Thư gửi mẹ của con – Lời của một thai nhi

Mẹ à,
Con là con của mẹ. Chắc là mẹ chưa biết con đâu và con chỉ mới chút xíu à, chỉ vài tuần tuổi thôi. Nhưng rồi mẹ sẽ nhận ra sự hiện diện của con trong mẹ.
À, chắc mẹ chưa biết về con đâu nhỉ. Con tên là John. Con có đôi mắt nâu to tròn và mái tóc đen. Thật ra thì con chưa có mấy cái đó đâu nhưng khi sinh ra, con sẽ như vậy. Con sẽ là con của mẹ, và mẹ sẽ gọi con là con trai yêu quý nhất của mẹ. Hai mẹ con mình sẽ sống với nhau mà không có bố, nhưng mình sẽ sống hạnh phúc và yêu thương nhau. Khi lớn lên, con muốn trở thành bác sĩ để có thể cứu chữa cho mọi người.
sleeping child Thư gửi mẹ của con   Lời của một thai nhi
Hôm nay, mẹ biết rằng mẹ đã mang thai con. Mẹ sung sướng và không thể ngăn mình kể với mọi người về sự hiện diện của con. Cả ngày hôm nay, con thấy mẹ cười rất nhiều và hạnh phúc. Mẹ à, mẹ cười đẹp lắm. Khi sinh ra đời, con biết mình sẽ nhìn thấy mẹ trước tiên, thấy mẹ cười hạnh phúc khi được ẵm con trong vòng tay, và đó sẽ là khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời của con. Chắc chắn là vậy.
Hôm nay là ngày mẹ kể cho bố nghe về con. Con nhận ra sự hồ hởi trong giọng nói của mẹ. Nhưng bố thì không. Bố giận lắm. Có thể mẹ không nhận ra nhưng gương mặt bố trở nên căng thẳng và khó chịu. Bố nhắc đi nhắc lại những thứ như trách nhiệm, tiền bạc, những hóa đơn… những thứ mà con cũng không biết đó là gì. Mẹ thì bỏ ngoài tai những lời đó, mẹ hân hoan trong niềm hạnh phúc có con. Rồi bố trở nên hung dữ, bố đánh mẹ. Con có thể cảm nhận mẹ ngã xuống, đôi tay hươ về phía trước để bảo vệ cho con. Con không sao đâu mẹ à, nhưng mẹ thì khác.
Mẹ khóc.
Con không thích nghe tiếng khóc chút nào mẹ à. Nó làm con cảm thấy nỗi đau dần lan vào trong lòng mình, nó khiến con cũng bật khóc.
Thấy mẹ khóc, bố xin lỗi và ôm lấy mẹ. Mẹ đã tha lỗi cho bố. Con thì không biết là có thể tha thứ được như mẹ không. Bố thật khó hiểu. Nếu bố yêu mẹ, sao bố lại làm mẹ đau?
Mẹ đã nhìn thấy con.
Bụng mẹ to lên từng ngày và mẹ tự hào vì có con. Mẹ đi siêu thị với bà để mua sắm quần áo mới cho con. Mẹ hát cho con nghe, giọng hát đẹp nhất trên thế giới này. Con cảm thấy hạnh phúc nhất khi con nghe mẹ hát. Và khi mẹ trò chuyện với con, con thấy mình thật an toàn dưới sự chở che của mẹ.
Tin con, mẹ nhé! Khi được sinh ra con sẽ cố gắng trở thành một người con thật ngoan. Con sẽ khiến mẹ tự hào về con và con sẽ yêu mẹ, bằng cả trái tim.
Con bắt đầu chòi đạp trong bụng mẹ để mẹ biết rằng con đang khỏe mạnh, đang lớn lên khi mẹ đặt tay lên bụng mình để cảm nhận đứa con bé bỏng. Mẹ cười khúc khích, con cũng vậy. Con yêu mẹ lắm, mẹ à.
Bố đến thăm mẹ. Con sợ lắm mẹ ơi. Bố trở nên ngang ngược. Bố nói bố không cần mẹ nữa. Rồi bố đánh mẹ, một lần nữa. Con giận lắm mẹ à. Khi lớn lên con sẽ không để mẹ phải bị đánh như vậy nữa. Con sẽ bảo vệ mẹ, con hứa.
Bố xấu lắm. Dù mẹ có nói thế nào con cũng không tin bố là người tốt. Nếu bố là người tốt sao bố lại đánh mẹ con mình? Sao bố lại nói rằng bố không muốn thấy con? Sao bố ghét con, hả mẹ?

Tối nay mẹ không nói gì với con. Mọi chuyện có ổn không mẹ?
Đã ba ngày kể từ khi mẹ gặp bố. Mẹ không nói chuyện hay áp tay lên bụng để cảm nhận con như trước nữa. Mẹ không yêu con nữa hả mẹ? Dù thế nào thì con cũng yêu mẹ lắm. Chắc là mẹ buồn. Mẹ chỉ chạm vào con khi mẹ ngủ, quay sang một bên và co người lại. Rồi mẹ ôm lấy con. Khi ấy, con lại thấy mình ấm áp và được chở che. Sao mẹ không ôm con khi mẹ thức như trước vậy mẹ?
Con đã 21 tuần tuổi. Mẹ có tự hào về con không? Hôm nay mình sẽ đi chơi, đến một nơi thật mới. Con thích lắm. Nơi đó giống như một cái bệnh viện, nơi con sẽ làm việc khi lớn lên. Con đã nói với mẹ là con muốn trở thành bác sĩ mà.
Mẹ à, con sợ lắm. Tim mẹ vẫn còn đập nhưng con không biết mẹ đang nghĩ gì. Bác sĩ đang nói gì đó với mẹ. Con không biết là điều gì nhưng nó sắp xảy ra rồi. Con sợ sợ sợ lắm mẹ à. Mẹ có yêu con không mẹ? Nói với con là mẹ vẫn còn yêu con đi mẹ, để con biết mình không đơn độc, để con có thể cảm thấy bớt sợ hơn. Con yêu mẹ!
Mẹ à, họ đang làm gì con vậy? Đau quá mẹ ơi! Nói họ dừng lại đi mẹ, con đau quá. Mẹ ơi, cứu con.
Mẹ ơi, cứu con.
Mẹ ơi…
Con ổn rồi, mẹ đừng lo cho con nhé. Con đã lên thiên đàng cùng với các thiên thần. Họ đã nói cho con biết mẹ đã làm gì với con: Phá thai.
—-
Sao vậy mẹ? Sao mẹ lại làm vậy? Mẹ không yêu con nữa hả mẹ? Sao mẹ lại từ bỏ con. Nếu con có làm gì sai thì con xin lỗi, con xin lỗi nhiều lắm mẹ ơi. Con yêu mẹ nhiều lắm, bằng cả trái tim. Sao mẹ không yêu con? Con đã làm gì để phải chịu sự đau đớn này? Mẹ ơi, con muốn được sống. Mẹ có biết là con đau đớn lắm khi mẹ không còn quan tâm và nói chuyện với con nữa. Con yêu mẹ nhiều lắm mà mẹ. Nói với họ là mẹ muốn giữ con lại. Nó với họ là mẹ không muốn mất con đi mẹ. Mẹ ơi, con muốn sống, sống một cuộc sống thật hạnh phúc, mỗi ngày sẽ được nhìn thấy mẹ, được cảm nhận cuộc sống quanh con. Và con sẽ trở thành một bác sĩ.
Con không muốn ở đây chút nào. Con muốn được mẹ yêu thương thêm một lần nữa. Con xin lỗi, ngàn lời xin lỗi nếu con đã làm gì sai. Con yêu mẹ.
Con yêu mẹ lắm, mẹ à.
Mỗi sự phá thai đồng nghĩa với…
Một trái tim sẽ ngừng đập.
Một đôi mắt sẽ không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng muôn màu của cuộc sống.
Một đôi bàn tay không được chạm vào cuộc đời.
Một đôi chân không bao giờ rảo bước.
Một cái miệng sẽ không nói được lời nào.
Ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 5000 ca nạo phá thai, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày có hơn 10 sinh linh bị tước bỏ sự sống.
Đây chỉ là con số ước tính.
Và con số ấy đang ngày một gia tăng

Mỗi con người đều có quyền được sống, dù đó chỉ là một sinh linh còn nằm trong bụng mẹ.
Nguồn: Internet

Hai Câu Hỏi Thú Vị


Câu hỏi thú vị muốn nhắc nhở chúng ta :


1- Đừng vội đánh giá chọn người theo một vài tiêu chuẩn bên ngoài
Người lãnh đạo cần Tài lẫn Đức - Tâm cộng với Tầm...
Trần gian vốn không có ai tuyệt đối. Tài thường kèm với tật.
Được mặt này mất mặt khác. Người giỏi quá thì cộng tác viên chẳng thể góp sáng kiến.
Người nghĩ mình tuyệt đối chỉ thích ra lệnh và dễ đi đến độc tài độc đoán,

2- Beethoven điếc đã trở thành nhạc sĩ thiên tài.
Tương tự, nhiều người tàn mà không phế. 
Người mù tai rất thính ... Kẻ cụt tay có thể dùng chân để thay thế. 
Tiêu diệt những người tàn phế là chọn lựa phi nhân kiểu Hitler.
Một con người, dù yếu liệt, dù nhỏ bé như một bào thai... vẫn có nhân quyền
Bó buộc phải cư xử với họ như một con người... và cần cho họ cơ hội.


Nguồn: Youtube

Trẻ thành thị và nguy cơ “tây hóa”

Học tiếng Anh từ khi 4- 5 tuổi, xem phim, đọc truyện nước ngoài, hâm mộ những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng châu Âu, thích các ngày lễ Halloween, Giáng sinh hơn Trung thu hay Tết Nguyên đán, trẻ em thành thị đang có nguy cơ bị “Tây hóa” ngay trên đất Việt.
Bé Hồng Anh - học sinh lớp 2 trường tiểu học Hồng Hà - Hoàn Kiếm - HN được mẹ cho đi sắm quần áo ông già Noel từ trước lễ Giáng sinh một tuần. Hỏi Noel hôm nào, bé sẽ làm gì trong tối Giáng sinh, tặng quà cho ai, ghi lời chúc cho mẹ thế nào, bé đều trả lời vanh vách, tuy nhiên khi hỏi về Tết sắp đến, bé có biết nên làm gì trong dịp Tết không, Hồng Anh “ngậm hột thị” luôn.
Những trường hợp như Hồng Anh không phải là hiếm ở Hà Nội và các thành phố lớn như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa các quốc gia khác cũng xâm nhập vào Việt Nam và ngày càng trở nên phổ biến.
Chuyện mấy nhóc học sinh thích được mẹ thưởng cho đi ăn KFC, Pizza, uống Pepsi cuối tuần hơn là đi bảo tàng, công viên không còn xa lạ ở nhiều gia đình có điều kiện. Các em cũng học theo lối sống, phong cách của các cô cậu học trò hiện đại ở Anh, Mỹ, Pháp, thích mặc quần ống rộng, nhảy Hiphop, hiểu tường tận về Graffiti nhưng khi hỏi đến tò he, rối nước thì nhiều khi lắc đầu và cho là lần đầu tiên được nghe đến.
Trẻ em Việt Nam ở thành thị có xu hướng biết đến những ngày lễ phương Tây nhiều hơn. ảnh: TN

Chưa bao giờ phố Hàng Mã, Hà Nội đẹp lung linh như những ngày cận Noel, trẻ em sung sướng được bố mẹ dắt đi chọn váy, áo, mũ ông già Noel và ríu rít đòi ô tô nọ, siêu nhân kia. Nhưng, khi Tết đến, thử hỏi có mấy bé biết, mồng 1 sẽ đến nhà ai trước tiên, những món ăn nào thường được nấu trong ngày Tết?
Trẻ em chỉ như một tờ giấy trắng. Mọi hành vi, cử chỉ của các em chỉ được hình thành và duy trì khi có sự tác động, ảnh hưởng của người lớn. Nhà nhà, người người nô nức vui Halloween, Noel hơn cả Tết trung thu. Và ngày Tết cổ truyền, vì làm cả năm quá bận rộn, mệt mỏi, nhiều gia đình chọn giải pháp đăng kí đi du lịch nước ngoài, ngủ bù trong năm và gọi đồ ăn nhanh về nhà cho đỡ mất thời gian nấu nướng, dọn dẹp. Vậy thì ai là người dạy trẻ em phong tục của Việt Nam?
Tôi có biết một ông chủ của một doanh nghiệp lớn. Gia đình anh thừa sức cho con theo học một trường Quốc tế với học phí cả ngàn đô một tháng. Nhưng anh vẫn cho con học trường đúng tuyến, tức là một trường Tiểu học gần nhà, như bao trẻ em khác vì sợ con không được học lịch sử Việt Nam, địa lý Việt Nam, phong tục nước mình, chẳng mấy chốc mà mất gốc.
Dạy văn hóa cho trẻ em, đâu cần phải đao to búa lớn, sách vở, tài liệu nọ kia. Nếp sống, thói quen của người lớn chính là một tấm gương lớn, để trẻ em nhận ra giá trị cốt lõi của phong tục, nét đẹp trong nếp sống người Việt.
Nguồn: Lao Động

Đạo của người Quân tử

"Trong dòng nước chảy, hàm chứa cái Đạo của một người Quân tử lập thân, xử thế...

Nó chảy mãi không dứt thấm nhuần vạn vật, mang đến cho đại địa một sức sống tựa như là có ĐỨC

Tuy nó có trăm khúc ngàn quanh nhưng cuối cùng rồi cũng chảy về hướng Đông cũng giống như là có CHÍ.

Dù phải đối mặt với vách cao vực thẳm nhưng vẫn hăng hái tiến lên giống như là có DŨNG.

Nước chảy xuôi dòng rộng lớn vô cùng mà không chảy ngược tựa như là có ĐẠO.

Trong xanh thấu suốt, muôn vật đều nhờ có nước mà tẩy trừ ô uế trong sạch tự thân giống như là KHÉO GIÁO HÓA. 

Nước sông có nhiều đức tính tốt như thế không phải là cái Đạo của một người Quân tử lập thân, xử thế hay sao?"

(Lời dẫn vào phim)

Nước sông sở dĩ trong suốt là vì nó luôn chảy về phía trước. Nếu như để cho nó ngừng chảy thì tính trong suốt của nó bị vẩn đục và lần hồi nó sẽ phát tán ra mùi hôi thối...

(Trích phim "Khổng Tử")

"Bữa cơm ngày Giáng sinh"...

Phố phường đèn vẫn đỏ xanh, lung linh như Sài Gòn bao mùa vẫn thế…

Dòng người vẫn tấp nập ngược xuôi, đông vui như Sài Gòn bao giờ vẫn thế…

Tạm biệt với những tất bật đó để tìm đến con đường nhỏ Nguyễn Huy Lượng bên cạnh bệnh viện Ung bướu vào hai buổi sáng chiều trong ngày, bạn sẽ nhìn thấy đoàn người xếp hàng nối đuôi nhau. Họ là người nhà của bệnh nhân, đến nhận suất cơm từ thiện cho người thân và cả chính mình. Bữa ăn đạm bạc thôi mà chan chứa tình người khi mà đa số các bệnh nhân ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người còn phải khăn gói từ các tỉnh ở xa về đây chữa bệnh, đã khó lại không người thân quen… 

Mỗi lần đi qua con đường đó là mỗi lần lòng lại quặn lên xót xa khi thấy dòng người cứ vẫn mãi dài trong cái nắng, cái mưa của Sài thành bận rộn. Số cơm thì có hạn mà số người đứng chờ thì ngày ngày vẫn tăng lên, nghĩa là đâu đó, có những người sẽ không nhận được suất cơm qua ngày trong những ngày chống chọi với bệnh tật hoặc chăm sóc người nhà đang chữa trị. 


Khai phá Bản thân quyết định làm chương trình nhỏ “BỮA CƠM NGÀY GIÁNG SINH” vào dịp Giáng sinh năm nay với việc quyên góp tiền, tặng thêm những suất cơm từ thiện cho dòng người đang còn đông mãi kia. Dự kiến chương trình sẽ diễn ra vào chiều Chủ nhật – 25/12/2011. Hiện chương trình đã có nhà tài trợ chính là Tâm Đức quán (quán ăn của bạn Thắm – đồng sáng lập dự án Khai phá Bản thân) và muốn kêu gọi thêm sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm gần xa. Thêm một phần đóng góp là thêm một bữa no cho những người đang rất rất cần những tấm lòng sẻ chia… 


Không lớn lao, to tát, ồn ào, chỉ cần một tấm lòng, cùng với nhau, chúng ta sẽ làm được một điều gì đó thiết thực và ý nghĩa trong Giáng sinh này. Những điều nhỏ bé thôi, nhưng đủ để trở thành kỳ diệu đối với những người thật sự cần nó. 

Những bạn quan tâm và muốn đóng góp về chương trình, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Huyền tại Văn phòng dự án Khai phá Bản thân – 4/1/1 Hoàng Việt, Q.Tân Bình hoặc với Thắm tại Tâm Đức quán – 65bis Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh. 

Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Trần Thị Diệu Huyền – NH Sacombank, phòng giao dịch Phan Xích Long, số TK 060013589510.


Thời gian nhận tiền ủng hộ19 – 24/12/2011


Hãy cho đi vì có một ai đó đang rất cần sự giúp sức của bạn.


Hãy cho đi vì bạn đủ may mắn để có thể làm gì đó để sẻ chia.
Cùng chung tay, chúng ta có thể tạo nên một mùa đông ấm áp tình người.


Sài Gòn đang vào Giáng sinh – mùa của những đoàn tụ và yêu thương… 

"Lang thang một nửa bầu trời..." (*)

"Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều..."  (Xuân Diệu)

Tâm trạng của hôm nay ứng với hai (và chỉ hai) câu thơ này (phải nói rõ "chỉ hai" để phòng tránh trường hợp những người thuộc thơ Xuân Diệu có thể suy diễn thêm bớt từ hai câu thơ trích với hàm ý rất chân phương của tớ ^^). 

Sáng nay chơi ở công viên Tao Đàn, nhìn đám lá vàng rơi trong gió xuống thảm cỏ, lòng tự nhiên thanh tịnh. Những vấn vương, nghĩ suy của những ngày qua bỗng tan biến đâu hết. Tình yêu từ cây cỏ đi vào cơ thể, trút bỏ mọi phiền lo của cái đầu nặng trĩu khi mới thức dậy đầu ngày.

Ngồi ở gốc cây, nhìn thẳng về tháp Chàm bằng gạch nhân tạo, chợt nhớ đến những ước mơ chu du đó đây. Nhìn lên bầu trời, xanh ngắt một màu không một gợn mây, lòng lại mơ về nơi xa - một phương trời có thể đã đến, có thể đã đi, hoặc có thể chưa bao giờ đặt chân...

Mấy đứa con nít đùa vui trên thảm cỏ trước mặt. Có đứa đi theo ba mẹ, có đứa chơi đùa cùng em, Tây có, Ta có. Cảm giác ấm áp và hạnh phúc. Trí nhớ về ngày xưa được lục lọi để nhớ đến cái ngày bé tí được ba mẹ dẫn đi công viên chơi. Tự hỏi, vài bữa mình có dành thời gian để dẫn mấy nhóc nhà mình đi chơi như thế không? Thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng được nuôi dạy từ những ký ức tràn đầy tình yêu thương như thế, đứa trẻ lớn lên sẽ có đời sống tinh thần phong phú và trọn vẹn hơn. 

Nhìn cặp vợ chồng son của đứa bạn thân êm ả nhắm mắt ngồi cạnh bên nhau trên tảng đá lớn cạnh gốc cây, hai bàn tay đan vào nhau trông bình yên đến lạ. Thì ra hạnh phúc chỉ giản đơn như thế, từng phút giây được cùng nhau thưởng ngoạn cuộc sống, dựa vào nhau đầy an tâm, cùng hít thở một bầu không khí và sống cùng một giấc mơ về mái ấm bên cạnh nhịp đời hối hả, đua chen.

Nhìn cậu bạn Thở chơi với con bọ đất trên tay, nâng niu nhẹ nhàng: "Có muốn đi cùng tao không?" mà bật cười tự nhiên. Cậu bạn ấy, cái tâm trong sáng và thánh thiện đến kỳ lạ. Mặc những chuyện đã qua đôi khi trở về nhắc nhở, cậu vẫn một niềm tin yêu vào cuộc sống với cái nhìn đơn giản và yêu thương vào đời, vào người.

Cô bé đi cùng ngủ say dưới gốc cây Me Tây bự thiệt bự. Cố gắng ngồi chờ đợi cho đến khi em hoàn thành xong cái giấc ngủ đầy ngon lành với nét mặt phảng phất nụ cười nội tâm đầy thanh tịnh. Có lẽ cô bé đã cùng cái chở che của những vòm cây xum xuê hòa hợp trong giấc mơ trưa nhẹ nhàng.

Quá trưa rồi mà dưới tán cây, cái mát dịu êm vẫn xoa dịu nắng gắt với bóng cây trải dài trên thảm cỏ. Vòi nước của công viên vẫn được tháo chảy tự do để nước tự nhiên len vào từng gốc cây, nhánh cỏ. Từng con sóc vẫn nhảy lên nhảy xuống trên các thân cây. Cặp bướm đen vẫn cùng nhau bay lượn chập chờn...

Bước về trên con đường nhỏ dẫn ra bãi giữ xe, trên hai hàng ghế dọc lối đi vẫn đây đó từng cặp, nhóm người ngồi tâm sự, trò chuyện. Hít một hơi thật sâu để tạm biệt cái không khí yên ả này để về với phố phường tấp nập.

Ừ thì cuộc sống đó, đâu cần phải lựa chọn giữa hoặc chỉ lãng mạn hoặc chỉ thực dụng thôi đâu, phải không nè?
-------------------
(*) Chợt nhớ tới cái ý "lang thang một nửa bầu trời" của một người bạn. Xin mượn làm tựa cho bài viết này...

Cái giá của sự nỗ lực

Có câu chuyện kể về một thanh niên Nhật muốn trở thành võ sĩ giỏi nhất quốc gia. Anh ta nghĩ rằng để đạt được mục đích này, anh cần phải được học với một người thầy giỏi nhất sống rất xa nơi anh đang sinh sống. 

Một ngày kia, chàng thanh niên rời gia đình đến xin tầm sư học đạo với vị võ sư lừng danh ấy. Sau chặng đường ròng rã suốt mấy ngày trời, cuối cùng anh cũng tìm đến được võ đường và có một buổi đàm đạo với vị võ sư.

“Con hi vọng sẽ học được gì ở ta?” - vị võ sư hỏi. “Con xin thầy dạy cho con võ thuật và giúp con trở thành một trong những võ sĩ giỏi nhất đất nước - chàng thanh niên trả lời - Vậy con phải học trong bao lâu ạ?”. “Ít nhất là 10 năm” - vị võ sư trả lời”.

Người thanh niên ngẫm nghĩ: Mười năm thì lâu quá! Mình muốn hoàn thành ước nguyện sớm hơn kìa! Mình không có nhiều thời gian. Chắc chắn là nếu nỗ lực nhiều hơn thì mình sẽ có thể hoàn thành thời gian huấn luyện nhanh hơn.

“Còn nếu con cố gắng gấp đôi những người khác thì sẽ mất bao lâu thưa thầy?”. “Thế thì sẽ mất 20 năm” - vị võ sư đáp. 

Người thanh niên lại nghĩ: “Còn lâu hơn nữa à! Mình không muốn mất đến cả 20 năm để học một thứ gì đó. Mình còn nhiều cái khác cần phải thực hiện trong đời. Chắc chắn là nếu mình thật sự cố gắng luyện tập chăm chỉ thì mình có thể học nhanh hơn. 

Vì thế chàng thanh niên lại hỏi tiếp: “Nếu con nỗ lực hết mình, tập luyện cả ngày lẫn đêm thì con sẽ mất bao lâu ạ?”. “30 năm”, đó là câu trả lời của vị võ sư.

Chàng trai càng phân vân và tự hỏi vì sao vị võ sư cứ khẳng định số năm tăng lên như thế. 

Anh bèn hỏi vị võ sư: “Thưa thầy, vì sao mỗi lần con nói sẽ cố làm việc nhiều hơn, thầy lại bảo sẽ mất nhiều thời gian hơn thế ạ?” .

“Câu trả lời rất đơn giản. Một mắt của con đã lo tập trung nhìn vào đích đến thì con chỉ còn một mắt còn lại để tìm ra cách đi đến đích ấy mà thôi” - vị võ sư bình thản đáp. 

Dùng âm nhạc chữa bệnh tự kỷ

Ngày nay, các bậc phụ huynh Mỹ có thêm một niềm hy vọng mới trong việc chữa bệnh tự kỷ cho con mình. Đó chính là “liều thuốc” âm nhạc
Một cậu bé 12 tuổi mắc chứng tự kỷ bị khiếm thính nặng. Nhà trị liệu bằng âm nhạc đã hướng dẫn em đặt cằm lên thân đàn violon, mặt hướng về phía cổ đàn. Khi nhà trị liệu dạy em kéo đàn, sự rung động của dây đàn đã lan đến xương hàm và đi vào tai trong của em, vậy là cậu bé đã “nghe” được tiếng nhạc lần đầu tiên.
Nhà âm nhạc trị liệu John Foley đang dạy các em mắc bệnh tự kỷ. Ảnh: NJ.Com
Những giờ trị liệu
Một cậu bé 4 tuổi bị chứng tự kỷ không thể dùng từ ngữ để giao tiếp. Cậu bé chỉ dùng tay chỉ vào đồ vật để thể hiện những thứ cậu muốn. Nhà trị liệu bằng âm nhạc kết thúc buổi học bằng bài hát Happy trails (Những quãng đường hạnh phúc) và hướng dẫn cậu bé đóng giả động tác phi ngựa. Cả thầy và trò cùng làm những âm thanh “lộc cộc” để bắt chước tiếng vó ngựa. Không lâu sau, cậu bé đã bắt đầu tạo ra âm thanh để “yêu cầu” bài hát. Các thầy cô giáo và những người hỗ trợ nói rằng đây là lần đầu cậu bé sử dụng ngôn từ để diễn đạt điều mong muốn của mình. Vài tháng sau, cậu bé đã có thể nói “một, hai, ba” và gọi “chơi banh” để yêu cầu bài hát mình yêu thích.
Đối với người nhạc công tại bang New Jersey (Mỹ), John Foley, đó là một ngày làm việc không tồi tí nào. John Foley và những nghệ sĩ được đào tạo bài bản như anh đã đạt được điều mà các nhà trị liệu thông thường muốn làm, đó là đưa những trẻ em tự kỷ ra với thế giới bên ngoài. John Foley, người đã làm việc như một nhà trị liệu bằng âm nhạc hơn 10 năm nay tại các trường học và các chương trình trị liệu khắp nơi ở bang New Jersey, nói: “Đối với trẻ em tự kỷ, thế giới là một nơi hỗn tạp với quá nhiều cung bậc cảm xúc”. Ông cho rằng “ngay cả khi chúng ta không biết đến lời nhạc thì âm nhạc vẫn giúp chúng ta nhận ra nó, âm nhạc tự nó vẫn có ý nghĩa”.
Các nhà khoa học có thể nghi ngờ nhưng hãy hỏi các nhà âm nhạc trị liệu và phụ huynh có con em mắc bệnh tự kỷ đang điều trị bằng âm nhạc, bạn sẽ nhận ra những bằng chứng kỳ diệu do âm nhạc mang lại. Ngay cả ông Foley cũng thừa nhận rằng: “Chúng tôi biết âm nhạc có tác dụng đối với người mắc hội chứng tự kỷ, mặc dù chúng tôi không biết tại sao và bằng cách nào.”
Phát triển phương pháp trị liệu
Theo website nj.com, trong lúc một số phụ huynh có con em bị bệnh tự kỷ cảm thấy vui mừng khi con mình được điều trị hiệu quả bằng âm nhạc thì còn rất nhiều người dân bang New Jersey vẫn gặp khó khăn để tìm đến một chương trình điều trị cho con mình và rất nhiều người thậm chí không biết đến sự tồn tại của loại hình trị liệu này. Bang New Jersey chỉ có khoảng 150 nhà trị liệu bằng âm nhạc được chứng nhận, rất ít so với vài trăm người tại New York và khoảng 4.000 người trên cả nước. Nhưng con số này rồi sẽ tăng cao”.
Tuy nhiên, bà Karen Goodman, một chuyên gia lâm sàng lâu năm tại phòng khám chữa trị bằng âm nhạc ở thành phố Montclair, người có quá trình điều trị cho trẻ em và trẻ vị thành niên mắc hội chứng tự kỷ từ năm 1978, nói rằng ngay cả khi lĩnh vực âm nhạc trị liệu phát triển, mục đích của phương pháp này vẫn có thể khó đạt được.
Bà minh chứng bằng câu chuyện của một trong những bệnh nhân điều trị đã lâu: “Cô bé này là con gái một nghệ sĩ biểu diễn tại Broadway, cô bé có thể hát cả một đoạn nhạc nhưng vẫn không thể nói hai tiếng “xin chào”. Bà Goodman nhấn mạnh: “Mục đích của việc khơi dậy khả năng âm nhạc của một bệnh nhân là để cho họ có thể giao tiếp. Chúng tôi muốn những đứa trẻ này có thể “tự phát ra âm nhạc của chúng” dưới dạng hội thoại… để có thể trò chuyện”.
Thiên Trân

"Đố ai vẽ được, đố ai xoá được?"

Hôm nay được người bạn giới thiệu cho ca khúc này của bác Hoàng Ngọc Tuấn, đọc thấy tâm đắc. Nể ghê gớm khi biết được bác sáng tác bài lúc chỉ mới ở độ tuổi 22 ...
***
       "Cánh tay là cánh chim trời, cánh chim là cánh tay người, ta bay... ta bay... ta bay...
Mắt như hạt nước trên trời, nước mưa từ mắt con người, ta rơi... ta rơi... ta rơi...
Bóng ta là bóng mây trời, bóng mây là bóng con người, ta trôi... ta trôi... ta trôi...
Bước chân ngọn gió ngang trời, bước quanh đời sống con người, ta đi... ta đi... ta đi...

Ai vẽ được đường bay của chim?
Ai vẽ được màu sắc của mưa?
Ai vẽ được hình bóng của mây?
Ai vẽ được bàn chân của gió?


Đố ai buộc cánh chim trời, trói chim vào cánh tay người, không bay... không bay... không bay...?
Đố ai buộc nước trên trời, trói mưa vào mắt con người, không rơi... không rơi... không rơi...?
Đố ai buộc bóng mây trời, trói mây vào bóng con người, không trôi... không trôi... không trôi...?
Đố ai buộc gió ngang trời, trói chân vào bước chân người, không đi... không đi... không đi...?


Ai xoá được đường bay của chim?
Ai xoá được màu sắc của mưa?
Ai xoá được hình bóng của mây?
Ai xoá được bàn chân của gió?"



Nguồn: Tiền vệ

7 thói quen của những người làm việc không hiệu quả

Hầu như cả 7 thói quen dưới đây đều dễ dàng trở thành một phần bình thường của cuộc sống hàng ngày, bạn khó có thể nhận ra chúng, cũng như không thể biết chúng đang tác động tới bạn như thế nào.
1. Không có mặt
Có thể bạn đã từng nghe câu nói nổi tiếng này của Woody Allen: “Tám mươi phần trăm thành công là ở sự có mặt”.
Một trong những điểm đáng kể nhất và cũng đơn giản nhất bạn có thể làm để đảm bảo cho sự thành công của mình, bất cứ trong đời sống xã hội, sự nghiệp hay với vấn đề sức khỏe – rất đơn giản là bạn hãy xuất hiện nhiều hơn. Nếu bạn muốn mình khỏe hơn, cách quan trọng và hiệu quả nhất là hãy có mặt nhiều hơn ở phòng tập thể dục.
Thời tiết có thể không thuận lợi, bạn có thể sẽ không muốn đi và thấy mình có bao nhiêu việc khác phải làm. Nhưng nếu bạn vẫn đi, vẫn xuất hiện tại phòng tập khi động cơ khuyến khích chẳng là bao, bạn sẽ cải thiện được phần lớn tình hình sức khỏe thay vì việc cứ ở nhà và xả hơi trên ghế sôfa.
Tôi nghĩ điều này có thể áp dụng vào hầu hết các lĩnh vực khác của đời sống. Nếu bạn viết hay vẽ nhiều hơn, có thể là hàng ngày, bạn sẽ nhanh chóng cải thiện các kỹ năng đó. Nếu bạn tham gia nhiều cuộc gặp gỡ, bạn sẽ có nhiều bạn bè hơn. Nếu bạn hẹn hò nhiều, bạn sẽ có cơ hội gặp được một nửa đặc biệt với mình. Hãy để mình có mặt nhiều hơn nữa, bạn sẽ tạo ra được sự khác biệt đáng kể. Không chịu xuất hiện thì cũng có nghĩa, bạn sẽ chẳng đi tới đâu cả.
2. Trì hoãn tới nửa ngày.
Để giải quyết nó, hãy thực hiện những phương pháp sau:
- “Nuốt con ếch”. Điều này có nghĩa, bạn hãy làm một việc khó khăn và quan trọng nhất với mình ngay trong buổi sáng. Một khởi đầu tốt sẽ nâng cánh tinh thần và tạo nên động lực tích cực trong suốt thời gian còn lại của ngày làm việc. Đó thường sẽ là một ngày làm việc rất hiệu quả.
- “Bạn ăn một con voi như thế nào?” Hãy đừng cố nuốt nó trong một miếng lớn. Nó có thể là quá tải với bạn và lại dẫn tới tình trạng trì hoãn. Hãy chia nhỏ công việc thành những bước nhỏ dễ hành động. Sau đó, tập trung vào từng bước và không làm gì khác nữa. Hãy chỉ làm bước đó cho tới khi hoàn thành rồi mới chuyển sang bước tiếp theo.
- “Hãy thiền định một chút” Tôi nhận thấy phép thiền có chỉ dẫn này rất hữu dụng. Sau 20 phút gần như chỉ nằm trên giường và lắng nghe, tôi cảm thấy mình năng động hơn trong suốt vài ngày. Tôi không còn quá mong muốn chìm trong cảm giác trì hoãn hay tìm những gì mới trên các trang web yêu thích của mình nữa.
3. Khi thực sự làm việc, chỉ làm ngay những việc ít quan trọng nhất
Có thể nói, một trong những thói quen dễ dàng nhất để bạn đi vào bế tắc hay trì hoãn, là bạn để mình luôn bận rộn với những việc không quan trọng.
Để hiệu quả hơn, có lẽ bạn cần có một cách quản lý thời gian nào đó. Nó có thể là một cách khá đơn giản như sử dụng quy tắc 80/20 vào thời điểm bắt đầu mỗi ngày. Quy tắc 80/20, hay còn gọi là quy tắc Pareto, như chúng ta đã biết, nói rằng, bạn sẽ nhận được 80% kết quả từ 20% những việc làm và hành động của mình. Vì thế, bạn cần tập trung hầu như toàn bộ năng lượng của mình vào một số ít những việc quan trọng nhất để có được hiệu quả tối ưu nhất.
Khi bạn đã ưu tiên sử dụng quy tắc này rồi, hãy viết ra 3 việc quan trọng nhất bạn cần làm trong ngày. Kế đó, hãy bắt tay vào làm từ trên xuống dưới. Ngay cả khi bạn chỉ có thể hoàn thành được một việc trong số đó, bạn vẫn đã có thể làm được một điều quan trọng nhất trong ngày. Có thể bạn sẽ muốn áp dụng các phương pháp quản lý thời gian khác, nhưng khi tổ chức công việc, vẫn cứ nên ưu tiên hàng đầu cho những việc quan trọng nhất. Có như thế, bạn sẽ không để hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng trôi qua với những công việc bận rộn nhưng lại chẳng hề thiết thực. Hoàn thành mọi việc nhanh hơn sẽ chẳng có tác dụng gì nếu những việc bạn đã làm đó chẳng hề quan trọng.
4. Suy nghĩ quá nhiều
Suy nghĩ quá nhiều nhưng lại chẳng chịu hành động. Việc bạn cứ quẩn quanh với những suy nghĩ, phân tích sẽ làm lãng phí thời gian trong đời. Tất nhiên, việc suy nghĩ trước khi làm gì đó chẳng có gì sai. Bạn cần phải nghiên cứu, lập kế hoạch, khám phá các ưu, khuyết điểm tiềm ẩn của vấn đề.
Nhưng việc cứ suy nghĩ, suy nghĩ và lại suy nghĩ chỉ là một cách khác làm lãng phí thời gian của bạn mà thôi. Bạn không thể kiểm tra một vấn đề ở mọi phương diện trước khi bắt tay vào thực sự. Và bạn cũng không thể chờ một thời điểm hoàn hảo nhất để hành động. Thời điểm đó sẽ chẳng bao giờ đến. Và nếu bạn cứ nghĩ mình sẽ đào sâu suy nghĩ hơn rồi mới hành động thì mọi việc sẽ càng lúc càng trở nên khó khăn. Thay vì thế, bạn hãy ngừng suy nghĩ. Hãy khép lại tâm trí mình và thực sự bắt tay vào những việc cần làm.
5. Chỉ thấy những vấn đề tiêu cực hoặc bất lợi khi xem xét vấn đề nào đó
Khi quan sát mọi vấn đề theo góc nhìn tiêu cực, bạn sẽ nhanh chóng tạo nên “một hố sâu” trong động cơ hành động. Bạn sẽ thấy trục trặc có ở khắp mọi nơi và những vấn đề rắc rối luôn nảy sinh. Bạn sẽ bị chi phối bởi những tiểu tiết. Nếu bạn muốn tìm lý do để không làm gì thì thái độ này có lẽ không vấn đề gì. Vì lẽ, với cái nhìn tiêu cực, bạn có thể tìm ra hàng chục lý do.
