Chuyên môn hóa hay Đa dạng hóa?

Nói đến những cụm từ này có lẽ suy nghĩ đầu tiên của chúng ta là về việc kinh doanh đặc biệt là câu chuyện của nhiều công ty, tập đoàn lớn đang lao đao trong năm qua. Thế nhưng, nếu xét ở góc độ cá nhân, chúng ta cũng sẽ có một số nhìn nhận khá thú vị.

Chúng ta đang chuyên môn hóa hay đa dạng hóa?

Cũng như việc kinh doanh, những công ty chuyên môn hóa là những đơn vị tập trung việc kinh doanh mình ở một lĩnh vực, hoặc một khâu trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành mà công ty mình có khả năng tạo ra giá trị cao nhất. Những tổ chức này thường đặt mục tiêu dẫn đầu ngành về thị phần, uy tín và nếu họ thật sự chuyên tâm về điều này cũng như có chất lượng sản phẩm và chiến lược tốt, thông thường sẽ gặt hái những kết quả nhất định. Tương tự như thế, một cá nhân chuyên môn hóa sẽ tập trung phát huy năng lực ở vị trí, chuyên môn mà anh ta mạnh nhất, có lợi thế cạnh tranh nhất. Họ không ham biết nhiều mà chú trọng về đào sâu lĩnh vực mình đã chọn. Chân dung dễ nhận ra họ nhất đó là hình ảnh các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu trong các ngành nghề. Loại quyền lực và cái họ "bán" để có thu nhập chính là kiến thức. Họ dễ dàng để được định vị trong tổ chức, cộng đồng hoặc đám đông bởi lẽ khi nhắc đến lĩnh vực đó, ngành nghề đó thì người ta sẽ nghĩ ngay tới họ chẳng hạn như nhắc tới công nghệ ta nói về Bill Gates, nhắc tới sáng tạo ta nói về Steve Jobs, nhắc tới quản trị ta nói về Peter Drucker, hay ở Việt Nam, nhắc tới âm nhạc dân tộc ta nói về GS. Trần Văn Khê, nhắc đến toán học ta nói về GS. Ngô Bảo Châu,... Những cá nhân theo típ này, dù có thể chỉ với một thế mạnh, sở trường nào đó, nhưng nếu biết đầu tư, phát huy và bỏ công sức, tâm huyết, đam mê cho nó, họ vẫn có thể khẳng định bản thân, làm giàu cho chính mình thậm chí trở thành người dẫn dắt trong chính công việc họ đã chọn.

Nói về đa dạng hóa thì lại nhắc đến câu chuyện khác. Nếu chuyên môn hóa là tập trung và giỏi trong một chuyên môn, lĩnh vực nào đó thì đa dạng hóa lại là đầu tư trong nhiều lĩnh vực, nhiều khâu thấy mình có khả năng làm. Những cá nhân đi theo hướng đa dạng hóa thông thường có thể làm tốt nhiều chuyên môn, có khả năng lĩnh hội kiến thức nhiều ngành nghề, chẳng hạn như bán hàng cũng giỏi, PR cũng tốt, chăm sóc khách hàng cũng ngon mà Marketing cũng được. Họ có thuận lợi là có khả năng thích ứng cao trong công việc, linh hoạt chuyển hóa vị trí, chuyên môn khi công việc yêu cầu hoặc công ty thiếu thốn nhân sự. Họ là được xem như giải pháp thay thế, là trợ thủ đắc lực đặc biệt cho các ông chủ trong các công ty nhỏ, siêu nhỏ. Theo nhịp sống năng động của thời đại cũng như sự ra đời ồ ạt của nhiều quy mô công ty, đặc biệt là các công ty nhỏ, những nhân lực này trở thành nguồn cung cần thiết đáp ứng cho nhu cầu chung. Biết cách sử dụng các khả năng của mình, họ có khả năng xoay sở tốt trong bối cảnh tổ chức có sự thay đổi nhân sự, vị trí hoặc công việc yêu cầu tính linh hoạt cao, doanh nghiệp hướng đến khách hàng, quản lý theo MBO. Điển hình thường gặp của nhóm người này là các bạn học quản trị kinh doanh, các chuyên ngành mang tính tổng hợp cao.

Nếu bạn đang chuyên môn hóa hoặc đa dạng hóa?

Như đã trao đổi ở trên, chúng ta có thể thấy mỗi nhóm sẽ có những ưu khuyết điểm riêng. Điều đó có nghĩa là, dù bạn đang thuộc nhóm nào thì hãy vẫn cứ tự tin là mình có những cơ hội riêng trong công việc và con đường thành công. 

Với nhóm chuyên môn hóa, bạn là nguồn nhân sự không thể thiếu trong các công ty, tập đoàn lớn có hệ thống tổ chức, ban bệ chặt chẽ hoặc những doanh nghiệp vận hành theo MBP. Khi thuộc nhóm này, điều cần lưu ý là sự tập trung và nghiêm túc phát triển chuyên môn với tâm thế phải là chuyên gia số 1 trong việc bạn đang làm. Chỉ có như vậy, bạn mới tạo ra giá trị thật, duy trì được "lợi thế cạnh tranh" của chính mình.

Với nhóm đa dạng hóa, bạn sẽ có lợi thế khi được cất nhắc lên các vị trí quản lý hoặc trợ lý so với các bạn nhóm chuyên môn, tất nhiên phải với điều kiện là bạn phải có năng lực THẬT. Thật được hiểu ở đây là những hành vi, thái độ, khả năng, kiến thức và các kết quả nền tảng phù hợp với vị trí đó. Chẳng hạn nếu bạn được xem xét cho vị trí quản lý (cấp trung hoặc cấp cao) thì đòi hỏi bạn nắm quy luật cơ bản của các chuyên môn hoạt động dưới tầm quản lý cũng như có cái nhìn tổng quát về bối cảnh, có tư duy hệ thống, khả năng nắm bắt vấn đề, có kết quả thực hiện công việc tốt trong công việc đã và đang làm,... Còn những trường hợp bạn biết nhiều mà những cái biết đó có liên kết rất mỏng manh hoặc không phù hợp với yêu cầu của tổ chức (ví dụ như biết về khảo cổ, biết về toán học, biết về may mặc, biết về hóa dầu, mỗi món biết và đam mê một ít) thì bạn sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong việc phát triển nghề nghiệp hoặc thăng tiến (điều này cũng giống như câu chuyện của nhiều công ty đầu tư tràn lan nhiều lĩnh vực đòi hỏi những chuyên môn quá chuyên biệt và quá khác biệt thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển bền vững).

Chuyên môn hóa và đa dạng hóa, cái nào "ngon" hơn?

Câu trả lời ở đây theo thiển ý của người viết là không có cái nào "ngon" hơn cái nào mà mỗi cái đều có đặc sắc riêng. Xét ở một thời điểm cụ thể với một cá nhân cụ thể thì có thể có sự chuyển hóa trước sau chứ không hẳn là sự vượt trội. Chẳng hạn, khi bạn còn mông lung về chính mình (điểm mạnh yếu, đam mê) thì thông thường đa số sẽ chọn hướng đa dạng hóa, tức là trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực, nhiều chuyên môn để mong muốn thông qua quá trình đó sẽ nhận ra điều mình có thể làm, làm tốt và thích làm. Sau khi đã tìm được câu trả lời, nhiều bạn sẽ chọn đầu tư chuyên sâu vào chuyên môn, lĩnh vực đã chọn để khẳng định năng lực và nhắm vào các vị trí cao hơn trong công việc đó. 

Ngược lại, với các bạn làm tại các doanh nghiệp hoặc lĩnh vực đòi hỏi phải hướng tới khách hàng (khách hàng là thượng đế, cần phục vụ tận răng hoặc phục vụ 24/7) thì việc tiếp tục phát triển nghề nghiệp thông qua việc trau dồi, học hỏi thêm các kiến thức, kỹ năng khác cần thiết phục vụ cho công việc là điều tất yếu. Khi đó, bạn sẽ bước từ một người thuần chuyên môn cụ thể sang một người nắm rõ toàn bộ quy trình, có khả năng quán xuyến các công việc liên quan đến nhiệm vụ đang đảm nhận. 

Trên đây là một số chia sẻ nhỏ theo thiển ý cá nhân, hy vọng sẽ hỗ trợ thêm cho các bạn đang quan tâm hoặc băn khoăn về việc phát triển năng lực bản thân trong công việc. Rất mong nhận thêm các ý kiến chia sẻ, đóng góp, bổ sung thêm của cả nhà.

1 nhận xét:

  1. bài viết rất hay, rất hữu ích cảm ơn bạn đã chia sẻ
    mọi người tham khảo thêm các mẫu ghế massage mới nhất ở đây nhé

    giá tiền ghế massage
    giá bán ghế massage
    báo giá ghế foot massage

    Trả lờiXóa