Hạnh phúc không đến từ những điều lớn lao, mà chỉ đơn giản là việc có một người bạn đồng hành (Ảnh: Phim “Up”)
Nhà nghiên cứu Iris Mauss và các đồng nghiệp đã tiến hành các nghiên cứu về tình trạng thiếu sự thỏa mãn trong hành trình đi tìm hạnh phúc khi chúng ta có quá nhiều tiêu chuẩn và kỳ vọng. Hãy xem xét trường hợp của Tom, một người thông thái có thể nói được vài chục ngôn ngữ, và là một người ám ảnh với quá trình tìm kiếm hạnh phúc, khao khát một sự nghiệp và cuộc sống hoàn hảo
Tom theo đuổi ngành khoa học máy tính tại đại học, nhưng không thỏa mãn. Trong hai năm từ khi tốt nghiệp đại học, ông từ làm việc cho Liên Hiệp Quốc, chuyển qua một công ty khởi nghiệp Internet ở New York, làm công việc quản lí siêu thị, tư vấn, đầu tư mạo hiểm, sống ở Puerto Rico, Trinidad, Colombia và Canada. Thêm một năm, ông bắt đầu diễn hài độc thoại trên sân khấu, dự định theo đuổi ngành giáo dục, triết lý, quản lí, tâm lý học tại London. Nhưng tất cả những sự lựa chọn đó đều không làm ông hạnh phúc. Ông bắt đầu lập trình một công cụ online để giúp mọi người duy trì thói quen hiệu quả hơn. Ông chuyển sang Bắc Kinh. Sau hai năm, ông thấy không phù hợp với văn hóa và lối sống Bắc Kinh, nên chuyển đến Đức và dự định thành lập một ký túc xá đại học và một quán bar. Trong hai năm tiếp theo, ông di chuyển từ Montreal đến Pittsburgh, sau đó quay trở lại Đức và tạo một trang web giúp các cặp vợ chồng dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Vẫn không hài lòng, ông từ bỏ kế hoạch và trở lại Bắc Kinh để buôn bán nội thất văn phòng. Những năm tiếp theo ông di chuyển từ lục địa này qua lục địa khác mong tìm hạnh phúc.
Theo các nhà nghiên cứu, có bốn sai lầm phổ biến mà Tom mắc phải trên con đường đi đến hạnh phúc.
Sai lầm đầu tiên là việc phân tích liệu bản thân có hạnh phúc không ở thời điểm hiện tại. Nghiên cứu của Mihaly Csikszentmihalyi về “the flow” (dòng chảy) cho thấy khi quá nhập tâm vào các hoạt động mà chúng ta tin rằng sẽ mang đến hạnh phúc, chúng ta sẽ vô tình quên mất cảm giác hạnh phúc. Điều này cũng tương tư với việc khi đắm chìm vào một quyển sách hay, chúng ta quên mất thời gian và lơ đi mọi thứ xung quanh. Nghiên cứu của KatariinaSalmela-Aro và Jari-Erik Nurmi cho thấy khi trầm cảm, con người có xu hướng đánh giá những công việc hàng ngày là nhàm chán, và họ thường xuyên đăy nghiến bản thân về sự nhàm chán này, và chỉ làm cho tình trạng trầm cảm tồi tệ hơn.
Đối với Tom, vì quá chú tâm tập trung vào công việc, ông đã quên mất việc tận hưởng niềm vui từ công việc, về những lợi ích mà công việc đem đến cho cộng đồng. Thêm vào đó, khi Tom so sánh và phân tích “Liệu mình có đang hạnh phúc hơn so với công việc trước đó không?”, vô hình chung, Tom đã mắc một sai lầm quan trọng: thay vì trải nghiệm hạnh phúc, ông lại chuyển qua trạng thái đánh giá khắc khe. Điều này khiến Tom không bao giờ thoả mãn với hiện tại.
Sai lầm thứ hai là đánh giá quá cao sự liên kết giữa hoàn cảnh sống và hạnh phúc. Như nhà tâm lí học Dan Gilbert giải thích trong sách “Stumbling on Happiness”, con người có xu hướng đánh giá quá cao các sự kiện cuộc sống có khả năng mang lại niềm vui. Chúng ta thường nghĩ rằng nếu như mình có người yêu tuyệt vời, hoặc nếu bỗng dưng trúng vé số, cuộc sống sẽ trở nên hạnh phúc và tuyệt vời mãi mãi, mà quên mất đây chỉ là những hạnh phúc tạm thời. Mỗi lần Tom chuyển tới nơi ở mới hay có một công việc mới, Tom có thể rất vui vì có được trải nghiệm mới, nhưng trong vòng một vài tháng, thực tế làm ông nhận ra: trải nghiệm này đã không còn thú vị.
Sai lầm thứ ba là tập trung theo đuổi hạnh phúc cá nhân. Hạnh phúc là một trạng thái mà khi theo đuổi, chúng ta sẽ tập trung vào bản thân nhiều hơn. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu cho thấy khi con người quá chú trọng vào bản thân sẽ dẫn đến tình trạng làm hao mòn hạnh phúc và gây ra trầm cảm. Trong một nghiên cứu, Mauss và các đồng nghiệp cho thấy càng quan trọng hóa hạnh phúc, chúng ta càng cô đơn. Khi Tom thay đổi công việc và nơi sống của mình để tìm kiếm hạnh phúc, ông đã để lại sau lưng những người thật sự làm ông hạnh phúc.
Sai lầm cuối cùng là việc đi tìm những xúc cảm mạnh mẽ. Nhiều người nghĩ rằng chỉ có những trạng thái như sự vui sướng, say mê, hứng khởi tột độ mới có thể đem lại hạnh phúc. Tuy nhiên, nghiên cứu của Ed Diener cho thấy sự thường xuyên (frequency) mới là tác nhân quan trọng chứ không phải cường độ (intensity). Điều này nghĩa là nhiều niềm vui nhỏ bé và đơn giản trong thời gian dài sẽ tốt hơn một sự việc rất lớn đến bất ngờ. Khi mãi mê tìm kiếm những sự kiện lớn, chúng ta đã vô tình đặt ra tiêu chuẩn quá cao, và quên mất những niềm vui đơn giản thường ngày. Thêm vào đó, vì kỳ vọng quá cao, chúng ta dễ rơi vào trạng thái chán nản thường xuyên hơn. Đối với Tom, vì quá chú trọng vào việc tìm kiếm một công việc hoàn hảo và nơi ở lý tưởng mà ông đã không thể cảm nhận niềm vui ở công việc ông hiện có và nơi ông đang sống.
Hiện tại, lần đầu tiên trong hơn một thập kỉ, Tom nói rằng ông đang cảm nhận được hạnh phúc. Thay vì theo đuổi hạnh phúc cho riêng mình, ông đã lập gia đình với người ông yêu. Ông đã không còn đánh giá hạnh phúc của mình mỗi ngày và theo đuổi các công việc hoàn hảo, ông đã học cách hài lòng trong việc giúp đỡ vợ mình thành lập một công ty. Ông đã không còn thay đổi nơi sống từ nơi này sang nơi khác, như theo lời khuyên của nhà tâm lý học Ken Sheldon và Sonja Lyubormirsky: “Thay đổi hành động của bạn, không phải hoàn cảnh của bạn.”
“Nếu bạn muốn sống hạnh phúc, nghĩ về hôm nay; Nếu bạn muốn sống ý nghĩa, nghĩ về hôm qua và ngày mai.”
Chúc tất cả chúng ta tìm thấy cuộc sống theo ý mình.
Nguồn: Viet Psychology
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét