Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm như sau:
Trường hợp đầu tiên, họ bỏ con ếch A vào một nồi nước lạnh, sau đó điều chỉnh nhiệt độ cho nước nóng dần lên. Ban đầu con ếch thấy mát, sau đó nước ấm từ từ khiến nó thích nghi dần và không phản ứng gì nhiều với sự thay đổi nhiệt độ. Và khi nước nóng hơn chút nữa, chú ếch đã dần tắt thở mà không có một phản ứng mãnh liệt nào.
Trong cái nồi thứ hai, người ta cho nhiệt độ lên đến 70 độ C và thả con ếch B vào. Thấy nước nóng, con ếch lập tức nhảy dựng lên và thoát ra ngoài.
Một trong hai con ếch trong thí nghiệm trên đã chết vì nó TRÌ HOÃN việc nhảy ra ngoài. Xem ra sự trì hoãn rất không tốt trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống phải không? Vậy tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về căn bệnh này nhé.
Hai con ếch, cùng kích thước và mức độ khỏe mạnh như nhau, cùng bị bỏ vào hai nồi nước nóng. Tại sao một con bị chết còn một con lại không?
Mấu chốt nằm ở việc điều chỉnh nhiệt độ: một bên là nhiệt độ tăng từ từ và một bên là ngay từ đầu đã cho con ếch tiếp xúc ngay với nước nóng.
Liên hệ với cuộc sống của chúng ta, bạn có thấy nó là một bài học rất đắt giá cho mình?
Để tôi kể cho bạn nghe thêm câu chuyện của chính mình. Một thời gian, tôi thấy họng mình tự nhiên sưng lên. Ban đầu, chỉ là một nốt hạch nhỏ trong cổ họng và hơi đau tí chút. Tôi chủ quan, nghĩ rằng chắc lại do viêm họng, amidan bị sưng nên không chịu uống thuốc, không chịu đi khám. Họng tôi sưng càng ngày càng to lên, đến mức không thể ăn nuốt thứ gì nữa tôi mới thực sự hoảng hốt. Sau khi từ phòng khám ra, tôi mới vỡ lẽ mình bị viêm hạch góc hàm (một chứng bệnh lạ kỳ tôi cũng không hiểu nguyên nhân từ đâu nữa), phải nhập viên để điều trị. Đợt đó tôi phải mất gần 2 tuần nằm viện mới hồi phục. Bác sĩ bảo rằng, giá như tôi đi khám sớm hơn thì có lẽ không phải dùng đến biện pháp kinh khủng là tiêm cho teo nhỏ nốt hạch đó.
Phải, “giá như” là cụm từ được sử dụng nhiều nhất khi ta tỏ ra hối tiếc về điều gì đó đã làm sai trong quá khứ, và mong muốn sửa chữa sai lầm.
Chúng ta cứ “tận hưởng” một cuộc sống nhàn nhã, phởn phơ mà không biết rằng nhiều nguy cơ đang tiềm ẩn đằng sau nó
Rất nhiều bạn trẻ là con ếch trong nồi nước lạnh
Bạn lười tập thể dục, ăn uống kém lành mạnh, hay thức khuya…Những thói quen này ăn sâu vào lối sống của bạn, nó dẫn bạn đến với các nguy cơ bệnh tật và sự suy giảm về thể chất. Thế nhưng một ngày còn chưa phải vào bệnh viện, bạn vẫn còn “ung dung” sống tốt, phải không?
Bạn không chịu học hành. Cuối đời bạn sẽ nghèo khổ. Nhưng bạn không thấy viễn cảnh đó trước mắt mình. Sự “nghèo khổ” đến với bạn một cách từ từ, cho đến khi bạn sống chung với nó mà không hề hay biết: nghèo về tâm hồn, về tinh thần và vật chất.
Bạn không quan tâm đến gia đình. Bạn khó chịu với bố mẹ, bỏ đi chơi khi mẹ vất vả ở nhà, đi học xa nhà không thèm về thăm quê…Đến một ngày một người thân nào trong gia đình ra đi, bạn có đau khổ và hối hận?
Chơi game thì bao giờ cũng dễ chịu hơn là làm một đống bài tập hay đọc một cuốn sách phải không?
Nguyên nhân sâu xa của những trường hợp trên là xuất phát từ việc thiếu kỹ năng sống. Bạn có bao giờ lưu tâm đến vấn đề này? Theo WHO, kỹ năng sống là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày”.
Kỹ năng sống là tập hợp các kỹ năng được rèn luyện hoặc kinh nghiệm thực tế được sử dụng để xử lý những vấn đề trong cuộc sống.
Nhiều người chúng ta không hề ý thức được điều này, vẫn sống bình thường, khỏe mạnh nhưng vô cùng vô bổ, lãng phí thời gian, cho đến một ngày chuyện tồi tệ ập đến. Một anh chàng ung dung lướt web, chơi game cho đến khi ra trường và sự thôi thúc mưu sinh bắt chàng ta phải lóc cóc đi tìm việc. Sự thiếu hụt về kỹ năng mềm cũng như kiến thức chuyên môn khiến anh chàng chật vật, liên tục bị các nhà tuyển dụng đánh trượt. Suy ngẫm ra “giá như hồi đó mình chăm chỉ học tốt hơn” thì đã muộn phải không?
Phải làm gì để ngăn ngừa các nguy cơ trước khi mọi chuyện tồi tệ ập đến?
Hãy CHỦ ĐỘNG trong cuộc sống của bạn:
Con ếch trong thí nghiệm thứ 2 được sống vì đã chủ động nhảy ra khỏi nồi nước sôi trước khi quá muộn. Nhưng lý do nó nhảy ra là vì nhiệt độ nước nó cảm nhận được quá bất thường với cơ thể. Trong cuộc sống của chúng ta, không phải lúc nào ta cũng nhận biết được nguy cơ rõ ràng như thế. Vì vậy bạn phải rèn luyện cho mình ý thức cao về nhận dạng các nguy cơ xảy đến trong cuộc sống. Chẳng hạn như nếu bạn kém cỏi trong giao tiếp, rụt rè, nhút nhát, bạn phải gắng tìm cách cải thiện mình vì nguy cơ của nhược điểm này là bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội kết bạn, khó khăn khi đi phỏng vấn tìm việc hay tạo các mối quan hệ giúp ích cho công việc của mình. Khi thấy được nguy cơ đó, bạn mới có thêm động lực để thay đổi bản thân, hướng đến một hình ảnh hoàn thiện hơn cho bản thân.
Thường xuyên nhìn nhận lại bản thân:
Bạn của hiện tại đã thực sự ổn chưa? Bạn bè nhận xét thế nào về bạn? Thầy cô có góp ý gì cho phong cách của bạn không? Nếu không thể tự nhìn nhận, hãy lắng nghe ý kiến từ những người xung quanh, bạn sẽ thấy được những điểm có “vấn đề” của mình để khắc phục.
Hạn chế các thói quen xấu:
Thói quen xấu có vẻ là vị khách khó ưa nhưng lại thân thiết nhất với bạn. Chúng ghé thăm bạn thường xuyên, làm chủ cuộc sống của bạn và dần hủy hoại nó. Những thói quen xấu rất được dễ chấp nhận vì hiện tại, nó chiều chuộng bạn theo lối sống bản năng và chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng lâu dài thì…Không ai đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra, phải không?
Chăm đọc sách về các bài học cuộc sống, phương pháp làm việc và cố gắng áp dụng chúng:
Sách bao giờ cũng là người bạn chân thành và sáng suốt nhất dành cho bạn. Hãy rèn cho mình thói quen đọc sách nhé, bạn sẽ hạn chế được các thói quen xấu khác và sống lành mạnh hơn.
Tham gia các lớp học kỹ năng sống, kỹ năng mềm:
Khi thiếu kỹ năng sống thì cách tốt nhất là bạn phải học. Một lớp học với các phương pháp cụ thể, học cùng với bạn của mình và được rèn luyện để áp dụng bài học ngay vào cuộc sống sẽ là phương án hợp lý nếu bạn cho rằng sách vở chỉ là lý thuyết. Nếu bạn có quyết tâm và nhận thức được sự cần thiết phải học.
Tuy nhiên, tất cả những điều trên chỉ là gợi ý. Nó sẽ vô nghĩa nếu ý thức nhận biết nguy cơ và tìm cách đối phó nguy cơ yếu ớt nơi bạn. Để tự cứu mình, bản thân bạn vẫn là quan trọng nhất, phải không?
“Điều đó tùy thuộc hành động của bạn, tùy thuộc vào bạn mà thôi”.
Nguồn: hanhtrinhdelta.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét