Trong nhịp sống hối hả hiện đại, chúng ta luôn ở tình trạng căng thẳng vì câu chuyện ngày 24 tiếng, tuần 7 ngày. Thời gian trở thành một nguồn lực có giới hạn buộc chúng ta phải tăng tốc để biến mỗi giây phút qua đi trở nên hữu ích và có thể đem lại nguồn lợi nào đó cho ta. Đôi khi ta cảm thấy mình không đủ thì giờ cho tất cả: công việc, gia đình, bạn bè và các thú vui bên ngoài. Ta ăn nhanh, uống nhanh, đi nhanh, ngủ ít, thả mình trong guồng quay đầy bận rộn của cuộc sống như thể chỉ cần chậm đi một giây, ta sẽ trở nên thừa thải hoặc sẽ tụt hậu rất nhanh về phía sau.
Có khi nào ta thử đặt một câu chuyện hơi khác thế này. Nếu lấy cuộc đời ta 60 năm làm chuẩn thì có bao giờ ta thử tính toán tỉ lệ thời gian ta dành cho các công việc trong đời (học tập, làm việc, vui chơi, ăn, ngủ, gia đình, chăm sóc bản thân,…). Bạn có thấy kết quả có gì đáng ngạc nhiên không? Kết quả bạn đang dành bao nhiêu % cuộc sống cho bản thân – là người bạn, người chủ của chính bạn, bao nhiêu % cho gia đình và những mối quan hệ thân thiết – nguồn sức mạnh tinh thần bên ngoài không thể thiếu trong cuộc đời bạn, còn bao nhiêu % cho công việc, những thú tiêu khiển giết thời gian – điều mà khi bạn qua tuổi 60 nhìn lại bạn sẽ thấy như mây trôi gió thoảng,…?
Hãy thử đọc “Ngợi ca sống chậm” của Carl Honoré và chiêm nghiệm thêm cho bản thân về ý nghĩa của triết lý Chậm trên bàn ăn, tại công sở, trong các mối quan hệ thậm chí là trên giường ngủ và trong việc giáo dục con cái. Bạn sẽ ngẫm thấy một dư vị rất khác của Chậm. Chậm không có nghĩa là bạn đánh mất đi sự linh hoạt, tính hiệu quả mà ngược lại nhờ cơ chế vận hành rất tự nhiên của con người và các sức mạnh bên trong cho bạn những quyết định sáng suốt hơn, tỉnh táo, tinh tế và sâu sắc hơn.
Cuốn sách như một món ăn đầy chậm rãi mà để cảm thụ hết được nó, bạn phải kiên nhẫn và đón nhận nó với một suy nghĩ chân thành mong muốn cuộc sống của mình hạnh phúc, thành công và tốt đẹp hơn. Nếu là tín đồ của tốc độ, bạn có thể sẽ bỏ dở từ những chương đầu tiên, nhưng hãy nhẫn nại. Chờ đợi cũng có cái giá của nó. Khi đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ rút tỉa và chiêm nghiệm được cho bản thân rất nhiều điều. Nhiều điều cần thiết, ý nghĩa và có giá trị với bạn đang bị lãng quên đâu đó trong cuộc đua trường kỳ về thời gian, hãy khơi và tìm lại nó trong những phút giây lắng mình cùng Sống chậm.
Bạn không cần đi hết cuộc đời này để xem xét hay hối tiếc mình đã sống quá nhanh hay quá chậm mà hãy tạm dừng lại một khoảnh khắc nào đó để nhận diện được điều gì là quan trọng với bản thân mình. Và như người ta thường nói, bạn sẽ không bao giờ thiếu thời gian cho những việc quan trọng – câu chuyện ở đây là sắp xếp một cách hợp lý và có thứ tự hơn những điều cần thiết trong cuộc sống bạn, theo cách của bạn chứ không phải theo cái tiêu chuẩn thời gian nào đó mà trường học, xã hội hay cả thế giới này đang rao giảng. Chậm đi một chút không phải bạn hay cuộc sống sẽ trở nên dở hơn và khi làm chủ được thời gian của bản thân thì bạn đã được giải phóng và có một tự do vô biên cho chính mình. Quan trọng là bạn có dám bỏ bớt đi không căn bệnh thiếu-thốn-thời-gian. Khi chịu dành thời gian để hoàn thiện một điều gì đó trọn vẹn hơn (so với sự hấp tấp, vội vã như hiện tại) bất giác bạn sẽ nhận ra rằng công việc đó có ý nghĩa hơn, bạn trở nên sáng tạo hơn và sản phẩm làm ra cũng trở nên giá trị hơn.
“Hãy thử nghĩ về thời gian, không phải như một nguồn lực có hạn đang không ngừng chảy đi mất, hoặc như một gã côn đồ đáng sợ hoặc cần chế ngự, mà chỉ như một nhân tố tốt lành trong đó chúng ta sống trong”. Hãy để thời gian trở nên dài hơn chứ không thành một vội vã thoáng qua, để ta không trở nên “cằn cỗi” với cuộc sống đầy những điều tươi đẹp này! Lắng mình để nghe chính mình và hơi thở cuộc đời, cuộc sống khi đó không còn là chiếc bình rỗng cần đổ đầy những lo toan mà trở thành chuỗi các tập trung chú ý giữa các xao lãng rất đời. Khi đó, “thế giới sẽ thoải mái hiến mình cho bạn để được bộc lộ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét