Càng ngày, xu hướng “dọn ra ở riêng” càng trở nên phổ biến đối với các bạn học sinh/sinh viên như một cách chứng minh sự trưởng thành.
Một cuộc sống như thường lệ là cái gì cũng có cha mẹ lo, quần áo có người dọn sẵn, cơm ngon canh ngọt dọn luôn 3 bữa mỗi ngày,... khiến nhiều cô/cậu khó mà dứt bỏ để mà trưởng thành. Tuy nhiên, thời buổi hiện nay giới trẻ đã hiểu chuyện hơn và muốn tự lập rất sớm, nhưng cũng không loại trừ một vài cá nhân thích tự lập vì bạn bè khiêu khích hay không muốn thua kém. Ấy vậy dẫu sao việc tự lập cũng là một ý tưởng không đến nỗi tồi. Nó giúp bạn có một cái nhìn mới về cuộc sống và sẽ nhận ra được thật sự bạn vẫn còn rất "bé con" ở một vài vấn đề, thậm chí là trong việc học.
Thời gian đầu bạn cần làm quen với rất nhiều thứ, lịch hoạt động gần như phải sắp xếp lại toàn bộ, việc học cũng có thể bị kéo hụt do chưa quen. Vì thế bạn cần quản lý chặt chẽ. "Từ khi tự lập, mình bắt đầu biết được hóa ra cuộc sống này quá khó khăn. 2 tháng đầu mỗi lần ngồi trên lớp là đầu óc cứ phải suy nghĩ xem tháng này tại sao tiền điện lại quá cao, tiền nước rốt cuộc "trôi" về chốn nào, quần áo với giày dép mình đã lỡ vung quá tay làm lố cả tiền học phí, rồi hậu quả là vắt óc suy nghĩ giải quyết tình hình làm bị nợ 2 môn. Nhưng rồi từ từ cũng quen, mình thấy bản thân cải thiện được tính xài sang, cẩn thận trong mọi thứ" - Ngọc Tiêu (sinh viên năm hai trường Nhân Văn TP.HCM).
Tự lập – còn quá gian nan
Mặc dù nhà ở Hà Nội nhưng Thành Nam (ĐH KTQD) vẫn nhất quyết đòi bố mẹ cho ra ngoài ở riêng. Cậu sống ở căn hộ chung cư được mua bằng tiền của bố mẹ, hằng tháng nhận tiền trợ cấp bố mẹ gửi qua tài khoản. Nhưng do không quen với chuyện nấu nướng hay tự giặt quần áo nên chỉ sau hai tháng “lăn lộn” ở các quán ăn ngoài đường, đống quần áo tích trữ cả tuần mới mang ra tiệm giặt thì cậu bạn đã gầy rộp đi trông thấy. Bố mẹ thương quá bèn sang đón về nhà, Thành Nam cũng gật, vì biết mình chẳng thể sống xa gia đình được.
Còn Yến Trang (THPT Hàn Thuyên) sớm có một công việc làm thêm khá ổn, đó là vẽ minh họa cho một vài tờ báo tuổi teen. Công việc khá nhàn, lại đúng đam mê và sở thích, nhất là mức lương cực ổn nên Trang chủ động xin “rút” khỏi danh sách “trợ cấp tài chính” của gia đình từ năm trước.
Nhưng thời gian gần đây, chuyện trường lớp bận rộn, chuyện chia tay "gà bông" khiến Trang suy sụp, cô bạn không thể tập trung vẽ và bởi thế, khoảng lương thường lệ cũng biến mất theo. Trang không dám ngửa tay xin tiền bố mẹ vì từ lâu đã “mang tiếng” tự lập. Cô bạn chọn cách vay tiền bạn bè và nhắm mắt gánh chịu cả đống áp lực đổ lên đầu.
Tự lập – câu chuyện cũ, lời khuyên mới
Học cách quản lý: Sống tự lập, nghĩa là bạn phải tự giác “chỉnh đốn” mình trong mọi hoạt động, từ chuyện sinh hoạt hằng ngày đến các khoản chi tiêu hằng tháng. Hãy “hạch toán” chúng trong một cuốn sổ nhỏ để có thể nhìn lại khi cần thiết, phát hiện lỗi sai và nhanh chóng sửa chữa.
Tự lập từ những điều rất bé: Đâu phải cứ ra ngoài ở riêng, tách khỏi vòng tay chăm sóc của bố mẹ nghĩa là bạn đang sống tự lập. Bạn hoàn toàn có thể chứng minh khả năng đó bằng những cách khá đơn giản như tự mình chuẩn bị những bữa ăn ngon cho nhiều người, tự mình giặt quần áo và ủi đồ, tự mình kiếm tiền từ những công việc làm thêm lớn bé, đảm đương vài vị trí quan trọng ở lớp trường...
Tự do có chừng mực: Không có ai ở bên đốc thúc hay nhắc nhở, bạn vui vẻ vì được tự do, thoải mái. Nhưng tuyệt đối không thể để sự tự do ấy vượt quá giới hạn cho phép. Hãy đưa mình vào khuôn khổ, dù đó chỉ đơn giản là một khuôn khổ của một đứa con ngoan-vừa-đủ. Nghĩa là biết nghĩ cho mình, biết nghĩ cho gia đình, bạn nhé!
Cầu cứu cũng cần phải học: Đừng nghĩ rằng sống tự lập, (dù toàn bộ hay chỉ ở một khía cạnh nào đó) có nghĩa là bạn không thể nhận được sự giúp đỡ từ bố mẹ nữa. Đó là những người thương yêu ta nhất và họ luôn sẵn sàng ở bên ta, giúp đỡ ta và nhìn thấy ta trưởng thành. Hãy chia sẻ những khó khăn để cùng nhau giải quyết thay vì ôm khư khư một mình, bạn nhé!
Theo Kenh14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét