Tôi là ai?
Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản, rất dễ trả lời, nhưng có nhiều bạn đã lúng túng khi “định vị” mình. Dưới đây là những đoạn trích “tự bạch” của một số bạn SV.
“Tôi luôn sống trong sự bảo bọc, chăm sóc quá kỹ của gia đình. Tôi chẳng bao giờ phải bận lòng lớn lên tôi sẽ làm gì? Từ khi tôi còn bé, ba đã thường xuyên thủ thỉ với tôi: “Con lớn nhanh để tiếp quản công ty của gia đình”. Và tôi cũng không bao giờ phải nghĩ tới việc làm thêm, kiếm tiền như các bạn đồng trang lứa, vì ba mẹ tôi luôn khẳng định: “Ba mẹ vất vả làm việc, kiếm tiền tất cả là để lo cho con”. Cứ thế, cuộc đời, tương lai của tôi dường như đã được ba mẹ “lập trình”. Sáng tôi cắp cặp đi học, chiều về là xem như hoàn thành nhiệm vụ. 20 tuổi, tôi thấy mình vẫn như một đứa trẻ, hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, không tự lập, không ước mơ, không biết mình giỏi, dở cái gì…?”.
“Tôi muốn học giỏi, nhưng lại lười. Chỉ đến khi ba mẹ nhắc nhở, thúc ép, giám sát thì tôi mới chịu tập trung học. Tôi rất muốn tham gia các hoạt động tình nguyện, nhưng nếu không có ai rủ rê thì tôi nằm ỳ ở nhà chơi game hay ngồi quán cà phê. Tôi muốn đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp sau này, nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu và nếu không có người cầm tay chỉ việc, có lẽ tôi sẽ không làm được. Vì vậy, tôi cũng không biết sau này mình sẽ làm gì, phù hợp với công việc nào và tương lai ra sao”.
“Tôi thấy mình giống một con sâu. Một con sâu chỉ biết phá hoại, làm cho gia đình buồn, chứ chưa mang đến ích lợi cho ai. Nhưng dù sao tôi cũng chỉ là một con sâu nhỏ bé, gây tác hại ít và hậu quả cũng chưa lớn lắm. Tôi sẽ cố gắng để mình thoát khỏi kiếp sâu, bắt đầu bằng việc bớt chơi game, giảm đi chơi và tập trung vào học tập. Tôi biết điều này chẳng dễ, nhưng tôi sẽ cố gắng”.
“Tôi vào học ngành du lịch, theo quyết định của ba mẹ. Thật sự, tôi không biết mình có phù hợp với ngành đang học và ra trường có xin được việc hay không. Nhiệm vụ của tôi là hoàn thành chương trình học, tốt nghiệp, còn việc làm là chuyện của… ba mẹ tôi”...
Tôi muốn gì?
Hiểu mình, hiểu người và muốn người khác hiểu mình là mong muốn, nhu cầu của mỗi người. Bởi điều này sẽ giúp chúng ta không hiểu sai hay bị ảo tưởng, ngộ nhận về bản thân mình cũng như sẽ được người khác tin tưởng và yêu mến nhiều hơn. Theo các chuyên gia tâm lý, đó chính là những nền tảng cơ bản giúp con người có được thành công, hạnh phúc trong nghề nghiệp, cuộc sống.
“Hiểu mình” - mới nghe cứ tưởng là dễ dàng nhưng thực sự là chuyện không đơn giản. Nhiều bạn trẻ ngày nay có thể nắm bắt được nhiều thông tin, sự kiện trong nước, thế giới, nhưng khi được yêu cầu giới thiệu về sở trường, sở đoản, ưu khuyết điểm, năng lực, quan điểm sống của mình… thì các bạn lại lộ rõ sự bối rối. Điều này lý giải vì sao nhiều bạn trẻ phân vân không biết chọn trường, ngành học, nghề nghiệp nào phù hợp với mình. Khi không hiểu bản thân mình sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: định hướng tương lai, nghề nghiệp không chính xác; ngộ nhận, ảo tưởng về bản thân.
Peter Druker - người được xem là “cha đẻ” của ngành quản trị kinh doanh hiện đại đã nói: “Thành công trong nền kinh tế tri thức sẽ đến với những ai hiểu rõ được bản thân mình, thế mạnh của mình, văn hóa của mình và cách mà mình làm tốt nhất”.
Trong chuyên đề “Quản trị cuộc đời”, ông Giản Tư Trung - người sáng lập Tổ hợp giáo dục PACE cho rằng, việc thường xuyên tự đặt câu hỏi cho mình sẽ giúp các bạn trẻ hiểu rõ được bản thân. Những câu hỏi như: Thế mạnh, sở trường của tôi là gì? Đâu là sở đoản, điểm yếu khó khắc phục của tôi? Tôi thuộc típ người nào? Cách mà tôi có thể làm việc tốt nhất với người khác? Cách nào giúp tôi có thể học tốt nhất? Công việc, ngành nghề nào phù hợp với tôi? Tôi sống để làm gì?… Khi đi tìm câu trả lời cho mỗi câu hỏi đó tức là bạn đang từng bước khám phá chính mình và đó chính là cơ sở để hoạch định tương lai, cuộc đời mình.