"đã sống thì nên sống trọn vẹn cuộc sống của mình..."

Sự cô đơn, tuổi già, sự nghèo khó không hề làm vơi đi niềm lạc quan, nghị lực sống đáng nể từ cụ Cân (tên gọi thân mật của cụ bà 81 tuổi, Đinh Thanh Hạnh).
Nghị lực đến từ cuộc đời nhiều đau khổ 

Đã hơn 25 năm, người dân sống xung quanh bách hóa Thanh Xuân đã quen với hình ảnh một cụ già ngồi ở hành lang bách hóa này để kiếm sống bằng một chiếc cân đo sức khỏe. Cụ vẫn được mọi người trìu mến gọi bằng cái tên là "cụ Cân". Cụ Hạnh lấy làm quý cái tên này lắm vì theo cụ, nó bình dị, dễ nghe. Cụ kể, tên thật của cụ là Đinh Thị Thanh, nhưng cuộc đời cụ nhiều bất hạnh, nỗi đau này qua đi thì nỗi đau khác lại tới, chính vì thế cụ đổi tên mình là Đinh Thanh Hạnh, để mong sao cuộc sống trôi qua hằng ngày bớt nặng nề hơn.

Cụ Hạnh quê ở Thái Bình, cha mẹ, anh em, họ hàng thân thích của cụ đều mất hết vào nạn đói năm 1945, chỉ còn mình cụ sống sót. Cả tuổi thơ cụ là một chuỗi những ngày sống trong đói khổ, rét mướt và cô đơn, một thân một mình mưu sinh, lang thang khắp chốn để sống qua ngày. Ước ao về một ngày có một gia đình nhỏ, có người thân luôn cháy bỏng trong cụ, cụ nói rằng chính đó là động lực sống để cố gắng sống tốt từng ngày, vì cuộc sống cô đơn đã nhiều lúc khiến cụ muốn buông xuôi. Từ khi nhỏ, cụ Hạnh làm thuê đủ nghề từ giữ trẻ, nấu cơm, đỡ đẻ, bán hàng rong… Đôi chân của cụ đã rong ruổi khắp nơi, mọi ngóc ngách của phố phường Hà Nội cụ dường như đã đi qua hết. Hai lần lập gia đình là hai khoảng thời gian hiếm hoi cụ có được bờ vai của người đàn ông để nương tựa. Thế nhưng, cuộc đời dường như quá bất công với cụ, hạnh phúc quá mong manh, cụ sớm phải rời xa những người chồng của mình. Người chồng trước phụ bạc bỏ cụ mà đi thì người chồng thứ hai lại ra đi do một căn bệnh hiểm nghèo để lại một đứa con trai thơ dại. Bất hạnh nối tiếp bất hạnh khi người con duy nhất của cụ bị bệnh qua đời. Trái tim người mẹ tan nát khiến nhiều lúc cụ muốn đi theo con. Thế nhưng, cụ nói rằng cuộc sống là đấu tranh, đã sống thì nên sống trọn vẹn cuộc sống của mình, cụ sẽ sống thay phần cha mẹ cụ, sống cho người chồng và đứa con trai đã mất.

Năm tháng qua đi, khi tuổi đã già, bước chân đã mệt mỏi, không rong ruổi được khắp chốn và không thể tiếp tục làm thuê được nữa, cụ sắm một cái cân sức khỏe rồi ra ngồi ở hành lang bách hóa Thanh Xuân từ năm 1986, đến nay cũng đã được hơn 25 năm. Thời gian đầu, sáng cụ ra hành lang bách hóa ngồi, tối lại trở về căn nhà của mình sống vò võ một mình ở phố Hàng Bột. Cụ quyết định bán căn nhà đó đi để mua một căn nhà khác ở gần bách hóa. Nhưng trớ trêu thay, nhà mua không có giấy tờ đàng hoàng mà chỉ viết sang tay nên ở được hơn một tháng thì bị chủ cũ vu oan cụ chiếm nhà và đòi kiện. Vậy là cụ mất trắng căn nhà, bị đuổi ra ngoài đường. Bắt đầu từ đó, góc hè bách hóa Thanh Xuân trở thành chỗ sinh sống của cụ. Mấy năm gần đây, cụ thuê tạm được một căn phòng nhỏ, ẩm thấp, dưới góc cầu thang với giá 850 ngàn một tháng. Mỗi ngày, không tính tiền ăn cụ tính mình phải kiếm được 30 ngàn để đủ tiền nhà mỗi tháng. Thế nhưng, những ngày nắng hàng cân của cụ còn đông khách, còn ngày mưa, ngày rét, khách qua bách hóa ít hơn, cụ kiếm được ít hơn, lại phải chắt bóp tiền ăn, tiền uống.

Cụ Đinh Thanh Hạnh.

Cụ Hạnh đã ngồi ở hành lang bách hóa Thanh Xuân hơn 25 năm nay.


Chiếc cân mới được cụ vay tiền để mua - nay cụ đã trả được nợ nhờ tích góp tiền trong 3 năm qua

Thương cụ già cả, một mình nhọc nhằn kiếm sống qua ngày, đọc được hoàn cảnh của cụ ở page "Chung tay giúp đỡ cụ Đinh Thanh Hạnh" trên Facebook, một nhóm bạn lặn lội từ Hải Phòng lên Hà Nội thăm cụ, nói: "Bọn mình lên bách hóa Thanh Xuân thăm cụ, cụ vui lắm. Đáng lẽ ở độ tuổi này rồi cụ được con, cháu săn sóc thì phải ngồi ở mặt đường, trước bụi bẩn, tiếng ồn để kiếm sống. Chúng tớ nài nỉ mãi cụ mới chịu nhận chiếc chăn và bộ quần áo chúng tớ gửi tặng. Cụ bảo, cụ già rồi, không ăn mặc nhiều, nói chúng tớ hãy dành tiền để làm những việc có ích hơn. Có biếu quà thì hãy biếu cô hàng nước ngồi cạnh cụ, cô ấy có con nhỏ và vất vả lắm. Cụ cũng hóm hỉnh lắm, cụ thú nhận rằng có tặng áo thì tặng cụ chiếc áo nào sẫm màu thôi, đơn giản thôi chứ tặng áo đẹp quá cụ mặc không quen".

Cụ bảo rằng, ở những năm của thập kỉ 90, cụ không nghĩ rằng mình có thể sống đến những năm 2010 trở về sau vì cuộc đời quá khổ. Nhưng cuộc sống đến từ bàn tay mình, lòng nhẫn nhục của mình và được nhiều người thương đã khiến cho cụ thêm sức mạnh sống đến ngày hôm nay. Đến giờ, cụ không biết Hồ Gươm bây giờ đã đẹp hơn như thế nào, phố Hàng Bột ngày xưa cụ và chồng, con sống đã thay đổi ra sao. Hơn 25 năm nay, cụ chỉ sống ở khu bách hóa Thanh Xuân và mong muốn một ngày được đặt chân đến đó. Từ đó, cụ cũng dạy cho những bạn trẻ đến chơi với cụ bài học về sự tiết kiệm, cụ tiết kiệm để được đi ngắm Hồ Gươm, cụ khuyên các bạn trẻ khác tiết kiệm để có thể làm được nhiều việc bổ ích. Những bài học cuộc sống là những gì mà chúng tớ nhận được sau một buổi nói chuyện với cụ, người ta vẫn nói người cao tuổi là "cây cao bóng cả", quả không sai.
 
Trước đây, cụ nhận phế liệu để có thêm thu nhập, nhưng giờ tuổi đã cao, cụ đành bỏ việc này. (Ảnh: Facebook)

Đến khuya, cụ một mình lụi cụi đẩy chiếc cân về nhà trọ (Ảnh: Facebook)



Tâm nguyện hiến xác cho y học

Dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn rất thích đọc báo, cụ Hạnh xem báo như người bạn tri âm của mình. Mỗi ngày cụ vẫn lắng nghe dự báo thời tiết qua đài, để biết ngày mai nắng mưa như thế nào. Nhiều người bảo ở tuổi của cụ, trời ra sao thì sống như thế đấy, nhưng cụ thì khác, cụ tâm niệm tuổi già có cuộc sống của tuổi già, không phải già rồi mà không quan tâm thời tiết, hay sống tách rời xã hội. Chính vì thế, cụ đọc báo là để mình sống với đời, sống với xã hội, biết chuyện này chuyện nọ, như thế mới không cảm thấy lạc lõng. Khi nghe cụ kể, ai ai cũng cảm phục nghị lực sống của cụ. Cũng nhờ qua đọc báo, cụ mới biết mình có thể hiến xác cho Y học để góp phần hỗ trợ nghiên cứu chuyên môn cho ngành Y, từ đó có thể góp phần chữa bệnh cứu người. Cụ đã viết đơn xin hiến xác cho Đại học Y và Bệnh viện Bạch Mai để có thể sống có ích cho xã hội khi đã mất. Cụ tâm sự: "Mỗi ngày, kiếm thêm được ít tiền, trò chuyện với cô hàng nước, trò chuyện với các cháu qua thăm, ăn thấy được ngon miệng cụ đều trân trọng hết. Sau này, đến ngày cuối cùng của cuộc đời, cụ biết cụ sẽ có ích cho đời, cụ vui lắm".



"Cháu còn gầy lắm, phải gắng ăn uống để có sức mà học." - Đó là lời cụ Hạnh nói với một cậu bạn đến chiếc cân của cụ để đo trong lượng khi cụ đang dở buổi cơm chiều. Trệu trạo nhai bát cơm nguội với một ít dưa đựng trong một chiếc hộp kem bằng nhựa đã ngả màu, cụ móm mém cười khi cậu bạn ấy nói lời cảm ơn cụ. Cậu bạn ấy biếu cụ 100 ngàn đồng vì thương cụ sống một mình, lại ở tuổi đã cao. Cụ không nhận, ôn tồn nói với cậu bạn ấy: "Sinh viên làm gì có nhiều tiền mà cho cụ, cụ cám ơn cháu. Để tiền đó mà ăn học, học cho tốt, ăn cho nhiều, thế bố mẹ cháu vui, cụ cũng vui."

Nếu đã có lúc bạn chán nản vì thiếu thốn, buồn rầu vì cuộc sống của mình không được như mong muốn thì hãy nhìn cuộc sống ra xa hơn, nhìn vào những người như cụ Hạnh - người trải qua nhiều sóng gió cuộc đời vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, dù tuổi đã cao. Gặp bất cứ bạn trẻ nào cụ đều mỉm cười, bắt chuyện và cho chúng ta những lời khuyên bổ ích nhất. Tin chúng tớ đi, nếu bạn một lần thử nói chuyện với cụ thì bạn sẽ thấy, thậm chí cụ sống mãnh liệt hơn rất nhiều người trẻ đấy. 

Địa chỉ cho những ai muốn đến thăm cụ Hạnh: Bách hóa Thanh Xuân, Khu C16, Thanh Xuân Bắc, Quận Thanh Xuân, Hà Nội (Đi qua ngã tư Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến khoảng 30m). Hãy gọi cụ là "cụ Cân" nhé, cụ sẽ thích lắm đó!

Nhungable; Ảnh: L.K - Theo TTVN
Nguồn: Kenh14

Bạn & Giấc mơ của chính mình

Đây là một đoạn trong phim “Pursuit of Happiness” – một bộ phim rất hay về quyết tâm theo đuổi Hạnh phúc của chính mình. Đoạn phim này là cuộc trò chuyện ngắn của hai cha con, trong đó người cha đã gửi gắm  thông điệp giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa cho đứa con nhỏ của mình.
“Này con, đừng để bất kỳ ai bảo con là con không thể làm gì đó. Kể cả bố.
Con có ước mơ thì con phải bảo vệ ước mơ đó.
Bản thân người ta không làm được điều đó nên họ mới bảo là con không thể làm được việc đó.
Nếu con muốn điều gì, hãy nỗ lực để đạt được nó. Chỉ vậy thôi!”


Cháy hết mình với đam mê

Có thứ hạnh phúc mang tên: CHÁY HẾT MÌNH VỚI ĐAM MÊ.


Nguyễn Thị Phương Anh, cô gái thật tuyệt vời! Chúc cô tiếp tục thành công trên con đường sắp tới. Giọng ca của cô sẽ "cứu rỗi" rất nhiều linh hồn đang khát khao một thứ âm nhạc khơi dậy nguồn cảm hứng và năng lượng từ bên trong.

Câu chuyện thìa muối

Một chàng trai trẻ đến xin học một ông giáo già. Anh ta lúc nào cũng bi quan và phàn nàn về mọi khó khăn. Đối với anh, cuộc sống chỉ có những nỗi buồn, vì thế học tập cũng chẳng hứng thú hơn gì .

Một lần, khi chàng trai than phiền về việc mình học mãi mà không tiến bộ, người thầy im lặng lắng nghe, rôì đưa cho anh một thìa muối thật đầy và một cốc nước nhỏ .

- Con cho thìa muối này hòa vào cốc nước, rồi uống thử đi!

Lập tức chàng trai làm theo rồi uống thử, cốc nước mặn chát. Người thầy lại dẫn anh ra một hồ nước gần đó và đổ một thìa muối đầy xuống nước.

-Bây giờ con nếm thử nước ở trong hồ đi!

- Nước trong hồ vẫn vậy thôi, thưa thầy. Nó chẳng hề mặn chút nào - Chàng trai nói khi múc một ít nước dưới hồ và nếm thử .

Người thầy chậm rãi nói :

-Con của ta, ai cũng có lúc gặp khó khăn. Nó giống như thìa muối này thôi, nhưng mỗi người hòa tan nó theo một cách khác nhau. Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước, thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một cốc nước, họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích cho bản thân mình!

(Sưu tầm)

Tư duy lại về trí thông minh

Trí thông minh rất dễ nhận thấy, nhưng không phải ai cũng biết con mình có một tài năng xuất chúng. Trong phần tiếp theo của bài thuyết trình "giáo dục triệt tiêu khả năng sáng tạo", diễn giả Ken Robinson nêu những quan niệm về tương lai của giáo dục, nhìn nhận lại "trí thông minh".


Lạm phát bằng cấp

Bên cạnh quan điểm "môn học nào hữu dụng nhất cho các nhóm công việc hàng đầu", thì quan điểm thứ hai ảnh hưởng đến thự tự ưu tiên các môn học trong nhà trường chính là khả năng học thuật.

Đây là một phạm trù đã ngự trị trong cách nhìn nhận của chúng ta về trí thông minh, bởi các trường đại học đã vạch ra hệ thống này theo ý niệm của họ.



Toàn bộ hệ thống giáo dục công trên thế giới là một quá trình kéo dài để dẫn tới cổng trường đại học. Và hậu quả là rất nhiều người tài năng, thông minh, sáng tạo không được mọi người nhìn nhận và đánh giá đúng. Bởi những khả năng mà họ thể hiện ở trường học lại bị cho là không có giá trị gì, thậm chí còn bị bêu xấu.

Và tôi nghĩ chúng ta không thể cứ tiếp tục như vậy.

Trong 30 năm tới, theo UNESCO, số người tốt nghiệp các trường lớp trên toàn thế giới sẽ lớn nhất trong lịch sử. Bỗng nhiên, bằng cấp sẽ không còn giá trị nữa. Thời tôi còn là sinh viên, nếu bạn có bằng, bạn sẽ có được một công việc. Còn nếu bạn không có, nghĩa là vì bạn không muốn có!

Nhưng bây giờ những bạn trẻ có bằng cấp, thường quay về nhà, tiếp tục chơi điện tử. Bởi vì một công việc mà trước đây chỉ đòi hỏi bằng cử nhân, thì bây giờ lại yêu cầu phải có bằng thạc sĩ. Thậm chí, bây giờ bạn cần có cả bằng tiến sĩ để làm một số công việc khác.

Đó là một quá trình lạm phát học thuật. Và nó chỉ ra toàn bộ cấu trúc của giáo dục đang trượt xuống dưới chân chúng ta. Chúng ta cần suy nghĩ lại một cách căn bản và triệt để về trí thông minh.

Ba điều về trí thông minh

Chúng ta biết ba điều về trí thông minh. Thứ nhất, nó đa dạng. Chúng ta suy nghĩ về thế giới theo mọi cách mà chúng ta trải nghiệm nó. Ta suy nghĩ bằng trực quan, bằng âm thanh, và bằng tất cả những vận động của cơ thể ta. Ta suy nghĩ qua ngôn ngữ trừu tượng và qua cả những biến đổi xung quanh.

Thứ hai, trí thông minh rất năng động. Nếu bạn để ý đến sự tương tác của não bộ thì có thể thấy trí thông minh tương tác một cách diệu kỳ. Bộ não không chia thành các phần tách biệt.

Thật ra, tính sáng tạo, mà tôi định nghĩa như một quá trình sở hữu những ý tưởng nguyên bản có giá trị, thường xảy ra trong quá trình tương tác của những cách thức rèn luyện trí óc khác nhau khi nhìn nhận một vấn đề.


Và điều thứ 3 về trí thông minh, đó là sự khác biệt.



Phát hiện tài năng xuất chúng

Tôi đang viết một cuốn sách dựa trên một loạt phỏng vấn với nhiều người, về việc họ phát hiện ra tài năng của mình ra sao. Tôi bị mê hoặc bởi cách họ khám phá điều đó.

Nó được thôi thúc bởi một lần nói chuyện với một phụ nữ tuyệt vời tên là Gillian Lynne. Cô ấy là nghệ sĩ múa và mọi người đều biết các tác phẩm của cô.

Khi tôi hỏi: "Gillian, cô trở thành nghệ sĩ múa như nào?", cô ấy nói điều đó khá thú vị. Vào những năm 30, khi cô còn học ở nhà trường, cô cảm thấy rất tuyệt vọng. Và nhà trường đã gửi thư cho bố mẹ cô và phàn nàn: Chúng tôi nghĩ Gillian bị rối loạn trong chuyện học hành." Gillian không thể tập trung và luôn bồn chồn, đứng ngồi không yên.

Tôi nghĩ bây giờ người ta sẽ nói cô ấy bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Nhưng đó là năm 1930, và khái niệm ADHD còn chưa ra đời lúc đó. Người ta đã không nhận thức được rằng con người có thể có triệu chứng đó.

Trở lại câu chuyện, cô ấy được mẹ dẫn đi gặp một bác sĩ chuyên khoa. Gillian được dẫn tới ngồi trên một chiếc ghế cuối phòng, và cô ấy nhấp nhổm suốt 20 phút trong khi vị bác sĩ nói chuyện với mẹ cô về mọi vấn đề mà Gillian gặp phải ở trường như luôn làm phiền mọi người, bài tập về nhà luôn nộp muộn… và rất nhiều những rắc rối khác của một đứa bé 8 tuổi.

Cuối cùng, vị bác sĩ tới ngồi cạnh Gillian và nói, "Gillian, ta đã nghe mọi chuyện mà mẹ cháu đã kể, và ta cần nói chuyện riêng với bà ấy." Ông ấy nói tiếp: "Cháu hãy đợi ở đây, chúng ta sẽ quay lại, không lâu đâu" và họ rời khỏi phòng, để cô ấy lại. Nhưng trước khi họ bước ra, ông bác sĩ bật chiếc đài đặt trên bàn của ông ấy.

Khi hai người đã ra khỏi phòng, ông ấy nói với mẹ cô, "Hãy đứng và xem con bé." Và Gillian kể rằng, giây phút họ rời khỏi phòng, cô ấy đứng dậy, bắt đầu di chuyển theo nhạc. Hai người họ đứng theo dõi vài phút, rồi ông bác sĩ quay sang mẹ cô và nói, "Bà Lynne, Gillian không bị bệnh, cô bé là một nghệ sĩ múa." Hãy để cô bé theo học trường múa".

Và mẹ cô đã làm theo lời của bác sỹ. “Tôi không thể diễn tả điều tuyệt vời đó. Chúng tôi bước vào căn phòng có toàn những người như tôi. Những người không thể ngồi yên. Những người phải di chuyển để suy nghĩ”, Gillian chia sẻ.

Cô ấy đã thi vào trường múa balê hoàng gia, rồi trở thành vũ công, với những thành tích tuyệt vời ở ngôi trường danh tiếng này. Sau khi tốt nghiệp, cô còn thành lập công ty riêng của mình hoạt động về lĩnh vực mà cô yêu thích. Cô ấy chịu trách nhiệm sản xuất những vở nhạc kịch thành công nhất trong lịch sử, cô ấy đã đem lại niềm vui cho hàng triệu người và hơn nữa cô còn là một triệu phú. Vậy mà, một ai khác có thể đã bắt cô điều trị bệnh và yêu cầu cô phải học cách điềm tĩnh.

Tôi tin rằng niềm hy vọng duy nhất cho tương lai là tiếp nhận một quan niệm mới về nhân sinh học, mà trong đó chúng ta bắt đầu xây dựng lại nhận thức của chúng ta về khả năng dồi dào của con người.

Hệ thống giáo dục của chúng ta đã định hướng suy nghĩ của chúng ta theo hướng bóc lột Trái Đất để đạt được những tiện nghi đặc biệt. Và trong tương lai, nó sẽ không thể đáp ứng được chúng ta nữa. Chúng ta phải nghĩ lại những nguyên tắc nền tảng mà dựa trên đó chúng ra đang dạy dỗ thế hệ trẻ.

Có một câu nói tuyệt vời của Jonas Salk rằng "Nếu tất cả côn trùng biến mất khỏi trái đất, trong vòng năm mươi năm sự sống trên Trái Đất sẽ chấm dứt.Nếu tất cả loài người biến mất khỏi trái đất, trong vòng năm mươi năm tất cả sự sống sẽ sum xuê." Và ông ấy nói đúng.

Điều mà TED đề cao là khả năng tưởng tượng của con người. Chúng ta giờ đây phải sử dụng khả năng này một cách cẩn trọng, thông thái. Cách duy nhất chúng ta có thể làm điều đó là thấy được sự dồi dào của khả năng sáng tạo của chúng ta, và thấy được niềm hy vọng vào thế hệ trẻ.

Nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục chúng một cách toàn diện, để chúng có thể đối mặt được với tương lại. Mặc dù có thể chúng ta không được chứng kiến tương lai này, nhưng thế hệ trẻ sẽ được. Và trách nhiệm của chung ta là giúp đỡ chúng làm được điều gì có ích cho tương lai đó. 

Cám ơn các bạn rất nhiều!


Sinh Phạm (Lược dịch)
Nguồn: VietNamnet

Tinh hoa giáo dục thế giới bàn chuyện tài năng

- Tất cả trẻ em đều có tài năng, nhưng dường như chính hệ thống giáo dục hiện nay đang triệt tiêu dần khả năng sáng tạo của các em.

Lời tòa soạn: Chuỗi hội thảo công nghệ, giải trí, thiết kế (viết tắt là TED - Technology Entertainment Design) là cuộc hội thảo lưu động, quy tụ rất nhiều tinh hoa của thế giới như: Bill Clinton, Gorden Brown, Bill Gates, Mark Zuckerberg (“ông chủ” Facebook), Larry Page và Sergey (những nhà sáng lập ra Google)... cùng rất nhiều những người đoạt giải Nobel và các chuyên gia, học giả ưu tú trên nhiều lĩnh vực khác. Họ đến đây để trình bày những vấn đề quan trọng, với mong muốn có thể góp phần thay đổi thế giới.

Cách đây sáu năm, một chuyên gia về sáng tạo đến từ Anh, ngài Ken Robinson đã làm thế giới dấy lên nhiều suy nghĩ về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, cách nhìn nhận lại về trí thông minh, sự tu dưỡng khả năng sáng tạo và cách phát hiện tài năng xuất chúng của con người.

Để giúp các bậc cha mẹ tham khảo một quan điểm về giáo dục tài năng của trẻ em, VietNamNet giới thiệu bài thuyết trình nổi tiếng về nhận thức lại giáo dục, sáng tạo và phát hiện tài năng.

Bài thuyết trình thu hút hơn 8 triệu lượt xem và rất nhiều bình luận (comment) cho một chủ đề nghiêm túc. Do dung lượng dài, phần lược dịch được chia thành 2 phần.

Ngài Ken Robinson, cựu chủ tịch ủy ban cố vấn về giáo dục văn hóa và sáng tạo của chính phủ Anh

Tất cả trẻ em đều tài năng 

Cuộc hội thảo này có ba chủ đề chính xuyên suốt. Thứ nhất là bằng chứng đáng kinh ngạc về sức sáng tạo của con người cũng như sự đa dạng và phạm vi của nó. 

Thứ hai là chính điều đó đặt chúng ta vào một vị trí mà chúng ta không có một ý niệm gì về những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai, không tưởng tượng được mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. 

Chúng ta có sự quan tâm lớn đối với giáo dục vì nó ảnh hưởng sâu sắc tới chúng ta, giống như tôn giáo, tiền bạc và những thứ thiết yếu khác vậy. Đó là phương tiện để đưa chúng ta tới một tương lai mà ta chưa thể nắm bắt được. 

Hãy nghĩ mà xem, những đứa trẻ bắt đầu đi học năm nay sẽ nghỉ hưu vào năm 2065. Không ai trong chúng ta biết thế giới sẽ ra sao trong năm năm tới. Vậy mà bằng bất cứ giá nào, chúng ta vẫn phải giáo dục bọn trẻ cho tương lai. 

Và vì thế, chủ đề thứ ba của hội thảo này sẽ là về khả năng sáng tạo đặc biệt của trẻ em. 

Luận điểm của tôi là, tất cả trẻ em đều rất tài năng. Nhưng chúng ta đã phung phí điều đó một cách không thương tiếc. 

Bởi thế, tôi muốn nói đến giáo dục và khả năng sáng tạo. Luận điểm của tôi trong vấn đền này là ngày nay tính sáng tạo trong giáo dục cũng quan trọng như khả năng biết đọc, biết viết vậy. Và chúng ta cần quan tâm tới chúng ở mức độ ngang nhau. 

Mới đây, tôi đã được nghe kể một câu chuyện rất thú vị về một cô bé trong giờ học hội họa. 
Chuyện 1:
Cô bé 6 tuổi và ngồi ở cuối lớp, hí hoáy vẽ. Giáo viên nói rằng cô bé hiếm khi chịu tập trung chú ý, nhưng trong giờ học hôm nay thì lại khác hẳn.

Cô giáo thấy tò mò nên hỏi: Em đang vẽ gì thế?.
 

Cô bé trả lời, "Em đang vẽ Chúa trời ạ."
Cô giáo lại nói "Nhưng không ai biết Chúa trời trông như thế nào cả."
Và cô bé hồn nhiên đáp: "Họ sẽ biết trong một phút nữa thôi ạ".

Chuyện 2:
Khi con trai tôi bốn tuổi, nó có một vai trong vở kịch “Truyền thuyết sự ra đời của Chúa”.
Chúng tôi ngồi phía dưới, và tôi nghĩ chúng bị sai kịch bản, bởi chúng đã tự đổi thứ tự cho nhau.
Đến đoạn khi ba vị vua tiến mang theo vàng, hương trầm và nhựa thơm, cậu bé đầu tiên nói, "Tôi xin dâng tặng ngài vàng." Cậu bé thứ hai nói, "Tôi xin dâng tặng ngài ...(ậm ừ, vì không nhớ lời thoại)". Và cậu bé thứ ba nhanh nhảu: "Frank đã gửi cái này" (khán giả nghe và cười ầm - người dịch chú thích). 

Điểm chung của những câu chuyện này là trẻ con sẽ luôn làm những điều chúng nghĩ. Nếu chúng không biết, chúng vẫn cứ thử làm mà không hề sợ sai. 
Tôi không có ý nói rằng sai đồng nghĩa với sáng tạo. Nhưng điều mà chúng ta biết đó là, nếu bạn không sẵn sàng mắc lỗi, bạn sẽ không bao giờ có thể sáng tạo ra cái gì đó nguyên bản.

Giáo dục "giết"khả năng sáng tạo? 

Đến khi trở thành người lớn, phần lớn lũ trẻ mất đi khả năng đó. Chúng trở nên sợ bị mắc lỗi. Chúng ta đang điều hành các công ty cũng theo kiểu như vậy. Chúng ta kiểm điểm những sai lầm. Và hiện nay, chúng ta đang vận hành các hệ thống giáo dục quốc gia mà ở đó, lỗi lầm là thứ tồi tệ nhất bạn có thể gây ra. 

Kết quả là chúng ta đang giáo dục con người triệt tiêu khả năng sáng tạo của họ. Picasso đã từng nói rằng tất cả mọi đứa trẻ khi sinh ra đều là nghệ sĩ. Nhưng làm thế nào để vẫn là một nghệ sĩ khi ta trưởng thành mới là vấn đề. 

Tôi tin tưởng chắc chắn một điều rằng: Càng lớn lên, chúng ta càng mất dần khả năng sáng tạo. Hoặc là chúng ta được giáo dục để đánh mất nó. Vậy tại sao lại như vậy?

Nếu bạn đã từng đi vòng quanh thế giới thì bạn sẽ thấy ngạc nhiên rằng: Tất cả mọi hệ thống giáo dục trên trái đất đều có chung một thứ tự ưu tiên các môn học. Các môn học đầu bảng sẽ là toán và ngôn ngữ, sau đó là khoa học nhân văn, và cuối cùng là các môn nghệ thuật. 

Và trong phần lớn các hệ thống giáo dục đó, bản thân bộ môn nghệ thuật cũng có thứ tự ưu tiên riêng. Ở các trường phổ thông, mỹ thuật và âm nhạc thường được chú trọng hơn là kịch và khiêu vũ. 

Không có một hệ thống giáo dục nào trên hành tinh này mà dạy trẻ em khiêu vũ mỗi ngày giống như cách dạy mà chúng ta dạy bọn trẻ môn toán học. Tại sao?
Tính sáng tạo trong giáo dục cũng quan trọng như biết đọc, biết viết.

Tôi nghĩ môn toán quan trọng nhưng khiêu vũ cũng vậy. Trẻ em sẽ nhảy múa cả ngày nếu chúng được phép, và tất cả chúng ta đều thế. Tất cả chúng ta đều có thân thể, phải không? Nhưng khi bọn trẻ lớn lên chúng ta bắt đầu giáo dục chúng càng ngày càng tăng dần từ phần thắt lưng trở lên. Sau đó tập trung vào cái đầu và lệch dần về một bên.

Giáo dục đại học sản xuất ra công nhân và giáo sư

Nếu bạn nhìn nhận về giáo dục ở trong vai là một người ngoài hành tinh, và bạn thắc mắc "Giáo dục công" để làm gì?". Nếu bạn nhìn vào đầu ra, ai thực sự sẽ thành công bởi những điều này, ai làm được những thứ mà họ nên làm, ai được khen thưởng, ca ngợi, ai là người chiến thắng - tôi nghĩ bạn sẽ kết luận được rằng, mục đích của hệ thống giáo dục công lập trên toàn thế giới là sản xuất ra những giáo sư đại học. 

Đó là những người đứng đầu. Tôi cũng đã từng là một trong số đó. Và tôi cũng yêu mến các vị giáo sư đại học, nhưng quý vị biết đấy, chúng ta không nên coi họ là đỉnh điểm cao nhất trong mọi thành tựu của loài người. 

Họ chỉ một hình thái khác của cuộc sống. Có một điều kỳ lạ về các giáo sư, theo kinh nghiệm của tôi, không phải tất cả, nhưng rất điển hình, là họ sống trong đầu họ. Họ sống trên đó, và hơi lệch về một bên. Tâm trí họ tách rời khỏi thể xác, có thể hiểu theo nghĩa đen. Họ coi thân thể của mình như một loại phương tiện di chuyển cho cái đầu của họ, phải vậy không? Như là một cách để đầu của họ đến các cuộc họp. 

Hệ thống giáo dục hiện nay dựa trên quan niệm về khả năng học thuật. Và nó có lý do của nó. Toàn bộ hệ thống được thiết lập khắp thế giới, và không hề có một hệ thống giáo dục công nào, trước thế kỷ 19. 

Chúng ra đời, để đáp ứng nhu cầu của công nghiệp hóa.Thế nên thứ tự ưu tiên đó bắt nguồn từ hai quan điểm. Điều thứ nhất, những môn nào hữu dụng nhất cho các nhóm công việc hàng đầu. Vì thế bạn có thể bị lái đi dần dần khỏi những thứ mà bạn thích khi còn bé, bởi vì bạn lo sợ rằng có thể bạn không bao giờ tìm được việc gì liên quan đến nó. 

Đừng theo âm nhạc, bạn sẽ không trở thành nhạc sĩ đâu. Đừng vẽ vời gì cả, bởi rốt cuộc bạn cũng sẽ chẳng là một hoạ sĩ được. Những lời khuyên chân thành ấy đã tạo nên những sai lầm nghiêm trọng. Và kết quả là cả thế giới bị cuốn theo cuộc cách mạng công nghiệp. 

( Còn nữa)
  • Sinh Phạm (lược dịch)
  • Nguồn: VietNamnet