Con người tự do là đích đến của giáo dục

(Bản nguyên bài trả lời phóng viên Lê Ngọc Sơn, báo sinh viên Việt Nam. Tòa soạn đã biên tập lại và xuất bản dưới tên: Hãy bồi đắp cho tâm hồn phì nhiêu, số ra ngày 6/8/2012).
Ở Việt Nam, nay người trẻ không chỉ đối diện với khủng hoảng kinh tế, mà còn đối mặt với một cuộc khủng hoảng các giá trị, khủng hoảng niềm tin, văn hoá…  Anh có cùng nhận định không? Và nếu có, thì cảm nhận của anh thế nào?

Đúng là đang có một cuộc khủng hoảng giá trị, không phải chỉ ở những người trẻ, mà ở cả những người già, tức là ở qui mô toàn xã hội. Cảm nhận chủ quan là ai cũng cảm thấy bất an như đang ở trong trạng thái sắp chuyển pha. Nhưng tương lai sẽ ra sao thì lại không đoán định được chính xác. Cho đến nay, vẫn không có nghiên cứu, hoặc dự báo khả tín nào về vấn đề này cả.
Ở bên ngoài, thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Đời sống của người dân trong nước cũng vậy, thay đổi hoàn toàn so với trước.  Nhưng các giá trị cũ vẫn tồn tại bằng cách này hay cách khác, có thể chỉ là thói quen, nhưng nhiều khi lại ép buộc bằng luật pháp. Tuy là cũ, nhưng về mặt hình thức, chúng vẫn được coi là chính danh, là dòng chủ lưu trong đời sống tinh thần của người dân, nên tất yếu xảy ra một sự va chạm giữa những giá trị cũ và giá trị mới đang được hình thành. Sự va chạm này ngày càng mạnh bởi sự gia tốc của của công nghệ, truyền thông, du lịch…
Trong bối cảnh đó, chống chếnh và khủng hoảng niềm tin là điều tất yếu. Nhưng điều này không hẳn đã xấu. Người ta chỉ có thể mất những cái cũ, tức những cái đã có. Với các giá trị tinh thần, thì đó là một sự thải loại lành mạnh và cần thiết. Do đó, sự chống chếnh, mất niềm tin là triệu chứng cho thấy cái cũ đã không còn phù hợp. Xã hội đang co bóp, đang vận động để thải loại những giá trị lạc cũ. Đó là dấu hiệu của một sự chuyển đổi, là tâm thức sẵn sàng chào đón cái mới sắp hình thành. Đó cũng là tâm thức nhìn về phía trước, dù tương lai có thể có nhiều bất trắc. Nhưng như vậy còn hơn là mãi ngoái lại phía sau. Vì nếu cứ ngoái lại không giật lùi cũng giậm chân tại chỗ, không có cơ hội nào để tiến bộ được.
Vì thế, không nên e sợ chuyện mất niềm tin, mà nên sợ chuyện lúc nào cũng coi mình là nhất quả đất, bình chân như vại.
Khủng hoảng với thế hệ anh, và cách mà cá nhân anh vượt qua?

Phần lớn những người thế hệ của tôi, cũng như phần lớn xã hội, vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy của cơm áo gạo tiền. Vì thế, nếu phải tách biệt thành khủng hoảng thế hệ e rằng hơi khiên cưỡng. Đây là cuộc khủng hoảng chung của toàn xã hội. Sẽ rất chủ quan nếu đánh giá cho cả một thế hệ. Thực tế, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về chủ đề này, nên mọi nhận định chỉ là suy diễn  hoặc trải nghiệm cá nhân.
Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải gọi tên một khủng hoảng thế hệ, thì có lẽ đó là việc phần lớn người trẻ đã để mặc đời sống vật chất cuốn đi mà không nhận ra đang có khủng hoảng về các giá trị tinh thần. Nói một cách khó nhọc và tù mù kiểu truyền thống thì đó là cuộc khủng hoảng không có khủng hoảng. Tức là anh bình chân như vại, vô cảm với các giá trị tinh thần.
Còn tôi có gặp khủng hoảng không, và vượt qua bằng cách nào ư? Tôi chuyển đổi môi trường sống khá nhiều, từ nông thôn ra thành phố, rồi lại ra nước ngoài nữa. Dĩ nhiên là va chạm với nhiều nền văn hóa và nhiều thang giá trị khác nhau. Ban đầu cũng có khủng hoảng giá trị vì quán tính của những thói quen cũ. Nhưng sau đó thì nhìn lại mình, rồi vượt qua dần dần.
Cách tôi vượt qua cũng rất đơn giản. Đó là trả lời các câu hỏi tại sao: Tại sao họ như vậy, còn mình lại như vậy? Tại sao họ phát triển mà mình không phát triển? Tại sao họ làm được mà mình không làm được…
Cũng nhờ việc đó mà tôi nhận thấy rằng, lịch sử phát triển khắp nơi đã hun đúc nên những giá trị phổ quát. Và chừng nào còn lảng tránh những giá trị này, thì chừng ấy còn bị tụt hậu, không thể vươn  lên bằng người được.
Anh đã trải nghiệm nhiều môi trường giáo dục khác nhau, vậy anh có thể cho biết, triết lý giáo dục ở các nơi đó như thế nào? Dưới góc nhìn của anh, ở những nước tiền tiến họ làm gì trong giáo dục?

Họ dạy người trẻ về giá trị của mình như một con người và như một công dân. Như một con người theo nghĩa đó là con người tự do, còn như một công dân là ý thức chịu trách nhiệm với tự do mà mình có. Với họ, con người tự do và trách nhiệm công dân là đích đến của giáo dục.
Theo anh, thái độ nào là hợp lý khi người ta đối diện với khủng hoảng?

Bình tĩnh và cởi mở là cách tốt nhất để đối diện khủng hoảng.
Thực ra, khủng hoảng cũng là cơ hội để nhìn lại mình, tổ chức lại mình. Trogn khủng hoảng, chi phí chuyển đổi là thấp nhất. Nếu biết tận dụng khủng hoảng để đánh giá và tổ chức lại mình thì đó chính là cơ hội vươn lên được tầm cao mới sau đó.
Việc này tuy dễ mà khó, vì nó chỉ có thể làm được khi ý thức được mình có tự do, tức mình vẫn có lựa chọn trong mọi tình huống. Chỉ khi đó người ta mới có thể tự tin vượt qua khủng hoảng, và vượt qua một cách thành công.
Trong thời điểm này, làm thế nào để giúp người trẻ sinh tồn, theo anh?

Những người đọc được câu hỏi này, trên báo giấy hay trên mạng, chắc chắc không có ai khó khăn đến mức chết đói. Do đó, chắc chắn họ vẫn sẽ tồn tại về mặt sinh học, nhưng tinh thần thì chưa chắc. Khi anh không ý thức được mình là một con người tự do, với những quyền bất khả tước đoạt, thì anh đã tự hủy một phần lớn đời sống của mình. Cũng như vậy, khi anh không ý thức được mình là một công dân, thì anh cũng đã tự loại mình ra khỏi xã hội.
Không ai có thể giúp được người trẻ sinh tồn ngoài chính người trẻ. Nếu người ta không tự ý thức được mình là một người tự do và một công dân trách nhiệm, thì đến thần thánh cũng không giúp được. Đời sống của họ có thể phì nhiêu về mặt sinh học, nhưng đời sống tinh thần như sa mạc. Mà như thế là đã tự hủy hoại mình rồi.
Vậy theo anh, làm thế nào để bảo tồn phẩm hạnh trong thời buổi khủng hoảng này?

Đầu tiên là phải có đã, rồi mới giữ. Rất may là với phẩm hạnh, Không với Có lại rất gần nhau. Không làm điều xấu, điều ác cũng có nghĩa là có phẩm hạnh. Vậy để giữ phẩm hạnh, đầu tiên phải biết nói “không”.
Nhưng như vậy cũng chưa đủ. Sống là hành động.Vậy ngoài chuyện biết nói không, còn cần hành động nữa. Vấn đề là hành động thế nào?
Chuyện này quả thật cũng không dễ, khi phải xét xem trong muôn vàn hành động trong đời, đâu là hành động quan trọng nhất. Muốn vậy, phải lần tìm xem đâu là hành động ở cấp độ cơ bản nhất.
Để nói dài, nói đủ thì đó là chuyện của triết học. Còn ngắn gọn, thì đó là lựa chọn. Trên thực tế, có thể phân tích hầu hết mọi hoạt động của con người và máy móc thành chuỗi các lựa chọn liên tiếp. Vì thế, có thể coi lựa chọn chính là cấp độ cơ bản nhất của hành động.
Với con người, nếu xét trong mỗi quan hệ giữa hai thế giới bên trong và bên ngoài của mỗi cá nhân, thì lựa chọn nằm ở biên của hai thế giới này. Nhờ lựa chọn mà đời sống bên trong mỗi cá nhân được thể hiện ra bên ngoài. Lựa chọn vì thế là cầu nối và bản lề của hai thế giới.
Do đó, để bảo toàn được phẩm giá, cần bắt đầu bằng lựa chọn đúng. Cụ thể hơn là cần lựa chọn một bộ giá trị đúng để định chuẩn cho đời sống của mình. An toàn nhất, theo nghĩa khả năng phạm sai lầm thấp nhất, là dùng những bộ giá trị phổ quát đã được kiểm chứng sâu rộng theo cả hai chiều thời gian và địa lý làm chuẩn mực cho đời sống của mình.
Đọc Rừng Nauy của nhà văn Haruki Murakami, ta thấy một cảnh bức bí của một thế hệ người Nhật những năm 1960s. Anh có cảm nhận gì từ cái bức bí trong “Rừng Nauy” đến bức bí ở phố thị Việt Nam ngày nay?

Nhật Bản những năm 1960s trải qua những biến động rất lớn về xã hội. Phần vì hậu quả nặng nề của cuộc chiến, phần vì sự thay đổi chóng mặt của công cuộc tái thiết và phát triển sau chiến tranh. Việc nhìn lại mình sau cuộc chiến, sau những được mất đau thương cũng làm cho người ta dằn vặt trăn trở, nhiều khi có cảm giác ngộp thở không lối thoát.
Trong bối cảnh đó, thang giá trị của xã hội tất nhiên chưa định hình rõ ràng, mà đen xen nhau giữa các vùng tối sáng. Định hình được một bản sắc cho cá nhân và rộng hơn là cho cả xã hội, là rất khó khăn. Đó là nguyên nhân của những hoang hoải, bí bách của thế hệ người Nhật những năm 1960s.
Đời sống phố thị ở Việt Nam hiện nay cũng có một số nét tương đồng, nhưng ở cấp độ vừa thấp lại vừa cao hơn. Thấp hơn là bởi vì sự kiến tạo không diễn ra cấp tập như xã hội Nhật những năm 1960s. Nhưng cao hơn là vì những năm 1960s thì phương tiện truyền thông chính là ti vi, còn ngày nay là mạng máy tính toàn cầu, nên thông tin đến với người trẻ một cách ồ ạt.  Với thông tin đang có cuộc khủng hoảng thừa. Thừa thông tin và không biết làm gì với nó.
Nhưng điểm chung của thế hệ người Nhật những năm 1960s và người trẻ phố thị Việt Nam hiện nay là các thang giá trị cũ và mới còn chưa phân định rõ ràng. Cái mới còn chưa được định hình, trong khi cái cũ vẫn ngự trị dù lạc hậu. Điều này tất yếu dẫn đến cảm giác bất an, chới với, cô đơn.
Cộng hưởng với nó là những biến động cấp tập của đời sống xã hội, sự ích kỷ ngày càng lớn của cá nhân, cũng như sự giả dối ngày càng lan tràn như dịch bệnh, dường như đã làm các thế hệ trẻ không còn tin vào những “câu chuyện lớn” – những lý tưởng cao xa – mà tìm ý nghĩa trong những “câu chuyện nhỏ” – những mảnh vụn của đời sống thường ngày. Điều này tạo ra một cảm giác quẩn quanh bí bách, một sự mờ lòa ý nghĩa đời sống, nhiều khi đến mức nhạt thếch, trống rỗng.
Nhưng như đã nói ở trên, đó cũng không hẳn là điều xấu. Đó là dấu hiệu của một sự thay đổi sắp diễn ra. Chừng nào con người ta còn dằn vặt, trăn trở, còn hoang mang, mất phương hướng, còn cảm thấy đời sống bí bách vô nghĩa thì chừng đó còn có hy vọng. Chỉ sợ người ta không còn gì ngoài sự vô cảm ù lì. Khi đó mới thực sự đáng sợ.
Theo anh, giáo dục VN có vai trò gì trong việc giúp người trẻ định vị mình trước sóng gió khủng hoảng?

Rất tiếc là không có vai trò gì cả, vì bản thân giáo dục cũng đang gặp khủng hoảng mà không thể tự thoát ra được. Khủng hoảng trong giáo dục đã trở thành đề tài nóng suốt mấy chục năm qua. Nhiều nhà giáo dục uy tín đã nhiều lần lên tiếng đề nghị chấn hưng giáo dục, nhưng kết quả vẫn không được khả quan cho lắm. Như vậy, bản thân ngành giáo dục còn không cứu được mình ra khỏi khủng hoảng thì nói chi đến chuyện cứu người trẻ. Ở thời điểm này, nếu giáo dục không tạo thêm khủng hoảng cho người trẻ thì cũng đã là tốt lắm rồi.
Vậy nên, trong lúc chờ đợi giáo dục thay đổi, sẽ tốt hơn nếu mỗi người trẻ tự cứu mình. Nếu có thể, hãy coi khủng hoảng như một cơ hội để nhìn lại mình, loại bỏ cái cũ và định hình cái mới nếu cần thiết.
Khủng hoảng không đáng sợ nếu biết cách đối diện. Còn tự đánh lừa rằng mọi chuyện vẫn tốt, không hề có khủng hoảng thị lại nguy hiểm hơn nhiều.
 T/S Giáp Văn Dương
Nguồn: Gocnhinalan

Lãnh đạo kiểu judo và karate

Những điểm yếu của bạn hoàn toàn có thể được khai thác để mang lại lợi ích cho người khác và cho tổ chức mà bạn đang dẫn dắt. Để làm được điều này, bạn hãy xem sự khác biệt giữa judo và karate.

Cả hai đều là các môn võ thuật của Nhật Bản, và chúng đều rất đẹp mắt, nhưng giữa chúng vẫn có sự khác biệt. Judo nhấn mạnh đến việc khai thác sức mạnh của đối thủ, biến thành sức mạnh của bạn. Karate là phương thức tấn công khi chiến binh không còn binh khí gì trong tay trên chiến trường. Karate dựa vào chính sức mạnh của bạn để loại bỏ đối thủ.

Karate dựa vào nguyên lý tấn công về phía trước, judo lại dựa vào sức mạnh của đối thủ của bạn khi bạn lùi về đằng sau. Những nhà lãnh đạo kiểu karate sẽ đấm thẳng vào khó khăn. Những lãnh đạo kiểu judo sẽ để cho khó khăn đến với họ.

Mọi lãnh đạo đều cần phải biết lúc nào cần lãnh đạo với sức mạnh, và lúc nào cần sử dụng điểm yếu để đạt được lợi ích lớn nhất. Không phải tất cả vấn đề đều có thể được giải quyết chỉ với một phương thức này hay phương thức khác. Là một nhà lãnh đạo, bạn cần phải xác định xem mỗi phương thức sẽ thích ứng với nhu cầu và tính cách của bạn như thế nào.



Hợp tác

Hợp tác là rất quan trọng đối với bất kì một tổ chức nào. Tại một nơi có tinh thần hợp tác, khi một nhà có chuyện, các nhà hàng xóm sẽ ngay lập tức đến giúp đỡ. Các nhà lãnh đạo cần phải làm cho nhân viên của mình biết hợp tác, và điều này có thể đạt được thông qua nhiều cách.

Hợp tác kiểu karate: Nếu bạn có năng khiếu hợp tác với người khác và đó là một trong những điểm mạnh nhất của bạn, bạn sẽ có thể có kỹ năng bán hàng tốt. Bạn tự tin và không ngần ngại yêu cầu người khác giúp đỡ bạn. Bạn suy nghĩ ngắn gọn, là một nhà ngoại giao bẩm sinh, người có thể nói về tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức theo cách trực tiếp nhất. Bạn cho người nghe cảm giác dễ chịu khi nói chuyện với họ, và bạn tự tin khi có được cảm giác sẽ chiếm được lòng tin của mọi người.

Bạn là người đầu tiên ghi lại các mục tiêu của tổ chức lên giấy, người đầu tiên tổ chức một cuộc tranh luận, và là người đầu tiên đứng lên nhận trách nhiệm. Nếu bạn là một chiến binh trong Thế chiến thứ nhất, có thể bạn sẽ là người đầu tiên xông ra khỏi chiến hào, lao về phía trước và hô xung phong.

Hợp tác kiểu judo: Bạn là người xây dựng sự đồng thuận một cách thầm lặng. Bạn hỏi ý kiến của người khác và giữ im lặng về ý kiến của mình. Bạn thu thập thông tin và trí tuệ và sắp xếp chúng lại với nhau một cách cẩn thận. Chỉ khi đó bạn mới nói lên ý kiến của mình, dựa nhiều vào các sự kiện hơn là một sức hút hướng về tầm nhìn.

Mọi người tin tưởng bạn vì họ biết rằng bạn sẽ không dẫn họ đi vào một bẫy mìn, và bạn sẽ tiến về phía trước một cách thận trọng, đảm bảo rằng đoạn đường sẽ không có gì nguy hiểm phía trước. Trong hoàn cảnh này, bạn giống như một trung đội trưởng cùng đơn vị của mình ở trong rừng, một tay cầm bản đồ, một tay cầm radio, mắt luôn hướng về những bụi rậm nguy hiểm phía trước.

Khi có một mạch nước ngầm từ dưới đất bất ngờ phun lên, bạn đã có sự chuẩn bị. Những người của bạn đã được triển khai để đương đầu với gần như bất kì sự đe dọa nào, vì bạn đã dành rất nhiều thời gian dạy họ cách phản ứng và chuẩn bị tư tưởng cho họ biết rằng không có gì là bất ngờ, chỉ có những điều không được nghĩ đến mà thôi.

Lắng nghe

Nếu bạn không coi lắng nghe là một kỹ năng quan trọng, bạn sẽ không bao giờ trở thành một nhà lãnh đạo. Hãy nhớ: lắng nghe cung cấp những cảnh báo về vấn đề ở mọi cấp độ, và giúp nhà lãnh đạo hành động hiệu quả hơn trong việc xác định khả năng của các mục tiêu và nhiệm vụ. Nhưng bạn lắng nghe như thế nào cũng quan trọng như việc bạn nghe được điều gì.

Lắng nghe kiểu karate: Những người nghe kiểu karate sẽ nói: "Nói cho tôi biết. Tôi muốn biết" và họ chủ động kiếm tìm thông tin trước khi thông tin tìm đến họ. Những người dạng này sẽ tạo ra những người trong tổ chức đảm bảo rằng họ sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, họ cũng đi ra ngoài và tìm kiếm thêm thông tin để bảo đảm rằng họ có được đầy đủ thông tin, kể cả những việc đã bị một "bộ lọc" ngăn lại vì cho rằng nhà lãnh đạo của họ không muốn nghe.

Lắng nghe kiểu judo

Những nhà lãnh đạo lắng nghe kiểu judo sẽ đi xung quanh, thu nhận những lá thư, email mà các thành viên trong tổ chức trao đổi với nhau để đánh giá tình hình và nhân viên trong tổ chức. Nếu bạn không phải là một người lắng nghe giỏi, bạn cần phải xây dựng một tổ chức cung cấp thông tin cho mình.

Làm thế nào? Hãy bắt đầu bằng việc xây dựng những "trạm" thông tin trong tổ chức của bạn, đặc biệt tại các điểm khi tổ chức của bạn phải giao tiếp với bên ngòai. Nếu bạn đang điều hành một doanh nghiệp, bạn phải có các trạm tại từng điểm liên hệ khách hàng.

Sau khi mọi trạm thông tin đều đã hoạt động tốt, hãy lôi cuốn mọi thành viên trong công ty tham gia. Thường thì sẽ có người không nói với bạn, nhà lãnh đạo, rằng đang có chuyện rắc rối, nhưng anh ta sẽ nói với đồng nghiệp của mình. Người đồng nghiệp đó phải được khuyến khích để nói lại thông tin cho bạn vì nhiệm vụ chung và mục tiêu chung của cả công ty.

Đặt người khác lên trên bản thân

Những nhà lãnh đạo hiệu quả luôn đòi hỏi bản thân sự vị tha, đặt nhu cầu của tổ chức lên trên nhu cầu của bản thân. Những lãnh đạo tập trung vào đặc quyền đặc lợi thường không tồn tại được lâu dài, trong khi những lãnh đạo nhìn thấy nhu cầu của tổ chức sẽ trải qua được cả trong cơn hoạn nạn.

Vị tha kiểu karate: Những lãnh đạo kiểu karate sẽ là người chủ của bữa tiệc, người sẽ bưng khay đồ ăn tới mời từng vị khách mới. Ông ta sẽ chủ động giới thiệu những người lạ với nhau, vì nếu họ đã đến dự tiệc của ông thì họ sẽ đều là bạn của nhau.

Vị tha kiểu judo: Những nhà lãnh đạo kiểu judo sẽ hỏi: "Tôi có giúp gì được không? Tôi có thể làm gì để bạn thấy dễ chịu hơn?" Điều đó có nghĩa là nếu đội của bạn làm việc qua đêm, bạn sẽ rời khỏi văn phòng lúc ba giờ sáng để mang về những chiếc bánh pizza. Bạn là "chất keo" gắn kết mọi người lại với nhau.

Do vậy, hãy nhớ rằng, không phải ai cũng có những kỹ năng lãnh đạo giống nhau hay thậm chí là những kỹ năng cơ bản phải có trong cùng một hoàn cảnh. Nhưng sự khác biệt đó không quan trọng. Nếu bạn đã được lựa chọn để dẫn đầu, bạn phải xác định được làm thế nào vượt qua được các điểm yếu trong các công cụ lãnh đạo của bạn và chuyển chúng thành điểm mạnh.

Cuộc sống

"Cuộc sống chính là điều may mắn - hãy đón nhận.
Cuộc sống chính là niềm hạnh phúc - hãy tận hưởng.
Cuộc sống là một bản nhạc - hãy ca vang.

Cuộc sống còn có nghĩa là bổn phận - hãy hoàn thành nó.
Cuộc sống còn có nghĩa là một lời hứa - hãy gắng giữ lời.
Cuộc sống còn có nghĩa là một sự cố gắng không ngừng nghỉ - hãy chấp nhận nỗ lực.
Cuộc sống còn có nghĩa là một sự mạo hiểm - hãy can đảm lên.

Nếu cuộc sống là một cuộc chạy đua - hãy cố gắng hết mình.
Nếu cuộc sống là một trò chơi - đừng ngần ngại hãy cứ tham gia.
Nếu cuộc sống là một nỗi buồn phiền - hãy thử cố vượt qua.
Nếu cuộc sống là một tấm bi kịch- hãy đồng ý đương đầu.

Nhưng cuộc sống còn là thời cơ - hãy tìm cách nhận ra và thu lợi từ nó.
Cuộc sống còn là một giấc mơ - hãy biến giấc mơ thành hiện thực.
Và cuộc sống này quá đỗi kỳ diệu đừng nên phá huỷ nó.

Bởi cuộc sống đơn giản chỉ là cuộc sống - hãy biết đấu tranh để tồn tại." 
Mẹ Teresa

Viết cho văn, cho mình!

Lâu lâu lắm rồi tính từ cái thuở mà mỗi ngày một bài trên blog 360. Nhiều khi đọc lại chẳng biết từ đâu mà cảm xúc dạt dào đến thế. Qua cái thời "ướt át" ấy là một khoảng dài thời gian nhiều khi nặn mãi chẳng ra một chữ nào hoặc có ra cũng rất gượng gạo dù cảm xúc vẫn đầy ắp đó. Thế rồi, tự nhiên dạo gần đây lại thấy buồn tay, lại muốn viết lách nữa rồi. Là do đang "ẩm ương" trở lại hay do cái nghề chưa biết là tay trái hay tay phải này thôi thúc cầm lại cây viết để mà khi ve vuốt, khi sắc bén, khi yểu điệu, khi lì lượm, khi yêu thương, khi thản nhiên? ^^

Nhớ hồi xưa, cô giáo dạy Văn cấp 3 viết lưu bút cho mình đã gọi mình thế này: "Diệu Huyền - cô học trò yêu Văn mà đã không đến với Văn". Suốt mấy năm đi học mình yêu Văn lắm. Mình đã viết văn không phải chỉ để viết mà để nêu chính kiến, cảm xúc của chính mình về nội dung, nghệ thuật của tác giả, tác phẩm. Có lẽ đúng với câu "Văn là người" như các cô vẫn dạy - tính cách mình ra sao thì sẽ biểu thi qua câu chữ như thế. Văn như một người bạn đồng hành với mình từ đó cho đến nay: từ những bài văn bập bè tả hoa, tả vật, đến bức thư tình đầu tiên, đến bài thơ mỗi đầu năm mới, đến những entry mà một thời mình xem như nhật ký, đến cả công việc đầu tiên khi mình đi làm chính thức. Ấy vậy mà mình đã chưa một lần chính thức đến với người bạn này: đã chọn không thi học sinh giỏi Văn để đi thi Hóa, đã chọn không trở thành một nhà báo hoặc cô giáo dạy Văn mà đi học Quản trị kinh doanh. Nhưng dù thế, Văn vẫn chưa một lần phụ mình. Văn cho mình những người bạn tâm giao (dù có người đến giờ vẫn chưa bao giờ gặp mặt) qua blog, Văn cho mình sự ghi nhận của Sếp, của khách hàng, Văn cho mình một nghề kiếm cơm tay trái những khi trái gió trở trời, Văn cho mình cả cõi lòng nhẹ thênh mỗi lần trút được bầu tâm sự qua ngòi bút. Tình yêu của Văn với mình, vẫn thế - chờ đợi, vẹn nguyên. Tình yêu của mình với Văn, vẫn không thay đổi nhưng đôi lần vô tâm hoặc giả chưa một lần hò hẹn chính thức.

Cảm xúc cũng như khẩu vị, lúc nhạt, lúc vừa, lúc lại đậm đà. Giọng văn cũng theo cảm xúc mà khi hời hợt, khi bỏ ngõ, khi lại lắng sâu. Những người bạn bằng hoặc lớn tuổi hơn thì đôi lần vẫn ghé thăm để tạm vứt cái lo toan bộn bề mà đồng điệu chút cảm xúc. Những người đang quý, đang yêu thì lục lại cả kho nhật ký để đọc một mạch mà hiểu về con nhỏ mình đang muốn kết thân. Những người bạn trẻ hơn thì thi thoảng đọc lướt qua để hoặc like ủng hộ, hoặc comment động viên, hoặc sẽ như cô em gái mình thường nói "viết gì đọc khó hiểu ghê". Ờ thì văn mình cũng như người - hình như hơi khó hiểu, khó tính, đôi khi lại hơi ích kỷ - ai chơi đủ lâu, đủ thân sẽ hiểu; ai mới biết thì hơi e dè; ai không biết thường đặt dấu chấm hỏi. Và người cũng như văn - đôi khi lãnh cảm với đấu đá, bon chen; đôi khi lãng mạn thiết tha; đôi khi lại thực tế, rất đời. Hiểu văn, hiểu người, âu cũng vì thế mà nếu chỉ dùng tư duy logic, cái nhìn khoa học thôi sẽ chưa đủ mà phải vận hết cảm tính, con tim để thấu, để hiểu, để yêu.

Gặp được con người thú vị - muốn viết. Nghe một câu chuyện, một bản nhạc xúc động - muốn viết. Thấy một cảnh đời, một kiếp người - muốn viết. Xem một bộ phim thấm thía - muốn viết. Đọc một câu tâm đắc, một dòng văn hay - muốn viết. Yêu, giận, buồn, vui, gặp gỡ, chia li - muốn viết. Viết cho người, cho mình - muốn viết. Hôm qua muốn, hôm nay muốn nhưng khác hơn hôm qua - bắt đầu viết. Sau những lần lỡ hẹn, lại thả mình vẫy vùng - tự nhiên, bản năng, thoải mái - với Văn, người tri kỷ ^^

p/s: đáng lý rằng, dự tính viết một câu chuyện khác, nhưng không hiểu sao dòng đưa dòng, chữ đưa chữ lại viết thành bài note này - dù hình như cũng hơi không hợp lắm với tâm trạng trưa Chủ nhật chang chang nắng. :-)

"Em xin được giữ ước mơ của mình"


Có một cậu bé sống cùng với cha của mình, một người làm nghề huấn luyện ngựa. Do công việc, người cha phải sống như một kẻ du mục. Ông đi từ trang trại này đến trang trại khác để huấn luyện các chú ngựa chưa được thuần hóa. Kết quả là việc học hành của cậu bé không được ổn định lắm. Một hôm, thầy giáo bảo cậu bé về viết một bài luận văn với đề tài "Lớn lên em muốn làm nghề gì?".

Đêm đó, cậu bé đã viết bảy trang giấy mô tả khát vọng ngày nào đó sẽ làm chủ một trang trại nuôi ngựa. Em diễn đạt ước mơ của mình thật chi tiết. Thậm chí em còn vẽ cả sơ đồ trại nuôi ngựa tương lai với diện tích khoảng 200 mẫu, trong đó em chỉ rõ chỗ nào xây nhà, chỗ nào đặt làm đường chạy cho ngựa.

Viết xong, cậu bé đem bài nộp thầy giáo.

Vài ngày sau, cậu bé nhận lại bài làm của mình với một điểm 1 to tướng và một dòng bút phê đỏ chói của thầy "Đến gặp tôi sau giờ học".

Thế là cuối giờ cậu bé đến gặp thầy và hỏi:

- Thưa thầy, tại sao em lại bị điểm 1?

- Em đã hoạch định một việc mà em không thể làm được. Ước mơ của em không có cơ sở thực tế. Em không có tiền thân lại xuất thân từ một gia đình không có chỗ ở ổn định. Nói chung, em không được một nguồn lực khả dĩ nào để thực hiện những dự tính của mình. Em có biết để làm chủ một trại nuôi ngựa thì cần phải có rất nhiều tiền không? Bây giờ tôi cho em về làm lại bài văn. Nếu em sửa chữa cho nó thực tế hơn thì tôi sẽ cứu xét đến điểm số của em. Rõ chưa?

Hôm đó, cậu bé về nhà và nghĩ ngợi mãi. Cuối cùng cậu gặp cha để hỏi ý kiến.

- Con yêu, chính con phải quyết định vì ba nghĩ đây là ước mơ của con.

Nghe cha đáp, cậu bé liền nhoẻn miệng cười và sau đó đến gặp thầy giáo của mình:

- Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của thầy, còn em xin được giữ ước mơ của mình.

Nhiều năm trôi qua, vị thầy giáo đó đã tình cờ dẫn 30 học trò của mình đến một trang trại rộng 200 mẫu để cắm trại. Thật tình cờ, hai thầy trò đã gặp nhau. Cầm tay, thầy nói:

- Này, khi anh còn học với tôi, tôi đã đánh cắp ước mơ của anh, và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm thế với bao đứa trẻ khác, tôi rất ân hận về điều đó.

Nghe thầy nói thế, cậu bé nay đã là ông chủ vội đáp:

- Không, thưa thầy, thầy không có lỗi gì cả, chẳng qua thầy chỉ muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với học trò của mình mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình.


Sưu tầm

Những bài học kinh doanh từ lời răn dạy của Đức Đạt-lại Lạt-ma

Vị “Đạo sư với trí huệ như biển cả” quan niệm: Để đi đến đích cuối cùng, đôi khi sự liều lĩnh dựa trên niềm đam mê và tình yêu với công việc là vô cùng cần thiết.


Những lời dạy của Đức Đạt-lại Lạt-ma Đăng-châu Gia-mục-thố, vị lãnh tụ tinh thần của Phậtgiáo Tây Tạng sẽ giúp các doanh nhân rút ra những bài học bổ ích, thực tế và sâu sắc để điều hành doanh nghiệp, tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn vì cộng đồng.

Đam mê kinh doanh và quyết tâm thực hiện mục đích đến cùng

Vị “Đạo sư với trí huệ như biển cả” quan niệm: Để đi đến đích cuối cùng, đôi khi sự liều lĩnh dựa trên niềm đam mê và tình yêu với công việc là vô cùng cần thiết. Chính niềm đam mê sẽ giúp bạn vượt qua tất cả khó khăn và trở ngại, bởi nhờ sự say mê vào công việc kinh doanh, mỗi người sẽ có tầm nhìn bao quát hơn về tương lai phía trước.

Vinh quang là khi biết hy sinh vì người khác
Thành công của một người có thể được đánh giá qua những gì họ phải từ bỏ để có được điều hằng mong muốn. Với một doanh nghiệp, sự tăng trưởng về lâu về dài còn quan trọng hơn cách “đi tắt đón đầu”; từ bỏ một vài mục tiêu chưa hẳn đã đem lại bất lợi mà có thể tạo ra những kết quả khả quan bất ngờ. Khi đã bước vào giai đoạn ăn nên làm ra, điều đáng giá nhất với doanh nghiệp chính là thời gian bỏ ra để gây dựng và phát triển. Thậm chí qua thời gian, giá trị những cổ phiếu hay tài sản dễ biến đổi về giá nhất cũng tăng lên.

Một bài học quan trọng mà những người làm kinh doanh phải khắc cốt ghi tâm, đó là mối quan hệ tốt đẹp nhất chỉ có được khi những giá trị căn bản đằng sau nó lớn hơn nhu cầu nhỏ bé của mỗi cá nhân. Do đó, biết hy sinh vì lợi ích chung không phải là thiệt thòi, mà chính là vinh quang vậy.

Rút ra bài học từ thất bại

Thích nghi, phát triển, trụ vững, mở rộng quy mô và không lặp lại sai lầm là cách một doanh nghiệp đi lên từ con số 0. Với những người hay lặp đi lặp lại những sai lầm cũng vậy, muốn trưởng thành, họ phải rút ra bài học từ chính lỗi lầm và tìm các sửa sai ngay lập tức. Nhiều khi, không đạt được đích đến mong muốn lại là sự mở đầu của một cơ may hiếm có. Vì vậy, mỗi người hãy biết trân trọng những trải nghiệm để rút ra bài học và bước tiếp trên con đường phía trước.

Không ngừng học hỏi kinh nghiệm

Lời khuyên này áp dụng cho tất cả các phương diện của một doanh nghiệp từ khi xây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng đến khi phát triển thịnh vượng và có thể chuyển hướng sang một lĩnh vực nào đó khác. Học hỏi từ những người có cùng chí hướng và tầm nhìn về doanh nghiệp với bạn là điều rất nên làm.

Tránh để bất đồng nhỏ nhặt ảnh hưởng đến các mối quan hệ

Ảo tưởng về bản thân cũng như việc tin tưởng mù quáng vào sự trường tồn của doanh nghiệp thường lợi bất cập hại. Hãy nhớ rằng không gì trên đời này đáng giá hơn những người bạn, đồng nghiệp, khách hàng thân thiết. Không khí trìu mến, tràn đầy yêu thương nơi gia đình chính là điểm tựa cho sự nghiệp của bạn. Chính vì thế, hãy biết trân trọng những người bạn yêu quý, nếu bất đồng xảy ra giữa đôi bên, hãy tìm cách giải quyết vấn đề hiện tại thay vì đay nghiến chuyện quá khứ.

Hòa nhập nhưng không hòa tan

Thất bại và thử thách là một cách để nhận ra những giá trị đích thực của bản thân. Sách vở cũng là một nguồn tri thức vô giá nơi bạn tìm ra những lời răn dạy, chỉ giáo của các học giả, những người có khả năng truyền cảm hứng cho bạn về cuộc sống. Hãy sống sao cho sau này nhìn lại, bạn không hề hối tiếc mà cảm thấy thực sự hài lòng. Hãy tạo dựng cuộc sống và doanh nghiệp của bạn từ chân giá trị và đức tin, sao cho công việc và cuộc sống luôn mang ý nghĩa sâu sắc.

Nguyên tắc 3R

Tôn trọng bản thân (Respect yourself): cũng chính là tôn trọng những giá trị và lý tưởng cho bạn cảm hứng.

Tôn trọng mọi người (Respect others): Khổng Tử đã dạy “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Đây là nguyên tắc vàng mà những người làm kinh doanh cần ghi nhớ.

Có trách nhiệm (Be responsible): trong bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp. Một trong những câu châm ngôn nổi tiếng của Đức Đạt-lại Lạt-ma là Nếu bạn có khả năng, hãy giúp đỡ kẻ khác. Nếu không làm được vậy thì ít nhất đừng hại họ.

Im lặng là vàng

Dẫu biết công việc kinh doanh là vô cũng quan trọng, bạn cũng nên dành một góc nhỏ trong nhịp sống bận rộn để đối diện và thành thật với chính bản thân. Mỗi ngày, hãy dành ra 5 phút yên lặng ngồi thiền để đầu óc thanh thản. Nếu có điều kiện, bạn cũng có thể đi du lịch những nơi chưa từng đặt chân tới. Vận may thường tìm đến vào những lúc không ai ngờ nhất và ở những nơi bất ngờ nhất.

Chia sẻ kiến thức

Bản chất của kinh doanh chính là học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm tích lũy được. Đức Đạt-lại Lạt-ma từng nói Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn, nó đến từ chính hành động của bạn. Thiết nghĩ, chia sẻ cũng cũng là một cách mang lại niềm vui trong cuộc sống vậy.

Phong Linh
Theo TTVN/Forbes
Nguồn: Cafef

Có Một Thời Như Thế

Có Một Thời Như Thế 
Xuân Quỳnh

Có một thời vừa mới bước ra
Mùa xuân đã gọi mời trước cửa
Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ
Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi
Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia .

Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn
Trang nhật ký xé trăm lần lại viết
Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau
Có một thời ngay cả nỗi đau
Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi
Mơ ước viễn vông, niềm vui thơ dại

Tuổi xuân mình tưởng mãi vẫn tươi xanh
Và tình yêu không ai khác ngoài anh
Người trai mới vài lần thoáng gặp
Luôn hy vọng để rồi luôn thất vọng

Tôi đã cười đã khóc những không đâu
Một vầng trăng niên thiếu ở trên đầu
Một vạt đất cỏ xanh rờn trước mặt...
Mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc
Nỗi vui buồn cũng khác những ngày xưa

Chi chút thời gian từng phút từng giờ
Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt
Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết
Hôm nay non, mai cỏ sẽ già .

Tôi đã đi mấy chặng đường xa
Vượt mấy núi mấy rừng qua mấy biển
Niềm mơ ước gửi vào trang viết
Nỗi đau buồn dồn xuống đáy tâm tư
Em yêu anh hơn cả thời xưa
(Cái thời tưởng chết vì tình ái)
Em chẳng chết vì anh, em chẳng đổi
Em cộng anh vào với cuộc đời em
Em biết quên những chuyện đáng quên
Em biết nhớ những điều em phải nhớ

Hoa cúc tím trong bài hát cũ
Dẫu vẫn là cung bậc của ngày xưa
Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ
Nhưng đâu phải là điều em luyến tiếc.

(11-1984)

“Để tôi nghĩ cách xem sao…”

Đêm đó đã rất khuya, một đôi vợ chồng cao tuổi tìm đến một khách sạn ở khu du lịch hỏi thuê phòng. Người lễ tân, một thanh niên trẻ nhã nhặn đáp: “Xin lỗi, khách sạn chúng tôi đã kín khách, không còn chỗ nào cả”. Song, khi thấy bộ dạng mệt mỏi và thất vọng của 2 vị khách, người lễ tân lại nói: “Tuy nhiên, để tôi nghĩ cách xem sao…”.

Anh đương nhiên không muốn họ tiếp tục phải đi gõ cửa từng khách sạn mà xem ra cũng đã kín đặc người trong thị trấn, rồi cuối cùng phải ngồi vật vạ đâu đó bên lề đường suốt cả đêm. Vậy nên, anh dẫn hai vị khách ấy đến một gian phòng nhỏ nhưng ngăn nắp và sạch sẽ: “Đây không phải gian phòng tốt, nhưng lúc này tôi chỉ có thể làm được đến vậy”.

Ngày hôm sau, khi hai vị khách đến thanh toán, người lễ tân từ chối: “Không cần, vì đó chỉ là phòng nghỉ của tôi, cho ông bà mượn tạm qua đêm. Chúc ông bà lên đường may mắn”. Hóa ra, cả đêm hôm đó người lễ tân đã không ngủ mà ngồi làm việc trong quầy. Hai vị khách vô cùng cảm động. Khi họ đã đi khỏi, anh tiếp tục bận rộn với công việc của mình và quên hẳn chuyện đó. Không ngờ một ngày kia, anh nhận được một tấm vé máy bay cùng thư mời đến New York làm việc. Hóa ra hai vợ chồng già ấy thuộc hàng tỷ phú, sau khi quay về họ quyết định mua hẳn một khách sạn sang trọng để kinh doanh và mời người lễ tân tốt bụng đến làm quản lý với niềm tin chắc chắn anh sẽ làm rất tốt công việc này.

Đó là câu chuyện truyền kỳ về người giám đốc đầu tiên của chuỗi khách sạn hàng đầu thế giới Hilton. Nó nhắc nhở chúng ta rằng: Nếu biết yêu thương đồng loại, nếu con người đối đãi với nhau bằng chân tình, bất cứ việc gì cũng có thể “nghĩ cách xem sao…”
Internet