Cổ tích người cha

Khi ông Trời bắt đầu tạo ra nguời cha đầu tiên trên thế gian, ngài chuẩn bị sẵn một cái khung thật cao. Một nữ thần đi ngang qua ghé mắt coi và thắc mắc: “Thưa ngài, tại sao nguời cha lại cao đến như vậy? Nếu ông ta đi chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình lại phải cúi nguời. Thật bất tiện!”. Trời trầm ngâm một chút rồi gật gù: “Ngươi nói có lý. Thế nhưng nếu ta để cho nguời cha chỉ cao bằng những đứa con, thì lũ trẻ sẽ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới?”.

Thấy Trời nặn đôi bàn tay nguời cha to và thô ráp, vị nữ thần lại lắc đầu buồn rầu: “Ngài có biết đang làm gì không? Những bàn tay to lớn thường vụng về. Với đôi bàn tay ấy, nguời cha chật vật lắm mới có thể găm kim băng đóng tã, cài nút áo cho con trai, thắt chiếc nơ hồng cho con gái. Bàn tay ấy không đủ khéo léo để lấy những mảnh dằm nằm sâu trong da thịt mềm mại của trẻ”. Ông Trời mỉm cuời đáp: “Nhưng đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành”.

Vị nữ thần đứng bên cạnh nhìn Trời nặn nguời cha với một đôi vai rộng, lực luỡng. “Tại sao ngài phí thế?”, nữ thần thắc mắc.

“Thế người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa? Lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu, khi đi xem xiếc về khuya? và Quan trọng hơn, đôi vai đó sẽ gánh vác cả gia đình”, ông Trời đáp.

Ông Trời thức trắng đêm để nặn cho xong nguời cha đầu tiên. Ngài cho tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Tuy đôi mắt của nguời cha nhìn thấu mọi việc trên đời, nhưng lại bình tĩnh và bao dung. Cuối cùng khi đã gần như hoàn tất công việc, Trời thêm vào khóe mắt nguời cha vài giọt nuớc mắt. Nhưng sau một thoáng tư lự, Ngài lại chùi chúng đi. Thành ra người đời sau không mấy khi thấy được những giọt lệ hiếm hoi của người cha, mà chỉ có thể cảm và đoán được rằng ông ta đang khóc.

Xong việc, ông Trời quay lại nói với nữ thần: “Ngươi thấy đó, người cha cũng đáng yêu như nguời mẹ mà ta đã dồn bao công sức để tạo ra”.
(Sưu tầm)

"Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua."???



Đọc bài thơ này, tự xấu hổ và phải tự nhắc nhở mình nhiều điều...
-----------
NHẠT NHẼO

Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu
Cúi đầu trước tiền tài, cúi đầu sau mông người khác
Cúi đầu trước chính mình, cúi đầu bạc nhược
Chỉ ngầng đầu...
...vì...
...đôi lúc...
...phải cạo râu!

Thế hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất
Cuộc sống bon chen
Tay trần níu chặt
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang.

Thế hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Đâu là tự do, đâu là lý tưởng?
Đâu là vì mình, và đâu là vì nước
Những câu hỏi vĩ mô cứ luẩn quẩn loanh

Thế hệ tôi, ngày và đêm đảo lộn tanh bành
Đốt ngày vào đêm, và đốt đêm không ánh sáng
Nếu cho chúng tôi một nghìn ngày khác
Cũng chẳng để làm gì, có khác nhau đâu?

Thế hệ tôi, tự ái đâu đâu
Và tự hào vì những điều huyễn hoặc
Tự lừa dối mình, cũng như lừa người khác
Về những niềm tin chẳng chút thực chất nào!

Chúng tôi nghe và ngắm những siêu sao
Chỉ với mươi lăm nghìn cho vài ba tin nhắn
Văn hóa ngoại giao là trà chanh chém gió
Và nồi lẩu tinh thần là những chiếc I-phone

Thế hệ tôi, ba chục đã quá già
Và bốn chục, thế là đời chấm hết
Không ghế để ngồi, thì thôi, ngồi bệt
Mối lo hàng ngày là tiền trong tài khoản có tăng lên?

Thứ đắt nhất bây giờ là từng lạng NIỀM TIN
Thứ rẻ nhất, lại là LỜI HỨA
Sự dễ dãi đớn hèn khuyến mại đến từng khe cửa
Có ngại gì mà không phản bội nhau?

Không, tôi không đại diện thế hệ mình đâu!
Và thế hệ tôi cũng không đại diện cho điều gì sất!
Trăm năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt:
Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua.NHẠT NHẼO


Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu
Cúi đầu trước tiền tài, cúi đầu sau mông người khác
Cúi đầu trước chính mình, cúi đầu bạc nhược
Chỉ ngầng đầu...
...vì...
...đôi lúc...
...phải cạo râu!

Thế hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất
Cuộc sống bon chen
Tay trần níu chặt
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang.

Thế hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Đâu là tự do, đâu là lý tưởng?
Đâu là vì mình, và đâu là vì nước
Những câu hỏi vĩ mô cứ luẩn quẩn loanh

Thế hệ tôi, ngày và đêm đảo lộn tanh bành
Đốt ngày vào đêm, và đốt đêm không ánh sáng
Nếu cho chúng tôi một nghìn ngày khác
Cũng chẳng để làm gì, có khác nhau đâu?

Thế hệ tôi, tự ái đâu đâu
Và tự hào vì những điều huyễn hoặc
Tự lừa dối mình, cũng như lừa người khác
Về những niềm tin chẳng chút thực chất nào!

Chúng tôi nghe và ngắm những siêu sao
Chỉ với mươi lăm nghìn cho vài ba tin nhắn
Văn hóa ngoại giao là trà chanh chém gió
Và nồi lẩu tinh thần là những chiếc I-phone

Thế hệ tôi, ba chục đã quá già
Và bốn chục, thế là đời chấm hết
Không ghế để ngồi, thì thôi, ngồi bệt
Mối lo hàng ngày là tiền trong tài khoản có tăng lên?

Thứ đắt nhất bây giờ là từng lạng NIỀM TIN
Thứ rẻ nhất, lại là LỜI HỨA
Sự dễ dãi đớn hèn khuyến mại đến từng khe cửa
Có ngại gì mà không phản bội nhau?

Không, tôi không đại diện thế hệ mình đâu!
Và thế hệ tôi cũng không đại diện cho điều gì sất!
Trăm năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt:
Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua.


(đang tìm tác giả)

Giáo dục và vai trò của những người trẻ khai sáng

Tròn 5 năm sau khi gia nhập WTO, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong hội nhập và khẳng định nội lực và để phát triển, theo TS Ngô Tự Lập (Chủ nhiệm bộ môn KHXH-NV và Kinh Tế, Khoa Quốc Tế, ĐH Quốc Gia Hà Nội),đất nước cần những người trẻ có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, như tinh thần khai sáng.

Cần một “Điện Biên Phủ” về trí tuệ

Bà Abby Joseph Cohen, Trưởng bộ phận Chiến lược đầu tư của Goldman Sachs, vừa đưa ra dự báo: Nửa đầu năm 2012 sẽ rất khó khăn (về kinh tế), đối với cả Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, nếu nước Mỹ biết tận dụng và phát huy lợi thế của mình, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục thì tình hình có thể sẽ khác. Nhận xét này có gợi cho ông tham chiếu cụ thể nào với bối cảnh Việt Nam hiện nay?

Tôi cho rằng, giáo dục tuy không có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế nhưng lại luôn có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển, đúng như bà Cohen nhận định. Một nền giáo dục đích thực, suy cho cùng, chỉ có 3 nhiệm vụ chính, tương ứng với 3 yêu cầu: Yêu cầu thấp nhất là nó phải đào tạo được con người lao động, biết hành xử và tương tác theo những quy tắc nhất định. Yêu cầu ở mức cao hơn là phải tạo ra con người của cộng đồng, thông qua những môn học gắn với cộng đồng như: Văn học, Lịch sử và Địa lý, đặc biệt là Địa lý văn hóa.

Ở những quốc gia chỉ có một dân tộc như Hàn Quốc, việc dạy Địa lý văn hóa có thể sẽ không bức bách nhưng ở Việt Nam, chúng ta là một quốc gia đa dân tộc, chúng ta cần biết cách gìn giữ và phát triển “kho báu” ấy. Yêu cầu ở mức cao nhất, đó là phải đào tạo nên những con người nhân loại, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Chúng ta phải hiểu quy luật tương tác với các dân tộc khác. Chúng ta cũng phải tương tác với thiên nhiên ở quy mô toàn cầu... Để làm tốt nhiệm vụ thứ ba này, chúng ta cần Triết học là vì thế. Triết học dạy con người hiểu được chính mình, hiểu khả năng và hạn chế của bản thân, từ đó, hiểu được vị trí của mình trong cộng đồng, cái gì được làm, cái gì không... Cuối cùng là hiểu được vị trí của chúng ta trong thế giới, chúng ta phải làm gì cho thế giới và được hưởng gì từ thế giới.

Vậy theo ông, nền giáo dục của chúng ta đã đáp ứng đến mức nào, các yêu cầu này?


Bây giờ, nền giáo dục của chúng ta đang không đánh giá và ý thức được mức độ quan trọng của các nhiệm vụ vừa nêu. Thí dụ, chúng ta quen đánh giá kết quả học tập bằng thi cử. Nhưng những môn chúng ta tập trung đánh giá lại thường là những môn như Toán, Lý, Hóa và chúng ta coi đó là các “môn chính”. Trong khi đó, những môn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân như tôi vừa kể trên, để người Việt Nam hiểu biết về dân tộc mình thì chúng ta lại bỏ bẵng. Vì không coi trọng đúng mức các môn khoa học xã hội nên chúng ta mới phải trả giá bằng những con người vô cảm như đang thấy. Cần phải thấu triệt rằng, người ta chỉ không vô cảm nếu có chung ký ức với cộng đồng. Ra đường, thấy con mình ngã thì mình sẽ quan tâm hơn nhiều so với nhìn thấy một người không quen biết ngã.

Giáo dục mà coi nhẹ việc tạo ký ức chung thì sản phẩm sẽ chỉ là những con người lao động, họ sẽ không hoặc ít có liên hệ với nhau về mặt tình cảm. Như vậy, nền giáo dục của chúng ta mới chỉ đáp ứng được yêu cầu cơ bản nhất ma thôi.

Vậy phải chăng, chúng ta mới chỉ có những “người Việt” mà chưa có những “quốc dân Việt”, theo cách nói của Fukuzawa Yukichi, nhà giáo dục lừng danh người Nhật Bản?

Tôi nghĩ, dù khó so sánh nhưng cảnh báo của tác giả cuốn Khuyến học dành cho người Nhật thời Minh Trị (thế kỷ 19) vẫn rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Một dân tộc cần phải xây dựng được triết học/chủ thuyết của mình để đừng giống như đứa trẻ chưa trưởng thành. Tản Đà từng nói: “Dân hai mươi triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Câu đó rất giống với quan niệm của Immanuel Kant: “Con người chưa biết sử dụng lý trí một cách tự do thì cũng giống một người vị thành niên về tinh thần và trí tuệ”. Thế kỷ 20, chúng ta đã có nhiều lần thành tựu khiến thế giới ngưỡng mộ, nhất là chiến công đánh giặc ngoại xâm. Giờ đây, chúng ta cần một chiến công nữa, một “Điện Biên Phủ” về mặt trí tuệ. Chiến công này có lẽ còn khó hơn và nếu chúng ta không quyết tâm thì chúng ta không bao giờ có thể sánh ngang hàng với các nước khác. 

“Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân”

Theo ông, chúng ta phải làm thế nào để đào tạo nên những con người “trưởng thành”?

Theo tôi, chúng ta phải thay đổi quan niệm về giáo dục, với mục tiêu không phải là đào tạo ra “nguồn nhân lực chất lượng cao” (với bao nhiêu phần trăm sinh viên ra trường làm đúng ngành, đúng nghề) mà phải là đào tạo ra con người cao thượng, con người dân tộc biết tương tác toàn cầu. 

Xin ông cho biết rõ hơn?

Thực ra, nước Việt là ai, là những con người Việt Nam sống ở đấy chứ cục đất hay hòn đá thì ở đâu chúng cũng chỉ là cục đất hay hòn đá mà thôi. Cho nên, nói nước Việt là nói đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... đến các giá trị tinh thần chứ không phải chỉ là một miếng đất vô tri vô giác.

Tôi hiểu, Fukuzawa cũng nói về người Nhật thời của ông theo nghĩa ấy. Một dân tộc chỉ mạnh khi những người con của dân tộc ấy mạnh, đặc biệt là tầng lớp trí thức. Điều này gần giống với tư tưởng Khai sáng của Kant: “Con người mà biết sử dụng lý trí để hiểu mình, hiểu người và hiểu vật thì chúng ta mới có khả năng làm đúng”. Chân, thiện, mỹ là như thế! Và Fukuzawa đã đưa ra nguyên tắc nổi tiếng: “Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân”, tức là một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo.

Ông đánh giá sao về người trẻ hiện nay?

Có lẽ, sự thực tế của người trẻ bây giờ là điểm mạnh nhưng cũng chính là điểm dở của họ. Bởi nếu thực tế quá thì họ sẽ mất đi hoài bão mà không có hoài bão đủ lớn thì cuối cùng, họ chỉ là những người lao động bình thường chứ không phải là con người tự do, cao đẹp như phải vươn đến. Tôi nghĩ, trong chuyện này, cha anh cũng có trách nhiệm một phần. Người lớn không thể dạy con em mình những điều thực sự cao thượng, nếu lời nói không đi kèm với hành động.

Liệu có thể kỳ vọng vào giới trẻ như những con người Khai sáng trong nhiệm vụ đưa đất nước đi lên?

Tôi nghĩ, với người trẻ, không phải chỉ kỳ vọng mà đấy chính là trách nhiệm của các bạn. Chỉ có điều, có bằng cấp cao chưa chắc đã là người Khai sáng. Phải luôn luôn đặt câu hỏi và vật vã tìm câu trả lời. Trí thức phải là người có thiên hướng muốn biết. Nhưng kiến thức là một cái mạng. Tôi thường nói với sinh viên một cách ẩn dụ về chiếc điện thoại: Khi chỉ có một mình ta thì điện thoại vô dụng, phải đến khi nhiều người có nhu cầu tương tác thì điện thoại mới có tác dụng. Tương tự, nếu anh chỉ đọc một cuốn sách thì nó rất ít tác dụng, nhiều khi, anh còn không thể hiểu nó. Thế nên, mỗi cuốn sách phải nằm trong mối quan hệ với những cuốn sách, những vấn đề khác để so sánh, phản biện.

Xin cảm ơn ông!

Kiều Hải (thực hiện)

Hãy luôn hạnh phúc

Quy tắc tâm linh của người Ấn Độ:


1. Quy tắc đầu tiên: "Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp cả."

Điều này có nghĩa rằng không ai xuất hiện trong cuộc đời chúng ta một cách tình cờ cả. Mỗi người xung quanh chúng ta, bất cứ ai chúng ta giao lưu, đều đại diện cho một điều gì đó, có thể là để dạy chúng ta điều gì đó hoặc giúp chúng ta cải thiện tình hình hiện tại.

2. Quy tắc thứ hai: "Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra."

Không có điều gì tuyệt đối, không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi cả. Thậm chí cả với những điều nhỏ nhặt ít quan trọng nhất. "Không có; Nếu như tôi đã làm điều đó khác đi..., thì nó hẳn đã khác đi. "

Những gì đã xảy ra chính là những gì nên xảy ra và phải xảy ra giúp chúng ta học ra bài học để tiến về phía trước. Bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều tuyệt đối hoàn hảo, thậm chí cả khi nó thách thức sự hiểu biết và bản ngã của chúng ta.

3. Quy tắc thứ ba: "Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm."

Mọi thứ bắt đầu vào đúng thời điểm, không sớm hơn hay muộn hơn. Khi chúng ta sẵn sàng cho nó, cho điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời mình, thì nó sẽ có đó, sẵn sàng để bắt đầu.

4. Quy tắc thứ tư: "Những gì đã qua, cho qua."

Quy tắc này rất đơn giản. Khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã giúp ích xong cho sự tiến hoá của chúng ta. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình.

Tôi nghĩ là không phải là tình cờ mà bạn đang đọc những dòng này. Nếu bài viết này đánh động tâm hồn bạn, đó là bởi vì bạn đáp ứng được những yêu cầu và hiểu rằng không một bông tuyết nào lại tình cờ rơi xuống sai chỗ cả..

Hãy đối xử tốt với chính bản thân bạn. Hãy yêu thương với tất cả tâm hồn bạn. Hãy luôn hạnh phúc.
(Chép lại từ FB  một người bạn)

Cha và con

Những câu chuyện cảm động về tình Cha con...
***

Ngọn nến không cháy

Trong thành phố nọ có hai cha con sống với nhau rất vui vẻ, hạnh phúc. Một hôm, đứa bé gái chẳng may bị bệnh và ra đi mãi mãi. Người cha quá đau khổ , tuyệt vọng, quay lưng lại với tất cả mọi người. Ông chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Ông tự nhốt mình trong phòng và khóc mãi. 

Một hôm, ngưòi cha ngủ thiếp đi và ông mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, ông gặp một đoàn người rước đèn. Tất cả ngọn đèn đều lung linh toả sáng, trừ ngọn đèn của đứa bé cuối. Đứa bé ấy cầm một ngọn nến không được thắp sáng. Nhìn kỹ hơn, ông nhận ra đứa bé ấy chính là đứa con gấi bé bỏng của mình.

Ông tiến lại gần và hỏi con rằng: " Tại sao nến của con lại không cháy?". Bé gái đã đáp rằng: " Con đã cố lắm nhưng không được cha à! Mỗi lần con thắp lên ngọn nến thì những gịot nước mắt của cha lại dập tắt hết ngọn nến của con". 
Đến đó thì người cha choàng tỉnh. Từ đó, ông lấy lại thăng bằng, lại sống vui vẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh bởi ông không muốn những giọt nước mắt của ông lại dập tắt ngọn nến hi vọng của con ông. 

Nước mắt chỉ có thể xoa dịu phần nào chứ không thể làm tan biến hoàn toàn nỗi mất mát lớn lao. Hãy cứ khóc khi bạn cần, nhưng hãy đứng lên vững vàng bạn nhé! Bởi ngoài kia, đâu đó, ở một nơi nào đó, người thân của bạn đang nhìn bạn mỉm cười

Con tự hào là con của bố 

Tôi chưa bao giờ nghe trộm người khác nói chuyện. Nhưng có một lần tôi đã làm điều đó khi đi ngang phòng con trai tôi. Khi ấy vợ tôi đang trò chuyện cùng Bobby – đứa con trai nhỏ của chúng tôi – về những chuyện của con với bạn.

Dường như vợ tôi đã nghe vài đứa bạn của Bobby khoác lác về công việc của bố chúng – những vị giám đốc và những ông chủ lớn. Sau đó chúng hỏi Bobby: “Bố cậu làm nghề gì, Bobby?”. Bobby lúng túng, e ngại và ngoảnh mặt nói nhỏ: “Bố tớ là công nhân!”.

Đợi cho bọn trẻ ra về, vợ tôi gọi Bobby đến, hôn lên đôi má bầu bĩnh của con rồi bảo: “Bobby, con đã nói rằng bố là một người công nhân, điều đó không sai! Nhưng mẹ nghĩ là con chưa thật sự hiểu được công việc ấy có ý nghĩa như thế nào. Vậy mẹ nói cho con nghe điều này!”.

Rồi vợ tôi bắt đầu kể: Trong tất cả những ngành công nghiệp làm giàu đất nước, trong những cửa hiệu buôn bán hay bất cứ khi nào con trông thấy một tòa nhà mới xây, hãy nhớ điều này con trai, chính những người công nhân bình thường như bố con đã làm những công việc đồ sộ đó!

Đúng là người giám đốc có được những chiếc bàn làm việc sang trọng và quần áo sạch sẽ cả ngày; đúng là họ phác thảo ra những công trình và điều hành công việc. Nhưng để biến tất cả thành hiện thực chính là nhờ vào những người công nhân như bố con. Nếu những ông chủ ngưng làm việc trong một năm, bánh xe công nghiệp vẫn chuyển động dù có chậm lại, nhưng nếu thiếu những người như bố con, thì bánh xe ấy không chuyển động được nữa.

Tôi đã cố ngăn dòng nước mắt chực trào ra vì xúc động khi bước vào phòng. Ánh mắt Bobby sáng lên, rồi đứa con trai bé bỏng bật dậy chạy đến ôm lấy tôi: “Con rất tự hào khi được làm con trai của bố vì bố là một trong những công nhân bình thường ấy, những người đã làm nên những công việc thật vĩ đại mà không ai biết được”.

Quà con tặng bố

Có một người cha nghèo đã quở phạt đứa con gái 3 tuổi của mình vì tội lãng phí cả một cuộn giấy gói quà mầu vàng. Tiền bạc eo hẹp, người cha nổi giận khi đứa bé cắt cuộn giấy quý ra thành từng mảnh nhỏ trang trí một cái hộp giấy. Sáng sớm hôm sau, đứa con gái nhỏ vẫn mang hộp quà đến nói với cha: "Con tặng bố!". Người cha cảm thấy bối rối vì cơn giận dữ của mình tối hôm trước, nhưng rồi cơn giận dữ lại bùng lên khi ông mở ra, thấy cái hộp trống rỗng. 

Ông mắng con gái. Đứa con gái nhỏ ngước nhìn cha, nước mắt rưng rưng, thưa: "Bố ơi, đó đâu phải là cái hộp rỗng, con đã thổi đầy những nụ hôn vào hộp để tặng bố mà!". 

Người cha giật mình. Ông vòng tay ôm lấy đứa con gái nhỏ cầu xin con tha thứ. 

Đứa con gái nhỏ, sau đấy không bao lâu, qua đời trong một tai nạn. Nhiều năm sau, người cha vẫn khư khư giữ cái hộp giấy bên mình, mỗi khi gặp chuyện nản lòng, ông lấy ra một nụ hôn tưởng tượng và nghĩ đến tình yêu mà đứa con gái bé bỏng của ông đã thổi vào chiếc hộp. 

Trong cuộc sống, chúng ta đã và sẽ nhận được những chiếc hộp quý giá chứa đầy tình yêu và những nụ hôn vô tư từ con cái của chúng ta, từ bạn bè, gia đình. Trên đời này, chúng ta không thể có được tài sản nào quý giá hơn những chiếc hộp chứa đầy tình yêu vô tư như thế.

Con có còn dư đồng nào không?

Họclớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đếnchỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba... 

Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:"Có dư đồng nào không con?". Tôi đáp:"Còn dư bốn ngàn ba ạ". Ba nói tiếp:"Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xecó hư như lần trước thì có tiền mà sửa". Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng...

Tô mì

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là học sinh..

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: "Cho hai bát mì bò!", cậu nói to. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm 1 bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.
Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "An đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội." Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.

Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt." Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này. " "Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy."

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thịt bò." Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng. " Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.

Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏ quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, Tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

Đấu giá cuối cùng

Có một người đàn ông yêu thích mỹ thuật. Ông ta say mê đến mức gần như sống vì niềm say mê của mình. Sưu tập tranh là mục tiêu cả đời của ông.
Ông làm việc rất chăm chỉ để dành tiền tiết kiệm nhằm mua thêm các tác 
phẩm hội họa cho bộ sưu tập của mình. Ông mua rất nhiều tác phẩm của 
các họa sỹ nổi tiếng.
Người đàn ông này đã góa vợ. Ông chỉ có một người con trai. Ông đã truyền lại cho con mình niềm say mê sưu tầm đó. Ông rất tự hào về con trai của mình khi anh ta cũng trở thành một nhà sưu tầm nổi tiếng như ông.
Một thời gian sau, đất nước bỗng có chiến tranh. Người con trai, cũng như 
mọi thanh niên khác, lên đường tòng quân. Và sau một thời gian thì câu 
chuyện xảy ra...
Một hôm, người cha nhận được một lá thư thông báo rằng người con đã 
mất tích khi đang làm nhiệm vụ. Người cha đau khổ đến tột cùng. Thật là 
khủng khiếp khi người cha không thể biết được điều gì đang xảy ra với con mình. 
Vài tuần sau ông nhận được một lá thư nữa. Lá thư này báo với ông rằng 
con ông đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Ông gần như chết đi một nửa người. 
Thật khó khăn khi đọc tiếp lá thư đó, nhưng ông vẫn cố. Trong thư, người ta báo rằng con ông đã rút lui đến nơi an toàn. Nhưng thấy trên bãi chiến trường vẫn còn những đồng đội bị thương, con ông đã quay lại và đưa về từng thương binh một. Cho đến khi đưa người cuối cùng về gần đến khu vực an toàn thì con ông đã trúng đạn và hy sinh.

Một tháng sau, đến ngày Noel, ông không muốn ra khỏi nhà. Ông không thể hình dung được một Noel mà thiếu con trai mình bên cạnh. Ông đang ở trong nhà thì có tiếng chuông gọi cửa. Đứng trước cửa nhà là một chàng trai tay cầm một bọc lớn.
Chàng trai nói "Thưa bác, bác không biết cháu, nhưng cháu là người mà con bác đã cứu trước khi hy sinh. Cháu không giàu có, nên cháu không biết đem đến cái gì để đền đáp cho điều mà con bác đã làm cho cháu. Cháu được anh ấy kể lại rằng bác thích sưu tầm tranh, bởi vậy dù cháu không phải là một họa sỹ, cháu cũng vẽ một bức chân dung con trai bác để tặngcho bác. Cháu mong bác nhận cho cháu."
Người cha đem bức tranh vào nhà, mở ra. Tháo bức tranh giá trị nhất vẫn 
treo trên lò sưởi xuống, ông thay vào đó là bức chân dung người con. Nước mắt lưng tròng, ông nói với chàng trai "Đây là bức tranh giá trị nhất mà ta có được. Nó có giá trị hơn tất cả các tranh mà ta có trong căn nhà này."
Chàng trai ở lại với người cha qua Noel đó rồi hai người chia tay. Sau vài 
năm, người cha bị bệnh nặng. Tin tức về việc ông qua đời lan truyền đi rất 
xa. Mọi người đều muốn tham gia vào cuộc bán đấu giá những tác phẩm 
nghệ thuật mà người cha đã sưu tầm được qua thời gian. Cuối cùng thì buổi bán đấu giá cũng được công bố vào ngày Noel năm đó. Các nhà sưu tầm và những nhà đại diện cho các viện bảo tàng đều háo hức muốn mua các tác phẩm nổi tiếng. Toà nhà bán đấu giá đầy người. Người điều khiển đứng lên và nói "Tôi xin cám ơn mọi người đã đến đông đủ như vậy. Bức tranh đầu tiên sẽ là bức chân dung này..."
Có người la lên "Đó chỉ là chân dung đứa con trai ông cụ thôi! Sao chúng ta không bỏ qua nó, và bắt đầu bằng những bức có giá trị thật sự?"
Người điều khiển nói "Chúng ta sẽ bắt đầu bằng bức này trước!"
Người điều khiển bắt đầu "Ai sẽ mua với giá $100?"
Không ai trả lời nên ông ta lại tiếp "Ai sẽ mua với giá $50?"
Cũng không có ai trả lời nên ông ta lại hỏi "Có ai mua với giá $40?"
Cũng không ai muốn mua. Người điều khiển lại hỏi "Không ai muốn trả giá cho bức tranh này sao?" Một người đàn ông già đứng lên "Anh có thể bán với giá $10 được không? Anh thấy đấy, $10 là tất cả những gì tôi có. Tôi là hàng xóm của ông cụ và tôi biết thằng bé đó. Tôi đã thấy thằng bé lớn lên và tôi thật sự yêu quý nó. Tôi rất muốn có bức tranh đó. Vậy anh có đồng ý không?"

Người điều khiển nói "$10 lần thứ nhất, lần thứ nhì, bán!"
Tiếng ồn ào vui mừng nổi lên và mọi người nói với nhau "Chúng ta có thể bắt đầu thật sự được rồi!" Người điều khiển nói "Xin cảm ơn mọi người đã đến. Thật là vinh hạnh khi có mặt những vị khách quý ở đây. Bữa nay chúng ta sẽ dừng tại đây!"
Đám đông nổi giận "Anh nói là hết đấu giá? Anh vẫn chưa đấu giá toàn bộ 
các tác phẩm nổi tiếng kia mà?" Người điều khiển nói "Tôi xin lỗi nhưng buổi bán đấu giá đã chấm dứt. Mọi người hãy xem chúc thư của ông cụ đây, 
NGƯỜI NÀO LẤY BỨC CHÂN DUNG CON TÔI SẼ ĐƯỢC TẤT CẢ CÁC 
BỨC TRANH CÒN LẠI! Và đó là lời cuối cùng!”
(Sưu tầm)

Bài phát biểu gây chấn động nước Mỹ



Phát biểu trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley High ở bang Massachusetts (Mỹ) tuần trước, giáo viên tiếng Anh David McCollough Jr đã gây sốc khi nói thẳng: “Các em chẳng có gì đặc biệt”. 



Thế nhưng, bài phát biểu của David McCollough lại được nhiều tờ báo và hãng tin Mỹ đăng tải, và thu hút được hàng chục ngàn comment (bình luận) trên mạng Internet, phần lớn đều ủng hộ thông điệp của ông McCollough.


Trong bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp năm 2012, thay vì lặp lại những câu sáo mòn như “Chúng tôi rất tự hào về các em”, “Các em rất tài năng”, “Thế giới là của các em”..., ông McCollough đưa ra một thông điệp mà giới truyền thông Mỹ mô tả là “Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực”.
Wellesley High là trường công nổi tiếng ở thị trấn giàu có Wellesley, có truyền thống lâu đời và từng sản sinh nhiều nhân tài cho nước Mỹ. David McCollough Jr là con trai của nhà sử học - nhà văn David McCollough, người từng đoạt giải thưởng Pulitzer.


Trước các học sinh của mình đang xúng xính trong bộ đồng phục tốt nghiệp giống nhau, đang háo hức cầm trên tay tấm bằng, McCollough dõng dạc nói rằng “Các em chẳng có gì là đặc biệt”, “chẳng có gì là phi thường”! Một gáo nước lạnh như được giội xuống mọi thành tích vẻ vang của trường!


Được chăm bẵm quá mức


Trước bao ánh mắt mở to sửng sốt, McCollough điềm nhiên nói tiếp: “Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận. Vâng, người lớn đã ôm hôn các em, cho các em ăn, lau miệng... cho các em. Họ dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe, động viên và an ủi các em. Các em được nâng niu, phỉnh phờ, dỗ ngon dỗ ngọt, được nghe toàn những lời nài nỉ.


Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng. Đúng vậy đó. Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc biểu diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. Những nụ cười tỏa sáng khi các em bước vào phòng, đáp lại mỗi tin nhắn trên Twitter của các em là những tiếng hô hào hứng. Và giờ các em đã chinh phục được trường trung học. Nhưng đừng lầm tưởng rằng các em là đặc biệt. Không có chuyện đó đâu nhé!”.


Đến đây, McCollough dẫn các học sinh vào một hiện thực đang chờ đợi mình. “Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học trên toàn quốc. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu của các trường, 37.000 chủ tịch hội học tập, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên... Nhưng tại sao lại tự giới hạn chúng ta ở trường trung học thôi? Hãy thử nghĩ xem. Nếu cả triệu người mới có một người như các em thì trên thế giới 6,8 tỉ dân này sẽ có tới gần 7.000 người như các em. Hãy nhìn toàn cảnh. Hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm Hệ mặt trời, Hệ mặt trời không phải là trung tâm Ngân hà, Ngân hà cũng chẳng phải là trung tâm vũ trụ. Các nhà thiên văn đã khẳng định vũ trụ không có trung tâm đâu, do đó các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì”.


McCollough dẫn dắt tiếp: “Người Mỹ chúng ta giờ đây yêu các danh hiệu hơn là những thành công thật sự. Chúng ta coi danh hiệu là mục tiêu và sẵn sàng thỏa hiệp, tự hạ thấp các chuẩn mực, hoặc phớt lờ thực tế khi cho rằng đó là cách nhanh nhất hoặc duy nhất để có được những thứ có thể đem ra khoe mẽ, để có một vị trí tốt hơn trong xã hội... Hậu quả là chúng ta đang coi rẻ các trải nghiệm đáng giá, thế nên việc xây dựng một cơ sở y tế ở Guatemala trở thành chìa khóa để chạy xin vào học tại Bowdoin (học viện nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ) hơn là việc này vì cuộc sống của người dân Guatemala”.


Bài phát biểu gây chấn động nước Mỹ, Giáo dục - du học,
Giáo viên David McCollough Jr khi đọc bài diễn văn gây sốc


Hạnh phúc không tự tìm đến


McCollough nhấn mạnh mục tiêu thật sự của giáo dục không phải đem lại lợi thế vật chất mà là sự hiểu biết, yếu tố quan trọng của hạnh phúc. “Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em hãy làm những gì mình yêu thích và tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có”.


Sau khi khuyên các học sinh hãy tiếp tục đọc sách thường xuyên, phát triển ý thức về đạo đức, khẳng định cá tính, dám ước mơ, làm việc chăm chỉ và tư duy độc lập, yêu những người mình yêu hết mình, McCollough nhắc nhở: “Hãy làm như vậy một cách nhanh chóng, bởi mỗi giây phút đều quý giá. Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa là một thành tựu đòi hỏi nỗ lực, chứ không phải là thứ từ trên trời rơi xuống vì các em là người tốt hay vì cha mẹ đưa đến tận tay các em.


Các em hãy nhớ rằng những người tạo dựng nên nước Mỹ đã nỗ lực đảm bảo quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Mưu cầu là một động từ, và tôi nghĩ các em sẽ không có nhiều thời gian để nằm ườn một chỗ xem mấy trò nhảm nhí trên YouTube. Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng cả hai bàn tay”.


Kết thúc phát biểu của mình, ông McCollough nhắn nhủ các học sinh hãy tự chủ, độc lập, sáng tạo không vì sự thỏa mãn do hành động đó mang lại, mà vì những điều tốt đẹp nó đem đến cho người khác. “Và khi đó, các em sẽ phát hiện sự thật vĩ đại và lạ lùng của cuộc sống. Đó là lòng vị tha, sống vì người khác, và đó là điều tuyệt vời nhất các em có thể làm được cho bản thân. Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt”.

Sự quan tâm thái quá của người lớn khiến cái tôi của bọn trẻ phình to. Do đó, tôi nghĩ chúng cần một cách suy nghĩ mới. Đưa chúng vào đời với cái tôi quá lớn chẳng khác nào làm hại chúng

McCollough khẳng định. Trả lời phỏng vấn Fox News, McCollough giải thích ông muốn các học sinh hiểu rằng chúng phải nỗ lực nếu muốn thành công trong cuộc đời.

Theo Sơn Hà 
Nguồn: Tuổi trẻ

"Đừng ăn cái bánh do may mắn mang lại"


Ngày 3 Tháng Sáu, 2012
Xin cảm ơn. Cảm ơn hiệu trưởng Tilghman. Cảm ơn các thành viên hội đồng tín nhiệm và các thân hữu của trường. Cảm ơn các phụ huynh khóa 2012.
Trên hết, xin cảm ơn các bạn sinh viên Princeton khóa 2012. Xin các bạn tự thưởng cho mình một tràng pháo tay.

Cú hích đầu tiên...
Ba mươi năm trước tôi ngồi chỗ các bạn ngồi. Tôi chắc hẳn đã nghe một người già hơn kể chuyện đời mình. Nhưng tôi chẳng nhớ từ nào cả. Tôi cũng chẳng nhớ ai đã nói. Cái mà tôi nhớ, một cách sống động nhất, là việc tôi tốt nghiệp.
Tôi đã được dạy là tôi phải cảm thấy hứng thú, có phần cảm giác nhẹ nhõm, và có thể là toàn thể các bạn cũng được dạy như thế. Tôi chẳng cảm thấy gì trong số đó. ...Tôi đã đến và hiến cho nơi đây bốn năm đẹp nhất cuộc đời và đây là cách mà nơi đây nói lời cảm ơn với tôi. Bằng cách... đá tôi ra.
Lúc đó tôi chỉ chắc có mỗi một việc: Tôi chẳng thể có giá trị gì cho thế giới bên ngoài hết. Điều trước tiên cần nói, tôi học lịch sử mỹ thuật. Ngay cả thời đó thì theo học ngành này đã được coi là điên.
Tôi gần như chắc chắn là được chuẩn bị ít hơn cho thị trường so với hầu hết các bạn. Thế mà thế nào tôi lại trở nên giàu có và nổi tiếng. Thật ra, chỉ gần như là thế. Tôi sẽ giải thích ngắn gọn cho các bạn, điều đó đã xảy ra như thế nào.
Tôi muốn các bạn nhận ra con đường sự nghiệp có thể lắt léo đến mức nào, trước khi các bạn rời khỏi ghế nhà trường và đi trên con đường này.
Tôi tốt nghiệp từ Princeton mà chưa bao giờ xuất bản được bất cứ một con chữ nào, bất cứ ở đâu. Tôi không viết cho Prince**, hay cho bất cứ đơn vị nào.
Nhưng ở Princeton, học lịch sử mỹ thuật, tôi cảm nhận được cú hích đầu tiên từ niềm đam mê văn học của mình. Giáo sư hướng dẫn của tôi là một người rất có tài năng, ông là một nhà khảo cổ học, tên là William Childs.
Đề tài khoá luận tốt nghiệp của tôi là đề xuất một lời giải cho việc tại sao nhà điêu khắc người Ý Donatello sử dụng nền điêu khắc Hy Lạp và Roman- hoàn toàn không liên quan đến ý tưởng chính, nhưng tôi luôn muốn nói cho mọi người biết.
Không ai rõ là GS Childs nghĩ gì, nhưng ông đã làm tôi hứng thú với đề tài này. Hơn cả hứng thú, tôi bị ám ảnh. Khi tôi nộp bài thì tôi rõ điều tôi muốn làm cả đời tôi: Viết khóa luận tốt nghiệp. Hoặc, nói cách khác: Viết sách.
Rồi tôi bảo vệ đề tài tốt nghiệp. Tôi lắng nghe và chờ GS Childs lên tiếng rằng khóa luận của tôi hay đến mức nào. Ông chẳng nói gì. Và thế là sau 45 phút tôi mới hỏi, "GS nghĩ gì về bài viết của em?"
"Như thế này" ông nói. "Đừng bao giờ cố lập nghiệp bằng nghề viết."
Và tôi không cố thử, không thật sự như vậy. Tôi đã chọn việc mà tất cả mọi người không biết phải làm gì sau khi ra trường chọn làm: Học tiếp trường cao học.
Tôi viết sách ban đêm, mà không có hiệu quả lắm, lý do chính vì tôi không biết tôi cần phải viết về cái gì. Một hôm tôi được mời đến dự một bữa tối, tôi ngồi ngay cạnh bà vợ của một ông lớn ở một ngân hàng đầu tư ở Wall Street, gọi là Salomon Brothers. Bà ta nói với chồng mình cho tôi một chân làm việc.
Tôi chẳng biết tí gì về Salomon Brothers. Nhưng Salomon Brothers may mắn là nơi Wall Street được cải tổ -- thành nơi chúng ta đều biết đến và yêu mến.
Ảnh minh họa
Khi tôi đến đó, tôi được bổ nhiệm, gần như là ngẫu nhiên, vào một vị trí có thể quan sát được sự phát triển kinh hoàng: Họ biến tôi thành chuyên gia tại chỗ về chứng khoán phái sinh. Một năm rưỡi sau Salomon Brothers gửi cho tôi tấm séc trị giá một trăm ngàn đô la để tôi tham vấn về chứng khoán phái sinh cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Bây giờ thì tôi có cái để mà viết rồi: Salomon Brothers. Wall Street đã đảo điên đến mức nó trả một khoản tài sản nho nhỏ cho các sinh viên Princeton mới ra trường không biết tí tẹo nào về tài chính để làm ra vẻ là chuyên gia về tiền bạc. Tôi nhảy tiếp tới đề tài tốt nghiệp tiếp theo của mình.
Tôi gọi điện cho cha tôi. Tôi nói tôi sẽ bỏ việc mà lúc đó người ta hứa trả tôi hàng triệu đô la để viết một cuốn sách với số tiền ứng trước 40 ngàn đô. Đầu dây bên kia ngừng lại không nói gì một thời gian khá lâu. "Con nghĩ lại cho kỹ về việc đó nhé," cha tôi nói.
"Tại sao?"
"Ở lại Salomon Brothers 10 năm, dành dụm tiền nong, sau đó thì hẵng viết sách," ông nói.
Tôi không cần nghĩ lại nữa. Tôi biết niềm đam mê từ trí tuệ cảm giác như thế nào- vì tôi đã biết nó như thế nào ở đây, tại Princeton- và tôi muốn tìm lại cảm giác đó. Lúc đó tôi 26 tuổi. Nếu tôi mà đợi đến năm 36, tôi sẽ không bao giờ muốn làm việc này. Tôi hẳn sẽ quên cảm giác đó.
Cuốn sách tôi viết mang tên "Liar's Poker" ("Poker của kẻ nói láo"). Cuốn sách bán ra được một triệu bản. Tôi lúc đó 28 tuổi. Tôi có sự nghiệp, chút danh vọng, một khoản tài sản nho nhỏ và một câu chuyện về cuộc sống mới.
Tự dưng mọi người nói với tôi rằng tôi sinh ra là để viết sách. Việc này thật vô cùng đột ngột. Ngay cả khi tôi có thể thấy một câu chuyện khác, chân thực hơn, mà may mắn là phông nền chủ đạo.
Cơ hội để được ngồi cạnh phu nhân Salomon Brothers đó là bao nhiêu? Cơ hội để có việc làm ở một công ty Wall Street số một để viết truyện ở tuổi đó là bao nhiêu? Cơ hội để có được vị trí với tầm nhìn tốt nhất với ngành tài chính như thế là bao nhiêu?
Cơ hội để có được cha mẹ, người không từ bỏ con mà chỉ thở dài nói "nếu phải làm thì làm đi" là bao nhiêu? Cơ hội có được cái cảm giác thôi thúc đã nhen nhóm trong tôi từ một GS lịch sử mỹ thuật ở Princeton là bao nhiêu? Và trước tiên, cơ hội được nhận vào Princeton học là bao nhiêu?
"Bóng tiền" và sự định thang giá trị
Trường hợp của tôi minh họa cho việc làm sao người ta luôn lý giải thành công. Mọi người- đặc biệt là những người thành công- không muốn nghe sự thành công được giải thích bằng sự may mắn.
Khi họ già, họ thành công, người ta cảm thấy thành công là lẽ tất nhiên. Họ không muốn thừa nhận vai trò của những biến cố bất ngờ trong đời. Có một lý do cho việc này: Thế giới cũng không muốn thừa nhận sự may mắn.
Tôi viết một cuốn sách về vấn đề này, tựa đề là "Moneyball" ("Bóng tiền"). Nội dung cuốn sách có vẻ như nói về bóng chày nhưng thực chất không phải. Trong thế giới bóng chày chuyên nghiệp, có các câu lạc bộ giàu và các câu lạc bộ nghèo, và họ chi những khoản tiền rất khác nhau cho các cầu thủ của mình.
Khi tôi viết cuốn sách này, đội bóng chày chuyên nghiệp giàu nhất, New York Yankees, chi khoảng 120 triệu đô la cho 25 cầu thủ của mình. Đội nghèo nhất, Oakland A, chi 30 triệu. Nhưng kỳ lạ thay đội Oakland cũng có số trận thắng bằng đội Yankees- và hơn tất cả những đội giàu hơn còn lại.
Việc này đáng ra là không thể. Trên lý thuyết, các đội giàu đã mua các cầu thủ tốt nhất và thắng ở tất cả các trận. Nhưng đội Oakland đã phát hiện ra một điều: Các câu lạc bộ giàu có không thật sự hiểu những cầu thủ tốt nhất là ai. Các cầu thủ bị định giá sai.
Và lý do lớn duy nhất mà họ bị định giá sai là những nhà chuyên môn không chú ý đúng mức tới vai trò của sự may mắn tới sự thành công trong môn bóng chày.
Các cầu thủ được tính công trạng cho những việc họ làm mà phụ thuộc vào phong độ của những người khác: Những cầu thủ giao bóng được thưởng vì thắng trận, các cầu thủ đập bóng được thưởng vì chạy tới căn cứ trước các cầu thủ chạy...
Gác chuyện bóng chày, chuyện thể thao lại. Ở đây bạn có các nhân viên công sở, trả hàng trăm triệu đô la một năm. Họ làm đúng cái việc mà những người cùng nghề với họ đã làm hàng đời.
Trước hàng triệu người, những người đánh giá từng cử động của họ. Họ có thống kê với từng việc họ làm. Vậy mà họ vẫn bị định giá sai- vì thế giới bên ngoài không nhìn thấy sự may mắn của họ.
Điều này đã xảy ra hàng thế kỷ. Ngay trước mắt chúng ta. Và không ai để ý - cho đến khi nó giúp một câu lạc bộ nghèo nàn nhiều đến mức mà mọi người không thể không để ý. Và anh phải hỏi: nếu một cầu thủ chuyên nghiệp được trả hàng triệu đô la mà còn có thể bị định giá sai, thì ai tránh được việc này?
Nếu sự danh giá một cách tuyệt đối của thể thao chúng ta vẫn tin mà còn không thể giúp ta phân biệt được giữa vận may và tài năng, thì còn cái gì có thể làm được việc này?
Câu chuyện "Moneyball" mang các ứng dụng thực tế. Nếu bạn sử dụng số liệu tốt hơn, bạn có thể tìm được những giá trị tốt hơn; luôn tồn tại điểm yếu của thị trường có thể khai thác, vân vân.
Nhưng nó mang một thông điệp rộng hơn và ít thực tiễn hơn: Đừng có bị đánh lừa bởi thành quả của cuộc sống. Thành quả của cuộc sống, tuy là không hoàn toàn ngẫu nhiên, một phần quyết định lớn là do may mắn.
Trên hết, nhận ra là nếu bạn có thành công, thì bạn có cả may mắn nữa- và với may mắn bạn có trách nhiệm. Bạn nợ một khoản, và khoản nợ đó không chỉ của những đấng thần linh mà bạn thời phụng. Bạn nợ sự đen đủi.
Bây giờ tôi sống ở Berkeley, California. Vài năm trước, chỉ cách nhà tôi vài bước, hai nhà nghiên cứu ở phân viện nghiên cứu Tâm lý Cal (California) đã dàn dựng một thí nghiệm. Họ bắt đầu bằng cách tập hợp các sinh viên, làm chuột bạch.
Khi họ già, họ thành công, người ta cảm thấy thành công là lẽ tất nhiên. Họ không muốn thừa nhận vai trò của những biến cố bất ngờ trong đời. Có một lý do cho việc này: Thế giới cũng không muốn thừa nhận sự may mắn.
Sau đó họ chia sinh viên ra làm các nhóm, phân loại theo giới tính. Ba nam, hoặc ba nữ, mỗi nhóm. Sau đó họ cho các nhóm này vào trong một căn phòng, và ngẫu nhiên chọn một trong ba người làm nhóm trưởng.
Sau đó họ giao cho các nhóm này một số vấn đề về đạo đức nan giải: Ví dụ như phải làm gì với gian lận trong học đường, hoặc làm sao chỉnh đốn việc uống rượu trong ký túc xá.
Sau đúng 30 phút họp nhóm các nhà nghiên cứu dừng các nhóm lại. Các nhóm sinh viên được cho vào một phòng có một cái đĩa bánh. Bốn cái bánh. Các nhóm có ba người, nhưng có bốn cái bánh. Mỗi người trong nhóm dĩ nhiên là có một cái bánh, nhưng còn thừa một cái bánh thứ tư ở trên đĩa.
Như thế thì thật là nan giải. Nhưng thực tế là không. Với một sự kiên định hiếm có, người được chọn ngẫu nhiên làm trưởng nhóm sẽ lấy cái bánh thứ tư lên và ăn. Không chỉ ăn, mà thậm chí còn ăn một cách khoái trá: Miệng nhai, mồm há, nước miếng ở hai bên mép. Tàn cuộc, cái còn lại là... vụn bánh ở trên áo của người trưởng nhóm.
Người trưởng nhóm chẳng làm điều gì khác người cả. Họ chẳng có cái khả năng đặc biệt gì. Họ được chọn ngẫu nhiên, 30 phút trước. Cái danh của họ chẳng gì ngoài sự may mắn. Dù thế những người đó vẫn có cảm giác cái bánh phải là phần của họ.
Nghiên cứu này giúp giải thích những khoản hoa hồng và khoản tiền trả cho CEO ở Wall Street, và tôi chắc rằng còn giả thích được cho nhiều hành vi khác của con người. Nhưng nó cũng có liên quan tới những bạn mới tốt nghiệp Đại học Princeton.
Nói chung các bạn đã được bố trí làm người dẫn đầu. Vị trí của các bạn có thể không hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhưng các bạn phải cảm nhận được phần ngẫu nhiên trong đó: Các bạn là một số nhỏ may mắn.
May mắn ở gia đình có điều kiện, may mắn ở đất nước có điều kiện, may mắn là một nơi như Princeton tồn tại để nhận những người may mắn, được giới thiệu với những người may mắn khác, và tăng thêm khả năng càng trở nên may mắn.
May mắn các bạn sống ở một xã hội thịnh vượng nhất thế giới, ở một thời điểm mà không ai trông đợi các bạn phải hy sinh điều các bạn thích làm để làm bất cứ việc gì khác.
Tất cả các bạn đã được cho cái bánh thừa. Tất cả các bạn sẽ còn gặp nhiều cái bánh thừa nữa. Trong lúc các bạn sẽ dễ dàng cho rằng mình xứng đáng được hưởng cái bánh đó. Với tất cả những gì tôi biết, bạn có quyền đó.
Nhưng bạn sẽ hạnh phúc hơn, và thế giới sẽ tốt đẹp hơn, nếu ít nhất bạn làm ra vẻ là bạn không xứng đáng.
Đừng quên: Phục vụ tổ quốc. Phục vụ quốc tế.***
Cảm ơn các bạn. Và chúc may mắn.

----------------
Lưu ý:
* Ở Hoa Kỳ, người ta gọi khóa học theo năm tốt nghiệp chứ không gọi theo năm vào học.
** Prince là tên ngắn gọn của The Princetonian, nội san trường Princeton.
** "In the nation's service. In the service of all nations." Đây là khẩu hiệu chính thức của Đại học Princeton.

Truman State University, Missouri, Hoa Kỳ
Michael Lewis. Trương Huân dịch