Tôi có một câu hỏi nhỏ dành cho bạn: “Bạn sẽ làm gì khi có một loạt các câu hỏi về công việc, gia đình, sức khỏe vv…?”. Câu trả lời sẽ là: “Việc cần làm là tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi đó.” Kỹ năng đặt câu hỏi là một kỹ năng mềm cơ bản mà ta phải biết và sử dụng thường xuyên trong mọi lúc. Thế nhưng việc rèn luyện kỹ năng này thì không phải dễ.
“Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Hỏi để biết, hỏi là bước đầu từ của việc học. Làm sao bạn có thể biết nếu bạn không hỏi nhỉ? Đương nhiên ngày nay bạn có thể vào Google search.
Nhưng thông thường nếu bạn muốn biết, bạn phải hỏi. Là một người có khả năng học, chúng ta không chỉ thu thập thông tin hay đơn giản tin vào những gì người khác nói, viết, thậm chí báo đài, Tivi, quảng cáo, phim ảnh vv.. Thông tin phải được chọn lọc, đối chiếu, kiểm tra và hệ thống hóa thì mới thành kiến thức.
Có những kiến thức chỉ giúp chúng ta tồn tại, trong khi những kiến thức khác giúp chúng ta tạo sự khác biệt. Trong các buổi hội thảo chuyên đề, tôi thường hay nói, “kiến thức tổng quát giúp bạn tồn tại, kiến thức chuyên môn giúp bạn tạo ra giá trị cho bản thân và khả năng tự học hỏi sẽ giúp bạn có nhiều câu trả lời hơn cho một câu hỏi, điều mà tất cả chúng ta phải tìm kiếm cả đời.Câu trả lời đúng cho từng câu hỏi để hành động đúng cho từng tình huống”.
Khi bạn gặp khó khăn về tiền bạc, bạn học được những khái niệm, ý tưởng mới về tài chính sẽ giúp bạn cải thiện tình hình tài chính, giúp bạn thoát khỏi khủng hoảng. Hoặc khi bạn học về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bán hàng sẽ giúp bạn bán hàng nhiều hơn, giao tiếp tốt hơn và có nhiều mối quan hệ hơn vv… Nhưng thật đáng buồn, nhiều người đã nghĩ rằng học chỉ là giai đoạn, ngay khi họ rời khỏi ghế nhà trường với văn bằng Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ nghĩa là giai đoạn học hỏi của họ đã xong và họ không cần phải học nữa. Thực tế “những điều chúng ta biết không bao giờ đủ cho những gì chúng ta cần” John C. Maxwell. Tất cả những gì chúng ta biết hôm nay là kết quả những gì chúng ta học ngày hôm qua, những gì chúng ta học hỏi hôm nay sẽ quyết định những gì chúng ta thấy ngày mai.
Xe cần xăng để chạy, con người cần ăn uống để sống, não chúng ta cũng cần có thông tin và kiến thức để tư duy. Nó được tạo ra để thu thập thông tin và kiến thức, nên nó có một khả năng vô hạn để làm điều này. Sau khi đọc xong bài viết này, hãy làm một cam kết với bản thân để giải phóng tiềm năng vô hạn đang tiềm ẩn trong não bộ của bạn. Tôi muốn thách thức bạn thực hiện điều này một cách đều đặn mỗi ngày dành 30 phút để đọc sách, hoặc nghe sách. Vào cuối tuần hãy xem lại cam kết và đánh giá xem bạn cảm thấy thế nào, bạn đã học được gì?
Để việc thực hiện cam kết được dễ dàng hãy
1. Viết ra 10 đến 20 đề tài mà bạn đã từng muốn biết thêm, muốn tìm hiểu sâu hơn về nó nhưng chưa tiến hành.
2. Viết ra các giá trị mà những đề tài trên có thể mang lại cho bạn
3. Chọn trước 3 đề tài hấp dẫn nhất từ 10 đến 20 đề tài trên
4. Liệt kê ra các hình thức để học 3 đề tài này, có thể đọc sách, tham gia khóa học, tìm kiếm thông tin trên mạng, tham gia vào câu lạc bộ, diễn đàn, thậm chí tìm một dự án để thực hiện thử, hoặc tìm sự chia sẻ từ những người đi trước và có kinh nghiệm.
5. Ấn định thời gian bắt đầu và hoàn tất 3 đề tài này
6. Phân bố thời gian và lịch học cụ thể mỗi ngày. Hãy nhớ những gì lên lịch là những thứ sẽ được hoàn thành.
Bạn càng học nhiều trong cuộc sống bạn càng có khả năng làm chủ cuộc đời mình. Hãy là người có khả năng học hỏi để hoàn tất nhiều mục tiêu hơn trong cuộc sống. Mỗi người chúng ta gặp đều có thể dạy cho ta một điều gì đó.
Và “Nếu một người quyết định rót tài sản vào trong đầu anh ta, sẽ không có ai thể lấy nó đi khỏi anh ta. Và đầu tư cho kiến thức luôn là đầu tư có lãi cao nhất” – Benjamin Franklin
Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sau. CHÚC BẠN THÀNH CÔNG VỚI SỰ HỌC CỦA MÌNH.
Nguồn: kenhsinhvien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét