"Thức tỉnh" & những tâm đắc... (P.19)

(tiếp)

"Khi chúng ta nói về giá trị qui ngã, chẳng phải là thực tế chúng ta muốn nghĩ đến phản ảnh của mình trong tấm gương là tâm trí của người khác đó sao? Thế nhưng có thật chúng ta cần phải lệ thuộc vào đó? Người ta chỉ hiểu được giá trị con người của mình là gì một khi họ không còn đồng hóa hay định nghĩa chính mình với những thứ bọt bèo đó nữa. Tôi không đẹp vì thiên hạ bảo rằng tôi đẹp. Kỳ thực tôi không đẹp cũng chẳng xấu. Đẹp hay xấu thì cũng là cái gì nhất thời. Rất có thể ngày mai đây bất thần tôi bị chuyển thành một kẻ vô cùng xấu xí, nhưng tôi thì cứ vẫn là “tôi”. Rồi giả như tôi đi giải phẫu thẩm mỹ và lại trở nên đẹp, thì đó cũng thực sự không phải là cái “tôi” trở nên đẹp."

"Những kinh nghiệm khoan khoái làm cho đời sống được vui thú. Còn những kinh nghiệm đớn đau thì giúp người ta lớn lên. Kinh nghiệm khoan khoái làm cho đời vui thú, nhưng tự chúng không làm cho ta lớn lên. Cái làm cho người ta lớn lên chính là những kinh nghiệm đau đớn. Sự đau khổ báo động rằng có một khu vực trong bạn còn ấu trĩ, khu vực mà bạn phải làm cho trưởng thành, phải cải tiến. Giá bạn biết dùng đau khổ, thì bạn đã lớn lên biết bao."

"Thức tỉnh, hay hạnh phúc - (hay bạn muốn gọi bằng danh từ nào khác) - là tình trạng không đánh lận con đen, là bạn nhìn sự vật không theo chủ quan mà là theo đúng bản chất của chúng - trong khả năng nhận thức của một con người. Hãy bỏ mọi ảo tưởng; hãy nhìn sự vật, nhìn thực tại. Cứ hễ khi nào bạn khó chịu, ấy là vì bạn đã tô vẽ gì đó cho thực tại. Và chính sự tô vẽ này đã làm cho bạn khó chịu. Tôi xin nhắc lại: bạn đã tô vẽ một cái gì đó nên trong bạn mới có phản ứng tiêu cực. Thực tại cung cấp kích thích tố, còn bạn thì làm ra phản ứng. Và trong khi bạn phản ứng, chính là bạn đang tô vẽ. Sự tô vẽ này, nếu được bạn khảo sát, bạn luôn tìm thấy ở đó có một ảo tưởng, một đòi hỏi, một kỳ vọng, một ham muốn. Bao giờ cũng vậy. Và hình thức của ảo tưởng thì thiên hình vạn trạng. Nhưng một khi bạn tiến bước theo cách này, bạn sẽ phát hiện ra những dạng ảo tưởng ấy của mình."

"Nếu bạn muốn sống, bạn không được ổn định yên một chỗ. Bạn phải “không có nơi tựa đầu”. Bạn phải luôn ở trong tình thế đối phó, xoay xở. Đức Khổng Tử nói rằng: “Kẻ muốn hạnh phúc triền miên thì phải triền miên thay đổi”. Như dòng sông lao mãi về phía trước. Thế nhưng, chúng ta cứ nhìn lại phía sau! Chúng ta đeo bám vào quá khứ và đeo bám vào hiện tại. “Đã tra tay cầm cày, đừng ngoái lại đằng sau”. Bạn muốn thưởng thức một giai điệu, một hợp tấu? Bạn đừng ì lại nơi chỉ một vài khúc nhạc. Bạn đừng khảy đi khảy lại có vài nốt. Hãy để chúng trôi qua, chảy qua. Tất cả cái hay của một hợp tấu nằm ở chỗ bạn buông cho các nốt nhạc chảy qua."

"Chính bạn sẽ quyết định sự việc. Không ai khác có thể giúp bạn được. Chính bạn là người phải tiêu hóa thức ăn của mình, chính bạn là người phải hiểu. Không ai khác có thể hiểu thay cho bạn. Chính bạn phải tìm kiếm. Không ai có thể tìm kiếm cho bạn. Và nếu như sự thật là điều mà bạn tìm kiếm ra, thì bạn phải làm công việc tìm kiếm ấy. Bạn không thể “bán cái” cho một ai khác được."

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét