Đôi khi, ở một lúc nào đó, những cơn sóng lòng chợt trỗi dậy mạnh mẽ. Nói như vậy, không có nghĩa luôn luôn đó là một thiên tai kiểu có động đất ở đáy biển nên sinh ra sóng thần mà nhiều khi là bởi những bãi cát dài trong khoảnh khắc không đủ vỗ về con sóng lớn khi gió mạnh...
Những con sóng bình thường dịu êm là thế, như cuộc sống có nhịp độ, tần số đều đặn việc này việc khác. Dù dòng đời lớp chuyện này đè lên lớp chuyện khác để xảy ra thì theo một quy luật tự nhiên nước từ sông vẫn sẽ đổ ra biển cả bao la. Sóng vẫn rì rào vỗ bờ, vẫn lên cao theo những mùa trăng, vẫn ầm ì những ngày bão tố. Cảm xúc trong lòng con người cũng như sóng trăm năm tồn tại với những thiên biến vạn hóa khác nhau trong muôn vàn bối cảnh.
Có người sinh ra bản tính đã trầm tĩnh, có người sôi nổi, có người điềm đạm lại có người nóng tính. Cơn sóng lòng theo tính người mà biểu hiện sinh động. Người sẽ luôn ở tư thế gò những cơn sóng trong lòng, dựng nên một bờ cát cao được hình thành từ muôn vàn bài học làm chủ cảm xúc, nên sóng chỉ rì rào vỗ vào bờ đê cát. Người thì tự do thả lòng mình như bờ cát phẳng mịn thả thê tắm nắng, sóng lên mặc sóng. Vì thế, khi ở gần một người, nếu chỉ nghe tiếng sóng thôi thì cũng khó lòng biết được mức độ con sóng trong lòng họ đang như thế nào. Và một sự thật khác, biển nào cũng có sóng dù là biển nhỏ hay đại dương rộng lớn. Chính vì thế, thay vì đi tìm con biển lặng sóng, hãy học cách hiểu được mức độ con sóng trong chính lòng mình để tự hóa giải nó. Khi đo được sóng lòng mình thì tự dưng cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn để nhận diện được phần nào con sóng trong lòng những người xung quanh. :-)
Đo sóng không chỉ đo đơn thuần ở mức cao thấp ở một thời điểm mà phải quan sát và phân tích trong một giai đoạn đủ dài để nắm bắt được quy luật lên xuống. Nếu sóng lên cao sẽ lên cao trong những trường hợp nào và sẽ lên cao bao nhiêu? Nếu sóng đi sâu vào đất liền thì điều gì gây nên và có thể đi sâu bao nhiêu? Không thể chỉ ngắm biển vào buổi trưa đứng nắng để phán đoán biển có lành tính không. Không thể chỉ quan sát những cơn sóng thần qua video của ai đó quay lại được để vội đánh giá biển đó dữ đến như thế nào. Do đó, để đo sóng phải sống đủ lâu, đủ sâu với biển, với chính mình, với người mà mình quan tâm muốn hiểu họ.
Đo sóng cũng không thể chỉ dùng mắt thường mà phải cần một số công cụ hỗ trợ khác. Do đó, những gì mắt thấy đôi khi chưa phải là thật bởi mắt nhìn đã bị qua bộ lọc của lý trí, của định kiến, của quan điểm chủ quan. Để hiểu và đánh giá đúng một con người không chỉ thông qua nhìn hành vi mà phán đoán bản chất, không thể vì hôm nay họ giúp mình nên họ là người tốt, ngày mai họ từ chối hỗ trợ mình họ là người vô lương tâm. Ở bên cạnh một ai đó đang có sóng lòng cũng như vậy. Thấy họ tức giận, thấy họ nóng tính, thấy họ cáu bẳn cũng hãy kiên nhẫn với họ trước khi vội đưa ra các nhận xét một chiều. Trong triết học có một câu nói đại loại là: "Bạn không phải là tôi sao bạn biết tôi đang nghĩ gì". Điều này đúng trong đa số các trường hợp. Vì thế, nếu chưa chắc chắn rằng mình đã đứng được ở vai trò, vị trí của người khác để thật sự hiểu họ thì hãy làm tròn việc đứng ở bên cạnh, hoặc lắng nghe, hoặc chia sẻ, hoặc cảm thông, hoặc vô tình hơn một chút là bỏ mặc chứ đừng bao giờ phán xét.
Ở những mảnh đất hay có thiên tai, người ta thường nhắc nhủ nhau rằng: "Học cách sống chung với lũ rồi mới biết cách quét lũ". Muốn thay đổi bản thân hay ai đó, trước hết cũng phải cần hiểu mình, hiểu người thì mới biết nên làm điều gì, làm cách gì thì sẽ tốt hơn. Với những cơn sóng lòng cũng thế, cảm nhận nó, quan sát nó và chấp nhận nó thì sẽ thấu hiểu được nó, biết cách điều tiết nó hoặc sẽ dự báo được nó...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét