba đã thường xuyên thủ thỉ với tôi: “Con lớn nhanh để tiếp quản công ty của gia đình”. Và tôi cũng không bao giờ phải nghĩ tới việc làm thêm, kiếm tiền như các bạn đồng trang lứa, vì ba mẹ tôi luôn khẳng định: “Ba mẹ vất vả làm việc, kiếm tiền tất cả là để lo cho con”. Cứ thế, cuộc đời, tương lai của tôi dường như đã được ba mẹ “lập trình”. Sáng tôi cắp cặp đi học, chiều về là xem như hoàn thành nhiệm vụ. 20 tuổi, tôi thấy mình vẫn như một đứa trẻ, hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, không tự lập, không ước mơ, không biết mình giỏi, dở cái gì…?”.

“Tôi muốn học giỏi, nhưng lại lười. Chỉ đến khi ba mẹ nhắc nhở, thúc ép, giám sát thì tôi mới chịu tập trung học. Tôi rất muốn tham gia các hoạt động tình nguyện, nhưng nếu không có ai rủ rê thì tôi nằm ỳ ở nhà chơi game hay ngồi quán cà phê. Tôi muốn đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp sau này, nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu và nếu không có người cầm tay chỉ việc, có lẽ tôi sẽ không làm được. Vì vậy, tôi cũng không biết sau này mình sẽ làm gì, phù hợp với công việc nào và tương lai ra sao”.

“Tôi thấy mình giống một con sâu. Một con sâu chỉ biết phá hoại, làm cho gia đình buồn, chứ chưa mang đến ích lợi cho ai. Nhưng dù sao tôi cũng chỉ là một con sâu nhỏ bé, gây tác hại ít và hậu quả cũng chưa lớn lắm. Tôi sẽ cố gắng để mình thoát khỏi kiếp sâu, bắt đầu bằng việc bớt chơi game, giảm đi chơi và tập trung vào học tập. Tôi biết điều này chẳng dễ, nhưng tôi sẽ cố gắng”.

“Tôi vào học ngành du lịch, theo quyết định của ba mẹ. Thật sự, tôi không biết mình có phù hợp với ngành đang học và ra trường có xin được việc hay không. Nhiệm vụ của tôi là hoàn thành chương trình học, tốt nghiệp, còn việc làm là chuyện của… ba mẹ tôi”...

Tôi muốn gì?

Hiểu mình, hiểu người và muốn người khác hiểu mình là mong muốn, nhu cầu của mỗi người. Bởi điều này sẽ giúp chúng ta không hiểu sai hay bị ảo tưởng, ngộ nhận về bản thân mình cũng như sẽ được người khác tin tưởng và yêu mến nhiều hơn. Theo các chuyên gia tâm lý, đó chính là những nền tảng cơ bản giúp con người có được thành công, hạnh phúc trong nghề nghiệp, cuộc sống.

“Hiểu mình” - mới nghe cứ tưởng là dễ dàng nhưng thực sự là chuyện không đơn giản. Nhiều bạn trẻ ngày nay có thể nắm bắt được nhiều thông tin, sự kiện trong nước, thế giới, nhưng khi được yêu cầu giới thiệu về sở trường, sở đoản, ưu khuyết điểm, năng lực, quan điểm sống của mình… thì các bạn lại lộ rõ sự bối rối. Điều này lý giải vì sao nhiều bạn trẻ phân vân không biết chọn trường, ngành học, nghề nghiệp nào phù hợp với mình. Khi không hiểu bản thân mình sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: định hướng tương lai, nghề nghiệp không chính xác; ngộ nhận, ảo tưởng về bản thân.

Peter Druker - người được xem là “cha đẻ” của ngành quản trị kinh doanh hiện đại đã nói: “Thành công trong nền kinh tế tri thức sẽ đến với những ai hiểu rõ được bản thân mình, thế mạnh của mình, văn hóa của mình và cách mà mình làm tốt nhất”.

Trong chuyên đề “Quản trị cuộc đời”, ông Giản Tư Trung - người sáng lập Tổ hợp giáo dục PACE cho rằng, việc thường xuyên tự đặt câu hỏi cho mình sẽ giúp các bạn trẻ hiểu rõ được bản thân. Những câu hỏi như: Thế mạnh, sở trường của tôi là gì? Đâu là sở đoản, điểm yếu khó khắc phục của tôi? Tôi thuộc típ người nào? Cách mà tôi có thể làm việc tốt nhất với người khác? Cách nào giúp tôi có thể học tốt nhất? Công việc, ngành nghề nào phù hợp với tôi? Tôi sống để làm gì?… Khi đi tìm câu trả lời cho mỗi câu hỏi đó tức là bạn đang từng bước khám phá chính mình và đó chính là cơ sở để hoạch định tương lai, cuộc đời mình.


Nguồn: phunuonline

Sức khỏe thể chất và tinh thần

Trước khi đi sâu vào con đường sống lành mạnh và hạnh phúc, chúng ta chắc không ai quên rằng con người mình gồm tình thần và thể chất.

“Một tinh thần minh mẫn, trong một thân thể tráng kiện”

Cha ông ta đã nói thế, và thực tế cũng đã chứng minh điều đó! Nếu bạn đã có đôi chút kinh nghiệm về những ngày bệnh hoạn, đau ốm, hay có dịp quan sát những người chung quanh mình, bạn sẽ thấy rằng sức khỏe góp phần rất lớn vào cuộc sống hạnh phúc của con người. Tâm và thể luôn luôn song hành… Một tinh thần “bệnh hoạn”, mang nặng những âu lo, buồn chán, căng thẳng, tức giận, thù hằn hoặc dồn nén... hay bi quan yếm thế cũng gây cho thân xác biết bao nhiêu phiền toái.


Những thí nghiệm khoa học đã chứng minh một cách không ngờ rằng: để giết một con chuột lang (một loại chuột thường dùng để làm thí nghiệm), người ta chỉ cần chích vào nó một ít máu được rút ra từ những người đang trải qua sự sợ hãi hay tức giận cao độ. Loại chuột này sẽ chết sau chưa đầy hai phút khi máu của những người nói trên được chích vào chúng. Khủng khiếp thật! Những độc tố này cũng sẽ “giết” bạn cùng một cách như thế, có khác chăng là nó chậm và âm ỷ thôi. Bạn thử nghĩ xem, biết bao nhiêu lần bạn đã để những chất độc hại này ảnh hưởng đến cơ thể của bạn khi bạn ôm mãi những mối sầu hận, lo âu , bực tức, những ghen tuông và tủi hờn…

Thật vậy, theo các nhà khoa học, những cảm cúc tiêu cực gây xáo trộn, tạo ra những độc tố mạnh có thể hại con người. Hay rõ hơn nữa, chính chúng là căn nguyên làm phát xuất một số bệnh thể lý nan giải như ung thư, ung bướu, ung nhọt, loét dạ dày, tim, cao huyết áp, mẩn ngứa. Suy nghĩ tiêu cực, bi quan có thể làm cho người ta rối loạn cảm xúc, tình cảm, trở nên căng thẳng, trầm cảm,… và nhất là mất quân bình. Mạnh hơn, có thể đưa con người đến điên loạn.

Mỗi tư tưởng đều có những ảnh hưởng sinh hóa lên cơ thể của chúng ta chỉ trong nháy mắt thôi. Bạn thử nhìn lại xem chính mình đã đưa vào cơ thể mình biết bao nhiêu chất độc? Ban không thể vừa bực bội, vừa lo lắng, lại vừa khỏe mạnh cùng một lúc được! Đơn giản chỉ vì sức khỏe thể lý là kết quả, là phản ánh của sức khỏe tinh thần. Bệnh hoạn thường là kết quả của một sự giằng co nội tâm nào đó chưa được giải quyết, và được biểu lộ ra bên ngoài.

Thật lạ lùng là vô thức và tiềm thức có ảnh hưởng rất lớn trên cơ thể chúng ta. Chắc bạn có khi nhớ là chính mình hay một ai đó bị đau khi phải đối diện hay đương đầu với một việc khó xử, hay trước một kỳ thi mà bạn cảm thấy mình chưa sẵn sàng… Những cơn nhức đầu có khi do sự sợ hãi mà ra.

Bạn có biết không, một số người hay bị chứng viêm cổ họng trước những lúc mà vì công việc, họ phải diễn thuyết trước đám đông. Những người này là những kẻ sợ nói chuyện trước công chúng. Hoặc có người trở bệnh khi phải đi công tác hay thuyên chuyển đi nơi mình không muốn, ngay cả những người vợ nhuốm bịnh trước khi chồng đi xa, vì nỗi lo lắng tiềm ẩn trước nguy cơ chồng sẽ chơi bời khi xa nhà. Thể lý và tâm lý song hành chặt chẽ thế đấy!

Người ta còn tìm thấy rằng niềm tin và sự chờ mong của chúng ta có thể làm cho chúng ta phát bệnh. Ví dụ như chị của bạn bảo rằng: “Chị đang bị cảm nặng, và thế nào em cũng bị lây chị cho coi”, và thế là bạn cũng trở nên dễ bị cảm. Chúng ta bị bệnh một phần vì có thể là do chúng ta tin hay do lo sợ và vô thức dường như đang sẵn sàng chờ đợi hoặc chào đón nó sẽ xảy ra… Sức đề kháng dường như bị tê liệt vì những lý do đó.

Có những chứng cớ cho thấy rằng chúng ta có thể mắc một căn bệnh nào đó vì cha hay mẹ chúng ta đã mắc phải. Chúng ta dường như nghĩ rằng điều đó là “thích hợp” và không thể tránh được, và đã xảy ra như thế. Người khác lại hay nói: “Tôi là người bệnh hoạn…” và cuộc sống đã chứng minh là lời nhận xét của của họ đúng, họ là người bệnh hoạn thật, nhưng rất nhiều khi họ đã để cho cơ thể họ chứng minh rằng lời “tiên đoán” của họ đúng. Thật lạ và nghe có vẻ khó tin thật! Đây không phải là một sự trùng hợp đâu. Nhưng là do suy nghĩ dẫn tới! Nhiều nhà tâm lý dựa trên những nghiên cứu và thí nghiệm, đã giải thích rằng:

“Nhiều việc đã xảy ra đến đúng như lòng ta chờ mong!”

Thêm vào đó, khi còn bé, chúng ta học được một cách nhanh chóng rằng, đau yếu là một cách hữu hiệu nhất để lôi kéo sự chú ý, sự quan tâm cũng như tình thương của người khác. Một số người trong chúng ta đã thành công với phương pháp này. Khi chúng ta bệnh hoạn hay đau yếu, bạn bè, gia đình và những người thân lo chăm sóc cho chúng ta ngay, chúng ta cảm thấy thỏa mãn, sung sướng và an toàn hơn vì những biểu lộ yêu thương và quan tâm đó. Chúng ta hay bị bệnh khi mình bị bỏ rơi, hay không được yêu mến, chú ý… Một số con cưng cứ bệnh hoài, và nhiều người bị bệnh kinh niên nằm một chỗ nữa.

Trường hợp cô Nga mà tôi biết, cô đã có lần bị té và sau đó không đi vững một mình nữa. Mỗi lần cần gì, mẹ cô đều đem đến tận giường hoặc làm thay cho cô mọi việc. Cô không làm gì cả từ độ ấy, bà mẹ quá cưng chiều lo lắng chăm sóc chu đáo, cô không phải phấn đấu và khó nhọc gì… Cô Nga ở trong tình trạng như thế hơn 10 năm, dù mẹ cô kiệt sức vì tuổi già và vất vả. Sau khi mẹ mất một thời gian ngắn, cô Nga ra khỏi gường và đi đứng như một người bình thường trở lại, dù không phải chữa chạy thuốc men gì…

Tại sao có hiện tượng ấy? Chắc bạn cũng có thể đoán được rồi. Cô Nga đã cảm thấy thoải mái, được quan tâm, chiều chuộng khi mình đau yếu. Không đứng dậy đi chỉ là một hình thức của sự không muốn mất đi những chăm sóc đặc biệt. Đó có phải là một cách bảo vệ hạnh phúc cho mình và cho gia đình chăng? Những điều này thuộc vô thức hơn là ý thức. Nếu tinh tế và chú ý một chút thì bạn cũng có thể nhận ra điều này ở chính mình hay ở người khác, nhất là ở trẻ con.

Những tình cảm bị dồn nén và những cảm xúc thật sự đã ảnh hưởng tới sức khỏe chúng ta. Để duy trì sức khỏe và năng lực, chúng ta cần giữ gìn những cảm xúc tích cực, và nhất là cố gắng diễn tả tình cảm chúng ta ra bên ngoài. Điều này có vẻ khó đối với người Việt Nam, cả nam lẫn nữ.

Điều quan trọng là chúng ta phải tin là chúng ta Đáng Được Khỏe Mạnh. Nếu chúng ta tích trữ vào tiềm thức của mình những tâm tình như: “Tôi không phải là một người dễ thương” hay “Tôi đã làm điều xấu”, hoặc “Tôi đáng bị trừng phạt”… và rồi theo cách thường tình, chúng ta sẽ chuốc lấy đau khổ. Kết quả là chúng ta sẽ có một sức khỏe tồi tệ. Đôi khi tình trạng sức khỏe đó có thể kéo dài đến suốt đời nữa.

Vì thân xác chúng ta chịu ảnh hưởng của tinh thần như thế, nên khi chúng ta không hài lòng về nghề nghiệp, hay có một cuộc sống tẻ nhạt, thiếu vui vẻ; thân thể chúng ta sẽ tìm lối thoát, và bịnh hoạn có thể là lối thoát đầu tiên.

Sức khỏe tráng kiện, ở đây tôi muốn nói đến năng lực và sức sống, là quyền mà bạn đáng được hưởng. Mỗi sáng thức dậy, bạn cố gắng tạo thói quen bắt đầu ngày với ý nghĩ và sự tin tưởng là hôm nay bạn sẽ khỏe khoắn và mọi sự sẽ tốt đẹp… Nếu bạn có trong đầu những ý nghĩ đó, bạn sẽ nhìn những gì xảy ra trong ngày với một con mắt và tinh thần khác. Bạn thử cố đi, rồi sẽ thấy!

Nếu chúng ta để ý đến mối liên hệ giữa tinh thần và thể xác, chúng ta sẽ thấy rằng, mỗi giây phút tiềm thức của chúng ta điều khiển tình trạng sức khỏe của mình. Thân xác bạn đang được xây dựng và tái xây dựng do những gì phát xuất từ tâm trí bạn đấy. Tâm trí bạn chính là kiến trúc sư cho cơ thể, và sức khỏe cơ thể là phản ánh của tư tưởng bạn. Nếu bạn “nhập tâm” sự sợ hãi, giận dữ, và dồn nén những cảm xúc, thân xác bạn sẽ phản chiếu nó lại. Bạn sẽ thấy rằng, những nỗi đau của tinh thần sẽ trở thành những bệnh hoạn của cơ thể.

Tóm lại, bạn nên cố gắng tạo cho mình những tư tưởng, ý nghĩ lành mạnh và lạc quan. Cứ tưởng tượng bạn là người khỏe mạnh, có hại gì cho ai đâu? Trái lại chỉ có lợi cho bạn mà thôi. Bạn thử quyết tâm chuyển hóa những gì tiêu cực đi nhé. Sức khỏe thuộc quyền sở hữu của bạn, và bạn đáng được một sức khỏe tuyệt vời. Điều tiên quyết là bạn cố gắng đối xử “dễ thương” với chính mình.

Hãy chấp nhận và yêu chính mình như hiện trạng của mình bây giờ, và nhìn nhận rằng từ trước đến nay bạn đã sống một cuộc sống tốt nhất mà bạn có thể với tất cả bối cảnh và con người cụ thể của bạn. Bạn có trách cứ gì về mình về quá khứ, về những gì chưa làm được, thì bạn hãy rút kinh nghiệm rồi thẳng tiến, chứ than thân trách phận hay hận mình thì bạn sẽ nhận được gì? Có lẽ sẽ chỉ là sự mặc cảm và chán nản mà thôi.

Tốt hơn hết là hãy bắt đầu lại, hãy xây dựng cho mình một cách nhìn, cách suy nghĩ khác. Bằng cách tạo cho mình một tinh thần lành mạnh, sức khỏe thể chất của bạn sẽ được cải tiến dần. Bạn đừng quên rằng: Sức khỏe góp phần rất lớn cho hạnh phúc đời bạn.

Mong bạn khỏe, yêu đời và tiếp tục không những tìm kiếm hạnh phúc, mà mỗi ngày cảm thấy hạnh phúc hơn trước.

“Một trái tim vui sẽ giết chết nhiều vi trùng hơn các kho thuốc kháng sinh trên thế giới” - Moliere

Nguồn: Hồn Việt

Hãy trọn vẹn với cuộc sống

Cuộc đời cũng giống như trò chơi tung hứng. Bạn có trong tay 5 quả bóng có tên là: Công Việc, Gia Đình, Sức Khỏe, Bạn Bè và Tinh Thần. Bạn phải cố gắng không làm rơi bất cứ quả bóng nào. Công Việc và Tinh Thần là những quả bóng cao su, nếu rơi xuống chúng có thể nảy trở lên vào tay bạn, nhưng 3 quả bóng còn lại là những quả bóng thủy tinh, chúng có thể sẽ bị trầy xước, sứt mẻ, hoặc thậm chí vỡ tan khi rơi xuống đất. Nếu không tự chủ, bạn khó có thể lường trước được quả bóng nào sẽ rơi xuống đất. Vì vậy hãy học cách giữ cân bằng cho cuộc sống của chính mình.

Đừng hạ thấp giá trị bản thân khi so sánh mình với người khác. Mỗi chúng ta đều là những con người đặc biệt và có giá trị riêng. Nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là biết mình được đánh giá và nhìn nhận đúng.

Đừng để những ước mơ, mục đích của bạn lệ thuộc vào người khác, mà phải bắt nguồn từ chính khao khát, đam mê của bạn. Chỉ có bạn mới biết điều gì là tốt nhất cho bản thân mình.

Bạn hãy nâng niu, gìn giữ những gì thân thuộc, gần gũi nhất trong trái tim bạn. Đó chính là những giá trị tinh thần để cuộc sống của bạn thêm phần ý nghĩa.

Đừng để cuộc đời bạn trôi qua một cách vô nghĩa khi mãi chìm đắm trong kỷ niệm hay nỗi đau trong quá khứ hoặc lo lắng quá về tương lai. Hãy sống trọn vẹn cho giây phút hiện tại bằng tất cả cảm nhận và nhiệt huyết của trái tim mình.

Đừng bao giờ bỏ cuộc khi bạn vẫn còn có thể làm được điều gì đó. Mọi thứ chỉ thật sự chấm dứt khi bạn thôi không muốn cố gắng nữa.

Đừng ngại nhìn nhận rằng bạn là người chưa hoàn hảo. Sự trưởng thành của con người diễn ra trong mọi giai đoạn cuộc sống. Chính sự nhìn nhận những khiếm khuyết đó sẽ là sợi chỉ nối kết mọi người lại với nhau. Hãy học hỏi vì kiến thức và trải nghiệm là vốn quý nhất mà bạn luôn có thể mang theo bên mình.

Đừng sợ phải đối mặt với khó khăn, thử thách vì đó chính là cơ hội vững vàng để bạn trưởng thành hơn.

Đừng để tình yêu thiếu vắng trong cuộc đời bạn bằng cách nói rằng thật khó tìm thấy nó. Cách nhanh nhất để nhận được tình yêu là cho đi. Cách mau chóng nhất để đánh mất tình yêu là cố giữ nó thực chặt. Và cách tốt nhất để giữ trọn vẹn tình yêu là chắp cho nó một đôi cánh.

Hãy sử dụng thời gian và ngôn ngữ một cách cẩn thận. Không một lời nói hay khoảnh khắc nào đã qua có thể lấy lại được.

Đừng băng qua cuộc sống quá nhanh để rồi đến một lúc nào đó bạn sẽ phải tự hỏi mình đang ở đâu. Hãy vạch ra hành trình để luôn ý thức được rằng mình đang đi đâu trong hành trình ấy.

Cuộc đời ko phải là một cuộc đua. Nó là một hành trình để chúng ta từng bước chiêm nghiệm ý nghĩa cuộc sống. Điều quan trọng không phảỉ là phần thưởng khi bạn đến đích, mà chính là những gì bạn đã cảm nhận được trên từng chặng đường đi.

Cà phê của cuộc đời

Một nhóm học sinh cũ khá thành công và ổn định trong nghề nghiệp tập trung tại nhà một thầy giáo cũ. Câu chuyện dần dà chuyển sang những than thở về áp lực cuộc sống và công việc.

Đãi cà phê cho các vị khách của mình, thầy giáo vô bếp mang ra một ấm to cà phê và nhiều ly tách khác nhau từ ly nhựa, ly sứ, ly thủy tinh, có cái đơn giản, xinh xắn, có cái sang trọng đắt tiền. Thầy bảo các học sinh tự lấy cà phê cho mình.

Khi em nào cũng chọn được cái tách cho mình, thầy nói:

“Nếu các em để ý sẽ thấy mấy cái tách đẹp, sang trọng và đắt tiền được chọn ngay, chỉ có những cái bình thường và rẻ tiền được chừa lại. Cũng bình thường thôi, thường thì người ta chỉ muốn những cái tốt nhất cho mình. Đó cũng chính là nguồn cội của những vấn đề và áp lực”.

Hãy hiểu rõ ràng rằng bản thân cái tách không làm cà phê ngon hơn. Trong mọi trường hợp, nó chỉ làm cà phê mắc tiền hơn hay trong vài trường hợp nó át hẳn mùi vị của cà phê.

Những gì bạn muốn ở đây đơn giản chỉ là cà phê, không phải là cái tách nhưng một cách vô thức các em lại hướng đến những cái tách tốt nhất... và sau đó các em bắt đầu nghía tách của các bạn khác.

Hãy nghĩ thử xem: cuộc sống như cà phê; công việc, tiền bạc và vị trí trong xã hội là những cái tách thôi. Chúng chỉ là những công cụ để chứa đựng cuộc sống này và loại “tách” chúng ta có được không quyết định, cũng không thay đổi giá trị của cuộc sống chúng ta.

Đôi khi vì quá chạy theo những cái tách mà chúng ta bỏ mất cơ hội thưởng thức cà phê! Người hạnh phúc nhất không phải là người có tất cả những thứ tốt nhất. Họ chỉ trân trọng hết mức mọi thứ mà họ có.

Sống đơn giản. Yêu thương ngập tràn. Quan tâm sâu sắc. Nói những lời tử tế.

Nguồn: Baihoc

Bạn có cần một liều morphine?

Bạn cần một liều morphine...

- để có thể trở nên mạnh mẽ và tự tin làm những điều mà bình thường bạn không làm được
- để quên đi ngay lập tức những đau đớn về thể xác
- để xua đi những cảm giác buồn lo, mệt mỏi và trở nên sung mãn, sảng khoái

Thế nào, để tôi tiêm cho bạn một liều nhé. Bạn sẽ sớm "phê" thôi... Tôi đảm bảo điều đó.

Và tất nhiên, tôi cũng sẽ không nói cho bạn biết đâu rằng ngoài những tác dụng trên morphine còn "mang" lại cho bạn nhiều cái "nhỏ nhỏ" theo sau lắm:

- các triệu chứng tâm thần
- buồn nôn, co giật
- co thắt các cơ quan lục phủ ngũ tạng
- trầm cảm, mất tập trung, giảm trí nhớ
...

Bạn muốn tôi cho bạn uống thuốc đắng kết hợp với quá trình dinh dưỡng và rèn luyện đều đặn hay "chơi" luôn 1 liều morphine?

Câu chuyện morphine này và tình trạng "đi học" liệu có sự liên hệ nào không? Sự thật là có đấy. Nhiều câu chuyện "đi học" hiện nay cũng đang diễn ra hoàn toàn tương tự.

Này nhé, học ở trường sao khó quá. Để được điểm cao thì 1,2,3 chúng ta cùng đi học thêm, học kèm. Học thêm rồi ta cứ lấy mấy cái đã được dạy trước, giải trước bê nguyên xi vào tập vở ở trường. Thế là xong. Kiểm tra, thi cử ư, chuyện nhỏ. Bài mẫu đã sẵn, cứ ôm mấy bài được thầy cô "cài đặt" sẵn, cứ theo dàn bài và phương pháp ấy mà giải. Bí quá thì đến giờ thi chơi tài liệu thu nhỏ hoặc nhờ vả đứa bạn cho chép bài. Ngoan ngoãn làm theo mấy cách này chắc sẽ đủ đậu hoặc hơn thế nữa. Thế là lên lớp hay tốt nghiệp này kia.

Này nhé, để trở thành Người khổng lồ, Người thành công, đã có những chương trình được mua hẳn bản quyền của nước ngoài. Bạn chỉ cần có tiền đóng vào thế là có luôn một cái hình mẫu vĩ đại để bạn được trầm trồ thán phục: nào là anh ấy/cô ấy đã đi được những nước nào, thu nhập hiện nay ra sao, họ tự do tài chính, tự do về thời gian thế nào, nào là bước qua lửa để chiến thắng nỗi sợ hãi... Việc bạn cần làm ư? Hãy làm như họ nói, hãy nghĩ như họ nói và hãy nói như họ nói. Ngay lập tức, máu nóng trong người bạn lên cao, lửa cháy phừng phừng như thể ngày mai ngủ dậy mở mắt ra bạn đã là người giàu có, thành đạt như ý nguyện.

Câu chuyện sau đó tiếp diễn thế nào?

Bạn lên lớp/tốt nghiệp rồi đấy nhưng trong đầu bạn còn lưu trữ cái gì nào? Bạn ứng dụng được tẹo nào những cái còn sót lại vào thực tế cuộc sống, công việc và... ước mơ của bạn không?

Bạn được bơm động lực rồi đấy nhưng cái động lực ấy sẽ kéo dài trong bao lâu? Bao lâu nữa thì bạn cần bơm lại? Bạn cần bơm bao nhiêu là đủ?

Bạn được gì?

Hệ thống đề kháng của bạn thế nào rồi? Chắc hẳn đã tệ đi rất nhiều, bạn biết vì sao không? Bởi liều morphine "đặc biệt" mà bạn đã dùng ấy tác dụng thật sự của nó là "làm thay đổi cảm nhận đau" hoặc gián tiếp "tăng ngưỡng đau" ở bạn đấy. Bạn biết điều đó nghĩa là gì không? Nghĩa là liều thuốc kia chỉ đánh lừa cảm giác của bạn thôi, thật sự bạn vẫn đang đau đấy thậm chí còn đau mạnh hơn kia. Chơi vài liều là bạn nhờn thuốc luôn phải tăng liều hoặc đổi qua loại có liều lượng "đánh lừa" cao hơn. Kết cục là bạn bị suy giảm, suy nhược và ... yếu toàn diện, thậm chí có thể tử vong trong êm ái.

"Đi học" cũng thế, bạn chọn con đường bằng phẳng để đi kiểu học đối phó, học cho có, học cho lên lớp, học để biết cách làm mà nhận thức, kiến thức, hiểu biết của bạn thì chẳng được chú trọng đầu tư. Bạn vơ cả một lô lốc những điều được quảng cáo là tốt đẹp để đăng ký theo học mà không cần cân nhắc tính thiệt hơn hay cần thiết của mỗi khóa học, không tính đến sự phù hợp giữa năng lực, đam mê của bản thân với những khuôn mẫu của chương trình đào tạo. Kết quả ra sao thì bạn cũng đã rõ.

Vậy, điều quan trọng ở đây là gì?

Học phải đi từ quá trình nhận thức. Thay đổi con người phải thay đổi từ cách nghĩ. Sự trưởng thành cần quá trình tôi luyện, trải nghiệm trong một quá trình dài chứ không phải ngày một ngày hai. Và quan trọng nhất, sự học, sự lớn phải xuất phát từ mục tiêu tự thân và cần được thực hiện bằng phương pháp, cách thức phù hợp với năng lực, sở trường, đặc điểm cá nhân mỗi người. Mỗi con người là một hệ thống phức tạp có những tính chất, mục đích sử dụng, giá trị, thế mạnh riêng đặc thù. Mọi sự sao chép dù là hoàn hảo nhất cũng chỉ góp phần cho "xuất chuồng" những chú gà công nghiệp. Còn nếu muốn vươn xa, bay cao, "sản phẩm" cần phải có những đặc trưng riêng, những ưu việt về chất lượng và lợi thế cạnh tranh bền vững. Điều đó do ai quyết định? Chính bạn, người đang cần liều morphine của tôi đấy!

Thế nào, tôi tiêm cho bạn nhé???

9 Kỹ Năng “Mềm” để Thành Công

Bạn nghĩ rằng người ta sẽ rất ấn tượng với hàng loạt các bằng cấp của bạn, một số lượng lớn các kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao. Nhưng chỉ những điều đó thôi có thể không đủ để giúp bạn thăng tiến trong công việc. Bởi bên cạnh đó, bạn còn cần phải có cả những kĩ năng “mềm”.

Thế nào là những kỹ năng “mềm”?

Kỹ năng “mềm” chủ yếu là những kỹ năng thuộc về tính cách con người, không mang tính chuyên môn, không thể sờ nắm, không phải là kỹ năng cá tính đặc biệt, chúng quyết định khả năng bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo, thính giả, nhà thương thuyết hay người hòa giải xung đột. Những kỹ năng “cứng” ở nghĩa trái ngược thường xuất hiện trên bản lý lịch-khả năng học vấn của bạn, kinh nghiệm và sự thành thạo về chuyên môn.

Bạn có phải là một người dễ chịu? Tận tâm? Bạn giao tiếp có ấn tượng không? Giải quyết các vấn đề có hiệu quả không? Đây chính là các dạng câu hỏi ưa dùng để xác định được mức độ kỹ năng “mềm” của bạn.

Tại sao người sử dụng lao động lại quan tâm tới các kỹ năng này?

Những người sử dụng lao động coi trọng các kỹ năng “mềm”, bởi vì các nghiên cứu cho thấy chúng là một nhân tố đánh giá rất hiệu quả bên cạnh những kỹ năng công việc truyền thống hay còn gọi là kỹ năng “cứng”. Một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy những tiêu chuẩn để đánh giá con người như sự tận tâm, tính dễ chịu cũng là những nhân tố dự báo quan trọng đối với sự thành công trong nghề nghiệp giống như khả năng về nhận thức và kinh nghiệm làm việc.

Các kỹ năng “mềm”

Vì vậy, làm thế nào để bạn khám phá ra các kỹ năng này và tận dụng chúng một cách tối đa? Sau đây là danh sách những tính cách “mềm” đặc trưng nhất và cách thức để hoàn thiện chúng.

1. Có một quan điểm lạc quan

Tất cả chúng ta đã từng nghe lời khuyên hãy nhìn cốc nước còn đầy một nửa tốt hơn là nhìn nó đã vơi đi một nửa. Ở nơi làm việc, cách nghĩ lạc quan này có thể giúp bạn phát triển trên một chặng đường dài. Tất cả mọi cái nhìn lạc quan đều dẫn đến một thái độ lạc quan và có thể là một vốn quý trong môi trường làm việc, đánh bại thái độ yếm thế và bi quan.

Chìa khóa để có một thái độ lạc quan là bạn giải quyết một sự trở ngại hay thách thức như thế nào khi gặp phải. Ví dụ, thay vì than phiền về khối lượng công việc gây stress, hãy nghĩ về nó như một cơ hội để thể hiện khả năng làm việc tích cực và hiệu quả của bạn.

2. Hòa đồng với tập thể

Các nhà tuyển dụng rất thích những nhân viên thể hiện được khả năng làm việc tốt trong tập thể. Hòa đồng với tập thể ko chỉ có nghĩa là có tính cộng tác mà còn thể hiện được khả năng lãnh đạo tốt khi có thời điểm thích hợp.

Có thể tới một lúc nào đó, sự xung đột xuất hiện trong tập thể của bạn, hãy tỏ ra chủ động dàn xếp. Khi bạn thấy tập thể của mình đang bị sa lầy trong một dự án, hãy cố gắng xoay chuyển tình thế, đưa cách giải quyết theo một hướng khác. Và bạn làm gì nếu bình thường bạn không làm việc trong một nhóm? Hãy cố gắng tỏ ra sẵn sàng hợp tác trong công việc và thiết lập nên các mối quan hệ công việc với mọi đồng nghiệp nếu có thể. Học cách nói những điều bạn nghĩ như thế nào và thể hiện bằng ngôn ngữ cử chỉ ra sao.

3. Giao tiếp hiệu quả

Kỹ năng giao tiếp tốt là một thế mạnh đối với bất cứ ai trong công việc. Giao tiếp là phương tiện cho phép bạn xây dựng cầu nối với đồng nghiệp, thuyết phục người khác chấp nhận ý kiến của bạn và bày tỏ được nhu cầu của bạn.

Nhiều điều nhỏ nhặt bạn đã từng thực hiện hàng ngày – có thể có những điều bạn không từng nghĩ đến lại có một sự ảnh hưởng rất lớn tới kỹ năng giao tiếp của bạn. Sau đây là những điều bạn nên lưu ý khi giao tiếp với những người khác:

- Nhìn thẳng vào mắt người đối diện
- Đừng tỏ ra bồn chồn
- Tránh những chuyển động cơ thể khiến bạn bị tách ra khỏi họ
- Đừng nói chuyện chỉ để nói, hãy tập trung vào một vấn đề
- Phát âm một cách chính xác
- Sử dụng ngữ pháp chuẩn thông thường

Nói chung, bạn nên để ý tới cách sử dụng từ ngữ của mình để tạo ấn tượng với người đối thoại. Cũng đừng quên rằng một trong những kỹ năng giao tiếp là biết lắng nghe.

4. Tỏ thái độ tự tin

Trong hầu hết các trường hợp, khi bạn muốn gây ấn tượng với một ai đó, sự tự tin là một thái độ rất hiệu quả. Trong khi sự khiêm nhường khi bạn nhận được lời tán dương là rất quan trọng thì sự thừa nhận thế mạnh của mình cũng quan trọng không kém. Hãy tin chắc rằng bạn có sự nhận biết và kỹ năng để có thể bày tỏ được sự tự tin của mình.

5. Luyện kỹ năng sáng tạo

Tính sáng tạo và lối suy nghĩ thông minh được đánh giá cao ở bất cứ công việc nào. Thậm chí công việc mang tính kỹ thuật nhất cũng đòi hỏi khả năng suy nghĩ thoát ra khỏi khuôn khổ. Vì vậy đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của việc giải quyết vấn đề theo cách sáng tạo.

Bạn có thể đang phải làm một công việc chán ngắt, buồn tẻ, hãy cố gắng khắc phục nó theo cách hiệu quả hơn. Khi một vấn đề khiến người ta phải miễn cưỡng bắt tay vào làm, hãy nghĩ ra một giải pháp sáng tạo hơn. Nếu không được, ít ra bạn đã từng thử nó.

6. Thừa nhận và học hỏi từ những lời phê bình

Đây là một trong những kỹ năng mang tính thử thách nhất, và cũng chính là kỹ năng gây ấn tượng nhất đối với người tuyển dụng. Khả năng ứng xử trước lời phê bình phản ánh rất nhiều về thái độ sẵn sàng cải thiện của bạn. Đồng thời có khả năng đánh giá, nhận xét mang tính xây dựng đối với công việc của những người khác cũng mang ý nghĩa quan trọng không kém. Hãy nhận thức xem bạn thủ thế như thế nào khi phản ứng trước những lời nhận xét tiêu cực. Đừng bao giờ ném đá vào những lời phê bình mang tính xây dựng mà không nhận thấy rằng ít nhất nó cũng có ích một phần. Khi bạn đưa ra lời nhận xét với người khác, hãy thể hiện sao cho thật khéo léo và chân thành. Cố gắng dự đoán trước phản ứng của người nghe dựa vào tính cách của họ để có cách nói phù hợp nhất.

7. Thúc đẩy chính mình và dẫn dắt người khác

Một điều rất quan trọng đối với nhà tuyển dụng là làm sao để biết được bạn có là người năng động và hay đề ra các sáng kiến hay không? Điều này có nghĩa là bạn liên tục tìm ra những giải pháp mới cho công việc của mình khiến cho nó hấp dẫn hơn thậm chí đối với cả những công việc mang tính lặp đi lặp lại.

Sự sáng tạo có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy, nó khiến bạn đủ dũng cảm để theo đuổi một ý tưởng vốn bị mắc kẹt trong suy nghĩ và cuối cùng là bạn vượt qua được nó. Dẫn dắt những người khác theo cùng một hướng để đạt một mục đích chung, và người lãnh đạo giỏi là người có thể lãnh đạo được người khác bằng chính tấm gương của mình.

8. Đa năng và ưu tiên những việc cần làm trong danh sách của bạn

Ở công sở ngày nay, một nhân viên tốt là một nhân viên có khả năng kiêm nhiệm thêm một số công việc khác, hay nhiều dự án cùng một lúc. Liệu bạn có thể theo dõi được tiến trình của các dự án khác nhau hay không? Bạn có biết lựa chọn để ưu tiên những việc quan trọng nhất không? Nếu có thể, bạn được gọi là người đa năng.

Đừng than phiền rằng bạn phải làm thêm các công việc khác. Hãy thể hiện khả năng đa kỹ năng của bạn. Chắc chắn cái bạn nhận lại sẽ là rất lớn như kinh nghiệm hay các mối quan hệ mới.

9. Có cái nhìn tổng quan

Có cái nhìn tổng quan về công việc có nghĩa là có khả năng xác định được các yếu tố dẫn tới thành công. Điều này cũng có nghĩa là nhận ra các nguy cơ tiềm ẩn và thời điểm nó xảy ra. Ví dụ như bạn làm việc trong lĩnh vực quảng cáo và phải xây dựng một chiến dịch để quảng cáo cho một nhãn hiệu xà bông. Nếu nhìn một cách tổng thể, bạn có thể nhận thấy rằng mục đích không chỉ là bán được hàng, mà còn làm thỏa mãn và thuyết phục khách hàng về chất lượng sản phẩm. Thêm vào đó, bạn còn phải tạo thêm giá trị cho công ty của bạn bằng cách chứng minh rằng tính sáng tạo độc nhất chỉ bạn mới có thể tạo ra.

Tận dụng tất cả các kỹ năng của bạn

Trong khi khám phá và xây dựng những kỹ năng “mềm”, bạn không nên bỏ qua những kỹ năng “cứng”. Chìa khóa dẫn đến thành công thực sự là bạn phải biết kết hợp cả hai kỹ năng này.

