Giáo dục và vai trò của những người trẻ khai sáng

Tròn 5 năm sau khi gia nhập WTO, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong hội nhập và khẳng định nội lực và để phát triển, theo TS Ngô Tự Lập (Chủ nhiệm bộ môn KHXH-NV và Kinh Tế, Khoa Quốc Tế, ĐH Quốc Gia Hà Nội),đất nước cần những người trẻ có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, như tinh thần khai sáng.

Cần một “Điện Biên Phủ” về trí tuệ

Bà Abby Joseph Cohen, Trưởng bộ phận Chiến lược đầu tư của Goldman Sachs, vừa đưa ra dự báo: Nửa đầu năm 2012 sẽ rất khó khăn (về kinh tế), đối với cả Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, nếu nước Mỹ biết tận dụng và phát huy lợi thế của mình, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục thì tình hình có thể sẽ khác. Nhận xét này có gợi cho ông tham chiếu cụ thể nào với bối cảnh Việt Nam hiện nay?

Tôi cho rằng, giáo dục tuy không có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế nhưng lại luôn có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển, đúng như bà Cohen nhận định. Một nền giáo dục đích thực, suy cho cùng, chỉ có 3 nhiệm vụ chính, tương ứng với 3 yêu cầu: Yêu cầu thấp nhất là nó phải đào tạo được con người lao động, biết hành xử và tương tác theo những quy tắc nhất định. Yêu cầu ở mức cao hơn là phải tạo ra con người của cộng đồng, thông qua những môn học gắn với cộng đồng như: Văn học, Lịch sử và Địa lý, đặc biệt là Địa lý văn hóa.

Ở những quốc gia chỉ có một dân tộc như Hàn Quốc, việc dạy Địa lý văn hóa có thể sẽ không bức bách nhưng ở Việt Nam, chúng ta là một quốc gia đa dân tộc, chúng ta cần biết cách gìn giữ và phát triển “kho báu” ấy. Yêu cầu ở mức cao nhất, đó là phải đào tạo nên những con người nhân loại, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Chúng ta phải hiểu quy luật tương tác với các dân tộc khác. Chúng ta cũng phải tương tác với thiên nhiên ở quy mô toàn cầu... Để làm tốt nhiệm vụ thứ ba này, chúng ta cần Triết học là vì thế. Triết học dạy con người hiểu được chính mình, hiểu khả năng và hạn chế của bản thân, từ đó, hiểu được vị trí của mình trong cộng đồng, cái gì được làm, cái gì không... Cuối cùng là hiểu được vị trí của chúng ta trong thế giới, chúng ta phải làm gì cho thế giới và được hưởng gì từ thế giới.

Vậy theo ông, nền giáo dục của chúng ta đã đáp ứng đến mức nào, các yêu cầu này?


Bây giờ, nền giáo dục của chúng ta đang không đánh giá và ý thức được mức độ quan trọng của các nhiệm vụ vừa nêu. Thí dụ, chúng ta quen đánh giá kết quả học tập bằng thi cử. Nhưng những môn chúng ta tập trung đánh giá lại thường là những môn như Toán, Lý, Hóa và chúng ta coi đó là các “môn chính”. Trong khi đó, những môn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân như tôi vừa kể trên, để người Việt Nam hiểu biết về dân tộc mình thì chúng ta lại bỏ bẵng. Vì không coi trọng đúng mức các môn khoa học xã hội nên chúng ta mới phải trả giá bằng những con người vô cảm như đang thấy. Cần phải thấu triệt rằng, người ta chỉ không vô cảm nếu có chung ký ức với cộng đồng. Ra đường, thấy con mình ngã thì mình sẽ quan tâm hơn nhiều so với nhìn thấy một người không quen biết ngã.

Giáo dục mà coi nhẹ việc tạo ký ức chung thì sản phẩm sẽ chỉ là những con người lao động, họ sẽ không hoặc ít có liên hệ với nhau về mặt tình cảm. Như vậy, nền giáo dục của chúng ta mới chỉ đáp ứng được yêu cầu cơ bản nhất ma thôi.

Vậy phải chăng, chúng ta mới chỉ có những “người Việt” mà chưa có những “quốc dân Việt”, theo cách nói của Fukuzawa Yukichi, nhà giáo dục lừng danh người Nhật Bản?

Tôi nghĩ, dù khó so sánh nhưng cảnh báo của tác giả cuốn Khuyến học dành cho người Nhật thời Minh Trị (thế kỷ 19) vẫn rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Một dân tộc cần phải xây dựng được triết học/chủ thuyết của mình để đừng giống như đứa trẻ chưa trưởng thành. Tản Đà từng nói: “Dân hai mươi triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Câu đó rất giống với quan niệm của Immanuel Kant: “Con người chưa biết sử dụng lý trí một cách tự do thì cũng giống một người vị thành niên về tinh thần và trí tuệ”. Thế kỷ 20, chúng ta đã có nhiều lần thành tựu khiến thế giới ngưỡng mộ, nhất là chiến công đánh giặc ngoại xâm. Giờ đây, chúng ta cần một chiến công nữa, một “Điện Biên Phủ” về mặt trí tuệ. Chiến công này có lẽ còn khó hơn và nếu chúng ta không quyết tâm thì chúng ta không bao giờ có thể sánh ngang hàng với các nước khác. 

“Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân”

Theo ông, chúng ta phải làm thế nào để đào tạo nên những con người “trưởng thành”?

Theo tôi, chúng ta phải thay đổi quan niệm về giáo dục, với mục tiêu không phải là đào tạo ra “nguồn nhân lực chất lượng cao” (với bao nhiêu phần trăm sinh viên ra trường làm đúng ngành, đúng nghề) mà phải là đào tạo ra con người cao thượng, con người dân tộc biết tương tác toàn cầu. 

Xin ông cho biết rõ hơn?

Thực ra, nước Việt là ai, là những con người Việt Nam sống ở đấy chứ cục đất hay hòn đá thì ở đâu chúng cũng chỉ là cục đất hay hòn đá mà thôi. Cho nên, nói nước Việt là nói đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... đến các giá trị tinh thần chứ không phải chỉ là một miếng đất vô tri vô giác.

Tôi hiểu, Fukuzawa cũng nói về người Nhật thời của ông theo nghĩa ấy. Một dân tộc chỉ mạnh khi những người con của dân tộc ấy mạnh, đặc biệt là tầng lớp trí thức. Điều này gần giống với tư tưởng Khai sáng của Kant: “Con người mà biết sử dụng lý trí để hiểu mình, hiểu người và hiểu vật thì chúng ta mới có khả năng làm đúng”. Chân, thiện, mỹ là như thế! Và Fukuzawa đã đưa ra nguyên tắc nổi tiếng: “Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân”, tức là một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo.

Ông đánh giá sao về người trẻ hiện nay?

Có lẽ, sự thực tế của người trẻ bây giờ là điểm mạnh nhưng cũng chính là điểm dở của họ. Bởi nếu thực tế quá thì họ sẽ mất đi hoài bão mà không có hoài bão đủ lớn thì cuối cùng, họ chỉ là những người lao động bình thường chứ không phải là con người tự do, cao đẹp như phải vươn đến. Tôi nghĩ, trong chuyện này, cha anh cũng có trách nhiệm một phần. Người lớn không thể dạy con em mình những điều thực sự cao thượng, nếu lời nói không đi kèm với hành động.

Liệu có thể kỳ vọng vào giới trẻ như những con người Khai sáng trong nhiệm vụ đưa đất nước đi lên?

Tôi nghĩ, với người trẻ, không phải chỉ kỳ vọng mà đấy chính là trách nhiệm của các bạn. Chỉ có điều, có bằng cấp cao chưa chắc đã là người Khai sáng. Phải luôn luôn đặt câu hỏi và vật vã tìm câu trả lời. Trí thức phải là người có thiên hướng muốn biết. Nhưng kiến thức là một cái mạng. Tôi thường nói với sinh viên một cách ẩn dụ về chiếc điện thoại: Khi chỉ có một mình ta thì điện thoại vô dụng, phải đến khi nhiều người có nhu cầu tương tác thì điện thoại mới có tác dụng. Tương tự, nếu anh chỉ đọc một cuốn sách thì nó rất ít tác dụng, nhiều khi, anh còn không thể hiểu nó. Thế nên, mỗi cuốn sách phải nằm trong mối quan hệ với những cuốn sách, những vấn đề khác để so sánh, phản biện.

Xin cảm ơn ông!

Kiều Hải (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét