Với hơn 13 triệu dân nhưng chiếm gần 40% tỉ lệ người đoạt giải Nobel toàn thế giới, Israel được cho là một dân tộc thông minh nhất thế giới. Một trong những “bí quyết” đó là cách nuôi dạy con thông minh ngay từ thuở nhỏ.
Tự cho trẻ cách sống tự lập là một trong những phương pháp giáo dục trẻ tại Israel. Ảnh minh họa
Nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Israel, ngày 30/6 tại Hà Nội đã diễn ra buổi Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp nuôi dạy con của các bà mẹ Israel. Buổi Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh đang nuôi con nhỏ.
Xu hướng trẻ con được độc lập
Một trong những điều giúp trẻ em Israel có những suy nghĩ tự lập, thông minh là được hoàn toàn tự do bộc lộ ý tưởng, quan điểm của mình trước bố mẹ, thậm chí những ý tưởng đó trái với những gì mà bố mẹ chúng mong muốn. Kinh nghiệm từ bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam cho thấy, bản thân bà có 3 người con, với những phương pháp giáo dục khác nhau, 3 đứa lớn lên sẽ có những nhận thức cũng khác nhau.
Bà Meirav Eilon Shahar nhận định, bố mẹ nào cũng mong điều tốt đẹp đến với con cái, cũng muốn điều chỉnh, xây dựng một phương pháp giáo dục cho con tốt nhất trong một thế giới đầy biến động. Nhưng quá trình này cần điều chỉnh lâu dài.
Bà Meirav Eilon Shahar chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con với các bà mẹ trẻ tại Hà Nội. Ảnh Xuân Trung
Trong cuộc sống, nhiều lúc cha mẹ ép con phải thực hiện điều này, điều kia, nhưng ở Israel thì không có chuyện đó. Ngược lại, bà Meirav Eilon Shahar cho biết, ở đất nước bà, người ta tìm một cách khác để cho con có được những cách làm không giống với những điều mà cha mẹ mong muốn.
Ở đất nước với 3/4 là sa mạc, dân số chủ yếu là người Do Thái, trong các phương pháp nuôi dạy con không chỉ giờ mới có mà đã được ghi chép từ những năm 200-250 SCN trong sách Talmudh và Kinh Koran.
Bà Meirav Eilon Shahar cũng chia sẻ một điểm chung mà các cha mẹ ở Việt Nam và Israel đều rơi vào, đó là trẻ con thường lấy cha mẹ, thầy cô là một hình mẫu, kể cả trong cách nói chuyện và hành động đều chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đây. Do đó, cha mẹ có sự ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Sự phát triển nhân cách đó đặt trong thời đại CNTT, khoa học phát triển thì tính cách của trẻ sẽ ngày càng phức tạp, thậm chí bố mẹ chúng đôi khi không theo kịp sự phát triển này. Đó là một xu hướng dẫn đến trẻ con được độc lập hơn.
“Tôi có ba đứa con, mỗi đứa có cách giáo dục bằng phương pháp khác nhau, do đó cách nhận thức của ba đứa cũng khác nhau. Điều đó cho thấy, dạy con không còn là một phương pháp áp đặt cho tất cả, các con cần được tôn trọng ở các ý tưởng, mặc dù ý tưởng đó khác với ý tưởng của bố mẹ, thậm chí các con có thể tranh luận với bố mẹ để tạo nên suy nghĩ sáng tạo, không còn là một khuôn mẫu nữa” bà Meirav Eilon Shahar nói về kinh nghiệm giáo dục con của mình.
Ở đất nước luôn coi trọng giá trị gia đình và những giá trị riêng của từng thành viên này, Israel được coi là nước có nền giáo dục tiên tiến. Bản thân bà Meirav Eilon Shahar là một nhà ngoại giao, công việc đi thường trú tại nhiều nước, với mỗi nước bà đều dạy cho con mình cách thích nghi với môi trường sống. Đặc biệt giáo dục cho con biết quan tâm lẫn nhau.
Điều đó chẳng khác nào đối xử với con của mình như một người lớn, tạo cho con có một trách nhiệm, từ đó có ý thức hơn. Nhưng “dù sao trẻ con vẫn là trẻ con nên phải được vui chơi, trách nhiệm quy định cũng chỉ ở mức độ nhất định. Thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển thiên hướng và định hình hướng đi lâu dài cho trẻ” bà Meirav Eilon Shahar chia sẻ.
Ngoài ra, một cách giáo dục nhằm tăng tính tư duy của con là khuyến khích con đặt câu hỏi, con hỏi càng nhiều càng tốt. Vì ngoài nghĩa vụ là quyền lợi được tôn trọng, quyền được thất bại thì còn có quyền có ý kiến riêng.
“Thất bại kể cả người lớn và trẻ em đều phải trải qua, trẻ con có thể được thất bại nhưng người lớn không được phán xét mà coi đó là cơ hội để học thành công”.
Một số quan niệm nuôi dạy con “độc đáo” của người Do Thái
Ở Việt Nam phần lớn quan niệm thương con là phải chiều chuộng, con đòi gì được nấy, làm hết phần việc của con mà đáng ra con phải làm... Qua chia sẻ của bà Meirav Eilon Shahar thì ở đất nước Israel hoàn toàn ngược lại, họ đều có phương pháp giáo dục con để tạo sự độc lập trong cách sống. Ở Israel trẻ em 2 tuổi có thể làm được mọi việc sinh hoạt cá nhân, bố mẹ không phải lo.
Điều này cũng được thể hiện qua việc giới trẻ ở Israel khi đến 18 tuổi có bạn trai hay gái đều được ra ở riêng. Cứ hàng tuần, tới chiều thứ 6 phải trở về gia đình để ăn cơm, trước khi ăn cơm người bố thường đọc Kinh, trong nội dung đó nhắc lại cho người con phải biết ơn ông bà, bố mẹ đã sinh ra con. Nhờ có mẹ mới giữ được ngọn lửa cho gia đình. Điều này lặp đi lặp lại liên tục trong quãng đời của người con và giúp cho người con thêm gắn bó với gia đình hơn.
Bà Lại Thị Hải Lý, chuyên gia giáo dục có nhiều năm kinh nghiệm sống và làm việc tại Israel chia sẻ những điều tai nghe, mắt thấy về cách nuôi dạy con của phụ nữ Israel rằng, người Israel yêu thương con phải lựa chọn hai tình yêu: Tình yêu dòng nước mát và tình yêu dòng máu đào.
Người Israel quan niệm, khát nước thì có thể uống và chỉ là nhất thời nhưng máu đào đổ vào có thể yêu con, đem lại lợi ích suốt đời cho con, đào tạo đứa trẻ trở thành bản lĩnh thực sự mạnh mẽ trong đường đời.
Người mẹ Do Thái nói rằng “phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm”, vì họ có ba điều mà người mẹ không nên làm với con. Thứ nhất là không thỏa mãn trước, không thỏa mãn tức thời yêu cầu của con, không thỏa mãn quá mức yêu cầu của con.
Giải thích vì sao người phụ nữ Do Thái không thích phụ huynh 100 điểm, vì cho rằng cha mẹ “ăn giấu” 20% tình yêu con trở thành những người có lí chí, có khoa học, có nghệ thuật, như vậy phụ huynh mới tuyệt vời. Ở Israel có những trường quý tộc nhưng lại đào tạo và rèn luyện cho học sinh biết được khó khăn, thử thách. Đó lí giải vì sao 20% “ăn giấu” của phụ huynh thường không được biết tới.
Và người Israel tự đưa ra công thức cho chỉ số vượt khó AQ của họ là: 20% IQ + 80% (AQ + EQ) = 100% thành công.
Bên cạnh đó, người dân Israel luôn có những suy nghĩ làm sao phát huy hết được tối đa năng lực của mỗi người. Mặc dù là nước có dân số ít nhưng Israel luôn là nước dẫn đầu thế giới về những người tài giỏi, ví như Albert Einstein, Karl Marx (nguồn gốc từ Israel),...
Những người Israel tin rằng, ở môi trường nào có điểm số tốt sẽ là trường học tốt, trường học tốt sẽ có tấm bằng đẹp, tấm bằng đẹp sẽ có công việc tốt, nhưng công việc tốt khác với người có sự nghiệp thành công.
Những bà mẹ Do Thái luôn nhớ một câu châm ngôn “Con Lừa thồ sách”, ý muốn gửi một thông điệp tới các con rằng: “Nếu chỉ đọc sách mà không ứng dụng nó trong cuộc sống thì cũng chỉ là trí tuệ chết mà thôi”.
Để kết thúc cho bài viết này, xin được trích dẫn một câu nói nổi tiếng của người Israel rằng: “Bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con. Tuyệt đối không rơi vào căn bệnh 421 (Một đứa con khiến cả gia đình phải lo đó là bố mẹ, ông bà, điều đó chẳng khác cha mẹ sẵn sàng là nô lệ của con)”.
Xuân Trung
Nguồn: giaoduc.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét