Người học trò vĩ đại

Một giáo viên trẻ một đêm nằm chiêm bao thấy một thiên thần xuất hiện trước mặt anh và nói : "Anh sẽ được ban cho một đứa bé. Đứa bé này khi trưởng thành, sẽ là người lãnh đạo thế giới. Anh sẽ trang bị cho cô bé như thế nào để cô nhận ra rằng mình thông minh, tự tin, vừa quyết đoán vừa nhạy cảm, cởi mở, nhưng mạnh mẽ về tính cách? Nói tóm lại, anh sẽ áp dụng hình thức giáo dục nào để cô bé trở thành một nhà lãnh đạo thế giới thực sự vĩ đại "

Thầy giáo trẻ thức dậy, đổ mồ hôi lạnh. Điều đó chưa bao giờ xãy ra trong giấc mơ của anh - ai đó là học trò trong hiện tại và tương lai của anh có thể là người được miêu tả trong giấc mơ. Liệu anh đã chuẩn bị cho chúng bước lên vị trí mà chúng khao khát? Anh ta suy nghĩ "Bài giảng của tôi sẽ thay đổi thế nào khi tôi biết rằng một trong những học trò của tôi là người đó". Dần dần anh bắt đầu hình thành kế hoạch trong đầu.



Có lẽ người sinh viên này cần kinh nghiệm cũng như được hướng dẫn. Người ấy cũng cần biết cách xử lý nhiều loại vấn đề. Người ấy phải trưởng thành cả về tư cách lẫn kiến thức. Người ấy cần có lòng tự tin, khả năng lắng nghe và phối hợp với người khác. Người này phải thấu hiểu và tôn trọng quá khứ, nhưng vẫn lạc quan về tương lai. Người ấy cần phải biết giá trị của việc "Học, học nữa, học mãi" để giữ cho mình một cái đầu nhanh nhẹn và ham học hỏi.

Người ấy cần trưởng thành trong việc thấu hiểu người khác và trở thành một sinh viên có ý thức. Cuối cùng, người ấy nên đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe cho mình và học cách tự giữ kỹ luật, tuy nhiên sinh viên ấy cũng cần tình yêu thương và sự khuyến khích, điều đó sẽ giúp người ấy khơi dậy tình yêu thương và lòng tốt của bản thân.

Cách dạy của anh thay đổi hẵn. Trong mắt anh, những cô bé cậu bé trong lớp anh đều trở thành nhà lãnh đạo thế giới tương lai. Anh nhìn mỗi học trò không phải với suy nghĩ chúng đang là ai mà chúng có thể là ai. Anh điều hỏi điều tốt nhất từ học trò và tôi luyện nó thành tình yêu thương. Anh dạy chúng như thể tương lai của cả thế giới này phụ thuộc vào bài giảng của anh.




Một thời gian sau, một người phụ nữ mà anh biết trở thành một nhân vật xuất chúng trên thế giới. Anh nhận ra rằng cô ấy chắc hẵn là cô bé đã được miêu tả trong giấc mơ của anh. Chỉ có điều cô ấy không là một trong những học trò của anh, mà là con gái anh. Trong số tất cả người thầy mà cô đã gặp trong cuộc đời, cha cô là người thầy vĩ đại nhất.

Ai đó nói với tôi rằng: "Trẻ em là những thông điệp sống ta gửi đi mà không thể biết thời gian và điểm đến". Nhưng đây không đơn giản là một câu chuyện hàm ý một người thầy giáo không tên. Nó là một câu chuyện về bạn và tôi - bất kể chúng ta có là bậc cha mẹ hay giáo viên. Và câu chuyện này, chính xác hơn là câu chuyện của tất cả mọi người, thực sự bắt đầu như thế này:

"Anh sẽ được ban cho một đứa bé. Đứa bé này, khi trưởng thành sẽ là..."




Bạn hãy tìm phần kết cho câu nói. Nếu không là một vị lãnh đạo thế giới, thì có phải là một người cha vĩ đại không? Hay một người thầy giáo lớn? Một thầy thuốc thiên tài? Một chuyên gia xử lý vấn đề đầy sáng tạo? Một nhà nghệ thuật đầy nhiệt huyết? Một nhà hảo tâm?

Không ai biết bạn sẽ gặp đứa trẻ ấy ở đâu và như thế nào.

Nhưng hãy tin rằng tương lai của cô bé, cậu bé ấy tuỳ thuộc vào ảnh hưởng của bạn và một điều đó khác thường sẽ xảy ra. Sẽ không còn đứa trẻ nào tầm thường trong mắt bạn nữa. Và bạn sẽ không chỉ là bạn.
Nguồn:  edu360

Thư của một học sinh lớp 12 trường THPT Chu Văn An

Sáng mở mắt ra đọc đc email của em này tên là Đinh Hương Ly thấy rộn rã cả người. Đinh Hương Ly là một nữ học sinh lớp 12 trường THPT Chu Văn An; hiện nay mình đang gia sư cho em môn Tiếng anh - ôn thi Đại học. Sau những tiếp xúc ban đầu qua email và chat yahoo, mình ấn tượng Ly là một cô gái thông minh, tư duy rõ ràng và ý thức cao về việc học của bản thân. Trong quá trình học, hai chị em có chia sẻ với nhau rất nhiều điều chứ không chỉ riêng về tiếng Anh hay cách học môn này - những đối thoại về nhiều môn học khác, về ôn thi đại học, học đại học, những câu hỏi của Ly và bạn bè của em mà hầu như ko đc quan tâm trả lời trên lớp. Mỗi buổi thảo luận lại mở ra những thông tin rất bất ngờ và thú vị về đối tượng học sinh cấp 3...

Mình post dưới đây mail của Ly, để mọi người cùng đọc và suy nghĩ cho một thư hồi đáp - nếu các bạn là người nhận email này, các bạn sẽ lên phương án hành động như thế nào để giải quyết những vấn đề đc nêu ra một cách thiết thực nhất, gần gũi nhất, phù hợp nhất, tự nhiên nhất (đối với các em học sinh cấp 3 ở HN chứ ko chỉ riêng lớp 12...) ít sách vở nhất và ko-theo-trào-lưu nhất?

Những "anh chị" trong mail em Ly nói tới là nhóm GSKS nhé :D

Em chào chị ạ!

Như em vừa nói với chị, em và một số bạn em thực sự thấy hứng thú và cần thiết với việc có được sự giúp đỡ từ anh chị. Em tin là bọn em còn rất nhiều điều chưa biết, mông lung về kì thi sắp tới và tương lai.
  • Cụ thể, theo ý kiến cá nhân em, điều đầu tiên các bạn em và nhiều học sinh khác mắc phải là sự thiếu định hướng về tương lai, các bạn ấy không thực sự biết được ước mơ, hay đam mê, sở thích, nguyện vọng nghề nghiệp của mình là gì. Điều này rất tai hại, nó làm bọn em dễ buông xuôi khi gặp phải khó khăn trong việc học, hay cảm thấy chán nản, không biết mình học để làm gì..., không có động lực để cố gắng.
  • Thứ hai, hầu hết bọn em thiếu nguồn tư liệu học cần thiết và đúng đắn. Sách tham khảo và tư liệu bài tập, đề thi trên mạng quá nhiều mà chất lượng thì không đảm bảo, không nói đến việc sai kiến thức, vấn đề ở đây là trọng tâm ôn tập không rõ ràng, không tập trung và thiết thực cho kì thi sắp tới. Bọn em cần hệ thống bài ôn chất lượng.
  • Thứ ba là sự hứng thú với môn học cùng khả năng phát triển tư duy và tự học. Có lẽ hứng thú với môn học là không còn, học bây giờ chủ yếu là bắt buộc (dự đoán cá nhân của em). Việc tư duy thì môn học nào cũng có nhưng không phải người học nào cũng làm được. Vấn đề tự học là quan trọng nhất, đứng trước việc đi lại mất nhiều thời gian, việc học lò (rất đông người) không mang lại hiệu quả cho từng cá nhân với những ưu, khuyết điểm khác biệt... việc tự học là hiệu quả nhất. Tự học tiết kiệm phần lớn thời gian, hơn nữa chỉ có như vậy mỗi cá nhân mới hiểu và tự lấp đầy được phần thiếu của mình. Nhưng phải tự học như thế nào?
  • Vâng, vấn đề thứ tư là phương pháp học. Mỗi cá nhân có phương pháp học hiệu quả nhất cho riêng mình, nhưng, có thể nói, đến bây giờ, bọn em rất lo lắng vì chưa tìm ra nó. Phương pháp học chung cũng có mà phương pháp học cho từng bộ môn cũng có, em mong là qua kinh nghiệm và hiểu biết của các anh chị bọn em sẽ tìm ra phương pháp học cho mình.
Đó là những vấn đề mà bọn em thường gặp phải trong quá trình học ôn thi đại học, bọn em rất mong gặp các anh chị để có được sự giúp đỡ giải quyết cho các vấn đề trên. Nhưng tất nhiên trên đây chỉ là ý kiến chủ quan của em, khi gặp nhau bọn em sẽ có nhiều câu hỏi và vấn đề hơn nữa, rất mong các anh chị giúp đỡ!
Nếu các anh chị có thể dành thời gian cho bọn em thì chúng ta cần bàn về số lượng các bạn tham gia cho phù hợp và hiệu quả phải không ạ, cả về vấn đề thời gian và địa điểm nữa... Em nghĩ là việc thống nhất thời gian hơi khó vì bọn em đều đang theo học nhiều lớp ôn thi, rất khó bỏ nên có lẽ khoảng 5-7 bạn là phù hợp và đơn giản hơn cho việc thống nhất thời gian.

Em cảm ơn anh chị ạ!
Chị Huyền Anh sớm trả lời mail em nhé!

Em,
Hương Ly

Những vấn đề đc nêu ra, có thể chúng ta đã nghe nói đến từ rất lâu rồi và ko còn là điều gì đáng ngạc nhiên trong các em học sinh nữa. Điều này đc mặc định trong phần rất đông các em học sinh cấp 3. Mình đưa mail này lên để nói đến một giải pháp thiết thực và tự nhiên nhất; chứ ko phải là lôi những gì thg đc viết trong sách phát triển bản thân nhan nhản ngoài kia vào để trả lời các em, hay ngay cả những phương pháp, công cụ học tập đc giới thiệu. (Lấy một ví dụ về việc khá nhiều người đã áp dụng một ccht là Mind Map. Có thực sự các bạn đang đi đúng hướng trong việc tận dụng tiềm năng to lớn của công cụ học tập này ko, hay là, xin lỗi mình nói thẳng, trong thâm tâm các bạn nghĩ rằng nó như là một bản đẹp hơn của một sơ đồ cây với những giải thích luôn đc chấp nhận về việc tại sao nó đc cho là công cụ học tập có hiệu quả (màu sắc, hình ảnh, v..v...) mà ko hiểu bản chất của sức mạnh đó nằm ở đâu, nguyên tắc hoạt động cốt lõi của nó là gì?)

What should be done?
Huyền Anh Cung
Nguồn: FB  

Người trẻ và 5 lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời

Trong vô vàn lựa chọn mà đời người phải trải qua, không phải lúc nào chúng ta cũng đúng. Nhưng, trước những lựa chọn quan trọng nhất, việc đưa ra quyết định sáng suốt sẽ cho chúng ta một cuộc đời "thăng hoa" như mong muốn và ngược lại.

Đối với những người trẻ, điều này lại càng có ý nghĩa hơn bởi họ có cả một tương lai phía trước đang chờ đợi, mà việc đưa ra những lựa chọn đúng được sớm chừng nào lại khiến tương lai ấy rõ ràng hơn chừng đó.


1. Chọn LẼ để SỐNG

Lẽ sống chính là hoài bão và sứ mệnh của cuộc đời, là giá trị nền tảng, chuẩn hành xử của của chính mình. Xác định lẽ sống chính là trả lời câu hỏi: “Mình là ai, mình sống để làm gì, mình sẽ dùng cuộc đời của mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không?”.

Xác định lẽ sống cũng chính là việc chọn cho mình lý do để sống (rốt cuộc ý nghĩa của cuộc đời mình nằm ở đâu) - được coi là “đích đến”, “bánh lái”, hay sẽ là “ma đưa lối, quỷ đưa đường” trong cuộc đời chúng ta. Đây là lựa chọn quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng tới tất cả những lựa chọn còn lại. Không phải ai cũng chọn được đúng “đích đến” và “bánh lái” cho mình và hậu quả là cuộc đời của họ nhiều khi sẽ rất uổng phí hoặc vô cùng bi kịch. Con người sinh ra vốn dĩ là lương thiện, nhưng chọn lẽ sống khác nhau thì sẽ có những con người khác nhau, cuộc đời khác nhauvà số phận khác nhau.

2. Chọn NGƯỜI để LẤY

Phải bắt đầu lựa chọn này từ việc mình muốn có một gia đình như thế nào. Tình yêu là một phạm trù hoàn toàn mang tính cảm xúc nhưng hôn nhân lại có cả yếu tố lý trí. Lấy vợ, lấy chồng thì có lẽ ai cũng làm được (chỉ trừ những người không thèm lấy hoặc không tìm được người phù hợp). Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm cho mình được một người vợ, người chồng, và đồng thời cũng là một người bạn đời!

Người ta hay nói là trong tất cả các kiểu bạn (bạn xã giao, bạn tâm giao, bạn tư giao, bạn tri kỷ...) thì chọn bạn đời là khó nhất. Khi chọn bạn đời, điều kiện cần là tình yêu thương nhưng quan trọng hơn là cả hai phải chia sẻ được lẽ sống và hệ giá trị suốt cả cuộc đời. Có thể khi cưới nhau, vợ chồng chưa thực sự là bạn đời, chưa xác định rõ lẽ sống, chưa có chung một hệ giá trị nhưng họ sẽ cùng thay đổi nhau và thay đổi chính mình để không chỉ là người chồng, người vợ của nhau, mà còn là người bạn trên hành trình còn lại của cuộc đời. Được như vậy, cuộc đời sẽ thăng hoa!

3. Chọn VIỆC để LÀM

Thực tế cho thấy đang có xu hướng chọn nghề và đổi nghề theo “mốt”. Nghề nào được gắn mác “thời thượng” là giới trẻ đổ xô vào tìm “vận may”. Thậm chí khi đã thành công với một nghề nào đó thì phần đông lại cùng tìm đến một nghề, đó là nghề chính trị. Thực ra, xã hội có nhiều đỉnh chứ không chỉ có một đỉnh là quyền lực: Trở thành một chính trị gia tài ba là một đỉnh; trở thành một nhạc sĩ lớn cũng là một đỉnh; trở thành một bác sĩ giỏi cũng là một đỉnh, trở thành một kiến trúc sư danh tiếng cũng là một đỉnh... Thực ra, làm một bác sĩ giỏi vẫn tốt hơn là làm một viện trưởng tồi, làm một giáo sư giỏi thì quan trọng hơn là làm một hiệu trưởng kém.

Thực ra, làm sếp hay làm lính, làm thầy hay làm thợ, làm quan hay làm dân, làm chủ hay làm thuê... đều không quan trọng, mà quan trọng là làm cái gì mà mình giỏi nhất, phù hợp với tính cách của mình nhất và tạo ra giá trị nhiều nhất (cả giá trị tài chính và giá trị xã hội).

Bên cạnh chọn công việc và nghề nghiệp phù hợp để làm,chúng ta cũng cần tìm cho mình một nơi làm phù hợp để gắn bó (công ty, tổ chức nào, ngành nào,lĩnh vực nào, vùng miền nào...). Điều này rất quan trọng vì công việc không chỉ là chỗ để đóng góp, mưu sinh mà còn là nơi để học tập và phát triển. Ngày nay, người ta bị ảnh hưởng bởi chính nơi mình làm việc nhiều hơn là nơi mình học. Cũng đều tốt nghiệp một trường đại học, đều học giỏi như nhau nhưng sau mấy năm ra trường sẽ có 2 cuộc đời khác nhau, 2 tương lai khác nhau mà nguyên nhân là vì đã có 2 lựa chọn về công việc khác nhau.

4. Chọn THẦY để HỌC

Sự học luôn là một trong những “sự nghiệp” quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người. Dưới đây là 5 “người thầy” gần gũi và hữu ích nhất:

Thầy
Đây là những người thầy bằng xương bằng thịt, trực tiếp khai sáng trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn cho chúng ta. Thầy thì có nhiều nhưng không phải ai cũng là người thầy đúng nghĩa, không phải ai cũng có thể dẫn dắt người học làm chủ quá trình học và khám phá thế giới vô tận của tri thức. Vì thế mà việc chọn đúng người để học, để tôn làm thầy có ý nghĩa quan trọng là vậy.

Sách
Sách là một trong những con đường dễ nhất, rẻ nhất và nhanh nhất cho sự học của mỗi người. Sách không chỉ là người thầy mà còn là người bạn tri kỷ, luôn tử tế, nhẫn nại, chờ đợi và chịu đựng chúng ta. Học từ sách là học từ những bộ óc vĩ đại nhất của loài người, là việc biến túi khôn của nhân loại vốn đã được đúc kết trong sách thành của mình. Chúng ta có thể đưa những người thầy vĩ đại nhất của thế giới, từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây, về tận nhà để dạy cho mình, bất kể thời điểm nào mà chi phí nhiều khi chỉ bằng... tô phở.

Tuy nhiên, không đọc sách thì chắc chắn là không giỏi nhưng đọc sách nhiều cũng chưa chắc tạo ra giá trị. Vấn đề còn nằm ở chỗ chọn sách nào để đọc, đọc như thế nào và học được gì từ sách.

Kinh nghiệm
Trên đời này có những cái mà không trả giá thì không thể học được, nhưng cũng có những cái không cần trả giá cũng có thể học được. Cuộc đời chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những thất bại, vấn đề là sau mỗi thất bại thì cần phải rút ra được những bài học để những thất bại tương tự không còn tái diễn trong tương lai. Có những người cho rằng, nếu muốn không thất bại thì tốt nhất là đừng có làm gì nữa, nhưng nếu vậy thì sẽ có một thất bại cực lớn khác, đó là thất bại cả cuộc đời. Để hạn chế thất bại và trả giá, cần phải học rất nhiều từ 2 “người thầy” đầu tiên (thầy và sách).

Nhân vật
Họ có thể là các bậc thức giả (để chúng ta học tri thức) hoặc những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội (học tinh thần, ý chí). Chính những câu chuyện thành công, thất bại, những trải nghiệm, tư tưởng, tài năng và nhân cách của họ sẽ là bài học quý giá cho mình trên con đường tự khai sáng bản thân mình và những người quanh mình.

Tuy nhiên, phải có năng lực thẩm định, biết mình là ai, biết ai là ai, cái gì là cái gì, nếu không thì sẽ vô cùng nguy hiểm, người đáng khinh thì lại trọng, người đáng trọng lại khinh.

Internet
Được coi là một trong những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20, làm cho cả nhân loại thay đổi một cách sâu sắc và khác biệt hẳn so với những thời kỳ trước đó, Internet thực sự là công cụ hữu hiệu cho sự học của mỗi người. Thời đại Internet hình thành 2 loại người: “Công dân mạng” và “Sâu mạng”. “Công dân mạng” là những người sử dụng Internet như một công cụ để nâng cao kiến thức của mình, phục vụ cho công việc và cuộc sống. Còn “sâu mạng” là những kẻ phung phí phần lớn thời gian, sức lực của mình vào những trò tiêu khiển trên mạng hoặc phá hoại, có thể có “sâu cuốn lá” (game online), “sâu đục thân” (coi phim sex), “sâu chat” (tán chuyện gẫu); “sâu phá hoại” (hacker mũ đen)... Là “công dân mạng” hay “sâu mạng”, đó cũng là một lựa chọn quan trọng đối với người trẻ trong thời đại này.

5. Chọn BẠN để CHƠI

Nói đến con người là hàm ý tới con người xã hội với nhiều mối quan hệ đan xen, và cũng chính những mối quan hệ đó định hình chân dung một người. Chẳng hạn, phương Tây có câu: Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là ai. Còn ông bà mình, khi nhận xét về một người hoặc một nhóm người nào đó thì thường nói: “Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu” hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” (ngoại trừ một số ít người quá đặc biệt, quá cá tính thì gần mực sẽ không đen, mà gần đèn cũng chẳng sáng).

Trong đời người, ngoài người bạn quan trọng nhất là bạn đời thì cần phải có bạn tâm giao, bạn thâm giao, thậm chí là bạn tri kỷ, chứ không phải chỉ có những người bạn hời hợt, quen biết xã giao, ngoại giao. Họ là những người cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chia sẻ một hệ giá trị và những lý tưởng sống, giá trị sống. Dẫu vậy, họ có thể có những con đường khác nhau trên hành trình lập thân, lập nghiệp.

Có thể nói bạn bè chính là “tài sản” của mỗi người (“Giàu vì bạn, sang vì vợ”), là nguồn chia sẻ, động viên, hỗ trợ khi cần thiết. Song, như thế không có nghĩa là tận dụng bạn, lợi dụng bạn. Ngược lại, chơi với bạn cần phải xác định là để giúp bạn cùng phát triển và tiến bộ. Một tình bạn nếu được xây đắp trên tinh thần như vậy thì sẽ vô cùng bền vững và tốt đẹp.

Chọn Lẽ để sống là chọn “đích đến” và “bánh lái”, là chọn “hệ điều hành” cho cuộc đời; Chọn Người để lấy là lựa chọn cho mình một gia đình, một tổ ấm, một nơi chốn bình yên để đi về, để là “bệ phóng” của nhau trong cả cuộc đời; Chọn Việc để làm là chọn cho mình một sự nghiệp, để hiện thực hóa giấc mơ cuộc đời; Chọn Thầy để học là chọn những nhân vật hoặc phương cách để trang bị cho mình những hiểu biết và năng lực để hoạch định và thực thi chiến lược cuộc đời; Chọn Bạn để chơi là kiếm tìm và nuôi dưỡng những tình bạn đẹp nhằm làm giàu có thêm cho cuộc đời của mình. Tất cả những lựa chọn quan trọng này cần phải được đặt ra và thi triển hết sức nghiêm túc, để những câu hỏi ở đầu bài: Mình là ai? Mình sống để làm gì? Cuộc đời mình sẽ đi đâu về âu? Rốt cuộc là mình sẽ dùng cuộc đời mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không? Mình muốn có một cuộc đời ra sao?... được trả lời một cách trọn vẹn. Bằng cách đó người trẻ sẽ có một cuộc đời đáng sống, như có thể đúc kết thành: “Your Choices, Your Life” (Lựa chọn của bạn quyết định cuộc đời của bạn), “Your Values, Your Fate” (Giá trị bạn chọn sẽ quyết định số phận của bạn”).
Giản Tư Trung
Nguồn: 4interns

Siêu cường giáo dục

Muốn giải quyết các rắc rối lâu dài mà chủ nghĩa tư bản đem lại cho phương Tây, chẳng có lối thoát nào khác là làm tốt việc giáo dục quốc dân! Đây không phải là giải pháp duy nhất, song là giải pháp đầu tiên.
Chúng ta thường nghe nói về siêu cường kinh tế, siêu cường quân sự, nhưng siêu cường giáo dục thì dường như chưa thấy ai nhắc tới. Có lẽ chẳng mấy người biết siêu cường đang thu hút ánh mắt ngưỡng mộ của cả thế giới ấy, chỉ là một quốc gia có số dân ít hơn thành phố Hà Nội.
Lối thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế
Mấy năm nay dư luận Mỹ và châu Âu tranh cãi om xòm nhằm tìm cách thoát ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế và nợ công chồng chất đang dồn họ tới đường cùng. Giờ đây dường như họ đã nhận thấy lối thoát căn bản nhất ra khỏi thảm cảnh ấy chính là giáo dục.
Trong bài viết giả tưởng Thư của Adam Smith gửi các nhà tư bản đăng trên Thời báo Tài chính (Financial Times) hôm 9/1 vừa rồi, ông David Rubenstein Tổng Giám đốc Tập đoàn Tài chính khổng lồ Carlyle (Mỹ) đề xuất một điều kiện tiên quyết để thoát ra khỏi thế khốn quẫn hiện nay là Giáo dục, giáo dục và giáo dục! - ông nhấn mạnh tới ba lần.
Rubenstein viết: Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng bất bình đẳng về thu nhập là do chúng ta chưa làm tốt giáo dục cơ sở và giáo dục phổ thông. Sự mất cân đối ngày một tăng giữa cơ hội tìm việc làm với ứng viên có tay nghề làm cho nền kinh tế hoạt động thiếu hiệu quả, tạo nên cảm giác bất công giữa người thất nghiệp với người có việc làm và gây ra mất ổn định xã hội.
Hãy cho tất cả trẻ em đến trường học, tìm cách giảm số trẻ bỏ học giữa chừng, tái giáo dục và tái đào tạo người lớn tuổi - bằng cách đó các quốc gia sẽ chuẩn bị được tốt hơn lực lượng người lao động nắm được công nghệ mới.
Nhiều chuyên gia cho rằng truyền thụ cho người lớn tuổi các kiến thức cơ bản về kinh tế và tài chính tiền tệ là điều rất quan trọng để họ khỏi nhầm lẫn tiếp thu những lời cổ vũ cho các chính sách kinh tế thiển cận của các ứng cử viên tranh chức nghị sĩ và tổng thống.
Qua tìm hiểu tình hình sau khi khủng hoảng nổ ra, người ta thấy phần lớn dân chúng rất thiếu thông tin chính xác. Tình trạng nhiều người nhầm lẫn sa đà vào những cuộc tranh luận vô bổ về chính trị cho thấy xã hội Âu Mỹ đã thiếu quan tâm đến giáo dục người lớn.
Nếu không tiến hành các cải cách quan trọng như xây dựng hệ thống học tập có sức thu hút trên mạng Internet, mở rộng giáo dục từ xa trên đài phát thanh và truyền hình, cung cấp cho trẻ em nhiều khả năng lựa chọn học tập thì sẽ rất khó tìm được những phương pháp có hiệu quả lâu dài nhằm khắc phục các vấn nạn về chính trị.
Muốn giải quyết các rắc rối lâu dài mà chủ nghĩa tư bản đem lại cho phương Tây, chẳng có lối thoát nào khác là làm tốt việc giáo dục quốc dân! Đây không phải là giải pháp duy nhất, song là giải pháp đầu tiên.
Huyền thoại một dân tộc thành công về giáo dục
Trong bối cảnh như vậy, giáo dục trở thành đề tài thu hút dư luận phương Tây. Ai cũng biết giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng, nhưng khó nhất là ở chỗ cách thức thực hành quốc sách ấy.
Trong số các quốc gia nổi tiếng về giáo dục ta thấy có Mỹ, Nhật, Hàn Quốc v.v...là những nơi đề cao cạnh tranh, lại có cả các nước Bắc Âu vốn trọng truyền thống bình đẳng, không đề cao cạnh tranh.
Năm ngoái, người Mỹ từng tranh cãi om xòm về cuốn Chiến ca của Mẹ Hổ kể lại cung cách bà Amy Chua đã dạy dỗ hai cô con gái của bà trở nên tài giỏi như thế nào. Nhưng rốt cuộc người Mỹ đi tới kết luận: Cách giáo dục chuyên chế ấy chỉ thích hợp với người Á Đông mà thôi. Giờ đây họ hướng ánh mắt về Phần Lan, quốc gia đang nổi lên với huyền thoại cả một dân tộc thành công về giáo dục.
Phần Lan đất rộng tương đương Việt Nam nhưng số dân chỉ bằng 1/16. Trong hơn chục năm qua xứ sở này nổi tiếng thế giới bởi thương hiệu điện thoại di động Nokia. Nhưng từ khi hãng Apple tung ra điện thoại thông minh iPhone thì danh tiếng của Nokia không còn cao như trước. Bù lại Phần Lan có một lĩnh vực vô cùng đáng tự hào đang được cả thế giới ngưỡng mộ. Đó là giáo dục.
Những cái nhất về giáo dục của Phần Lan thể hiện ở chỗ:
- Được OECD xếp hạng nhất thế giới về thành tích trắc nghiệm PISA của học sinh trung học.
- Giáo dục cao đẳng năm nào cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF xếp hạng hàng đầu toàn cầu.
- Nhất thế giới về sự cân đối trong giáo dục, chênh lệch trình độ kiến thức giữa học sinh giỏi nhất với học sinh kém nhất không quá 4%.
- Quan chức ngành giáo dục tất cả các nước đều đến Phần Lan học hỏi kinh nghiệm giáo dục. Khách thăm nhiều làm cho thu nhập du lịch của nước này tăng vọt.
Giáo dục Phần Lan bắt đầu được dư luận quốc tế quan tâm từ sau năm 2000 khi Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD tổ chức lần đầu tiên kỳ thi PISA, tức Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment).
PISA là bài kiểm tra kiến thức của các trẻ em 15 tuổi, thực hiện ba năm một kỳ tại hơn 40 địa điểm trên toàn cầu cho gần nửa triệu học sinh. PISA tiến hành được bốn kỳ (2000-2003-2006-2009) thì các học sinh Phần Lan giành được vị trí thứ nhất trong ba kỳ đầu.
Tại PISA 2009 họ đứng thứ hai về khoa học, thứ ba về đọc hiểu và thứ sáu về toán học. Sức cạnh tranh xuất sắc của học sinh Phần Lan trong các kỳ thi này làm cả thế giới ngạc nhiên.
Xin nói thêm là các học sinh Phần Lan dự thi PISA hoàn toàn học ở trường công (nước này không có các trường tư thu tiền cao để đào tạo "gà nòi" như ở nhiều nước khác), học muộn hơn (7 tuổi mới đi học) và chỉ học 30 giờ mỗi tuần, kể cả bài tập về nhà. Học sinh nước khác học 50 giờ/ tuần, thế mà thi PISA vẫn thua học sinh Phần Lan.
Phần Lan, quốc gia đang nổi lên với huyền thoại cả một dân tộc thành công về giáo dục.
Người ta càng ngạc nhiên tới khó hiểu khi biết Phần Lan không hề coi trọng bất cứ kỳ sát hạch nào, kể cả PISA, họ không bao giờ mở các lớp chuyên đào tạo học sinh đi thi PISA hoặc thi Olympic như ở một số nước khác :
"Chúng tôi chuẩn bị cho trẻ em học cách để học chứ không phải học cách để làm một bài kiểm tra. Chúng tôi không quan tâm nhiều tới PISA. Nó không phải là thứ chúng tôi hướng tới." - TS Pasi Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng, Tổng Giám đốc Trung tâm Luân chuyển và Hợp tác quốc tế Phần Lan (National Centre for International Mobility and Cooperation, CIMO) nói.
"Phần Lan không có dầu mỏ, cũng chẳng có nhiều tài nguyên nào đáng giá. Kiến thức là thứ duy nhất mà chúng tôi có" - bà Hiệu trưởng Hannele Frantsi tự hào nhấn mạnh.
Giới truyền thông quốc tế gọi Phần Lan là Siêu cường giáo dục. Tuần báo Newsweek xếp nước này nhất thế giới về thành tích giáo dục năm 2010.
Người dân có năng lực tự tồn tại trong xã hội
Với diện tích 338.145 km2, số dân 5,26 triệu, Phần Lan hiện có gần 2 triệu người đang đi học trong hơn 5100 nhà trường các loại. Số trường tiểu học và trung học của họ (3500) nhiều gấp 10 lần nước Singapore tương đương về số dân (5,35 triệu). Chi phí giáo dục chiếm 5,9% GDP hoặc hơn 15% ngân sách (năm 2007).
Số liệu thống kê năm 2010 cho thấy người Phần Lan có học nhất thế giới: 100% số dân biết chữ; 98% được hưởng giáo dục từ trước tuổi đi học; 99% hoàn thành giáo dục cơ sở nghĩa vụ và 94% trong số đó được học lên THPT hoặc cao hơn. Mật độ thư viện dày đặc nhất: Đổ đồng cứ 6000 dân có một thư viện xây cất và trang bị hiện đại (chưa kể các thư viện di động), mỗi người dân mỗi năm mượn đọc 21 cuốn sách.
Toàn dân được hưởng miễn phí chế độ giáo dục nghĩa vụ 12 năm. Miễn phí ở đây là không phải đóng học phí đã đành mà còn được cấp sách bút và dụng cụ học, ăn bữa trưa miễn phí ở trường, đi học không mất tiền xe. Học sinh ở cách trường hơn hai ki lô met được cấp vé đi xe bus. Không có tuyến bus thì được cấp tiền đi ta-xi. Trẻ tròn 7 tuổi phải đến trường, không đi học thì cán bộ chính quyền đến tận nhà nhắc nhở.
Ngành giáo dục đã thực hiện được mục đích đào tạo người dân có năng lực tự tồn tại trong xã hội. Nhờ thế, tuy chế độ phúc lợi xã hội ở Phần Lan vào loại tốt nhất toàn cầu nhưng dân nước này không mắc bệnh lười lao động như ở một số quốc gia phúc lợi khác.
Thành công giáo dục đem lại thành công kinh tế: Tuy nghèo tài nguyên nhưng Phần Lan năm 2011 làm ra GDP bằng 195,6 tỷ USD (gấp hai Việt Nam), hoặc mỗi đầu người 38.700 USD.
Không chỉ nhất thế giới về khả năng cạnh tranh học tập của học sinh phổ thông mà Phần Lan còn đứng thứ tư về năng lực cạnh tranh kinh tế toàn cầu năm 2011-2012 (trên Mỹ một bậc), tức nhảy thêm ba nấc so với năm trước [1].
Mới đây báo Nhà kinh tế (Economist) nổi tiếng của Anh Quốc kiến nghị các nhà lãnh đạo châu Âu hãy tạm ngừng công việc để đến Phần Lan dự giờ học cấp phổ thông, tìm hiểu xem vì sao học sinh nước này giỏi thế.
Phần Lan có một lĩnh vực vô cùng đáng tự hào đang được cả thế giới ngưỡng mộ. Đó là giáo dục.
Giấc mơ Phần Lan
Để được như ngày nay, người Phần Lan đã bỏ ra gần 40 năm tiến hành công cuộc cải cách giáo dục với quyết tâm dùng giáo dục để thay đổi đất nước về mọi mặt. Tất cả các nhiệm kỳ chính phủ của Phần Lan đều phấn đấu thực hiện quyết tâm ấy, cho dù đảng nào lên cầm quyền cũng vậy. Họ không hô hào suông, không nói những lời đao to búa lớn mà chỉ làm việc như một đàn kiến.
Chuyển biến đầu tiên về giáo dục đến vào năm 1963, khi Quốc hội Phần Lan thông qua quyết định táo bạo chọn giáo dục công làm mũi đột phá để phục hồi kinh tế. Thập niên 70, ngành giáo dục nêu ra ý tưởng học sinh cả nước đều phải được học trong các trường công chất lượng tốt.
Yêu cầu toàn thể học sinh phổ thông phải được hưởng nền giáo dục như nhau, không để con em nhà giàu hoặc dân da trắng được học tốt hơn con em nhà nghèo hoặc dân da màu di cư đến. Giấc mơ bình đẳng giáo dục ấy còn gọi là Giấc Mơ Phần Lan (Finnish Dream). Ai cũng biết các dân tộc Bắc Âu ghét nhất sự bất công xã hội.
Quyết định quan trọng thứ hai đến vào năm 1979, khi các nhà cải cách giáo dục yêu cầu toàn bộ giáo viên THCS và THPT đều phải có học vị thạc sĩ, được đào tạo lí thuyết và thực hành trong năm năm tại một trong tám trường đại học công. Giáo viên dạy trẻ trước tuổi đi học phải có bằng cử nhân.
Quyết định này nâng cao rõ rệt trình độ và địa vị của các thầy cô giáo. Hiện nay giáo viên được trả lương tương đương mức lương trung bình trong khối OECD (38.500 USD/năm). Tức là cũng không có gì đặc biệt, song họ được xã hội trọng vọng và được tự chủ rất cao trong công việc.
Giới trẻ đua nhau vào ngành sư phạm. Năm 2010 có khoảng 6.600 ứng viên tranh 660 vị trí giáo viên cấp tiểu học. Nghể giáo thực sự là nghề cao quý.
Ngành giáo dục Phần Lan theo đuổi một triết lý giáo dục độc đáo, thể hiện ở sự quan tâm và tôn trọng hai chủ thể quan trọng nhất của giáo dục là học sinh và giáo viên, không để họ phải chịu bất kỳ sức ép nào do con người tạo ra.
Từ thập niên 80 họ loại bỏ hết các "hủ tục" khiến học sinh phải chịu sức ép về học tập, như mọi hình thức sát hạch thi cử, biện pháp cho điểm, xếp hạng học sinh giỏi kém. Ở bậc phổ thông không có kiểm tra kiến thức, do đó không có cạnh tranh giữa các học sinh (ở ta gọi là "thi đua").
Các nhà giáo dục Phần Lan cho rằng cạnh tranh sẽ có hại cho tâm hồn lũ trẻ khi chúng chưa trưởng thành. Chỉ khi đến độ tuổi 18-19, học sinh mới phải dự kỳ thi đầu tiên trong đời mình: Thi vào đại học. Dường như giáo viên chỉ có nhiệm vụ biến trường lớp trở thành thiên đường của trẻ em, sao cho chúng hào hứng học tập, say mê hiểu biết, quan tâm tập thể và xã hội.
Mong sao Việt Nam ta cũng sớm biết dùng giáo dục để thay đổi đất nước về mọi mặt.
Mỗi học sinh đều được khuyên nhủ phải tự giác học tập, coi đó là niềm vui của mình, vì thế khi lên lớp không có điểm danh. Chương trình học rất nhẹ nhàng: Học sinh các lớp 1-2 mỗi tuần chỉ học có 20 giờ; lớp 3-6: 24-26 giờ; lớp 7-9: 30 giờ. Học sinh trung học mỗi tối mất khoảng nửa giờ để làm bài tập ở nhà.
Giáo viên, chủ thể quan trọng thứ hai của giáo dục cũng không phải chịu bất cứ sức ép nào. Tất cả các nhà trường đều không tiến hành so sánh giỏi kém, không xếp hạng hoặc cho điểm các giáo viên, không tổ chức thi tay nghề giảng dạy, cũng không làm bản nhận xét đánh giá giáo viên. Giáo viên có quyền tự chủ rất cao, được tự quyết định cách giảng dạy, miễn sao đạt được mục tiêu nhà trường đề ra.
Ngành giáo dục không tiến hành đánh giá, xếp hạng chất lượng các trường. Họ xuất phát từ nhận thức: Nếu ngành giáo dục còn không tín nhiệm chính giáo viên của mình thì nói gì tới việc học sinh tin yêu và nghe lời thầy cô? Nếu thực thi đánh giá xếp hạng giáo viên thì tất nhiên giáo viên thứ hạng thấp sao còn uy tín để dạy các em? Ai muốn cho con mình vào học một nhà trường bị xếp hạng kém? Nếu thầy cô còn coi thường trường mình thì học sinh sao có thể tin vào nhà trường? Và như vậy giáo dục còn có ý nghĩa gì ?
Người xứ này thường nói: Không có học sinh kém, chỉ có giáo viên chưa biết cách giảng dạy. Vì thế chất lượng thầy cô giáo được đặt lên hàng đầu. Bộ Giáo dục Phần Lan nêu yêu cầu cực cao đối với giáo viên, chỉ tuyển những người có tinh thần hết lòng phụng sự nhân dân và đạo đức nghề nghiệp cao thượng. Hơn nữa còn tạo điều kiện tốt nhất tiếp tục đào tạo họ suốt đời. Có thể nói thầy giỏi là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công giáo dục ở Phần Lan.
Mong sao Việt Nam ta cũng sớm biết dùng giáo dục để thay đổi đất nước về mọi mặt .
--------
[1] Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2011-2012 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố. Thụy Sĩ, Singapore và Thụy Điển chiếm 3 vị trí cao nhất.
Nguyễn Hải Hoành

Sinh viên - Bạn là ai?

Để viết bài này, tôi suy nghĩ như một sinh viên, chứ không phải như một giáo viên – cái vai trò mà giờ đây tôi không còn đảm nhiệm nữa.

Tôi tự hỏi, nếu tôi là một sinh viên, trong môi trường giáo dục như thế này, tôi phải làm gì ? Cũng may là tôi vừa mới kết thúc đời sinh viên cách đây chưa lâu. Nói là sinh viên thì không hẳn đúng, nghiên cứu sinh dù sao cũng có những điểm khác biệt với sinh viên. Nhưng tôi đã sống một cuộc sống sinh viên trong giai đoạn làm nghiên cứu sinh của mình. Và làm sinh viên ở một môi trường khác, nên có thêm những kinh nghiệm khác, để từ đó mà tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này.

Dưới đây là một vài ý nghĩ tản mạn, không lý luận, không hệ thống và chưa phải đã đi tận cùng mọi phương diện.

Trong một môi trường giáo dục thiếu an toàn như hiện nay, sinh viên sẽ phải học cách tự bảo vệ mình. Nhưng để có thể có khả năng đó, sinh viên phải làm được một số điều. Sau đây là một vài điều trong số đó.

Trước hết là tránh trở thành nô lệ cho điểm và cho giáo viên (về phương diện tinh thần, lối sống, cách thức tư duy hay hành động, dĩ nhiên). Hai chuyện này khác nhau, nhưng, ở những phương diện nào đó, có liên quan đến nhau. Một khi bị nô lệ cho điểm thì sinh viên rất dễ trở thành nô lệ cho giảng viên. Vì muốn điểm cao, và vì biết rằng để được điểm cao thì phải trung thành với quan điểm của giảng viên, trung thành với giới hạn của giảng viên, nên rốt cuộc sinh viên sẽ nhắc lại đúng những gì giảng viên muốn, lựa chọn đúng những gì giảng viên muốn.
Muốn được điểm cao thì phải trung thành với quan điểm của giảng viên, làm những gì giảng viên muốn
Rủi ro là: khi từ chối trở thành nô lệ cho điểm và nô lệ cho thầy, sinh viên sẽ có nguy cơ bị điểm kém, và điều đó sẽ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đôi khi người ta dẫn các trường hợp Bill Gates hay Steve Job để chứng minh rằng có thể thành công mà không cần đến cái bằng và sự đào tạo của trường đại học. Nhưng sinh viên có thể lập luận rằng: những nhân vật như vậy, cả thế giới chỉ có một vài người thôi. Tuy nhiên sinh viên cũng có thể hình dung đến trường hợp: nếu đa số từ chối nô lệ cho điểm và từ chối nô lệ cho giảng viên, nếu đa số chấp nhận điểm thấp, thì lúc đó điểm sẽ không còn là vấn đề nữa, hoặc vấn đề sẽ được đặt ra theo một cách khác, theo một cách có ý nghĩa hơn cho việc đánh giá thực chất nền giáo dục này; rồi biết đâu, điều đó cũng sẽ làm thay đổi quan niệm của các nhà tuyển dụng và các nhà quản lý, sẽ làm thay đổi quan niệm của chính thầy cô của các bạn.

Và một điều mà sinh viên cũng chưa nghĩ đến là giảng viên có thể cho cả lớp điểm thấp trong một học kỳ để đe dọa và trừng phạt các bạn vì không tuân theo quan điểm của họ, hay không đưa phong bì cho họ, nhưng họ sẽ không thể kéo dài biện pháp đó, vì lúc ấy chính cách cho điểm của họ sẽ gây chú ý.

Hơn nữa sinh viên luôn có thể tự bảo vệ mình. Có những quyền mà hiện tại các bạn hầu như chưa dùng đến: quyền công khai hóa và đưa ra công luận những gì bất công và bất hợp pháp. Chúng ta vẫn còn nhiều nhà giáo, nhiều nhà báo và nhiều luật sư tiến bộ. Họ sẽ ủng hộ và hỗ trợ các bạn. Khi các bạn sử dụng đến các quyền đó, có lẽ các bạn sẽ tự thấy thật là kém cỏi vì đã chấp nhận những điều vô lý, chấp nhận cái xấu và cái tồi tệ, trong khi mà mình có đủ khả năng để giải quyết vấn đề.

Nguy cơ mà có thể bạn chưa nhìn thấy, đó là, nếu hôm nay bạn nô lệ cho điểm, thì ngày mai bạn có thể nô lệ cho những thứ có bản chất giống điểm. Bạn có thể có đất đai nhà cửa khắp nơi mà vẫn là nô lệ. Bạn có thể đứng đầu một tổ chức, đứng đầu một xã, một huyện, một tỉnh… mà vẫn cứ là nô lệ như thường, nô lệ cho chính những thứ bạn có. Nếu ngay từ bây giờ bạn đã đánh mất cảm giác xấu hổ, đánh mất lòng tự trọng, đã bình thản đưa phong bì để nhận những con điểm không phải của bạn, đã coi điểm cao hơn và quan trọng hơn nhân phẩm và giá trị của con người bạn, thì sau này rất có thể bạn sẽ đi đến chỗ phá hoại nhà cửa người khác, đẩy người khác vào cảnh bần cùng mà vẫn cảm thấy đó là chiến công đẹp. Chẳng cần đợi đến sau này. Bạn chỉ cần gõ cái từ khủng khiếp này “sinh viên giết người” (cái tội ác mà ta khó hình dung ở tầng lớp sinh viên) thì trên google sẽ hiện ra số lượng kết quả khiến bạn kinh hoàng, và các hình thức và đối tượng của sự phạm tội sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng đau lòng.
Nếu hôm nay bạn nô lệ cho điểm, thì ngày mai bạn có thể nô lệ cho những thứ có bản chất giống điểm
Trước đây, thân phận của người nô lệ được xem là hiển nhiên; trong một thời gian rất dài nhân loại đã chấp nhận rằng có những người sinh ra để làm nô lệ. Vậy mà trong hoàn cảnh đó có những người nô lệ đã không cam chịu. Và có cả những người thuộc về tầng lớp được cho rằng có quyền cai trị người khác cũng không chấp nhận việc có tồn tại những người nô lệ trong xã hội loài người. Để cho xã hội thực sự có tính chất người thì tình trạng nô lệ không được phép tồn tại. Những người đó đã thúc đẩy quá trình dẫn tới sự kết thúc chế độ nô lệ, kết thúc tâm lý bắt người khác phải nô lệ, kết thúc tâm lý làm nô lệ cho người khác, và cuối cùng là kết thúc cái tâm lý làm nô lệ cho chính mình (bạn hãy đọc các tác giả hậu hiện đại thế giới để hiểu rõ hơn điều này). Kết quả của quá trình đó chính là chế độ dân chủ, nơi mà mỗi người đều có sự bình đẳng và tự do thực hiện quyền làm người của mình trên các phương diện: đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tự do tư tưởng, tự do phát ngôn, tự do lập nghiệp, tự do kiến tạo nhân cách riêng của mình… Các quyền làm người đó được đảm bảo bởi một hệ thống luật pháp của con người, được xây dựng và thực thi trên nguyên tắc vì con người.

Ngày nay, bạn sinh ra không là nô lệ, bạn không thể đổ lỗi cho người khác rằng họ muốn biến bạn thành nô lệ. Họ chỉ có thể làm điều đó khi bạn tình nguyện mà thôi.
Làm thế nào để có thể không trở thành nô lệ cho giảng viên?

Trường hợp thứ nhất, bạn may mắn gặp được một người thầy đích thực. Người thầy thực sự sẽ hướng dẫn bạn tự mình tìm lấy con đường đi tới sự thật (sự thật của tác phẩm, của sự kiện, của công thức, của định lý…) chứ không áp đặt cho bạn con đường của họ. Và khi bạn đề xuất một con đường riêng, người thầy thực sự sẽ chỉ cho bạn rằng con đường đó rất có thể dẫn bạn tới ngõ cụt, tới sai lầm, để bạn có thể lựa chọn lại… nhưng không phủ nhận cố gắng của bạn; không tìm cách bắt bạn thừa nhận chỉ có duy nhất con đường, duy nhất cách thức, phương pháp của thầy là đúng. Người thầy thực sự, dù không thích đối tượng nghiên cứu mà bạn lựa chọn, dù sợ khi phải đối diện với đối tượng đó, cũng không ngăn cản bạn; mà trái lại khuyến khích bạn tìm hiểu, nếu đối tượng đó chinh phục trái tim bạn. Hy vọng rằng bạn cũng sẽ may mắn như tôi, sẽ gặp được những người thầy như vậy.

Bạn sẽ cảm thấy gì khi thầy giáo nói với bạn rằng: “bài này của em chỉ đáng được điểm trung bình/điểm kém”, khi thầy hướng dẫn luận văn của bạn nói rằng: “Tôi sẽ không bao giờ cho anh/chị điểm tối đa”? Tôi đã gặp những người thầy nói với tôi như thế, ở phổ thông và ở đại học; và do một sự rụt rè nào đó, cho đến lúc này tôi vẫn chưa nói cho các thầy biết rằng tôi chịu ơn các thầy sâu sắc vì những câu nói đó.

Trường hợp thứ hai, bạn gặp một người thầy chỉ muốn bạn nhắc lại những gì ông ấy nói, như một con vẹt, vì ông ấy nghĩ rằng ông ấy là đại diện cho chân lý, và những gì ông ấy nói ra là chân lý, sinh viên chỉ có thể tuân theo chứ không được phép nghi ngờ. Cũng có thể không hẳn là ông ấy đã tin rằng những điều mình giảng là chân lý, nhưng ông ấy buộc phải tin vì một nỗi sợ hãi nào đó, và rồi đến lượt mình, ông ấy lại bắt bạn lặp lại cũng chính nỗi sợ hãi ấy và sự ràng buộc ấy. Có thể ông ấy không hình dung được rằng chỉ khoảng vài chục năm nữa thôi, hoặc sớm hơn, lịch sử sẽ đánh giá ông ấy như là kẻ đao phủ tinh thần đối với bạn. Điều tốt nhất cho bạn, điều tốt nhất để giúp trí óc bạn không bị tê liệt dưới lưỡi rìu của vị đao phủ tinh thần ấy, đó là đọc thật nhiều tài liệu về cùng một vấn đề mà ông ấy đang giảng, những tài liệu càng có quan điểm đa dạng càng tốt. Chính cách lập luận và minh chứng được đưa ra trong các tài liệu ấy sẽ giúp bạn phát triển khả năng lập luận cũng như giúp bạn tự xây dựng quan điểm riêng của mình.

Và điều này nữa, bạn hãy tự hỏi chính mình xem có cần phải kính trọng một người chỉ bán chữ cho bạn nhưng trong hành động lại chà đạp lên các giá trị nhân phẩm và đạo đức? Bạn có cần phải tự lừa dối mình rằng tất cả những người lên lớp cho mình đều là thầy của mình? Với những người chỉ bán kiến thức để lấy tiền, những người quan niệm và hành xử như thể giáo dục là một dịch vụ, kiến thức là hàng hóa và sinh viên là khách hàng, những người không thực hiện chức năng giáo dục mà chỉ sử dụng bạn như một phương tiện để kiếm tiền của bố mẹ bạn, bạn có nên coi họ như là những người bán hàng? Bạn có cần phải biết ghê sợ những người đứng trên bục giảng nhưng lại vi phạm pháp luật? Nếu bạn coi những người đó là thầy thì bạn sẽ học cách hành động giống họ, bạn cũng sẽ chà đạp lên các giá trị nhân phẩm và đạo đức, bạn cũng sẽ vi phạm pháp luật.

Việc để cho những người như vậy đứng trên bục giảng thuộc về trách nhiệm của những người quản lý và tuyển dụng, việc không trừng phạt họ thuộc về trách nhiệm của luật pháp, nhưng việc chấp nhận những người đó là thầy lại thuộc về trách nhiệm của sinh viên. Ngày nay khi mà bằng cấp và chức danh có thể mua được (bằng hình thức này hay hình thức khác), sinh viên cũng cần hiểu rằng điều khiến cho họ tôn kính người thầy là những giá trị của lao động nghề nghiệp và những giá trị tinh thần mà ông ấy mang lại, chứ không phải là học vị hay học hàm mà ông ấy có. Sinh viên luôn có quyền lựa chọn cho mình những người thầy thực sự, hoặc ít nhất cũng có quyền đưa ra ánh sáng những người không đáng được gọi là thầy và từ chối làm học trò của những người đó.


Trong trường hợp bạn không làm được như vậy, hãy tự xem lại xem mình có đúng thực sự là sinh viên không, hay mình chỉ là một đứa trẻ con chưa trưởng thành, có thể bị thầy cô điều khiển và chấp nhận bị điều khiển như thế nào cũng được. Nếu bạn không còn là một đứa trẻ, nếu bạn là sinh viên thì ít nhất bạn cũng có khả năng tự bảo vệ, và khá hơn, tự lựa chọn và tự quyết định. Sinh viên có thể gặp phải những giáo viên tồi tệ, nhưng nếu bạn trở thành tồi tệ giống thầy, thì không chỉ có ông thầy phải chịu trách nhiệm, mà chính bạn cũng phải chịu trách nhiệm, và phải chịu trách nhiệm phần lớn. Nếu chẳng may bạn gặp phải ông thầy nào đó cố chối bỏ hết mọi trách nhiệm đối với bạn, thì bạn lại càng phải học cách tự chịu trách nhiệm về chính mình. Điều này có thể khiến bạn trưởng thành nhanh hơn.

Làm sinh viên ở thời điểm này, bạn phải biết rằng bạn đang sống ở một giai đoạn mà bạn không còn có thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo viên trong việc quyết định mình trở thành ai. Vì đã qua rồi thời đại chỉ có thông tin một chiều. Ngày nay, dù cho ở trường học, một số (hay phần lớn, tùy vào từng đơn vị cụ thể) các thầy cô cố tình buộc bạn chỉ được học một số tác giả, chỉ được đọc một số sách, chỉ được chép nguyên văn bài giảng của họ, thì thị trường sách vở rộng lớn bên ngoài và thế giới Internet vô tận có thể giúp bạn tìm thấy gần như tất cả những gì bạn cần. Bạn dùng nó để chơi game hay để học hỏi, đó là do chính bạn quyết định, bạn không thể tùy tiện đổ toàn bộ lỗi cho thầy, cũng như không thể tùy tiện xem tất cả những người đứng trên bục giảng là thầy mình. Tri thức bạn học được là để giúp bạn trở nên mạnh mẽ và có khả năng sử dụng trí tuệ của mình, để đến lượt mình, bạn có thể tạo ra tri thức hoặc tạo ra sản phẩm cho xã hội. Đấy là lý do khiến bạn phải mất thời gian đến trường và bố mẹ bạn phải trả tiền cho bạn đến trường. Nếu một ông thầy, qua bài giảng của mình, muốn biến bạn thành nô lệ và bằng cách đó triệt tiêu sức mạnh của bạn, triệt tiêu khả năng sáng tạo của bạn, người đó nhất định không phải là thầy của bạn.
Đã qua rồi thời đại chỉ có thông tin một chiều, thế giới bên ngoài có thể giúp bạn tìm thấy gần như tất cả những thứ bạn cần
Chỉ cần bạn bỏ ra một chút thời gian lướt mạng để tìm hiểu, bạn sẽ thấy rằng các bạn bè của bạn trên thế giới, nhất là ở những nước phát triển, có môi trường học tập thuận lợi hơn bạn nhiều. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên tự hỏi tại sao bây giờ bạn vẫn bị quản lý như một đứa trẻ với cả một hệ thống thiết chế, từ ban cán sự lớp, chủ nhiệm lớp, chi đoàn, liên chi đoàn… Còn bao nhiêu nước trên thế giới này quản lý sinh viên theo cái cách mà bạn đang phải chịu đựng? Toàn bộ hệ thống quản lý ấy không chịu thừa nhận sự trưởng thành của bạn, muốn rằng bạn phải chịu thân phận của một đứa trẻ. Tại sao các trường đại học ở các nước khác không có chế độ phân lớp, không có chế độ quản lý bằng cán sự lớp, không có lớp trưởng, không có chủ nhiệm lớp, bí thư chi đoàn, liên chi đoàn? Không có gì giống như thế mà chất lượng học tập của họ cao hơn bạn, năng lực của họ được phát triển hơn bạn nhiều, và ý thức kỷ luật của họ cũng tốt hơn bạn? Tại sao? Bởi vì họ được tôn trọng. Bởi vì từ 18 tuổi, sinh viên là một công dân đã trưởng thành, đã đủ năng lực tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hành động và lựa chọn của mình. Không ai có thể ép buộc sinh viên tham gia một tổ chức nào, trừ phi các bạn tự nguyện. Sinh viên Việt Nam cần hiểu rằng, với các hình thức quản lý hiện tại, các bạn tiếp tục bị đối xử như những đứa trẻ, các bạn bị coi là chưa trưởng thành. Thế nhưng, với tầng tầng lớp lớp thiết chế quản lý như vậy thì sinh viên ở Việt Nam phạm tội càng ngày càng nhiều. Báo chí đã báo động tình trạng sinh viên phạm tội từ nhiều năm nay, và càng ngày càng tăng lên cùng với thời gian. Vậy các bạn phải làm gì? Chấp nhận rằng các bạn chỉ là trẻ con? Phản ứng lại bằng cách phạm tội? Và nếu bây giờ các bạn là trẻ con thì các bạn sẽ phải làm trẻ con cho đến tận bao giờ? Và nếu bây giờ các bạn đã là tội phạm thì rồi các bạn sẽ đưa xã hội này đi về đâu? Vậy đó, bạn cần phải tự đặt cho mình câu hỏi: bạn có muốn làm người trưởng thành hay không, bạn có muốn làm người lương thiện hay không?
Hãy tự đặt câu hỏi: Bạn có muốn trưởng thành không?
Là sinh viên, bạn không thể chỉ biết đến kiến thức trong sách vở. Kiến thức trong sách vở chỉ có ý nghĩa khi chúng được dùng để phục vụ cho cuộc sống của bạn hiện tại và sau khi rời khỏi trường đại học. Vậy bạn phải biết những gì đang diễn ra xung quanh bạn, phải biết cuộc sống nào đang chờ đón bạn. Có như vậy bạn mới có thể đến với nó một cách chủ động. Và chính ở điểm này, bạn sẽ phải đứng trước hai lựa chọn: khi bạn hiểu những gì đang chờ đón bạn thì hoặc là bạn chấp nhận để cái thực tế kia nuốt chửng và đè bẹp bạn, chấp nhận quay cùng một cái vòng quay đang cuốn gần như tất cả mọi người theo nó, hoặc bạn chọn cách tự xác lập cho mình một con đường, một lối sống hợp với ý hướng và quan niệm của bạn; thường thì con đường này rất khó khăn.

Bạn thấy đấy, làm sinh viên trong một nền giáo dục như thế này quả là chẳng dễ dàng gì. Không chỉ là khó khăn vì bữa cơm hằng ngày không đủ dinh dưỡng cho cơ thể bạn, mà còn vì bài học hàng ngày cũng có thể không đủ dinh dưỡng cho trí não bạn. Còn nhiều khó khăn khác chưa được nêu ra trong bài viết ngắn này. Nhưng nếu bạn không học cách vượt qua khó khăn ngay từ bây giờ, thì sau khi kết thúc quãng đời sinh viên, nhiều khả năng là bạn chỉ còn cách để cho hoàn cảnh khuất phục bạn. Điều nguy hiểm (và nực cười) là đôi khi bạn bị hoàn cảnh khuất phục mà lại vẫn tưởng rằng bạn đang làm chủ hoàn cảnh.

Làm sinh viên trong một nền giáo dục như thế này quả là khó khăn. Nhưng bạn có lý do để tin rằng bạn có thể vượt qua khó khăn đó. Lý do căn gốc, sâu xa nhất: bạn là con người.

>> Đôi điều về tác giả:
Nguyễn Thị Từ Huy, tiến sĩ ngành Văn học Pháp đương đại, Đại học Paris 7 (Pháp) năm 2004 – 2008. Chị đã từng là giảng viên Khoa Văn học và ngôn ngữ của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Tác phẩm: Thơ: “Chữ cái” (NXB Phụ nữ, 2007) được giải thơ nữ Lá trầu, tập truyện ngắn “Những con chữ” (NXB Hội Nhà văn, 2007), tiểu luận – nghiên cứu “Alain Robbe-Grillet: Sự thật và diễn giải” – luận án tiến sĩ văn chương tại Pháp (NXB Hội Nhà văn, 2009). Tác phẩm dịch: “Giờ im lặng” – tập truyện ngắn của Albert Pouvourvil (NXB Văn học, 2001), “Những tiểu thuyết của Alain Robbe–Grillet” của Bruce Morrissette (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005), “Nietzsche và triết học” của Gilles Deleuze (2010).


Tác giả Nguyễn Thị Từ Huy (Nguồn ảnh: Internet)