Có câu chuyện kể về một thanh niên Nhật muốn trở thành võ sĩ giỏi nhất quốc gia. Anh ta nghĩ rằng để đạt được mục đích này, anh cần phải được học với một người thầy giỏi nhất sống rất xa nơi anh đang sinh sống.
Một ngày kia, chàng thanh niên rời gia đình đến xin tầm sư học đạo với vị võ sư lừng danh ấy. Sau chặng đường ròng rã suốt mấy ngày trời, cuối cùng anh cũng tìm đến được võ đường và có một buổi đàm đạo với vị võ sư.
“Con hi vọng sẽ học được gì ở ta?” - vị võ sư hỏi. “Con xin thầy dạy cho con võ thuật và giúp con trở thành một trong những võ sĩ giỏi nhất đất nước - chàng thanh niên trả lời - Vậy con phải học trong bao lâu ạ?”. “Ít nhất là 10 năm” - vị võ sư trả lời”.
Người thanh niên ngẫm nghĩ: Mười năm thì lâu quá! Mình muốn hoàn thành ước nguyện sớm hơn kìa! Mình không có nhiều thời gian. Chắc chắn là nếu nỗ lực nhiều hơn thì mình sẽ có thể hoàn thành thời gian huấn luyện nhanh hơn.
“Còn nếu con cố gắng gấp đôi những người khác thì sẽ mất bao lâu thưa thầy?”. “Thế thì sẽ mất 20 năm” - vị võ sư đáp.
Người thanh niên lại nghĩ: “Còn lâu hơn nữa à! Mình không muốn mất đến cả 20 năm để học một thứ gì đó. Mình còn nhiều cái khác cần phải thực hiện trong đời. Chắc chắn là nếu mình thật sự cố gắng luyện tập chăm chỉ thì mình có thể học nhanh hơn.
Vì thế chàng thanh niên lại hỏi tiếp: “Nếu con nỗ lực hết mình, tập luyện cả ngày lẫn đêm thì con sẽ mất bao lâu ạ?”. “30 năm”, đó là câu trả lời của vị võ sư.
Chàng trai càng phân vân và tự hỏi vì sao vị võ sư cứ khẳng định số năm tăng lên như thế.
Anh bèn hỏi vị võ sư: “Thưa thầy, vì sao mỗi lần con nói sẽ cố làm việc nhiều hơn, thầy lại bảo sẽ mất nhiều thời gian hơn thế ạ?” .
“Câu trả lời rất đơn giản. Một mắt của con đã lo tập trung nhìn vào đích đến thì con chỉ còn một mắt còn lại để tìm ra cách đi đến đích ấy mà thôi” - vị võ sư bình thản đáp.
(Sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét