Hội đồng thi tốt nghiệp
Hội đồng thi tốt nghiệp PTTH (HĐTNPTTH) của Phần Lan là một hội đồng quốc gia do Bộ Giáo dục và Văn hóa thành lập. Chủ tịch và thành viên của hội đồng này được đề cử bởi các đại học, các viện nghiên cứu về giáo dục đại học và Hội đồng giáo dục quốc gia. HĐTNPTTH gồm 25 tiểu ban chuyên môn.
Mỗi tiểu ban có một trưởng tiểu ban và thành viên tiển ban. Có những tiểu ban chỉ có một thành viên và cũng là trưởng tiểu ban (địa lý, lịch sử, tâm lý, tiếng Pháp, tiếng Đức,…); tiểu ban Toán, tiếng Phần Lan, tiếng Thuỵ Điển và tiếng Anh là có nhiều thành viên nhất.
Môn thi và đề thi
Có ít nhất 4 môn cho mỗi kỳ thi. Một môn bắt buộc là quốc ngữ (Phần Lan hoặc Thụy Điển hoặc tiếng Saami). Thí sinh tự chọn ít nhất 3 môn còn lại từ các môn: quốc ngữ thứ hai, ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh), Toán, và ít nhất một môn trong các môn về khoa học và nhân văn.
Toàn bộ đề thi do HĐTNPTTH ra. Đề thi có hai mức độ: cơ bản và nâng cao, riêng quốc ngữ hai có thêm mức trung cấp. Học sinh có thể chọn mức độ đề thi, nhưng phải có ít nhất một môn thuộc nhóm các một bắt buộc ở mức nâng cao. Kết quả tốt nghiệp và mức độ của kỳ thi (hay đề thi) sẽ ảnh hưởng việc cạnh tranh vào đại học của học sinh. Đối với môn ngoại ngữ, học sinh phải thi ba kỷ năng: nghe, đọc, viết.
Chấm thi
Quá trình chấm thi gồm hai vòng. Vòng 1 do các trường phổ thông tự tổ chức chấm. Sau đó toàn bộ bài thi được gửi về HĐTNPTTH. Hội đồng này tổ chức chấm vòng 2.
Những người tham gia chấm vòng 2 là những người đang làm việc ở các đại học (chủ yếu), các nhà khoa học hoặc những nhà giáo dục uy tín do HĐTNPTTH tuyển chọn thông qua sự giới thiệu và cam kết của cơ quan chủ quản của họ.
Ông chủ tịch hội đồng Toán thuộc HĐTNPTTH cho biết: "Tôi là người quyết định chọn ai chấm vòng 2, tôi chỉ chọn các giáo sư hoặc tối thiểu là các giảng viên kỳ cựu ở các đại học, không ai can thiệp vào công việc của tôi, ngay cả Bộ Giáo dục và Văn hóa".
Sau khi nhận được bài thi từ vòng 1, HĐTNPTTH gửi bài đến cán bộ chấm vòng 2 qua đường bưu điện (người ở gần thì có thể đến HĐTNPTTH nhận bài), nghĩa là người chấm vòng 2 không cần phải tập trung về một nơi. Như vậy việc chấm vòng 2 rất giống với quá trình phản biện, peer-review, của các tạp chí khoa học quốc tế.
Thi lại
Học sinh đậu một môn nhưng điểm thấp thì có thể đăng ký thi lại môn đó. Số lần thi lại không giới hạn và điểm cao nhất sẽ được ghi vào giấy chứng nhận.
Học sinh rớt môn bắt buộc thì có thể đăng kí thi lại tối đa hai lần trong ba mùa thi ngay sau đó. Học sinh có thể thay đổi mức độ đề thi. Nếu học sinh không đậu môn bắt buộc thì phải thi lại toàn bộ.
Học sinh rớt môn tự chọn thì có thể thi lại tối đa hai lần và không giới hạn trong bao nhiêu mùa thi.
Tiêu cực thi cử
Một cô giáo tiếng Anh ở Oulu cho biết: "Thời gian cho mỗi môn thi là 6 tiếng, học sinh có thể mang thức ăn, nước uống vào phòng thi. Giám thị kiểm tra rất kỹ những thứ học sinh được phép mang vào phòng thi. Hầu như học sinh không có một cơ hội nào để tiêu cực."
Khi được hỏi liệu có thể "bùa phép" gì không? Một sinh viên ở Oulu từng tham dự kỳ thi tuyên bố: "Ai muốn "chết" sớm thì cứ mà tiêu cực. Làm thế để làm gì? Không được lần này thì thi lại lần khác. Kiến thức học thì sẽ được nhưng sự trung thực thì không phải dễ có, ...."
Một học sinh ở Turku vừa tham dự kì thi cho biết: "Không thể nào tiêu cực được, có đến 3 giám thị mỗi phòng thi và họ rất nghiêm khắc, vi phạm một lần thì coi như rớt cả kỳ thi và sẽ bị cấm thi một năm,...". Khi hỏi liệu có cảnh sát giám sát và bảo vệ kỳ thi hay không thì bạn ấy ngạc nhiên: "Cảnh sát vào trường học làm gì, hoàn toàn không có".
Một giáo sư hiện là ủy viên Hội đồng giảng dạy Toán của Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan cho biết: "Kỳ thi tốt nghiệp PTTH của Phần Lan cho đến bây giờ là khá tốt. Chúng tôi có thể phân loại được học sinh và giúp họ có định hướng tốt cho việc chọn ngành học bậc đại học."
Khi được hỏi ông nghĩ gì về kỳ thi tốt nghiệp PTTH, một giáo sư ở Helsinki phấn khởi khẳng định: "Chúng tôi rất hài lòng và luôn tin vào kết quả của kỳ thi."
Tuyển sinh vào đại học
Kết quả tốt nghiệp PTTH sẽ giúp học sinh tiếp tục vào đại học. Tuy nhiên, các đại học Phần Lan không chỉ dựa vào kết quả này để tuyển sinh. Bài tới sẽ bàn chi tiết về vấn đề này.
- TS. Lê Văn Út (ĐH Oulu, Phần Lan)
- Nguồn: VietNamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét