Thay vì kiềm chế hãy chuyển hướng cảm xúc

Có một ai đó đã nói “10% cuộc sống của bạn là do những gì bạn tạo ra, còn 90% còn lại tùy thuộc vào cách bạn suy nghĩ và cảm nhận”. Để lấy ví dụ minh chứng cho điều này không phải khó khăn và chắc hẳn ai cũng sẽ làm được. Tuy nhiên, nói về câu chuyện áp dụng nguyên lý vào cuộc sống thì lại là một vấn đề rất khác, nó giống như ta vẫn thường nói với nhau khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn là rất xa.


Vấn đề cảm nhận hay cảm xúc thuộc về bên trong nên khó nhìn nhận và khó kiểm soát hơn rất nhiều so với các yếu tố đến từ bên ngoài. Chẳng hạn bạn có thể đem theo áo mưa hoặc ô dù để phòng ngừa trời mưa khi thấy trời đầy mây đen nhưng không có cách gì có dự đoán và cách phòng ngừa kịp thời cho sự tăng giảm của tình cảm, buồn vui, yêu ghét,... Chính vì lẽ đó, dù chắc hẳn bạn nhận được rất nhiều lời khuyên về việc kiểm soát cảm xúc nhưng việc chế ngự được yếu tố này trong thực tế không phải là điều dễ dàng.

Có một số bạn, với mong muốn triệt để sửa những cảm xúc hoặc phản ứng chưa tích cực của mình đã cố gắng hết sức gò ép hoặc kìm nén các cảm nghĩ thật của mình để áp dụng các kỹ thuật được nghe, đọc, giới thiệu đâu đó. Trong ngắn hạn, việc kiềm chế có thể tạo ra những hiệu quả nhất định như: bạn sẽ che giấu được cảm xúc thật (để không làm tổn hại mối quan hệ) hoặc không để những hành xử thái quá có cơ hội bộc phát. Tuy nhiên, song song với quá trình này, nếu bạn không tạo điều kiện để bản thân "xả" những cảm xúc thật của mình ra ngoài (sau đó hoặc bằng một cách nào đó khác) thì trong lâu dài những "khí" nóng, giận đó sẽ tích tụ và làm suy yếu bạn từ bên trong bằng cách nào đó (như tâm bệnh, hoặc giảm sức đề kháng, suy yếu khả năng tự phục hồi sau chấn thương tâm lý,...). 

Để hạn chế những hệ quả không mong muốn như vậy, theo kinh nghiệm của mình, thay vì cố gắng kiềm chế cảm xúc, chúng ta hãy tìm một điểm tập trung nào đó khác để chuyển hướng nó. Ví dụ, khi bạn cảm nhận độ "nóng" bên trong cơ thể đang lên, tốt nhất hãy thay đổi điểm tập trung từ "cuộc tranh luận ai đúng ai sai" sang một hướng khác để thay đổi không khí bằng việc thay vì nhảy bổ vào việc vội vã phản bác, vạch lá tìm sâu, ra sức chứng minh lập luận của đối phương là vô lý hoặc dở ẹt. Bạn có thể bắt đầu bằng việc lập lại các quan điểm đối phương đã nói theo cách bạn hiểu, những điều bạn nghe được (bằng đôi tai của mình). Cách này có ba cái lợi: thứ nhất, vì bạn đang nói lại quan điểm của đối phương nên buộc lòng đối phương phải gạt bỏ thái độ "so cơ" để lắng nghe bạn một cách chú ý và mang tính xây dựng hơn (và theo đó, không khí của cuộc tranh luận sẽ hạ nhiệt được đôi chút). Thứ hai, trong quá trình lặp lại quan điểm của đối phương theo cách của mình bạn có cơ hội kiểm chứng được cách hiểu của mình đã đúng với ý mà đối phương muốn chia sẻ chưa điều này góp phần giúp bạn giảm thiểu những kết quả không mong muốn, các hiểu lầm tai hại không dáng có vì thông tin hai phía không cân xứng. Thứ ba, vì phải mất một khoảng thời gian nhất định lặp lại những điều bạn đã nghe nên nhờ đó, "khí" nóng trong cơ thể bạn có điều kiện thấm thấu bớt ra ngoài vài phần, giúp bạn có được sự bình tĩnh, tự chủ hơn trong quá trình sau đó. 

Việc chuyển hướng cảm xúc tùy theo hoàn cảnh mà còn có thể thực hiện qua các cách khác. Chẳng hạn nếu đang cảm thấy mệt mỏi, buồn chán về tinh thần, bạn có thể vận động cơ thể một chút (đi bộ, bơi lội, ...), nhiều nghiên cứu chứng minh rằng cách làm này cũng có thể giúp bạn cải thiện tinh thần được ít nhiều.  Hoặc nếu bạn đang ở trạng thái bế tắc trước một phương án, lựa chọn hoặc quyết định nào đó, hãy tạm dẹp việc bạn đang làm sang một bên, dành ít thời gian ra bên ngoài đi dạo hít thở không khí trong lành hoặc chuyển sang làm một số công việc chân tay đơn giản (như mình hay làm là dọn dẹp nhà cửa, rửa chén bát, ...) thì sau đó bạn sẽ có được sự tỉnh táo, sáng suốt hơn.

Mọi sự kìm nén dù là vật chất hay tinh thần đều có những tác dụng ngược. Nếu bạn còn nhớ bài học Vật lý hồi trung học về định luật 3 Newton: Nếu tác dụng vào vật một lực thì vật sẽ tác dụng lại một phản lực có độ lớn tương đương. Vậy thì đâu có lý do gì mình phải tự "hại" chính mình bằng cách tích lũy những cảm xúc không tốt bên trong. Hãy đánh lạc hướng nó hoặc xả nó ra ngoài theo cách của bạn. ;-)

Chúc bạn may mắn! ^^

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét