Chỉ cần bạn xác định chính xác điều mình cần thực hiện và phác họa được con đường đi là bạn đã thành công quá nửa rồi.
Hôm trước, tớ ghé một hiệu sách cũ ở đường Phạm Văn Đồng và thấy ngạc nhiên với một cô bạn đang mua sách. Cuốn sách cô bạn cầm trên tay là Hợp tuyển văn học Mỹ, dày tới cả gang. Dù người bán hàng đã cảnh báo đây là một cuốn sách không dễ đọc, nhất là khi, cô bạn chỉ có thể đọc trôi chảy nhan đề và lời giới thiệu ở trang đầu cuốn sách. Tò mò một chút, tớ hỏi:“Sao bạn lại mua cuốn sách dày thế? Trong khi từ vựng chưa có bao nhiêu?” Bạn ngại ngùng, giải thích: “Lớp mình cũng có nhiều bạn đã đọc đến những cuốn như thế này rồi. Mình cứ mua về, để đấy cho đỡ thua kém bạn bè. Rồi thì đọc dần, chắc cũng được vài phần trăm”. Anh bán hàng nhìn tớ, lắc đầu cười khi cô bạn vừa khuất bóng: “Anh cá là cô bé đó chẳng đọc được bao nhiêu đâu. Được vài hôm rồi sách đi đằng sách ngay ý mà”. Tớ không nghĩ như anh song cũng thầm thắc mắc, sao cô bạn không mua cuốn sách nào đó phù hợp với trình độ của mình hơn? Hay là, vì chẳng có mục tiêu rõ ràng khi đọc sách nên với bạn ấy, cuốn sách nào cũng như nhau, miễn rằng nó giúp cô “tăng điểm” trong mắt bạn bè.
Khi bắt đầu vô lớp luyện thi TOEIC, chúng tớ đều được thầy giáo hỏi về mục tiêu điểm số của mỗi người. Thông thường, sẽ có 3 chặng mà học viên cần phải vượt qua. Đó là 250 — 500 điểm, 500 — 750 điểm và trên 750 điểm. Xác định được mốc điểm cần phải đạt được cũng giống như việc đặt viên gạch đầu tiên trên hành trình luyện thi đầy gian nan. Hơn thế nữa, thầy giáo còn yêu cầu mỗi người viết số điểm mong muốn vào một tờ giấy và dán vào chỗ dễ thấy nhất trong góc học tập. Mục tiêu được cụ thể hóa và lặp đi lặp lại thường xuyên thì sẽ dễ thành hiện thực hơn nhiều. Vậy mà, vẫn có bạn không trả lời được câu hỏi của thầy khiến thầy ngạc nhiên:“Thế em đi luyện thi để làm gì? Chẳng lẽ, em không muốn mình đạt được một mức điểm nào đó sao?” Câu trả lời không thể thật thà hơn: “Vì em thấy hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu cầu một chứng chỉ ngoại ngữ nên em đi học rồi đi thi để lấy chứng chỉ mang về”. Cả lớp tớ cười nhưng thầy giáo lại nghiêm nghị: “Nếu vậy, em cần xem xét lại mục tiêu của mình nhé. Có mục tiêu rõ ràng thì luyện thi mới hiệu quả em ạ”.
Quả thật, thiết lập mục tiêu là một việc vô cùng cần thiết. Nếu bạn không biết được điểm đến thì cũng không thể nào biết được con đường đi bao xa và đi trong bao lâu Vậy, bạn sẽ phải lưu ý những điều sau đây nhé, để có thể thiết lâp được mục tiêu cho chính mình một cách phù hợp và hiệu quả nhất:
Thứ nhất, mục tiêu cần phải được định tính và định lượng rõ ràng. Ví dụ, nếu bạn muốn đạt 900 điểm trong kỳ thi TOEICthì bạn sẽ phải hiểu rằng, mức điểm này cần một lượng kiến thức tương đối lớn và kỹ năng nghe — hiểu, đọc — hiểu nhuần nhuyễn. Nếu học ở nhà, bạn sẽ tự tìm kiếm những sách gì để đọc, nếu ôn ở trung tâm bạn sẽ cần trải qua mấy khóa học? Đó chính là định tính và định lượng.
Thứ hai, mục tiêu cần phải được chia nhỏ theo từng giai đoạn, có mục tiêu lớn và những mục tiêu nhỏ hơn cần đạt được khi thực hiện mục tiêu lớn. Bạn mong ước đạt học bổng cuối kỳ nên các bài tập tuần, bài tập nhóm, bài tiểu luận cuối kỳ của bạn phải luôn đạt điểm cao hoặc chí ít cũng trên trung bình. Bạn muốn hè này biết bơi thì trước hết thể lực của bạn phải tốt, thông qua việc chịu khó chạy bộ hàng ngày. Đi từng bước nhỏ để rồi đến đích lớn, như kiểu “kiến tha lâu cũng đầy tổ” mà ông cha ta thường nói đấy bạn.
Thứ ba, càng thể hiện mục tiêu một cách trực quan càng tốt. Có thể là một hình ảnh dán trên tường, một câu nhắc trên giấy note trước màn hình vi tính hoặc cuốn sổ “day runner” bạn vẫn để trong cặp. “Trực quan hóa” mục tiêu để lúc nào ta cũng thấy, cũng nhớ và có cảm hứng đến với mục tiêu ngày một gần hơn.
Thực ra, xác lập mục tiêu không khó. Chỉ cần bạn xác định chính xác điều mình cần thực hiện và phác họa được con đường đi là bạn đã thành công quá nửa rồi. Nửa còn lại phụ thuộc vào sự nỗ lực, tính kiên nhẫn và quyết tâm của chính ban để có thể đạt được mục tiêu mà thôi.
Nguồn: Mực Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét