(Viết tiếp câu chuyện về chữ Tôi :)... )
Có một câu chuyện về chữ TÔI như sau:
"Một hôm chữ TÔI (我) bị mất đi một nét phẩy và biến thành chữ TÌM (找).
Nó quyết định đi tìm nét phẩy ấy.
Nó tìm kiếm và hỏi rất nhiều người...
Thương nhân nói nét phẩy ấy là Tiền bạc.
Chính trị gia thì nói đó là Quyền lực.
Minh tinh nói nó là Danh vọng.
Quân dân thì nói đó là Danh dự.
Nông dân nói là Bội thu.
Công nhân thì nói đó là Tiền lương.
Và Học sinh nói đó là Điểm thi
...
Chữ TÔI (我) hoang mang, chẳng lẽ đó là nét phẩy mà tôi cần tìm!?
Nó cảm thấy đó ko phải là nét phẩy mà nó cần tìm.
Thế là chữ TÔi (我) cứ mãi đi tìm nét phẩy của riêng mình."
Khi đọc câu chuyện này, mình đã tự hỏi liệu đâu mới thật sự là chữ Tôi đầy đủ?
Cái Tôi của một con người thường có hai cách hình thành: Tự mỗi người kiến tạo hoặc Do mọi người xung quanh dựng nên:
+ Cái Tôi do mọi người xung quanh dựng nên: Đây là cái Tôi dễ bắt gặp trong cuộc sống thường ngày. Cái Tôi này được xây dựng từ các kỳ vọng của tất cả mọi người: "Con phải trở thành người thế này", "Em cần làm những việc đó", "Học kỳ này cháu phải được học sinh giỏi nhé!", "Công ty đó lương cao lắm, anh thử ứng tuyển xem", "Giờ anh làm đến chức vụ gì rồi?",... Sau một thời gian, cái Tôi này trở thành cái Tôi "làm dâu trăm họ", không mất lòng ai, đúng với các khuôn mẫu cổ điển, không vi phạm các xu hướng chung của xã hội. Thế nhưng, thật lạ là khi sống một cuộc sống nhằm hài lòng tất cả mọi người thì chủ thể của cái Tôi đó thông thường lại cảm thấy cô đơn, không biết được đam mê của bản thân là gì và họ dễ rơi vào trạng thái chới với, suy sụp khi không nhận được sự ủng hộ, đồng tình của những người xung quanh. Họ hòa lẫn vào đám đông và ít khi dám nói lên chính kiến, suy nghĩ của chính mình. Và sự thật là những cái Tôi cô độc, mất định hướng đó hiện tại không hề chiếm số lượng ít trong cộng đồng. Họ có thể giàu có nhưng không cảm thấy hạnh phúc, họ có thể có tất cả nhưng vẫn không tìm thấy niềm vui và nụ cười thật sự của chính mình. Họ lắng nghe mọi người để sống nhưng không biết cách để lắng nghe chính mình và không dám sống cuộc sống mình muốn!
+ Cái Tôi tự mỗi người kiến tạo thì lại khá đa dạng. Có cái Tôi đầy tự tin, kiêu hãnh thì ngược lại cũng có cái Tôi tự ti, rụt rè. Có cái Tôi cho rằng mình là cái rốn của vũ trụ thì cũng có cái Tôi luôn tìm đến một góc riêng để ẩn nấp và sống với thế giới riêng của mình. Có cái Tôi muốn thể hiện, chứng tỏ bản lĩnh, và có những cái Tôi chỉ âm thầm làm nhiều nói ít, lặng lẽ hết mình với cuộc sống... Dù dưới biểu hiện nào thì cái Tôi này có ưu điểm dễ nhận ra so với cái Tôi do mọi người xung quanh dựng nên là ở chỗ: nó có cách nghĩ, cách hành động riêng, theo tiếng gọi của chính mình và phục vụ trước hết cho mục đích của bản thân. Mục đích đó có thể chỉ là các lợi ích cá nhân (người ta thường gọi là cái Tôi ích kỷ???), mục đích đó có thể để thỏa mãn sở thích, đam mê đặc biệt nào đó (người ta thường gọi là cái Tôi cá tính), mục đích đó có thể là một trăn trở nào đó muốn cống hiến cho cộng đồng, xã hội (người ta gọi đó là những cái Tôi lớn, vĩ đại),... Cái Tôi này đã có sự quan tâm và lắng nghe nhiều hơn từ chính bản thân chủ thể.
Như vậy là, mỗi cái Tôi tồn tại đều có những lý do riêng. Mỗi cá nhân theo đó sẽ có những mục tiêu phấn đấu và những con đường đi riêng. Không ai có thể phán xét mục tiêu, con đường nào là Đúng hay Sai mà nó chỉ Phù hợp hay Chưa phù hợp tùy thuộc vào cách nghĩ và hoàn cảnh của mỗi người. Và câu chuyện trên đã cho mình suy nghĩ rằng: Hành trình tìm ra chữ TÔI đích thực kia thật ra là một quá trình không ngừng tìm kiếm. Tìm kiếm hình ảnh hiện tại, tìm kiếm con người thật sự (với thế mạnh, ước mơ, mong muốn, đam mê của bản thân), tìm kiếm định hướng tương lai, tìm kiếm hạnh phúc,... Và phương tiện không thể thiếu trên hành trình đó có lẽ vẫn không điều gì khác ngoài việc lắng nghe chính mình: lắng nghe cơ thể, trí tuệ, trái tim và trực giác của bản thân.
Cái Tôi còn hoang mang bởi cái Tôi còn cần tìm kiếm và trải nghiệm những bài học dành cho mình để chữ TÔI kia được đầy đủ, vẹn nguyên. Cái Tôi chân chính rồi sẽ tìm ra câu trả lời cho chính mình dựa trên sự quan tâm, trân trọng, thấu hiểu thật sự bản thân. Hãy lắng nghe chính mình và không ngừng tìm kiếm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét