Để viết bài này, tôi suy nghĩ như một sinh viên, chứ không phải như một giáo viên – cái vai trò mà giờ đây tôi không còn đảm nhiệm nữa.
Tôi tự hỏi, nếu tôi là một sinh viên, trong môi trường giáo dục như thế này, tôi phải làm gì ? Cũng may là tôi vừa mới kết thúc đời sinh viên cách đây chưa lâu. Nói là sinh viên thì không hẳn đúng, nghiên cứu sinh dù sao cũng có những điểm khác biệt với sinh viên. Nhưng tôi đã sống một cuộc sống sinh viên trong giai đoạn làm nghiên cứu sinh của mình. Và làm sinh viên ở một môi trường khác, nên có thêm những kinh nghiệm khác, để từ đó mà tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này.
Dưới đây là một vài ý nghĩ tản mạn, không lý luận, không hệ thống và chưa phải đã đi tận cùng mọi phương diện.
Trong một môi trường giáo dục thiếu an toàn như hiện nay, sinh viên sẽ phải học cách tự bảo vệ mình. Nhưng để có thể có khả năng đó, sinh viên phải làm được một số điều. Sau đây là một vài điều trong số đó.
Trước hết là tránh trở thành nô lệ cho điểm và cho giáo viên (về phương diện tinh thần, lối sống, cách thức tư duy hay hành động, dĩ nhiên). Hai chuyện này khác nhau, nhưng, ở những phương diện nào đó, có liên quan đến nhau. Một khi bị nô lệ cho điểm thì sinh viên rất dễ trở thành nô lệ cho giảng viên. Vì muốn điểm cao, và vì biết rằng để được điểm cao thì phải trung thành với quan điểm của giảng viên, trung thành với giới hạn của giảng viên, nên rốt cuộc sinh viên sẽ nhắc lại đúng những gì giảng viên muốn, lựa chọn đúng những gì giảng viên muốn.
Muốn được điểm cao thì phải trung thành với quan điểm của giảng viên, làm những gì giảng viên muốn
Rủi ro là: khi từ chối trở thành nô lệ cho điểm và nô lệ cho thầy, sinh viên sẽ có nguy cơ bị điểm kém, và điều đó sẽ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đôi khi người ta dẫn các trường hợp Bill Gates hay Steve Job để chứng minh rằng có thể thành công mà không cần đến cái bằng và sự đào tạo của trường đại học. Nhưng sinh viên có thể lập luận rằng: những nhân vật như vậy, cả thế giới chỉ có một vài người thôi. Tuy nhiên sinh viên cũng có thể hình dung đến trường hợp: nếu đa số từ chối nô lệ cho điểm và từ chối nô lệ cho giảng viên, nếu đa số chấp nhận điểm thấp, thì lúc đó điểm sẽ không còn là vấn đề nữa, hoặc vấn đề sẽ được đặt ra theo một cách khác, theo một cách có ý nghĩa hơn cho việc đánh giá thực chất nền giáo dục này; rồi biết đâu, điều đó cũng sẽ làm thay đổi quan niệm của các nhà tuyển dụng và các nhà quản lý, sẽ làm thay đổi quan niệm của chính thầy cô của các bạn.
Và một điều mà sinh viên cũng chưa nghĩ đến là giảng viên có thể cho cả lớp điểm thấp trong một học kỳ để đe dọa và trừng phạt các bạn vì không tuân theo quan điểm của họ, hay không đưa phong bì cho họ, nhưng họ sẽ không thể kéo dài biện pháp đó, vì lúc ấy chính cách cho điểm của họ sẽ gây chú ý.
Hơn nữa sinh viên luôn có thể tự bảo vệ mình. Có những quyền mà hiện tại các bạn hầu như chưa dùng đến: quyền công khai hóa và đưa ra công luận những gì bất công và bất hợp pháp. Chúng ta vẫn còn nhiều nhà giáo, nhiều nhà báo và nhiều luật sư tiến bộ. Họ sẽ ủng hộ và hỗ trợ các bạn. Khi các bạn sử dụng đến các quyền đó, có lẽ các bạn sẽ tự thấy thật là kém cỏi vì đã chấp nhận những điều vô lý, chấp nhận cái xấu và cái tồi tệ, trong khi mà mình có đủ khả năng để giải quyết vấn đề.
Nguy cơ mà có thể bạn chưa nhìn thấy, đó là, nếu hôm nay bạn nô lệ cho điểm, thì ngày mai bạn có thể nô lệ cho những thứ có bản chất giống điểm. Bạn có thể có đất đai nhà cửa khắp nơi mà vẫn là nô lệ. Bạn có thể đứng đầu một tổ chức, đứng đầu một xã, một huyện, một tỉnh… mà vẫn cứ là nô lệ như thường, nô lệ cho chính những thứ bạn có. Nếu ngay từ bây giờ bạn đã đánh mất cảm giác xấu hổ, đánh mất lòng tự trọng, đã bình thản đưa phong bì để nhận những con điểm không phải của bạn, đã coi điểm cao hơn và quan trọng hơn nhân phẩm và giá trị của con người bạn, thì sau này rất có thể bạn sẽ đi đến chỗ phá hoại nhà cửa người khác, đẩy người khác vào cảnh bần cùng mà vẫn cảm thấy đó là chiến công đẹp. Chẳng cần đợi đến sau này. Bạn chỉ cần gõ cái từ khủng khiếp này “sinh viên giết người” (cái tội ác mà ta khó hình dung ở tầng lớp sinh viên) thì trên google sẽ hiện ra số lượng kết quả khiến bạn kinh hoàng, và các hình thức và đối tượng của sự phạm tội sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng đau lòng.
Nếu hôm nay bạn nô lệ cho điểm, thì ngày mai bạn có thể nô lệ cho những thứ có bản chất giống điểm
Trước đây, thân phận của người nô lệ được xem là hiển nhiên; trong một thời gian rất dài nhân loại đã chấp nhận rằng có những người sinh ra để làm nô lệ. Vậy mà trong hoàn cảnh đó có những người nô lệ đã không cam chịu. Và có cả những người thuộc về tầng lớp được cho rằng có quyền cai trị người khác cũng không chấp nhận việc có tồn tại những người nô lệ trong xã hội loài người. Để cho xã hội thực sự có tính chất người thì tình trạng nô lệ không được phép tồn tại. Những người đó đã thúc đẩy quá trình dẫn tới sự kết thúc chế độ nô lệ, kết thúc tâm lý bắt người khác phải nô lệ, kết thúc tâm lý làm nô lệ cho người khác, và cuối cùng là kết thúc cái tâm lý làm nô lệ cho chính mình (bạn hãy đọc các tác giả hậu hiện đại thế giới để hiểu rõ hơn điều này). Kết quả của quá trình đó chính là chế độ dân chủ, nơi mà mỗi người đều có sự bình đẳng và tự do thực hiện quyền làm người của mình trên các phương diện: đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tự do tư tưởng, tự do phát ngôn, tự do lập nghiệp, tự do kiến tạo nhân cách riêng của mình… Các quyền làm người đó được đảm bảo bởi một hệ thống luật pháp của con người, được xây dựng và thực thi trên nguyên tắc vì con người.
Ngày nay, bạn sinh ra không là nô lệ, bạn không thể đổ lỗi cho người khác rằng họ muốn biến bạn thành nô lệ. Họ chỉ có thể làm điều đó khi bạn tình nguyện mà thôi.
Làm thế nào để có thể không trở thành nô lệ cho giảng viên?
Trường hợp thứ nhất, bạn may mắn gặp được một người thầy đích thực. Người thầy thực sự sẽ hướng dẫn bạn tự mình tìm lấy con đường đi tới sự thật (sự thật của tác phẩm, của sự kiện, của công thức, của định lý…) chứ không áp đặt cho bạn con đường của họ. Và khi bạn đề xuất một con đường riêng, người thầy thực sự sẽ chỉ cho bạn rằng con đường đó rất có thể dẫn bạn tới ngõ cụt, tới sai lầm, để bạn có thể lựa chọn lại… nhưng không phủ nhận cố gắng của bạn; không tìm cách bắt bạn thừa nhận chỉ có duy nhất con đường, duy nhất cách thức, phương pháp của thầy là đúng. Người thầy thực sự, dù không thích đối tượng nghiên cứu mà bạn lựa chọn, dù sợ khi phải đối diện với đối tượng đó, cũng không ngăn cản bạn; mà trái lại khuyến khích bạn tìm hiểu, nếu đối tượng đó chinh phục trái tim bạn. Hy vọng rằng bạn cũng sẽ may mắn như tôi, sẽ gặp được những người thầy như vậy.
Bạn sẽ cảm thấy gì khi thầy giáo nói với bạn rằng: “bài này của em chỉ đáng được điểm trung bình/điểm kém”, khi thầy hướng dẫn luận văn của bạn nói rằng: “Tôi sẽ không bao giờ cho anh/chị điểm tối đa”? Tôi đã gặp những người thầy nói với tôi như thế, ở phổ thông và ở đại học; và do một sự rụt rè nào đó, cho đến lúc này tôi vẫn chưa nói cho các thầy biết rằng tôi chịu ơn các thầy sâu sắc vì những câu nói đó.
Trường hợp thứ hai, bạn gặp một người thầy chỉ muốn bạn nhắc lại những gì ông ấy nói, như một con vẹt, vì ông ấy nghĩ rằng ông ấy là đại diện cho chân lý, và những gì ông ấy nói ra là chân lý, sinh viên chỉ có thể tuân theo chứ không được phép nghi ngờ. Cũng có thể không hẳn là ông ấy đã tin rằng những điều mình giảng là chân lý, nhưng ông ấy buộc phải tin vì một nỗi sợ hãi nào đó, và rồi đến lượt mình, ông ấy lại bắt bạn lặp lại cũng chính nỗi sợ hãi ấy và sự ràng buộc ấy. Có thể ông ấy không hình dung được rằng chỉ khoảng vài chục năm nữa thôi, hoặc sớm hơn, lịch sử sẽ đánh giá ông ấy như là kẻ đao phủ tinh thần đối với bạn. Điều tốt nhất cho bạn, điều tốt nhất để giúp trí óc bạn không bị tê liệt dưới lưỡi rìu của vị đao phủ tinh thần ấy, đó là đọc thật nhiều tài liệu về cùng một vấn đề mà ông ấy đang giảng, những tài liệu càng có quan điểm đa dạng càng tốt. Chính cách lập luận và minh chứng được đưa ra trong các tài liệu ấy sẽ giúp bạn phát triển khả năng lập luận cũng như giúp bạn tự xây dựng quan điểm riêng của mình.
Và điều này nữa, bạn hãy tự hỏi chính mình xem có cần phải kính trọng một người chỉ bán chữ cho bạn nhưng trong hành động lại chà đạp lên các giá trị nhân phẩm và đạo đức? Bạn có cần phải tự lừa dối mình rằng tất cả những người lên lớp cho mình đều là thầy của mình? Với những người chỉ bán kiến thức để lấy tiền, những người quan niệm và hành xử như thể giáo dục là một dịch vụ, kiến thức là hàng hóa và sinh viên là khách hàng, những người không thực hiện chức năng giáo dục mà chỉ sử dụng bạn như một phương tiện để kiếm tiền của bố mẹ bạn, bạn có nên coi họ như là những người bán hàng? Bạn có cần phải biết ghê sợ những người đứng trên bục giảng nhưng lại vi phạm pháp luật? Nếu bạn coi những người đó là thầy thì bạn sẽ học cách hành động giống họ, bạn cũng sẽ chà đạp lên các giá trị nhân phẩm và đạo đức, bạn cũng sẽ vi phạm pháp luật.
Việc để cho những người như vậy đứng trên bục giảng thuộc về trách nhiệm của những người quản lý và tuyển dụng, việc không trừng phạt họ thuộc về trách nhiệm của luật pháp, nhưng việc chấp nhận những người đó là thầy lại thuộc về trách nhiệm của sinh viên. Ngày nay khi mà bằng cấp và chức danh có thể mua được (bằng hình thức này hay hình thức khác), sinh viên cũng cần hiểu rằng điều khiến cho họ tôn kính người thầy là những giá trị của lao động nghề nghiệp và những giá trị tinh thần mà ông ấy mang lại, chứ không phải là học vị hay học hàm mà ông ấy có. Sinh viên luôn có quyền lựa chọn cho mình những người thầy thực sự, hoặc ít nhất cũng có quyền đưa ra ánh sáng những người không đáng được gọi là thầy và từ chối làm học trò của những người đó.
Trong trường hợp bạn không làm được như vậy, hãy tự xem lại xem mình có đúng thực sự là sinh viên không, hay mình chỉ là một đứa trẻ con chưa trưởng thành, có thể bị thầy cô điều khiển và chấp nhận bị điều khiển như thế nào cũng được. Nếu bạn không còn là một đứa trẻ, nếu bạn là sinh viên thì ít nhất bạn cũng có khả năng tự bảo vệ, và khá hơn, tự lựa chọn và tự quyết định. Sinh viên có thể gặp phải những giáo viên tồi tệ, nhưng nếu bạn trở thành tồi tệ giống thầy, thì không chỉ có ông thầy phải chịu trách nhiệm, mà chính bạn cũng phải chịu trách nhiệm, và phải chịu trách nhiệm phần lớn. Nếu chẳng may bạn gặp phải ông thầy nào đó cố chối bỏ hết mọi trách nhiệm đối với bạn, thì bạn lại càng phải học cách tự chịu trách nhiệm về chính mình. Điều này có thể khiến bạn trưởng thành nhanh hơn.
Làm sinh viên ở thời điểm này, bạn phải biết rằng bạn đang sống ở một giai đoạn mà bạn không còn có thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo viên trong việc quyết định mình trở thành ai. Vì đã qua rồi thời đại chỉ có thông tin một chiều. Ngày nay, dù cho ở trường học, một số (hay phần lớn, tùy vào từng đơn vị cụ thể) các thầy cô cố tình buộc bạn chỉ được học một số tác giả, chỉ được đọc một số sách, chỉ được chép nguyên văn bài giảng của họ, thì thị trường sách vở rộng lớn bên ngoài và thế giới Internet vô tận có thể giúp bạn tìm thấy gần như tất cả những gì bạn cần. Bạn dùng nó để chơi game hay để học hỏi, đó là do chính bạn quyết định, bạn không thể tùy tiện đổ toàn bộ lỗi cho thầy, cũng như không thể tùy tiện xem tất cả những người đứng trên bục giảng là thầy mình. Tri thức bạn học được là để giúp bạn trở nên mạnh mẽ và có khả năng sử dụng trí tuệ của mình, để đến lượt mình, bạn có thể tạo ra tri thức hoặc tạo ra sản phẩm cho xã hội. Đấy là lý do khiến bạn phải mất thời gian đến trường và bố mẹ bạn phải trả tiền cho bạn đến trường. Nếu một ông thầy, qua bài giảng của mình, muốn biến bạn thành nô lệ và bằng cách đó triệt tiêu sức mạnh của bạn, triệt tiêu khả năng sáng tạo của bạn, người đó nhất định không phải là thầy của bạn.
Đã qua rồi thời đại chỉ có thông tin một chiều, thế giới bên ngoài có thể giúp bạn tìm thấy gần như tất cả những thứ bạn cần
Chỉ cần bạn bỏ ra một chút thời gian lướt mạng để tìm hiểu, bạn sẽ thấy rằng các bạn bè của bạn trên thế giới, nhất là ở những nước phát triển, có môi trường học tập thuận lợi hơn bạn nhiều. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên tự hỏi tại sao bây giờ bạn vẫn bị quản lý như một đứa trẻ với cả một hệ thống thiết chế, từ ban cán sự lớp, chủ nhiệm lớp, chi đoàn, liên chi đoàn… Còn bao nhiêu nước trên thế giới này quản lý sinh viên theo cái cách mà bạn đang phải chịu đựng? Toàn bộ hệ thống quản lý ấy không chịu thừa nhận sự trưởng thành của bạn, muốn rằng bạn phải chịu thân phận của một đứa trẻ. Tại sao các trường đại học ở các nước khác không có chế độ phân lớp, không có chế độ quản lý bằng cán sự lớp, không có lớp trưởng, không có chủ nhiệm lớp, bí thư chi đoàn, liên chi đoàn? Không có gì giống như thế mà chất lượng học tập của họ cao hơn bạn, năng lực của họ được phát triển hơn bạn nhiều, và ý thức kỷ luật của họ cũng tốt hơn bạn? Tại sao? Bởi vì họ được tôn trọng. Bởi vì từ 18 tuổi, sinh viên là một công dân đã trưởng thành, đã đủ năng lực tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hành động và lựa chọn của mình. Không ai có thể ép buộc sinh viên tham gia một tổ chức nào, trừ phi các bạn tự nguyện. Sinh viên Việt Nam cần hiểu rằng, với các hình thức quản lý hiện tại, các bạn tiếp tục bị đối xử như những đứa trẻ, các bạn bị coi là chưa trưởng thành. Thế nhưng, với tầng tầng lớp lớp thiết chế quản lý như vậy thì sinh viên ở Việt Nam phạm tội càng ngày càng nhiều. Báo chí đã báo động tình trạng sinh viên phạm tội từ nhiều năm nay, và càng ngày càng tăng lên cùng với thời gian. Vậy các bạn phải làm gì? Chấp nhận rằng các bạn chỉ là trẻ con? Phản ứng lại bằng cách phạm tội? Và nếu bây giờ các bạn là trẻ con thì các bạn sẽ phải làm trẻ con cho đến tận bao giờ? Và nếu bây giờ các bạn đã là tội phạm thì rồi các bạn sẽ đưa xã hội này đi về đâu? Vậy đó, bạn cần phải tự đặt cho mình câu hỏi: bạn có muốn làm người trưởng thành hay không, bạn có muốn làm người lương thiện hay không?
Hãy tự đặt câu hỏi: Bạn có muốn trưởng thành không?
Là sinh viên, bạn không thể chỉ biết đến kiến thức trong sách vở. Kiến thức trong sách vở chỉ có ý nghĩa khi chúng được dùng để phục vụ cho cuộc sống của bạn hiện tại và sau khi rời khỏi trường đại học. Vậy bạn phải biết những gì đang diễn ra xung quanh bạn, phải biết cuộc sống nào đang chờ đón bạn. Có như vậy bạn mới có thể đến với nó một cách chủ động. Và chính ở điểm này, bạn sẽ phải đứng trước hai lựa chọn: khi bạn hiểu những gì đang chờ đón bạn thì hoặc là bạn chấp nhận để cái thực tế kia nuốt chửng và đè bẹp bạn, chấp nhận quay cùng một cái vòng quay đang cuốn gần như tất cả mọi người theo nó, hoặc bạn chọn cách tự xác lập cho mình một con đường, một lối sống hợp với ý hướng và quan niệm của bạn; thường thì con đường này rất khó khăn.
Bạn thấy đấy, làm sinh viên trong một nền giáo dục như thế này quả là chẳng dễ dàng gì. Không chỉ là khó khăn vì bữa cơm hằng ngày không đủ dinh dưỡng cho cơ thể bạn, mà còn vì bài học hàng ngày cũng có thể không đủ dinh dưỡng cho trí não bạn. Còn nhiều khó khăn khác chưa được nêu ra trong bài viết ngắn này. Nhưng nếu bạn không học cách vượt qua khó khăn ngay từ bây giờ, thì sau khi kết thúc quãng đời sinh viên, nhiều khả năng là bạn chỉ còn cách để cho hoàn cảnh khuất phục bạn. Điều nguy hiểm (và nực cười) là đôi khi bạn bị hoàn cảnh khuất phục mà lại vẫn tưởng rằng bạn đang làm chủ hoàn cảnh.
Làm sinh viên trong một nền giáo dục như thế này quả là khó khăn. Nhưng bạn có lý do để tin rằng bạn có thể vượt qua khó khăn đó. Lý do căn gốc, sâu xa nhất: bạn là con người.
>> Đôi điều về tác giả:
Nguyễn Thị Từ Huy, tiến sĩ ngành Văn học Pháp đương đại, Đại học Paris 7 (Pháp) năm 2004 – 2008. Chị đã từng là giảng viên Khoa Văn học và ngôn ngữ của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Tác phẩm: Thơ: “Chữ cái” (NXB Phụ nữ, 2007) được giải thơ nữ Lá trầu, tập truyện ngắn “Những con chữ” (NXB Hội Nhà văn, 2007), tiểu luận – nghiên cứu “Alain Robbe-Grillet: Sự thật và diễn giải” – luận án tiến sĩ văn chương tại Pháp (NXB Hội Nhà văn, 2009). Tác phẩm dịch: “Giờ im lặng” – tập truyện ngắn của Albert Pouvourvil (NXB Văn học, 2001), “Những tiểu thuyết của Alain Robbe–Grillet” của Bruce Morrissette (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005), “Nietzsche và triết học” của Gilles Deleuze (2010).
Tác giả Nguyễn Thị Từ Huy (Nguồn ảnh: Internet)