Và khi làm được quá ít việc, bạn lại than vãn kể lể với bất cứ ai sẵn lòng nghe bạn (tất nhiên, với cả những người chẳng thích thú vì với việc đó) về công việc, cuộc sống chán chường cũng như vị sếp đầy khó chịu.
Một giải pháp cho vấn đề này là bạn hãy nhận thức rõ những hạn chế của cách nhìn vấn đề theo hướng tiêu cực. Thêm nữa, những nhìn nhận của bạn không phải là bức tranh thật 100% về thế giới xung quanh. Thế nên, hãy thử nhìn đời theo những lăng kính khác. Chẳng hạn, bạn có thể tập hình thành thói quen quan sát mọi thứ dưới ánh sáng lạc quan và tích cực hơn, cách làm đó s hữu dụng hơn nhiều. Theo đó, có thể bạn sẽ muốn thử nghiệm những thách thức tích cực. Điều đó hẳn nhiên không dễ dàng, nhưng nếu bạn chấp nhận thử thách và cố gắng chỉ nghĩ tới những điều tích cực trong vòng 7 ngày, nó sẽ cho bạn có dịp nhìn sâu hơn vào việc, quan điểm sống cũng như những tín điều sẽ thay đổi cách nhìn nhận thế giới của bạn như thế nào. Và rồi bạn sẽ thu được những kết quả ra sao.
6. Bám lấy quan điểm riêng và không chịu cởi mở trước những khác biệt bên ngoài
Thật khó để thừa nhận rằng, những gì bạn nghĩ hay những điều bạn tin không phải là những lựa chọn tốt nhất. Thế nên, càng lúc bạn càng trung thành với những suy nghĩ của mình hơn và khép kín đầu óc. Điều này khiến cho việc cải thiện nó trở nên khó khăn, cụ thể là trong việc làm nó hiệu quả hơn. Ngay cả khi thực sự quan tâm tới khả năng bạn có thể thay đổi cuộc sống cũng sẽ trở nên khó khăn hơn trong tình huống này.
Một giải pháp ở đây hiển nhiên là bạn nên cởi mở hơn nữa. Hãy rộng rãi hơn trong suy nghĩ và biết học hỏi từ sai lầm của những người khác, từ sai lầm của chính bạn và từ những nguồn tư liệu khác như sách vở. Dù vậy, điều này nói thì có vẻ dễ, song làm mới thực sự khó. Tôi có một đề xuất ở đây, như tôi đã nói ở thói quen phía trước, bạn hãy nhận ra những hạn chế trong những điều mình biết và cách bạn giải quyết mọi điều. Từ đó, bạn hãy thử chọn một cách làm khác, một cách tiếp cận vấn đề khác.
Có một cách khác nữa là bạn nên chấm dứt việc tập trung quá nhiều vào những suy nghĩ hay cái “tôi” riêng của mình, có như thế, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc chấp nhận và áp dụng những ý tưởng hay tư tưởng mới trong đời sống. Hãy loại bỏ những suy nghĩ lỗi thời, chẳng còn chút hữu dụng. Mặt khác, bạn cũng đừng nên quẩn quanh trong việc đọc, nghĩa là chỉ lo tích lũy thêm các thông tin mới và bạn đơn thuần chỉ là một người chứa đầy những thông tin về kỹ năng sống mà thôi. Hãy sử dụng những thông tin mới đó, áp dụng tất cả những điều đã học được vào hành động cụ thể và thử nghiệm nó.
7. Thường xuyên quá tải thông tin 
Khi nói như vậy tôi không có ý bảo rằng bạn đọc quá nhiều. Mà tôi chỉ muốn nói bạn đưa vào đầu óc mình quá nhiều loại thông tin. Nếu bạn cứ để mọi thông tin tràn ngập trong óc mình thì thật khó có thể suy nghĩ rành mạch. Nó chỉ khiến bạn bị quá tải. Đây là một vài những điều bất lợi tiềm ẩn trong thói quen này:
- Một vài trong số những thông tin bạn có được sẽ trở thành tiêu cực. Các phương tiện truyền thông xung quanh bạn thường đưa ra những vấn đề tiêu cực vì nhiều lý do khác nhau. Nếu bạn không biết lựa chọn những điều mình muốn thâu nạp trong cuộc sống, bạn sẽ bị cuốn theo tâm lý bi quan đó. Điều này sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ, cảm giác và hành động của bạn.
- Nó sẽ tạo nên trong bạn mong muốn luôn được cập nhật những gì đang xảy ra, nhưng lại luôn có rất nhiều điều khác xảy ra nữa mà bạn không có khả năng cập nhật. Vậy là nó sẽ tạo nên sự căng thẳng trong đời sống.
- Nó sẽ khiến bạn ngày càng khó khăn hơn trong việc đưa ra quyết định hay hành động nếu trí óc bạn bị bỏ bom với hàng loạt thông tin, hay cố gắng phân loại tất cả. Riêng cá nhân tôi nhận thấy, nếu tôi thu thập quá nhiều thông tin, tôi có thể bị rơi vào tình trạng bị “đơ” về mặt tinh thần. Tất nhiên, sẽ chẳng làm được nhiều điều. Hoặc giả, bạn có thể bị vướng lại với thói quen số 3 và luôn bận rộn, bận rộn ở nhịp độ lớn nhưng với những hoạt động kém ưu tiên.
Để có thể tập trung, suy nghĩ mạch lạc và hành động, việc lựa chọn những thông tin hữu ích cho mình là điều rất quan trọng. Khi công việc của bạn có thể bị ngắt quãng bất cứ lúc nào, hãy tắt điện thoại, tắt internet và đóng cửa. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình làm được nhiều việc hơn khi không phải cứ năm phút lại bị làm phiền một lần, hay có cơ hội trì hoãn để đọc các phần cập nhật tin ở những website ưa thích.
Ngay bây giờ, tôi đề nghị bạn hãy ngừng lại việc đọc các blog và báo chí. Nhưng hãy nghĩ về những gì bạn thực sự muốn đọc và những gì bạn đọc vì mong muốn thực sự ấy sẽ lấp đầy thời gian của bạn. Sau đó, hãy quan tâm tới những lĩnh vực khác của đời sống khi những cánh cửa khác lại được mở rộng.
Chẳng hạn, hạn không nên để cho những cảm xúc tiêu cực tồn tại xung quanh mình. Nếu những người khác đang trì hoãn hoặc đang tự làm bấn mình vì những việc chẳng mấy quan trọng, bạn sẽ dễ để mình bị ảnh hưởng vì điều đó. Nếu có một cánh cửa, sẽ tốt hơn nếu bạn đóng nó lại và chỉ tập trung vào những điều quan trọng với mình mà thôi.
Nguồn: Kiếm việc