Thu Thúy- Bwportal
Nguồn: Baihoc

Chỉ cần được học dù phải đánh đổi bằng sinh mạng

Đấy là cam kết của Nguyễn Chiến Thắng- chàng trai mang nỗi đau da cam với các giáo sư Pháp. Cũng vì Chiến Thắng muốn được theo học Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế ở Pháp nhưng các giáo sư e dè: Trong não anh khu trú một loại chất độc hoá học, nếu suy nghĩ quá căng thẳng thì anh có thể chết ngay tại bàn làm việc vì đứt mạch máu não.

1. Biến điều không thể thành có thể!

Vừa qua, trong hội nghị thi đua lần thứ nhất của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội và Hội nghị điển hình tiến tiến của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, bài báo cáo điển hình của Nguyễn Chiến Thắng có nhắc đến một người bạn với niềm trân trọng: "Là người bạn, người thầy và người cha thứ hai sinh ra Thắng". Nhiều người thắc mắc, Thắng mủm mỉm cười: "Một Việt kiều tại Pháp và là một hacker chuyên nghiệp". Còn vì sao Thắng lại tôn vinh người bạn ấy như thế cũng là vì nhờ hacker này mà gần như cuộc đời của Thắng bước sang trang mới!

Đấy là cái lần phiêu lưu trên mạng. Một hacker đã thách đố. Không ngại ngần Thắng thách đố lại. Chỉ một ngày hai máy vi tính của hacker thành phế thải mà cậu ta vẫn chẳng thể xâm nhập vào mạnh Lan của Thắng. Hai người bạn lúc ấy mới nói chuyện với nhau. Thì ra họ đồng cảnh. Tình bằng hữu không biên giới được nối liền.

Hacker đó đã giới thiệu với Thắng về một khoá học tại Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế tại Pháp- nơi cậu ta đang làm việc. Đọc hồ sơ của Nguyễn Chiến Thắng, các giáo sư ở đây đã mỉm cười hài hước: "Được thôi, nếu thi đỗ, chúng tôi sẽ miễn học phí (9000USD/tháng) cho cậu!" Thắng vào cuộc.

Từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành, bố Thắng- Đại tá Nguyễn Vĩnh Trân đã bao lần chứng kiến những điều "không tưởng" của con. Đấy là sau khoá học hết lớp 3 ở làng Hoà Bình, Thắng đã tự học hết chương trình toán cấp III như thế nào. Đấy là lần Thắng thi lấy chứng chỉ hai chương trình tin học Exel và Forboro. Hay ghê gớm nhất là một năm học chương trình lập trình công nghệ thông tin của Aptech. Dù gì, những chương trình đào tạo ấy được giới hạn ở phạm vi trong nước còn lần này, Thắng định vươn tận sang Pháp? Ông Trân cũng chẳng dám tin khi Thắng báo cậu đã lọt vào một trong 10 người được vào học tại Trung tâm. Ông nhìn đi nhìn lại một danh sách các thí sinh dài dằng dặc đến trên một trăm người. Phần lớn họ đều là những kỹ sư công nghệ thông tin hàng đầu đến từ các nước Anh, Pháp, Israel, Mỹ, Tây Ban Nha... Vậy mà con ông đã Chiến Thắng!

Trước khoá học, Trung tâm tiến hành kiểm tra sức khoẻ của Thắng. "Không thể được, chúng tôi rất lấy làm tiếc"- Chuyên viên y tế Pháp đã lắc đầu- "Ở bán cầu não trái của cậu ấy có một chất hoá học khu trú nên nó làm tổn thương toàn bộ hệ thần kinh bên phải. Cậu ấy phải chung sống hoà bình với nó, nghĩa là không được tư duy nhiều. Trong khi đó chương trình học của chúng tôi rất căng thẳng. Có những bài tập cần tập trung suy nghĩ cao độ mà điều đó có thể khiến cậu ấy đứt mạch máu não mà chết ngay trên bàn làm việc". Thắng khóc, có lẽ đây là lần đầu tiên! Ông Trân thở phào- coi như ông đã cố gắng thoả mọi ước nguyện của con. Ông nghĩ rằng, con ông sẽ dừng cuộc phiêu lưu ở đây. Nhưng ai ngờ, một tuần sau Thắng bảo bố: "Con bắt đầu tham gia lớp học. Là buổi tối bố ạ: từ 23h- 4h sáng hôm sau" Ông Trân chỉ biết tròn mắt mà nghe con nói. Hỏi ra thì Thắng bảo: "người bạn hacker đã giúp con bày tỏ nguyện vọng với ban giám đốc Trung tâm. Chúng con cam đoan sẽ chịu trách nhiệm mọi việc, kể cả nếu con đứt mạch máu não..."

Đêm, bên ngoài mịt mùng nhưng căn phòng của Thắng luôn sáng ánh đèn. Thắng học trực tuyến với các bạn trên khắp thế giới. Người cha già cố chợp mắt nhưng ông cứ giật mình thon thót khi tỉnh giậy rồi vội vã nhìn vào bàn học của con. Ông lặng lẽ đếm mỗi ngày trôi qua...

Năm thứ hai, chương trình học bắt đầu trìu tượng hơn, hóc búa hơn. Đêm mưa gió. Thắng ôm đầu vật vã. Người cha già vội xoa đầu cho con, những tưởng điều khủng khiếp sẽ xảy ra... Thắng sốt cao và nằm thiêm thiếp trong vòng tay ông. Nước mắt con mặn mòi chảy nơi khoé mắt như bóp nghẹt tim cha! 6 tiếng! Thắng lại vùng dậy và lao vào máy tính. Ông Trân ngăn cũng chẳng được. Lại những đêm căn phòng học của Thắng sáng đèn!

Ông Trân cứ căng ra như dây đàn mà hồi hộp mong ngày cuối cùng của ba năm học trôi qua. Con ông vẫn mạnh khoẻ. Cái đầu vẫn ngúc ngoắc liên hồi. Nó còn cười thật tươi với ông mà khoe: "Con được nhận bằng Microsoft xuất sắc có chữ ký danh dự của Bill Gate. Ngoài ra là 5 chứng chỉ xuất sắc về an ninh mạng. đó cha".

2. Hạnh phúc lớn lao!

Đến số nhà 29, ngõ 80, Lê Trọng Tấn, Hà Nội, tôi bấm chuông. Chậm chạp, một thanh niên "ngật ngưỡng" ra mở cửa. Đấy là Nguyễn Chiến Thắng- nạn nhân chất độc da cam có cái cổ to hơn cái đầu vì nó ngúc ngoắc cả ngày. Và cả cái miệng méo xệch, tay phải và chân phải cứng đơ khiến việc vận động rất khó khăn. Nguyễn Chiến Thắng nói, tôi kiên nhẫn chờ và căng tai ra nghe. Ông Trân pha trà mời khách và là phiên dịch viên cho con. Hỏi về chiến trường năm xưa, ông Trân kể đến những trận đánh ác liệt nơi miền Tây Quảng Trị, chiến trường Tây Nguyên và Campuchia. Ông bảo: "Sinh con ra, gặp phải nỗi đau này chúng tôi chết lặng. Lúc đó không ai biết nguyên nhân vì sao, nên vẫn còn niềm hy vọng về thế hệ sau. Khi hiểu về chất độc da cam của Mỹ thì nỗi đau càng quặn thắt..."

Nguyễn Chiến Thắng rước đuốc Olympic Bắc Kinh

Năm 2008, Nguyễn Chiến Thắng cưới vợ. Đó là Nguyễn Thị Hồng- sinh viên trường Đại học Công đoàn vì cảm phục nghị lực của Thắng mà chuyển sang học CNTT để có cớ được gặp gỡ. Duyên bén. Ông Trân vui lắm. Nhưng ông vẫn thấp thỏm mong chờ... Ngày con dâu mang bầu, ông đếm từng ngày. Chuyên gia nước ngoài dự đoán ông sẽ có một cháu trai khoẻ mạnh, thông minh vì đối với trường hợp nhiễm chất độc da cam của ông chỉ bị di truyền một thế hệ- con ông. Dẫu vậy, ông vẫn không tin.

Ngày con dâu sinh, ông Trân đến tận bệnh viện để đón cháu. Ông ngắm nghía từng tí cứ như thể một giấc mơ! Rồi cháu bé lớn lên, với cớ thể lành lặn, khoẻ mạnh. Niềm vui thể hiện trong từng lời nói, ông nghẹn ngào: "Mừng là giờ tôi đã có đứa cháu nội kháu khỉnh. Bởi vậy, tôi cũng muốn nhắn nhủ với những nạn nhân da cam khác rằng, hãy cùng hướng đến tương lai để đứng dậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào"

Người Việt Nam đầu tiên được nhận tấm bằng Microsoft có chữ ký danh dự của Bill Gate là chàng trai Nguyễn Chiến Thắng. Mới học hết chương trình phổ thông của lớp 3 song là chủ nhân của 5 chứng chỉ sau đại học về an ninh mạng với số điểm xuất sắc do Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế ở Pháp cấp cũng là chàng trai ấy... Còn nữa, năm 2004, Nguyễn Chiến Thắng được nhận giải Nghị lực cuộc thi Trí tụê Việt Nam. Năm 2008, Thắng là một trong 60 gương mặt được chọn để rước đuốc Olympic Bắc Kinh. Dù mang trong mình nỗi đau da cam nhưng Nguyễn Chiến Thắng đã không ngừng vươn lên, thậm chí dám đánh đổi cả sự sống của mình cho khát vọng được học, được cống hiến!

Việt Nam đã có quy hoạch nhân lực đến 2020

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia.

Phát triển đất nước: nhân lực là nền tảng, lợi thế quan trọng nhất

Chiến lược này là Chiến lược tổng hợp cấp quốc gia để định hướng, làm cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình và đề án phát triển nhân lực của các ngành, chuyên ngành, tổ chức và các địa phương, thông tin được đăng trên Báo Giáo dục&Thời đại.

Các cử nhân nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Mục tiêu tổng quát phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 là đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, nâng trình độ năng lực cạnh tranh của nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trong đó một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới.

Phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam sẽ đạt 55% tỷ lệ lao động qua đào tạo; 40% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề; 300 sinh viên ĐH, CĐ trên 10 nghìn dân; 5 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế (đến năm 2020 là trên 10 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế và trên trường đại học xuất sắc trình độ quốc tế); 100.000 giảng viên ĐH, CĐ…

Đến năm 2015, phấn đấu tuổi thọ trung bình của người dân đạt 74 tuổi, năm 2020 là 75 tuổi; chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam là trên 1,63m vào năm 2015 và trên 1,65m năm 2020; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10 % vào năm 2015 và dưới 5% vào năm 2020.

Để phát triển nhân lực, những giải pháp đột phá được thực hiện bao gồm: Đổi mới nhận thức về phát triển và sử dụng nhân lực; đổi mới căn bản quản lý nhà nước về phát triển và sử dụng nhân lực. Cùng với đó, tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm như: Xây dựng một số cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề đạt trình độ quốc; đổi mới đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ, công chức; xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong quản lý hành chính, ngoại giao và kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, tư vấn hoạch định chính sách, pháp lý, y học, văn hóa, nghệ thuật; thực hiện đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; triển khai quyết liệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành một nước mạnh về CNTT - truyền thông”, trong đó phát triển và đảm bảo nhân lực là giải pháp hàng đầu…

Mỗi Bộ ngành và địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của mình. Các doanh nghiệp và tổ chức phải có kế hoạch phát triển nhân lực. Bên cạnh đó, cần sử dụng rộng rãi, hiệu quả các cơ chế và công cụ của kinh tế thị trường để mở rộng quy mô, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực và huy động các nguồn vốn cho phát triển đào tạo nhân lực...

Vì sao cần có quy hoạch?

Nói rõ thêm về quy hoạch này trên Báo điện tử Chính phủ, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Có một thực tiễn là nhiều năm qua việc cung cấp nhân lực cho các ngành kinh tế xã hội mặc dù vẫn đáp ứng nhu cầu nhưng không thể đầy đủ, đặc biệt là trong những ngành đòi hỏi nhân lực có trình độ cao. Chúng ta cũng đã tìm cách lý giải điều này nhưng chưa trọn vẹn. Qua đánh giá tình hình cuối năm 2009 đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải bổ sung một giải pháp quan trọng trong việc phát triển nhân lực đất nước. Đó là phải xây dựng một bản quy hoạch nhân lực 2011-2020.

(...)Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành xây dựng quy hoạch nhân lực từ cơ sở. Từ đó, mới có bản quy hoạch tổng hợp về nhu cầu phát triển nhân lực quốc gia 10 năm tới.

Về việc phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương vốn chưa thật tốt từ trước đến nay được PV báo đưa ra, theo Phó Thủ tướng: "Chúng ta có thuận lợi là trong một năm rưỡi qua, khi các bộ, ngành địa phương xây dựng quy hoạch thì bắt đầu có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng cục Dạy nghề. Có nghĩa là bên đặt hàng là các bên quản lý ngành và bên đáp ứng là ngành giáo dục và đào tạo, dạy nghề đã có sự gắn bó với nhau trong việc xây dựng kế hoạch.

Còn sắp tới là phải triển khai kế hoạch. Ví dụ khi chúng tôi họp về quy hoạch nhân lực khu vực Tây Nguyên thì thấy 5 tỉnh Tây Nguyên cần có nhân lực về văn hóa cho đồng bào Tây Nguyên, nhưng nếu cả 5 tỉnh mà chỉ có một trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật thì không hợp lý. Qua thảo luận đã thống nhất phương án chọn 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên để đặt 1 trường đại học văn hóa cho cả khu vực. Hoặc là khu vực Bắc Trung bộ có nhu cầu cần phải có một trường đại học văn hóa và trường thể thao thì thống nhất nên đặt ở Thanh Hóa vì Thanh Hóa trước đó đã có trường cao đẳng về văn hóa nghệ thuật, và trong 1 năm qua Thanh Hóa đã nỗ lực chuẩn bị rất tốt.

Trong ngày 22/7, đúng ngày Thủ tướng ký quyết định phê duyệt quy hoạch nhân lực thì cũng đồng thời đồng ý về chủ trương thành lập trường Đại học Văn hóa, Thể thao, Du lịch tại tỉnh Thanh Hóa cho vùng Bắc Trung bộ. Đó chính là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và các địa phương.

Còn một vấn đề nữa là sẽ cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cơ sở dạy nghề cả nước. Trên cơ sở quy hoạch này, từng địa phương sẽ xây dựng quy hoạch của mình. Thủ tướng đã yêu cầu hàng năm phải có báo cáo về kết quả thực hiện".

Văn Chung (Tổng hợp)

Nguồn: VietNamNet

Thế hệ chỉ biết kêu ca

Đó là một ngày cuối tuần, vợ chồng tôi đưa con về nhà ngoại chơi như mọi lần. Trong lúc tôi vừa lui cui làm bếp vừa chạy lại phòng khách để trò chuyện với mẹ, thì thấy mẹ chăm chú (có kèm theo cái nhíu mày) đọc bài viết Mùa hè sắp đến và chúng ta phải làm gì với lũ trẻ trên tờ báo tôi mang theo để đọc nốt mấy mục chăm con mà tôi thích. Tôi mới đọc bài báo đó khuya hôm trước và rất thấy tâm đắc bởi vợ chồng tôi cũng đang trong hoàn cảnh tương tự như những gì tác giả bài báo ấy đưa ra.


Chơi với con

Chồng tôi làm công ty nhà nước kiêm nhà đầu tư chứng khoán, đi làm 8 tiếng/5 ngày/tuần, giao đãi bạn bè hoặc nhậu nhẹt buổi tối ở ngoài trung bình tuần/lần. Tôi làm nhân viên văn phòng một hãng nước ngoài, thời gian làm việc giống chồng tôi, thỉnh thoảng thêm nửa ngày thứ bảy, giao đãi bạn bè cuối tuần (thường là thành viên vài câu lạc bộ mà tôi tham gia) trung bình 4 tuần/lần. Con gái của chúng tôi qua hè này sẽ lên lớp 2.

Năm nay, cũng là lần đầu tiên gia đình tôi phải đối mặt với “hoàn cảnh mới” – con chúng tôi sẽ “được” trường cho nghỉ hè một tháng. (Với bé, thì chính xác là được. Suốt cả mấy tuần chuẩn bị thi cử, con bé luôn miệng hân hoan với các kế hoạch con sẽ làm việc này, đi chỗ kia trong một tháng được nghỉ học).

Suốt cả tuần trước đó, tôi với chồng bàn bạc nhau đủ kiểu phương án “chống đỡ”. Gom cả phép của hai vợ chồng, cũng không thể đủ cho mỗi người 15 ngày ở nhà với con. Tôi cũng không thể mang con đến cơ quan như mấy chị bạn tôi làm cơ quan nhà nước. Chúng tôi cũng không thể “đày” con đi học tiếp dưới dạng những cái tên mỹ miều là khoá học này, khoá học nọ. Ba mẹ chồng tôi còn sống, nhưng xa nơi chúng tôi ở 800km – và quan trọng là cả hai chúng tôi đều nhất trí con bé không thể ở cả tháng với điều kiện sinh hoạt, vui chơi như ở quê, lại còn không có ba hoặc mẹ ở cùng.

Phương án tối ưu chúng tôi đưa ra là cho cháu về nhà ngoại chừng ba tuần, những ngày còn lại trong kỳ nghỉ là một chuyến đi Phú Quốc và một chuyến sông nước miền Tây như đã hứa với con. Mẹ tôi 60 tuổi, đã nghỉ hưu, không ở chung với hai anh lớn đã có gia đình mà ở với em trai tôi chưa lập gia đình, hàng tuần tham gia các hoạt động từ thiện, đi chùa với các bà hưu trí ở khu phố. Và hôm nay chúng tôi về ngoại cũng là để hỏi ý xem mẹ có đồng ý giữ cháu ngoại ba tuần hay không.

Cái nhíu mày của mẹ lúc đọc báo, khiến tôi chưa biết mở lời thế nào, khi bữa cơm đã đi quá nửa. Và cuối cùng thì mẹ tôi, tinh ý như mọi khi, đã hoá giải với một câu chuyện kiểu “đi vòng vòng” quanh cái lõi của vấn đề.

Mẹ tôi đưa ra những so sánh thời của mẹ và thời của tôi, tôi diễn đạt lại thành bảng biểu để bạn đọc dễ nắm bắt:

Ngoài những điều trên, mẹ tôi còn đưa ra nhiều ví dụ tiểu tiết về việc tiêu phí thời gian của thời mẹ tôi so với thời của tôi. Chẳng hạn, như mẹ nói: mùa mưa, quần áo phơi không khô mẹ tôi mất cả tiếng đồng hồ mỗi ngày để ngồi hong đồ trong khi đó thời của tôi chỉ cần bỏ vào máy sấy, mất 15 giây. Hoặc khi tắm cho con, thời mẹ tôi mất 20 phút đun bếp củi để có nước nóng, thời của tôi cứ mở vòi là có nước nóng, v.v và v.v.

Chưa cần mẹ đưa ra kết luận nào, tôi và chồng tôi đã tự hiểu, “âm mưu” của chúng tôi nhờ bà trông cháu đã hoàn toàn phá sản.

Đêm ấy, khi con gái chúng tôi đã ngủ say, tôi và chồng đem những chuyện mẹ tôi nói hồi tối ra mổ xẻ. Những so sánh của mẹ tôi khiến vợ chồng tôi thấy rõ ràng một nghịch lý, (ít nhất đối với chúng tôi) tại sao tiền bạc dư dả, nhiều công cụ hỗ trợ, tiện nghi đầy đủ, các nhu cầu cuộc sống được đáp ứng, thì lại thấy có ít thời gian hơn.

Trong bữa ăn ấy, mẹ tôi còn đưa ra ý kiến mà khi nghe cả vợ chồng tôi đều sững sờ: “Với thu nhập, tích luỹ, hưởng thụ, du lịch... của các con như hiện tại, có thể nói các con thuộc thành phần khá giả trong xã hội. Vậy thì mỗi con có thể bớt đi 15 ngày làm việc kiếm tiền trong một năm, vừa để nghỉ ngơi vừa dành thời gian cho con, liệu có phải là điều gì trầm trọng, không khả thi?

Ngược lại, nếu các con coi mình là còn nghèo, nghèo thì phải gắng học gắng làm vượt lên hoàn cảnh, chứ đâu có ai nghèo mà gắng để được chơi được hưởng thụ cho thoải mái. Nội, ngoại mỗi bên sẽ giúp chăm cháu ít ngày, còn lại cho cháu đi học. Thời mẹ nuôi con, mẹ đã từng ước có được nhiều trường lớp môn học ngoại khoá như bây giờ để cho con được đi học hè, mẹ nhớ con cũng từng muốn vậy đúng không? Vậy các con hãy chia sẻ hoàn cảnh với cháu rồi hỏi cháu xem nó muốn gì, làm gì để chia sẻ những khó khăn của các con”.

Cả hai vợ chồng tôi đều bối rối và chưa thể “thấm” ý kiến của mẹ, nhưng có một kết luận của mẹ mà chúng tôi chắc chắn thấy đúng: “Như mẹ thấy thế hệ các con, có nhiều lựa chọn, mà các con đã chọn duy nhất một điều là kêu ca”.

Phần việc nhà chung chung:
Thời mẹ tôiThời của tôi
Giờ làm việc8 tiếng/6 ngày/tuần8 tiếng/5 ngày/tuần
Việc nhàTự làm tất cảGiúp việc ở chung, hoặc theo giờ
Thiết bị hỗ trợ việc nhà

Không có

Máy giặt, máy hút bụi, nồi cơm điện,
tủ lạnh, lò vi sóng, máy xay ép đa năng…
Số con41
Phương tiện đi lạiXe đạpXe máy, taxi
Du lịch, nghỉ dưỡng3/lần2 lần/năm
Phần chăm sóc con (mẹ tôi lấy những ví dụ cơ bản theo mỗi giai đoạn nuôi con):
Thời mẹ tôiThời của tôi
Con dưới 6 tháng tuổi
(thời gian dành cho việc giặt đồ)
Tã vải, giặt 1 giờ/ngàyTã giấy, dùng xong bỏ, không phải giặt
Con dưới 1 tuổi
(chăm sóc hàng ngày như cho ăn, tắm, chơi, dỗ ngủ)
Tự làm hoặc con lớn trông con nhỏNgười giúp việc
Con trên 1 tuổi
(chăm sóc y tế cơ bản, ốm đau lặt vặt)
Trạm xá, cách nhà 1kmBác sĩ gia đình, gọi điện thoại tới nhà khám
Con 3 tuổi
(ốm đau bất thường phải đi viện chuyên khoa)
Đạp xe 4km đến bệnh viện

Đi taxi 15 phút đến bệnh viện

Con 5 tuổi
(học ngoại khoá theo sở thích)
Không có trường lớp hoặc không có kinh phíHọc đàn 1 giờ/3 buổi/tuần. Học tiếng Anh 1 giờ/1 buổi/tuần