Giải thoát

Anh là bạn tôi, tự kết liễu đời mình bằng cách cắt động mạch cổ tay với lưỡi dao lam. May mắn, người thân kịp phát hiện, anh không chết. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe tin ấy, nhưng rồi nghĩ kỹ lại với tính cách của anh, hành động đó như một điều tất yếu.

Minh họa: Lê Thiết Cương

Chưa bao giờ tôi thấy anh thật sự hài lòng và hạnh phúc, dù đã có mặt trên đời hơn 60 năm. Con người cực đoan ấy lúc nào cũng đứng chót vót ở một đầu của mọi vấn đề để nhìn ngắm, suy xét, đánh giá con người, sự việc. Bước ra đường, anh muốn mọi người nhìn mình bằng con mắt nể trọng, lúc nào cũng định khẳng định với mọi người bằng lời nói và hành động, rằng anh là một người hiểu biết, tài năng, sành điệu... Thật ra đó cũng chỉ là căn bệnh thâm căn cố đế của nhiều người, mà ở kẻ này thì được che giấu một cách dễ thương, ở người khác thì phô bày lộ liễu, khó coi.

Thời bao cấp, cơm chưa đủ no bụng, anh khui chai rượu Pháp mời bạn bè vài ly để nhớ “cái thời oanh liệt xa xưa”. Rồi trong hơi men chếnh choáng, anh tuyên bố một câu nổi gai ốc: “Ở xã này người uống rượu Tây đầu tiên là ai tui không biết, người thứ hai biết uống... là tui!”. Trong gia đình, anh đặt ra những luật lệ, nguyên tắc riêng, như một thứ khuôn vàng thước ngọc mà mọi thành viên gia đình phải răm rắp theo đó hành xử. Cứ như thế, căn nhà của anh ít khi có tiếng cười, vợ con đau khổ vì anh và rồi chính anh cũng đau khổ vì mọi người xung quanh không sống theo ý mình.

Chuyện sẽ chẳng có gì, thậm chí còn nhạt nhẽo nếu không có thêm một chuyện lạ khác về anh. Một ngày, anh mang đến cho tôi rất nhiều băng đĩa, kinh sách, bảo rằng đã tìm ra con đường giải thoát. Anh thức dậy từ 3 giờ sáng mỗi ngày, thắp hương cúng lễ và thành tâm cầu nguyện.

Anh chỉ cho tôi thấy tôi và những người khác đang chìm đắm trong bể khổ, đang bị tham, sân, si làm mờ cái thiện căn vốn dĩ tồn tại trong mỗi chúng sinh. Anh chỉ cho tôi thấy cái gốc của khổ đau và phiền não chính là sự chấp ngã. Trước mắt tôi, anh thành một con người hoàn toàn khác. Tôi hạnh phúc và sung sướng khi nghĩ rằng chỉ cần một con người biết nhận ra chính đạo thì đã có thêm một bông sen nữa nở ra giữa ao sen nhân thế, tỏa hương thơm ngát.

Vài tháng sau gặp lại anh, tôi gặp một con người có vẻ ngoài đạo mạo. Lần này, anh không còn khoe tài, khoe bản lĩnh mà khoe... đạo hạnh! Anh chứng tỏ sự thông tuệ của mình bằng những bài thuyết giảng dài dằng dặc. Anh nghiêm khắc phê phán sự đúng sai trên con đường tu tập của những vị cao tăng, đồng thời chỉ ra cho tôi thấy con đường giải thoát mà chắc chắn anh sẽ tìm thấy không bao lâu nữa!

Tôi ngồi nghe, thấy mấy năm qua cái “tôi” to lớn trong anh vẫn không thể nhỏ lại, thậm chí còn tiếp tục phình ra cùng với tuổi tác ngày một chất chồng. Anh vẫn là “người thứ hai - còn người thứ nhất anh không biết” trong tất cả mọi chuyện. Vẫn thấy anh loay hoay với nỗi khổ đau, dằn vặt vì cảm giác “bất toàn” trong mối quan hệ với vợ con, bè bạn..., vẫn một mình giương cao niềm kiêu hãnh và ánh hào quang của riêng anh hòng soi tỏ xung quanh.

Tôi những mong anh tìm thấy con đường giải thoát không phải bằng... lưỡi dao lam. Không biết niết bàn của anh nằm ở nơi nào, chỉ thấy mỗi ngày anh đều đi qua địa ngục.

LỆ BA
Nguồn: Tuổi trẻ

Thay đổi số phận bằng giáo dục

Một số đất nước hoàn toàn không có tài nguyên nhưng vẫn trở nên giàu có và một số khác, tài nguyên chỉ ở mức vừa vừa, cũng đã tiến xa trên con đường đi đến thịnh vượng. Tại sao?
Chiến lược phát triển của mỗi quốc gia ảnh hưởng rất nhiều đến số phận của quốc gia đó. Hãy tìm hiểu về Singapore và Malaysia, đã và đang vươn lên nhờ có chiến lược phát triển đúng đắn.

Tập trung cho người tài và giáo dục

Singapore, với diện tích 660 km2 và dân số gần 5 triệu người, hoàn toàn không có tài nguyên thiên nhiên, đến nước ngọt cũng phải nhập khẩu. Năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Singapore chỉ vào khoảng 427 USD/năm. Thế nhưng vào năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người của hòn đảo sư tử đã đạt khoảng 40.000 USD/năm, biến đất nước này thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao hàng thứ hai châu Á, sau Nhật, nằm trong nhóm nước tiên tiến, văn minh và giàu có nhất trên thế giới. Nhờ đâu đảo quốc này lại tiến nhanh đến như vậy?

Ngay từ khi giành được độc lập vào năm 1965, Chính phủ Singapore đã tung ra chiến lược “Trọng dụng người tài”. Những nhân vật nắm giữ vị trí trọng yếu đều tốt nghiệp các đại học danh tiếng thế giới. Ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore, tốt nghiệp Khoa Luật, Đại học Cambridge (Anh), từng phát biểu: “Lãnh đạo xấu sẽ đuổi người tốt, người giỏi, không cho họ giữ những chức vụ quan trọng”.
Chiến lược đặc biệt quan trọng của đảo quốc sư tử là tập trung đầu tư cho giáo dục, chất xám cao cấp.

Giáo sư Mỹ Dave Ulrich, người được quảng cáo là nhà quản trị nhân sự số một thế giới, khi diễn thuyết tại TP.HCM (hôm 29.9.2011), đã cho rằng Singapore là “một điển hình về đào tạo, phát triển và sử dụng người tài đáng được học hỏi”.

Ngoài việc sử dụng người tài của đất nước, quốc gia này còn tìm cách thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Cố vấn kinh tế trước của ông Lý Quang Diệu (khi ông giữ chức Thủ tướng) là Giáo sư Albert Winsemius, người Hà Lan. Và cũng chính các chuyên gia Liên hiệp Quốc đã góp công quy hoạch Singapore ra hình ra dạng như ngày nay.

Các đại học công lập Singapore còn mời giáo sư thuộc nhóm Ivy League đến giảng dạy. Đây là nhóm 8 đại học lâu đời, có hệ thống, triết lý giáo dục và chất lượng đào tạo hàng đầu của Mỹ, trong đó có các trường như Harvard, Yale, Princeton.

Một kinh nghiệm khác trong phát triển của Singapore là sử dụng tiếng Anh, dẫu theo kiểu Singapore - Singlish, với dấu nhấn hơi ngược với tiếng Anh chuẩn cùng một số từ ngữ địa phương và cả ngữ pháp tiếng Hoa. Việc dùng tiếng Anh đã giúp cho nước này thêm thịnh vượng. Ông Lý Quang Diệu từng nói: “Nắm vững tiếng Anh, đó là chìa khóa để giành lấy tri thức, công nghệ cao của phương Tây”.

Nhưng có lẽ chiến lược đặc biệt quan trọng của đảo sư tử là tập trung đầu tư cho giáo dục, chất xám cao cấp. Các đại học công Singapore đào tạo cả sinh viên trong nước lẫn quốc tế. Sinh viên quốc tế, nếu nhận tài trợ của Chính phủ Singapore và vay tiền ăn học của các ngân hàng Singapore sẽ phải làm việc tối thiểu 3 năm cho 1 công ty đăng ký hoạt động tại Singapore sau khi tốt nghiệp. Quả là cách khôn khéo để thu hút thêm chất xám.

Tám đại học danh tiếng nước ngoài, trong đó có Trường Kinh doanh Chicago, Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp), Trường Nghệ thuật Tisch thuộc Đại học New York, đã mở phân hiệu tại nước này, theo chương trình “Nhà trường Toàn cầu” của Chính phủ Singapore.

Đại học Quốc gia Singapore hiện đã đứng thứ 40 trên danh sách các đại học tốt nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Anh uy tín Times Higher Education, còn Đại học Công nghệ Nangyang thì hàng thứ 169.

Cho đến tháng 8 năm nay, Singapore mới cho mở thêm đại học công thứ tư: Đại học Công nghệ và Thiết kế. Đây là đại học nước ngoài đầu tiên có quan hệ hợp tác chặt chẽ về học thuật với Học viện Công nghệ Massachusetts được cho là nổi tiếng nhất nước Mỹ trong đào tạo các ngành nghề kỹ thuật, công nghệ.
Malaysia cũng tập trung cho giáo dục
Malaysia, láng giềng của Singapore, cũng có chiến lược tập trung vào giáo dục. Đặc biệt là đào tạo khoa học - công nghệ cao, trong đó có công nghệ thông tin. Ngành này đã được đầu tư một cách hiện đại và đồng bộ, trong đó có đầu tư và khuyến khích sử dụng rộng rãi máy vi tính.

Từ năm 1996, Malaysia đã cho mở thêm các trường đại học tư nhân và đại học nước ngoài vừa để thu hút sinh viên trong nước, vừa nhằm lôi kéo sinh viên các nước Đông Nam Á khác. Quốc gia này đang mong muốn số lượng sinh viên quốc tế tại đây tăng lên mức 100.000 người.

Hiện nay, có ít nhất 4 đại học Úc và Anh đã thành lập chi nhánh tại Malaysia gồm Đại học Monash, Đại học Công nghệ Curtin, Đại học Swinburne và Đại học Nottingham.

Malaysia đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng đào tạo cao với chi phí vừa phải, rẻ hơn đến 2/3 so với Singapore. Ông Morshidi Sirat, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Giáo dục Đại học tại Đại học Sains Malaysia, cho biết sinh viên Việt Nam và Thái Lan đang là mục tiêu mà các đại học Malaysia nhắm đến.

Malaysia cũng chú trọng đào tạo tiếng Anh và ngôn ngữ quốc tế này đã được phổ cập từ cấp trung học cơ sở đến đại học. Hầu hết các ngành đào tạo khoa học - công nghệ tại đây đều sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, theo giáo trình của các đại học Anh và Mỹ.

Malaysia còn tập trung vào các ngành công nghệ cao. Theo chương trình “Tầm nhìn 2020” của Chính phủ, thực hiện từ năm 1991, nền kinh tế phụ thuộc nông nghiệp sẽ phải chuyển sang nền kinh tế với sản xuất công nghiệp, dịch vụ là chủ đạo, trong đó phát triển các công nghiệp sử dụng kỹ thuật cao, hạn chế các công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Qua đó sẽ biến Malaysia thành một quốc gia mới công nghiệp hóa.

Đến tháng 5.2009, Thủ tướng Najib Tun Razak của Malaysia công bố thêm 1 kế hoạch phát triển đất nước mang tên “Mô hình Kinh tế mới”. Mục tiêu của kế hoạch là thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế để Malaysia gia nhập nhóm nước có thu nhập cao và tăng trưởng có chất lượng vào năm 2020, bằng cách tăng tiền lương và năng suất của người lao động thông qua việc thúc đẩy công nghiệp tri thức và đầu tư của nước ngoài.

Chính phủ nước này đã thành lập Thung lũng Sinh học (theo mô hình Thung lũng Công nghệ cao Silicon của Mỹ) và Ban Quản lý Công nghệ Sinh học Quốc gia. Bên cạnh công nghệ sinh học, công nghệ nano cũng được đầu tư mạnh mẽ. Chính phủ Malaysia đang xếp công nghệ nano vào 1 trong số 10 ngành phải ưu tiên phát triển.

Để thúc đẩy công ty tư nhân đầu tư vào công nghệ cao, Chính phủ Malaysia đã giảm thuế cho họ. Các doanh nghiệp công nghệ sinh học, chẳng hạn, có thể được miễn thuế doanh nghiệp và giảm thuế nhập khẩu thiết bị, vật liệu...

Theo ông Razak, khu vực tư nhân sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Chính phủ chỉ sẽ thực thi các chính sách hỗ trợ cho khu vực này.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Malaysia trước khủng hoảng tài chính Đông Á (năm 1997-1998) đã khá cao: trung bình 6,7%/năm. Trong giai đoạn khủng hoảng, tăng trưởng đã bị âm, nhưng rồi sau đó đã dương trở lại.

Tính đến cuối năm ngoái, thu nhập trên đầu người của Malaysia đã lên hơn 8.000 USD/năm (so với khoảng gần 3.250 USD của năm 1999). Nếu “Mô hình Kinh tế mới” thành công, 15.000 USD là thu nhập trên đầu người mà đất nước này hoàn toàn có thể đạt tới.  

Theo Doanh nhân Sài Gòn
Nguồn: Dân trí

Tái cấu trúc đầu tư giáo dục, tại sao không?

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, con trưởng cố GS Vũ Đình Hòe cho rằng đã đến lúc tái cơ cấu hệ thống giáo dục và tái cấu trúc đầu tư cho giáo dục. Ngày 19/11, ông gửi tới VietNamNet ý kiến của mình. Để rộng đường dư luận, VietNamNet giới thiệu bài viết của ông và mong nhận được sự tranh luận của độc giả với tác giả. Mọi ý kiến xin gửi về: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi ở cuối bài viết.

Học sinh Trường Tiểu học Sơn Điện 2, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lê Anh Dũng

Từ những thực tế nhức nhối: con em nhà nghèo bỏ học hàng loạt và cử nhân thất nghiệp nhất loạt đi học nghề

Báo Dân Trí từng đăng lời kêu cứu: “Ngăn chặn làn sóng bỏ học”, cho biết mỗi năm có đến 1,2 triệu học sinh các cấp bỏ học, gần nửa con số đó lại là các cháu theo Luật phổ cập giáo dục tiểu học 1991 thuộc diện Nhà nước có trách nhiệm thực thi quyền cơ bản của trẻ em.- được học miễn phí! Báo chí cũng đã nhiều lần nêu gương tốt của những đứa trẻ mới 11 - 12 tuổi đành phải thôi học để đi làm nuôi em ăn học – những tấm gương hiếu đễ khiến tất cả những ai có lương tri đều cảm phục mà đau lòng! 

Cũng lại báo chí cho biết nhiều cử nhân không tìm được việc làm đành ghi tên và đóng tiền vào học ở các trường dạy nghề vi tính, sửa chữa xe máy, hầu bàn hầu phòng khách sạn v.v… để khỏi phải tiếp tục ăn bám bố mẹ.

Con em nhà nghèo không thể hưởng quyền được phổ cập giáo dục là do những gia đình bươn chải ngày ngày vì miếng ăn không còn cáng đáng nổi phí học đường các loại ở ngay trường công - cơ sở chủ yếu phải thực thi Luật phổ cập giáo dục. Dẫu có phê phán bao nhiêu trên báo chí và ở cả những diễn đàn cao cả nhất, thậm chí có ra bao nhiêu quyết định thì, cũng như đối với hiện tượng dạy thêm - học thêm, các quỹ “tự nguyện” ở các trường tiểu học công vẫn cứ tồn tại. Tạm bỏ sang bên những tiêu cực có thật trong việc thu thêm các phụ phí học đường, vẫn có những nhu cầu khách quan mà không một quyết định duy ý chí nào bác bỏ được: trường lớp xập xệ, thiếu ánh sáng, không đảm bảo chống nóng, chống lạnh cho trẻ, nhà vệ sinh khủng khiếp và hơn hết là lương giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường còn không đủ sống trong điều kiện giá cả nhu yếu phẩm leo thang đến chóng mặt - những vấn đề nan giải này, đội ngũ làm trực tiếp là Hiệu trưởng các trường, Giám đốc các Sở giáo dục và chính phụ huynh học sinh thấy rõ hơn “Ông Bộ”, có thể nói là “cảm nhận” ngày ngày, nên gần đây đã có người công khai ủng hộ lạm thu. 

Cử nhân thất nghiệp phải đi học nghề để kiếm việc là vì nền kinh tế đã chuyển đổi từ mô hình bao cấp-kế hoach hóa sang mô hình thị trường, nhưng hệ thống giáo dục của ta, vốn thiết kế phục vụ nền kinh tế bao cấp- kế hoạch hóa, “theo hình ống” – vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, nay hầu như vẫn y nguyên sau mấy lần cải tiến cải lui, vẫn tiếp tục đào tạo theo những “chỉ tiêu” được cho, bất chấp nhu cầu của thị trường lao động nghề nghiệp. Cái hình ống ấy thậm chí còn phình ra kinh khủng khi các trường đại học gọi là “dân lập” (thực ra là “quan lập”!) được lập tràn lan theo cơ chế xin-cho dưới những chiêu bài đáp ứng “lòng hiếu học cổ truyền”, nhu cầu (?) về “nhân lực cao cấp”, nhưng thực ra là để lợi dụng tâm lí bằng cấp cổ truyền (lại được kích cầu bởi chính sách sai lầm gắn liền sự thăng tiến trên quan trường với học vị!) để kinh doanh giáo dục.

Lối thoát: tái cơ cấu hệ thống giáo dục và tái cấu trúc đầu tư cho giáo dục

Chỉ có thể cơ bản khắc phục vấn nạn này (và hàng loạt vấn nạn khác kèm theo) nếu như: 

1) ngành giáo dục từ bỏ hai căn bệnh thâm căn cố đế, là: chạy đua thành tích và “cải tiến cải lui” theo các “dự án” kiểu “Cải cách chữ viết” sang kiểu chữ “cụt đầu” - như trẻ em gọi, “cải cách” bắt đầu dạy vần không từ chữ A như thiên hạ và ông cha vẫn làm, mà từ chữ O, rồi lại “cải” từ O sang E v.v và v.v…; tiêu tốn mỗi lần “cải” hàng ngàn tỷ lẽ ra có thể chi cho các nhu cầu cấp thiết của giáo dục tiểu học; 

2) kiên quyết thực hiện phương châm mà Hội nghị TW 3 khóa XI vừa mới đề ra về tái cơ cấu-tái cấu trúc để tái cơ cấu hệ thống giáo dục và tái cấu trúc đầu tư cho giáo dục. 

Nhà nước ta chi đến 20% ngân sách cho giáo dục. Mới đây báo chí đưa tin Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất. Thế nhưng, chính do đua với người về thành tích tỷ lệ cử nhân/thạc sĩ/tiến sĩ trên đầu người mà 20% của tổng ngân sách còn nhỏ bé được đầu tư dàn trải cho tất tật các cấp học từ mẫu giáo cho đến tiến sĩ!

Theo quan điểm khoa học giáo dục hiện đại, thiết kế một hệ thống giáo dục, phải thiết kế từ mục tiêu cuối cùng, từ mô hình chuyên gia - sản phẩm của hệ thống giáo dục đó, tức từ người tốt nghiệp đại học phải có những phẩm chất, kiến thức và kỹ năng gì để đáp ứng môi trường lao động nghề nghiệp tương lai, có nghĩa là phải thiết kế từ trên xuống. Nhưng xây dựng (hoặc cải cách, xây dựng lại) một hệ thống giáo dục phải đầu tư từ dưới lên, tức từ cấp tiểu học. 

Theo quan điểm kinh tế thị trường thì sản phẩm của giáo dục phải đáp ứng nhu cầu đa dạng và đa cấp của thị trường lao động nghề nghiệp. Vậy phải cơ cấu lại hệ thống giáo dục theo tầng bậc, trong đó mỗi cấp học đều có lối rẽ ngang ra thị trường lao động nghề nghiệp chứ không phải chỉ có một lối đi lên cấp học cao hơn.

Hãy nghiêm chỉnh “làm theo lời Bác Hồ dạy”. Năm 1957 Hồ Chủ tịch viết bài Học sinh và lao động: “Thi đỗ tiểu học rồi thì muốn lên trung học; đỗ trung học rồi, thì muốn lên đại học - riêng về mỗi cá nhân của người học sinh thì ý muốn ấy không có gì lạ. Nhưng chung đối với nhà nước thì ý muốn ấy thành vô lý …”. Và Người đặt nhiêm vụ cho ngành giáo dục: “” phải chuẩn bị tư tưởng cho học sinh sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoặc công việc xây dựng khác” (Bác Hồ với giáo dục. - Bảo tàng Hồ Chí Minh & NXB Giáo dục - 2008, tr. 161). 

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi
Nguồn: VietNamNet

Ngài Ken Robinson: Hãy mang lại cuộc cách mạng giáo dục!

Trong bài diễn thuyết sâu sắc, hài hước, tiếp theo bài diễn thuyết năm 2006 của mình, ngài Ken Robinson đã nhấn mạnh cuộc cách mạng chuyển từ nền "giáo dục công nghiệp" sang một nền giáo dục được cá nhân hoá - tạo một môi trường để trẻ em phát triển tài năng tự nhiên của mình.





Chuyên gia sáng tạo - Sir Ken Robinson - thách thức cách giáo dục trẻ em của chúng ta. Ông đấu tranh cho sự cải cách tận gốc rễ hệ thống giáo dục, tạo môi trường để nuôi dưỡng sự sáng tạo và thừa nhận sự đa dạng của các loại hình thông minh.


Tại sao chúng ta không thể tận dụng những khả năng tốt nhất của con người? Sir Ken Robinson cho rằng nguyên nhân đến từ việc chúng ta đã được giáo dục để trở thành người lao động giỏi, chứ không phải thành những người có khả năng suy nghĩ sáng tạo. Các học sinh với tâm trí và thân thể hiếu động mà lẽ ra những tiềm năng và trí tò mò của chúng cần được khơi gợi - lại bị bỏ qua hoặc thậm chí bị bêu xấu, điều đó sẽ dẫn đến một kết cục vô cùng tồi tệ. "Chúng ta đang đào tạo con người xa rời khả năng sáng tạo của họ", Robinson nói. Đó là một thông điệp mang âm hưởng sâu sắc. Buổi thuyết trình tại TEDTalk của ông đã được phân phối rộng rãi trên web kể từ khi được phát hành vào tháng 6 năm 2006. Lời bình phổ biến nhất trên blog về bài diễn thuyết của ông là: “Tất cả mọi người nên xem nó”.

Trong bài diễn thuyết của mình tại TEDTalks 2010, Robison đã chia sẻ quan điểm của mình về nền giáo dục hiện tại: “Lí do nhiều người đang chán bỏ giáo dục là vì nó không nuôi dưỡng tâm hồn họ, nó không nuôi dưỡng sức sống hay đam mê trong họ. Tôi nghĩ chúng ta phải thay đổi hình tượng này. Chúng ta phải đi từ mô hình giáo dục công nghiệp, một dây chuyền sản xuất sản xuất con người, dựa trên sự tuyến tính, và cứng nhắc. Chúng ta phải tiến tới một mô hình đặt nền tảng thiên về những tính chất của nông nghiệp. Ta phải nhận ra rằng vun trồng con người không phải là một quá trình cơ khí, mà là một quá trình sinh học, không thể đoán trước được sản phẩm của nó; tất cả những gì bạn có thể làm, giống như một nông dân, là tạo ra điều kiện để con người phát triển.”


Nguồn: Presentation.com
Là một nhà văn hóa hàng đầu có tầm nhìn, Sir Ken đứng đầu Ủy ban cố vấn của chính phủ Anh năm 1998 về giáo dục văn hóa và sáng tạo, mở một cuộc điều tra quy môlớn v ý nghĩa của sự sáng tạo trong hệ thống giáo dục và nền kinh tế, và được phong tước hiệp sĩ vào năm 2003 cho thành tựu của mình. Cuốn sách của ông, “The Element: How Finding Your Passion Changes Everything” thể hiện một cách nhìn sâu sắc về nền giáo dục và tính sáng tạo của con người, được xuất bản vào tháng 1 năm 2009.
“Chuyên môn và tầm nhìn của Ken nhận được sự hưởng ứng từ các tổ chức cộng đồng cũng như thương mại trên khắp thế giới”.

BBC Radio 4

Nguồn: TED.com

Người lớn đang kéo lùi trẻ con về giá trị cũ

Tốt nghiệp tiến sỹ  Vật lý tại Cộng hòa Pháp năm 2007, hiện là  giảng viên của Học viện Kỹ  thuật quân sự, nghề dạy học  đã cho tiến sĩ (TS) Nguyễn Thành Nam cơ hội làm thầy của nhiều  đối tượng người học, từ  học sinh tiểu học tới sinh viên đại học. Sau tất cả những trải nghiệm đó, anh nhận ra rằng: Người lớn thừa hưởng những giá trị cũ, niềm tin cũ và vì thế, họ kéo lùi trẻ con lại.

Trải qua môi trường giáo dục trong và ngoài nước, lại là  thầy của đủ các đối tượng học sinh, anh thấy vai trò người thầy ngày nay có thay đổi gì?

TS Nguyễn Thành Nam: "Các thầy các cô đã quá quen với ngôi cao của mình, sự  uy nghi đó ngăn cản thầy cô đối xử bình đẳng với học sinh".
Thực ra, mọi sự  thay đổi của người thầy đều bắt đầu từ  sự thay đổi của học sinh.

Tôi nhìn thấy vấn đề lớn nhất hiện nay là trò thì thay đổi rất nhanh trong khi thầy chẳng chịu thay đổi gì cả.  Điều này cũng dễ hiểu bởi vì lớp già bị níu giữ bởi các giá trị cũ nên thường bị lạc hậu so với lớp trẻ.   

Hãy nhìn vào lớp học trò bây giờ mà xem, ta sẽ thấy họ  rất khác với thầy cô của họ. Không chỉ có  vậy, lớp trẻ lại đang thay đổi rất nhanh khiến cho khoảng cách giữa thầy và trò mỗi ngày cứ toang hoác mãi ra.

Nói như GS Hồ  Ngọc Đại thì “trẻ em là đứa con của thời đại”, tức là trẻ em là tiên tiến nhất, trẻ em luôn đúng.

Lớp trẻ lại đang thay đổi rất nhanh khiến cho khoảng cách giữa thầy và trò mỗi ngày cứ toang hoác mãi ra.
  Người lớn phải thay đổi theo trẻ em thì mới có thể “dạy”  được chúng. Trong mối quan hệ thầy trò, học sinh chính là động lực bắt người thầy phải thay đổi để có thể hòa hợp được với lớp trẻ mới lên.

Thế nhưng các thầy các cô đã quá quen với ngôi cao của mình, sự  uy nghi đó ngăn cản thầy cô đối xử bình đẳng với học sinh, họ vừa không muốn thay đổi, vừa không biết cách thay đổi để rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò.

Vậy khi đi dạy, anh thấy có khoảng cách như  thế nào với lớp trẻ  bây giờ?  

Có một tình thế  trớ trêu là trong lớp thì trò không biết nói gì với thầy (thầy độc thoại) còn ra ngoài cuộc sống thì thầy không biết nói gì với trò. Mà lỗi thì hẳn nhiên thuộc về thầy cô, thuộc về người lớn.

Tôi có thể cảm nhận khá tốt mọi điều nên luôn có ý  thức tiếp cận gần với bọn trẻ. Nhưng mà…vẫn xa cách lắm. Nhưng cái xa cách đáng nói nhất của trẻ em Việt Nam bây giờ là có vẻ nó bị người lớn kéo lùi chúng lại quá nhiều so với thế giới.   

Những buổi đầu tiên tôi dạy ở ĐH, tôi độc thoại trên bảng và tìm mọi cách để kích hoạt các bạn trẻ lên. Và chúng vẫn không chịu tham gia ý kiến…Với những người thầy cũ cứ lên bảng giảng như thế, và chúng cứ ngồi im, không có khả năng động não, hoàn toàn thụ động.

Trẻ con Việt Nam đang bị phân hóa rất lớn. Phần lớn trẻ ở chỗ  tôi dạy từ nông thôn đi ra. Chúng bị kéo lùi lại với người lớn. Trong khi lớp học sinh khác  ở thành phố, ở nơi hiện đại chúng vươn ra thế giới mạnh hơn. Lớp trẻ bị kéo dãn về hai phía, chúng xa lạ với nhau. Tôi không hiểu điều này rồi sẽ gây ra vấn đề gì trong xã hội?   

Có một tình thế  trớ trêu là trong lớp thì trò không biết nói gì với thầy (thầy độc thoại) còn ra ngoài cuộc sống thì thầy không biết nói gì với trò. Mà lỗi thì hẳn nhiên thuộc về thầy cô, thuộc về người lớn.
Sự thay đổi nhìn thấy rõ ở các trường dân lập ở thành phố. Ở đó, giáo viên chạy hụt hơi theo phụ huynh. Phụ huynh thì chạy hụt hơi theo con cái của họ. Phụ huynh được đặt lên trên nhưng họ chưa đủ năng lực để thực hiện sự tự do của họ.   

Phụ huynh yêu cầu nhà trường đủ thứ. Nhưng bi kịch là phụ  huynh không hiểu con của họ nốt. Họ cũng là người lớn và họ thừa hưởng những giá trị cũ.  

Nhà trường phải  đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nhưng làm chương trình mới thì quá sức nên họ làm trường đẹp hơn. Nhưng thầy giáo, vẫn là của hệ thống cũ. Họ vừa phải áp một mô hình cũ, vừa phải đáp ứng những yêu cầu mới. Cực kỳ mệt mỏi.

Có chăng, chúng được học thêm một số môn: tiếng Anh, kỹ năng sống. Đây là kiểu thay đổi rất ngẫu hứng, tự phát, được chăng hay chớ. Dạy đến bao giờ cho hết kỹ năng sống vì nó không có một hệ thống nào cả.   

Trong cuộc giằng co giữa học trò và người thầy, người thầy hiện nay dạy theo cách cũ, sống trong một xã hội cũ. Ở  những trường công lập người thầy vẫn giữ uy thế  của mình, học trò phải theo thầy.   

Trẻ con, bạn dạy cái gì sẽ được cái đó. Công cuộc giáo dục này gian nan nhất là giáo dục lại người lớn. Vì họ không thừa nhận thì họ không dạy trẻ con như thế. Mà người lớn thì bị níu giữ bởi những giá trị cũ, niềm tin cũ.
HS Trường Tiểu học Đồng Phú 2, xã Đồng Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phương pháp của anh sẽ gặp phải những phản  ứng khi phụ huynh chưa thay đổi?

Tôi đã từng gặp trường hợp như thế này. Khi tôi nói với một cô giáo: Khi cô cho đứa trẻ nối một phép tính và đáp số, nó có thể dùng bút vẽ, dùng thước để kẻ. Mục đích chính là xem đứa trẻ có xác định đúng phép tính này gắn với kết quả này hay không?   

Nhưng khi cô cho em dùng thước điểm cao thì thực tế đã lệch ra khỏi mục tiêu môn học. Hơn nữa, các em đang ở lứa tuổi phải hoàn thiện giác quan, cơ bắp thì em dùng tay nên được khuyến khích vì em luyện  được sự khéo léo của đôi tay.    

Tôi vừa nói, một phụ huynh đứng lên “phang” ngay: “Cái đó anh lên giáo dục mà ý kiến. Ở đây các thầy cô làm thế là đã quá tuyệt!”   

Với khối phụ huynh như thế, tôi cũng chịu chết.  Cũng như cha mẹ thương con, thuê dịch vụ tặng quà Nô-en nhưng thực chất, làm như thế là giết chết ông già Nô-en trong tưởng tượng của đứa trẻ.

Với con trai tôi, tôi cho con viết thư cho ông già Nô-en. Con tin là có  ông già Nô-en. Con tôi đã viết cả một tập thư để gửi cho ông già Nô-en.

Mục đích của tôi là nuôi dưỡng trí tưởng tượng của con. Hai nữa là để con viết. Nếu yêu cầu trẻ con viết thì rất khó. Nhưng khi con chơi trò đó, con học xong có thể viết cả trang giấy mà không thấy mệt mỏi gì cả. Cách sống và ứng xử với trẻ con, không phải cứ theo tình thương là đúng, mà phải biết.    

Nhưng thực sự tôi nghe những điều anh nói chỉ phù hợp với những phụ huynh có tri thức và mong muốn, có ý thức tìm hiểu về việc nuôi dạy trẻ con. Để phổ biến được điều đó trong xã hội, tôi e là rất khó?  

Mình phải nói điều  ấy ra. Họ sẽ lắng nghe và sẽ có  những người họ có văn hóa hơn, họ sẽ hiểu và áp dụng. Ngay cả chuyện đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ nói cho phụ huynh hiểu mọi điều. Việc của tôi chỉ là bật một cái công tắc có tên là “trẻ con khác quá”. Nếu mình không biết thì mình không dạy được nó đâu. Khi công tắc đó bật lên thì họ sẽ tự tìm hiểu mọi chuyện.   

Chẳng hạn, khi bạn lên google, phần hình ảnh, gõ bất kỳ từ khóa nào cũng có hình sex trong đó. Tức là con em sinh ra đã tiếp xúc với sex. Chúng ta có thể kiểm soát hoàn toàn việc vào mạng của con không? Vậy nên phải chấp nhận thực tế và thay đổi để hướng dẫn con.

Cảm  ơn TS Nguyễn Thành Nam! 

  • Nguyễn Hường (thực hiện)
  • Nguồn: VietNamNet