Trích dẫn: BI: Hàm nghĩ thương yêu (LOVE), thương xót (Compassion), khoan dung (Tolerance). TRÍ: Tức là khả năng suy nghĩ (Intelligence) trong đó bao gồm lý luận (Reasoning) và phán đoán (Judgement). DŨNG: (Courage) gồm can đảm tích cực là dám hành động và can đảm tiêu cực là chịu đựng (Endurance) và kiên nhẫn (Patience). |
"Nhân chi sơ, tính bản thiện"
Thật vậy, cá nhân tôi luôn tin tưởng rằng bản chất sâu thẳm của con người là sự lương thiện và hướng thiện. Có thể dưới biểu hiện này hay biểu hiện khác của hình ảnh con người hiện tại khiến người ta phân loại ra lớp người hiền, kẻ dữ, người lành, kẻ ác,... nhưng suy cho cùng, con người ở những giây phút đầu tiên chào đời (khởi đầu 1 khiếp người) và những giây phút lâm chung (kết thúc 1 kiếp người) chẳng phải đều là con người trung thật nhất với chính mình và cuộc đời đó sao. Trong mấy mươi năm làm người chắc chắn rằng họ không thể không va vấp, không lỗi lầm nhưng qua quá trình đó họ cũng học được những bài học cần thiết cho hành trình mang tên CUỘC ĐỜI của mình.
Trên hành trình đó, balô hành trang mang theo mỗi người mỗi khác với các mục tiêu phấn đấu riêng. Và dù ít, dù nhiều, chắc hẳn mỗi người đều chuẩn bị cho mình các "vật dụng" mang tên Bi, Trí, Dũng.
Nói về Trí và Dũng, ta có thể nghĩ ngay đến những khái niệm khá gần gũi là suy nghĩ và hành động. Con người sẽ thiếu định hướng nếu không có nhận thức, tư duy. Và cũng không thể đạt đến các mục đích của mình nếu không thông qua hành động thực tế. Chính vì vậy, trong mọi việc làm hay kế hoạch trong công việc, cuộc sống của mỗi người đều đã bao hàm 2 điều này. Tuy nhiên chữ Trí và Dũng ở mỗi người cũng không giống nhau. Có người dừng ở mức nhận thức bề ngoài, bề nổi, chỉ chú ý đến hình thức mà quên đi nội dung, chỉ chú ý kết quả mà quên đi quá trình chính vì vậy mà cái nhìn về cuộc sống, con người còn hời hợt, nông cạn dẫn đến những hành động theo cảm hứng hoặc thiếu suy nghĩ. Cái Dũng "ăn theo" khi đó có thể là sự liều lĩnh, bất chấp, cố thể hiện bản lĩnh và đâm đầu vào như con thiêu thân. Những người có cái nhìn sâu sắc hơn, có cái Trí biết phân biệt hay dở, đúng sai, tốt xấu thì hiểu được bản chất, gốc rễ của sự vật, sự việc từ đó mà có những lý luận và phán đoán sắc bén, chính xác hơn. Khi đó cái Dũng "ăn theo" là bản tính điềm tĩnh hoặc là sự kiên định trong suy nghĩ, dám dấn thân, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Cái Dũng lúc này cũng tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro, an toàn của mỗi người để có những thể hiện khác nhau nhưng nhìn chung sự Dũng đi liền với cái Trí minh mẫn, thấu đạt đều sẽ giúp cho mỗi người có những chiêm nghiệm, chứng nghiệm và trải nghiệm đặc biệt, sâu sát hơn về cuộc sống, con người. Từ đó mà cũng trưởng thành và hoàn thiện bản thân nhiều hơn.
Nói về Bi, thì khác với Trí và Dũng là những điều có thể nhận biết gián tiếp, trực tiếp qua cách này hay cách khác, Bi chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim của mỗi người. Bi vì thế là Từ Bi, Từ Tâm. Người có Bi thì biết cảm nhận được nỗi đau, đau cho nỗi đau của người khác nhờ vậy mà cảm thông, thấu hiểu và bao dung hơn với mọi người. Họ dùng tình thương, tình yêu để hàn gắn mọi vết thương, cứu chữa những nỗi đau, xóa mờ những khác biệt và lấp đầy những khiếm khuyết của người khác. Bi là một thứ sức mạnh tinh thần to lớn, hóa giải mọi chướng nghiệp, oán thù để gắn kết và đón nhận. Dù rằng Bi được biểu hiện ở mỗi người mỗi khác: Có người thì "Khẩu xà tâm Phật", có người thì như Phật sống, có người thì xem rằng Bi là một thứ xa xỉ phẩm của những kẻ mơ mộng và nhìn cuộc sống bằng lăng kính màu hồng... Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tôi tin rằng thẳm sâu trong mỗi người đều có 1 chữ Bi trong sáng, vô tư. Có thể chữ Bi đó được phát ra liên tục ở một số người, cũng có thể chỉ được bộc phát khi con người ta đứng trong nghịch cảnh nhưng nhìn chung nhờ chữ Bi đó mà con người biết cắn rứt, biết hối lỗi, biết cố gắng để giải nghiệp, để sống cuộc đời thanh thản và bình yên, biết mở lòng giúp đỡ và chia sẻ với kẻ khó, kẻ yếu hơn mình. Trí và Dũng thì có thể giả nhưng Bi thì không thể giả. Bởi phán xét Bi không phải là miệng lưỡi thế gian mà chính tại lương tâm của mỗi người.
Thiếu Bi, con người chỉ như một cỗ máy thông minh biết xử lý thông tin và thực thi mệnh lệnh. Thiếu Trí, con người có thể trở thành vật hy sinh, bị lợi dụng như một công cụ cho những mục tiêu ích kỷ nào đó. Thiếu Dũng, con người chỉ như một cuốn sách với những bài học hay và những câu chuyện cổ tích. Thiếu cả Bi - Trí - Dũng, con người nào có Sống đúng nghĩa con Người, có chăng chỉ là Tồn tại.
Bi-Trí-Dũng, có sẵn ở mỗi người nhưng phải được đánh thức, phải được sử dụng và phải được tôi luyện thì mới tạo ra thành quả là một cuộc sống trọn vẹn, đầy đủ (về tinh thần và vật chất). Chính vì vậy, việc lắng nghe chính mình để hiểu "vật dụng" nào đang bị bỏ quên hoặc chưa được dùng đúng công dụng là vô cùng cần thiết để con người khai phá hết các tiềm năng của chính mình, làm chủ bản thân và tỏa sáng cùng các đam mê...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét