Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, con trưởng cố GS Vũ Đình Hòe cho rằng đã đến lúc tái cơ cấu hệ thống giáo dục và tái cấu trúc đầu tư cho giáo dục. Ngày 19/11, ông gửi tới VietNamNet ý kiến của mình. Để rộng đường dư luận, VietNamNet giới thiệu bài viết của ông và mong nhận được sự tranh luận của độc giả với tác giả. Mọi ý kiến xin gửi về: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi ở cuối bài viết.
Học sinh Trường Tiểu học Sơn Điện 2, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Từ những thực tế nhức nhối: con em nhà nghèo bỏ học hàng loạt và cử nhân thất nghiệp nhất loạt đi học nghề
Báo Dân Trí từng đăng lời kêu cứu: “Ngăn chặn làn sóng bỏ học”, cho biết mỗi năm có đến 1,2 triệu học sinh các cấp bỏ học, gần nửa con số đó lại là các cháu theo Luật phổ cập giáo dục tiểu học 1991 thuộc diện Nhà nước có trách nhiệm thực thi quyền cơ bản của trẻ em.- được học miễn phí! Báo chí cũng đã nhiều lần nêu gương tốt của những đứa trẻ mới 11 - 12 tuổi đành phải thôi học để đi làm nuôi em ăn học – những tấm gương hiếu đễ khiến tất cả những ai có lương tri đều cảm phục mà đau lòng!
Cũng lại báo chí cho biết nhiều cử nhân không tìm được việc làm đành ghi tên và đóng tiền vào học ở các trường dạy nghề vi tính, sửa chữa xe máy, hầu bàn hầu phòng khách sạn v.v… để khỏi phải tiếp tục ăn bám bố mẹ.
Con em nhà nghèo không thể hưởng quyền được phổ cập giáo dục là do những gia đình bươn chải ngày ngày vì miếng ăn không còn cáng đáng nổi phí học đường các loại ở ngay trường công - cơ sở chủ yếu phải thực thi Luật phổ cập giáo dục. Dẫu có phê phán bao nhiêu trên báo chí và ở cả những diễn đàn cao cả nhất, thậm chí có ra bao nhiêu quyết định thì, cũng như đối với hiện tượng dạy thêm - học thêm, các quỹ “tự nguyện” ở các trường tiểu học công vẫn cứ tồn tại. Tạm bỏ sang bên những tiêu cực có thật trong việc thu thêm các phụ phí học đường, vẫn có những nhu cầu khách quan mà không một quyết định duy ý chí nào bác bỏ được: trường lớp xập xệ, thiếu ánh sáng, không đảm bảo chống nóng, chống lạnh cho trẻ, nhà vệ sinh khủng khiếp và hơn hết là lương giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường còn không đủ sống trong điều kiện giá cả nhu yếu phẩm leo thang đến chóng mặt - những vấn đề nan giải này, đội ngũ làm trực tiếp là Hiệu trưởng các trường, Giám đốc các Sở giáo dục và chính phụ huynh học sinh thấy rõ hơn “Ông Bộ”, có thể nói là “cảm nhận” ngày ngày, nên gần đây đã có người công khai ủng hộ lạm thu.
Cử nhân thất nghiệp phải đi học nghề để kiếm việc là vì nền kinh tế đã chuyển đổi từ mô hình bao cấp-kế hoach hóa sang mô hình thị trường, nhưng hệ thống giáo dục của ta, vốn thiết kế phục vụ nền kinh tế bao cấp- kế hoạch hóa, “theo hình ống” – vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, nay hầu như vẫn y nguyên sau mấy lần cải tiến cải lui, vẫn tiếp tục đào tạo theo những “chỉ tiêu” được cho, bất chấp nhu cầu của thị trường lao động nghề nghiệp. Cái hình ống ấy thậm chí còn phình ra kinh khủng khi các trường đại học gọi là “dân lập” (thực ra là “quan lập”!) được lập tràn lan theo cơ chế xin-cho dưới những chiêu bài đáp ứng “lòng hiếu học cổ truyền”, nhu cầu (?) về “nhân lực cao cấp”, nhưng thực ra là để lợi dụng tâm lí bằng cấp cổ truyền (lại được kích cầu bởi chính sách sai lầm gắn liền sự thăng tiến trên quan trường với học vị!) để kinh doanh giáo dục.
Lối thoát: tái cơ cấu hệ thống giáo dục và tái cấu trúc đầu tư cho giáo dục
Chỉ có thể cơ bản khắc phục vấn nạn này (và hàng loạt vấn nạn khác kèm theo) nếu như:
1) ngành giáo dục từ bỏ hai căn bệnh thâm căn cố đế, là: chạy đua thành tích và “cải tiến cải lui” theo các “dự án” kiểu “Cải cách chữ viết” sang kiểu chữ “cụt đầu” - như trẻ em gọi, “cải cách” bắt đầu dạy vần không từ chữ A như thiên hạ và ông cha vẫn làm, mà từ chữ O, rồi lại “cải” từ O sang E v.v và v.v…; tiêu tốn mỗi lần “cải” hàng ngàn tỷ lẽ ra có thể chi cho các nhu cầu cấp thiết của giáo dục tiểu học;
2) kiên quyết thực hiện phương châm mà Hội nghị TW 3 khóa XI vừa mới đề ra về tái cơ cấu-tái cấu trúc để tái cơ cấu hệ thống giáo dục và tái cấu trúc đầu tư cho giáo dục.
Nhà nước ta chi đến 20% ngân sách cho giáo dục. Mới đây báo chí đưa tin Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất. Thế nhưng, chính do đua với người về thành tích tỷ lệ cử nhân/thạc sĩ/tiến sĩ trên đầu người mà 20% của tổng ngân sách còn nhỏ bé được đầu tư dàn trải cho tất tật các cấp học từ mẫu giáo cho đến tiến sĩ!
Theo quan điểm khoa học giáo dục hiện đại, thiết kế một hệ thống giáo dục, phải thiết kế từ mục tiêu cuối cùng, từ mô hình chuyên gia - sản phẩm của hệ thống giáo dục đó, tức từ người tốt nghiệp đại học phải có những phẩm chất, kiến thức và kỹ năng gì để đáp ứng môi trường lao động nghề nghiệp tương lai, có nghĩa là phải thiết kế từ trên xuống. Nhưng xây dựng (hoặc cải cách, xây dựng lại) một hệ thống giáo dục phải đầu tư từ dưới lên, tức từ cấp tiểu học.
Theo quan điểm kinh tế thị trường thì sản phẩm của giáo dục phải đáp ứng nhu cầu đa dạng và đa cấp của thị trường lao động nghề nghiệp. Vậy phải cơ cấu lại hệ thống giáo dục theo tầng bậc, trong đó mỗi cấp học đều có lối rẽ ngang ra thị trường lao động nghề nghiệp chứ không phải chỉ có một lối đi lên cấp học cao hơn.
Hãy nghiêm chỉnh “làm theo lời Bác Hồ dạy”. Năm 1957 Hồ Chủ tịch viết bài Học sinh và lao động: “Thi đỗ tiểu học rồi thì muốn lên trung học; đỗ trung học rồi, thì muốn lên đại học - riêng về mỗi cá nhân của người học sinh thì ý muốn ấy không có gì lạ. Nhưng chung đối với nhà nước thì ý muốn ấy thành vô lý …”. Và Người đặt nhiêm vụ cho ngành giáo dục: “” phải chuẩn bị tư tưởng cho học sinh sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoặc công việc xây dựng khác” (Bác Hồ với giáo dục. - Bảo tàng Hồ Chí Minh & NXB Giáo dục - 2008, tr. 161).
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi
Nguồn: VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét