Lượn lờ các trang báo Dân Trí, VnExpress các chuyên mục Xã hội, Thời sự hay Tiêu điểm luôn làm tôi “khủng hoảng” theo đúng nghĩa. Không cha giết con, bỏ thai nhi ở cống thì cũng bác sĩ giết bệnh nhân, công nhân đình công, cầu này sập, khu kia hỏa hoạn, kinh tế suy thoái, v.v… Liệu phải chăng Xã hội ta đang “trên đà” đi xuống, phải chăng giới trẻ ta đang đình trệ?
Hàng nghìn người xô đẩy và chen lấn cho suất ăn sushi miễn phí tại Hà Nội (Ảnh: Jenny, 28/10/13)
Tôi đại diện cho thế hệ đầu 9x, xin mạn phép phân tích Việt Nam và giới trẻ Việt Nam dưới góc độ Tâm lý xã hội (Social Psychology), những điểm chưa đựợc tốt và cũng có những điểm đáng tự hào. Bài viết có lấy một số thông số của tóm tắt Nghiên cứu Xã hội học, Đại học Tổng hợp Warszawa Balan. (1)
1. Chuẩn mực xã hội (Social Norms)
Chuẩn mực xã hội là quy tắc, “luật bất thành văn” (informal understandings) xác định các kiểu hành vi được chấp nhận trong một xã hội, một nhóm người. Chắc hẳn bạn không lạ gì với Chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam xưa, “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Còn trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2012-2017) đã để ra mục tiêu xây dựng “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu”(8 chuẩn mực). (2)
Có thể chia Chuẩn mực xã hội thành hai nhóm: (3)
Lề thói (Descriptive Norms): Là những quy tắc và chuẩn mực không chính thức mà nếu vi phạm sẽ không tạo ra lỗi nhưng nên tuân thủ theo. Đó là một dạng điều chỉnh, tương thích với thói quen. Nó không gây ra những sự trừng phạt hay cấm đoán, mà chỉ là những cảnh báo hoặc khiến trách.
Tập tục (Subjective Norms): Cũng là những quy tắc bất thành văn nhưng tạo ra những sự trừng phạt nghiêm khắc và những chế tài trừng phạt xã hội lên các cá nhân như việc loại bỏ khỏi xã hội và tôn giáo.
Tập tục mỗi vùng miền, mỗi tôn giáo một khác, tôi xin mạn phép không tìm hiểu sâu. Hãy cùng nhìn nhận Lề thói trong Xã hội Việt Nam và giới trẻ Việt.
Một ví dụ điển hình đó là Văn hóa Xếp hàng. Tại Singapore, trẻ nhỏ đã được “thừa hưởng” thói quen xếp hàng. Họ xếp hàng ở mọi lúc mọi nơi, khi đi Vệ sinh, khi Thanh tóan, chờ Taxi; không lời than vãn, không xô đẩy, đối với họ, đó là “Courtesy.” Ở Việt Nam, ta chưa thấy nhiều sự Tự giác. Còn có rất nhiều thói quen xấu, những “lệch chuẩn” làm cho ngừơi Việt ta trở nên “xấu xí” trong mắt người nước ngoài. (4)
Cảnh xếp hàng của người dân khi đến viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Kenh14)
Tuy vậy một bộ phận không nhỏ người Việt vẫn tiếp tục phát huy và gìn giữ các chuẩn mực tốt. Những hình ảnh Sân Nhà tang lễ Quốc gia chật ních trong trật tự, dòng người trên các tuyến phố xếp hàng dài dặc trang nghiêm để được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (5) , hình ảnh Thanh niên tình nguyện trong màu áo xanh phục vụ trong ngày Quốc tang nói lên điều gì? (6)
Việc khó là làm sao để lan tỏa nó tới phần lớn Xã hội. Việc giảng dạy bộ môn Đạo đức và Công dân tại Việt Nam liệu có phải là một hướng đi có tương lai?
Là thế hệ của tương lai, chúng ta mang trọng trách cải thiện và phát huy những chuẩn mực Xã hội tốt để Việt Nam “đẹp” trong mắt bạn bè quốc tế.
2. Bản sắc người Việt (Social Identity)
Lý thuyết về Bản sắc Xã hội (Social Identity Theory) được phát triển bởi Henri Tajfel giúp phân loại con người vào các nhóm có ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ và hành vi.
Tôi xin lấy đánh giá chung đó là, con người Việt Nam có những nét tính cách truyền thống như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, coi trọng tình nghĩa, cần cù, hiếu học đã tạo nên lịch sử đặc trưng của Việt Nam. (7).
“Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, nghe thật giản đơn nhưng tràn đầy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình. (8)
Đọc báo mạng những khi Mùa thi Đại học kết thúc (9), câu chuyện về những sinh viên hiếu học, đầy nghị lực vựợt vũ môn là ví dụ tiêu biểu cho nét đẹp này của người Việt. Những chàng thủ khoa nghèo vượt trăm km để đến trường thi, những tân sinh viên bật khóc không phải vì thi đỗ mà vì đỗ rồi nhưng lấy tiền đâu ra để nuôi giấc mơ đại học, những chiếc xe lăn, nạng không quản giọt mồ hôi vượt khó. Và không thể quên được những người cha đạp xích lô nuôi con ăn học, những người mẹ tần tảo lam lũ để con sau này không phải khổ như mình.
Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận giới trẻ hiểu sai lệch và có những hành động phản cảm để tạo ra “sự khác biệt”, “khẳng định đẳng cấp” (group status differences) của nhóm mình. Tôi có đọc lướt bài báo về sinh viên chụp ảnh kỷ yếu phản cảm tại các Di tích văn hóa, lịch sự. (10) Âu cũng là sự bồng bột tuổi trẻ, nhưng phải chăng họ đang “đấu tranh nội tâm” để tìm sự khác biệt trong những bức tranh nhân bản.
“Giả vờ khỏa thân” – Bức ảnh nằm trong loạt hình kỷ yếu chụp tại Hoàng thành đang gây tranh cãi của các bạn sinh viên
3. Tự do cá nhân và Tự do ngôn luận – Sự bất hòa (Cognitive dissonance)
Sự bất hòa nhận thức là sự khó chịu khi đồng thời giữ hai hoặc nhiều hơn những nhận thức có mâu thuẫn: những ý tưởng, niềm tin, giá trị hoặc cảm xúc. Trong tình trạng bất hòa, ta có thể cảm thấy “mất cân bằng”: thất vọng, sợ hãi, cảm giác tội lỗi, tức giận, bối rối, lo lắng, vv
Giới trẻ có vẻ như nhầm lẫn giữa mối quan hệ của Tự do cá nhân (theo họ đó là cách sống thoải ái, ít trách nhiệm và ràng buộc) cùng Tự do ngôn luận (lý tưởng Xã hội). Giới trè có cơ hội tiếp xúc với Văn hóa phương Tây nhiều hơn và sự ảnh hưởng trong suy nghĩ cũng như nhận thức là không tránh khỏi. 65% thanh niên ủng hộ Tự do cá nhân nhưng với Tự do ngôn luận chỉ có 28,2% ủng hộ.
Một thời rải rác trên báo mạng những “phát ngôn gây sốc” của Hot girls, hot boys (11) (12)(13). Vậy đâu là giới hạn để tránh sự bất hòa trong nhận thức.
Theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, chính phủ một quốc gia cần đảm bảo các quyền con người cơ bản (như các quyền dân sự và chính trị, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do phát ngôn, quyền lập hội…) (14) Tự do không phải là vô hạn mà được hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. (15) Đơn giản bởi vì, Quyền đi liền với Nghĩa vụ (16)
4. Khái niệm bản thân (Self-concept)
Khái niệm bản thân là cách mỗi cá nhân hình dung chính mình là người như thế nào (có thể gọi là hình ảnh bản thân) và chúng ta soi theo đó mà hành động. (17)
Thực tế đáng buồn rằng thanh niên Việt Nam có vẻ quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn các vấn đề chung. 68% thấy tinh thần trách nhiệm với người khác, Xã hội là không mấy quan trọng. Tương tự, chỉ 46,7% sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Lấy ví dụ một vấn đề nóng bỏng vừa xảy ra, vụ cháy Zone 9, cháy nhỏ thương vong quá lớn. Nguyên nhân vụ cháy là do đâu? Cơ quan an toàn lao động tại hiện trường cho thấy, quá trình thi công, xây dựng tại quán bar này, các công nhân đã vi phạm các quy định về an toàn lao động, PCCC. Công nhân thi công hàn xì, song vô tư để xung quanh đó nhiều vật dễ cháy (mút, xốp), không che chắn theo quy định nên gây hỏa hoạn. (18) Những ngừơi công nhân liệu có suy nghĩ đến hậu quả tồi tệ xảy ra cho người xung quanh, cho Xã hội từ những hành động bất cẩn của họ hay không? Có thể họ biết, nhưng họ không quan tâm. Chính sự vô tâm “ngây thơ” đã để lại hậu quả khôn lường.
Hay Dự án mở rộng QL1A, thi công ẩu, dân khốn khổ cũng là một ví dụ hay (19). Không chỉ là chuyện ngừơi công nhân làm thuê nữa mà là Ngành, Sở, Bộ. Sự cẩu thả trong thi công, triển khai, giám sát làm người tham gia giao thông khốn đốn trước tử thần rình rập.
5. Kết
Tôi nghe nhiều về Tái cơ cấu kinh tế, Tái cơ cấu doanh nghiệp (Reengineering), bước tiến nào cho Xã hội?
Tái cơ cấu Xã hội, bắt đầu từ Tái cơ cấu chính mình.
Gao Ng
Nguồn: vietspy.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét