"Biết ra sao ngày sau?"

Hôm nay có dịp nghe lại bài hát hồi xưa rất thích phần giai điệu: "Que sera, sera / Whatever will be, will be ..." (tên tiếng Việt là "Biết ra sao ngày sau"). Nhớ nhất là hồi đó chưa có hiểu hết ý nghĩa của ca từ, chỉ thấy nghe êm tai nên thỉnh thoảng vẫn ê a hát theo: "Ngày em còn thơ thường hay hỏi má em,..."

Lần tìm lại bài này thì tình cờ đọc được bài viết "Biết ra sao ngày mai?" trên Tuần Việt Nam, mới biết được gốc tích của bài hát:
"Bài hát này do Ray Evans và Jay Livingston sáng tác cho phim The man who knew too much (Người đàn ông biết quá nhiều) và do Doris Day hát. Trong phim, Doris Day đóng vai bà mẹ và hát bài này khi đùa với con trai trước lúc con đi ngủ. Phim rất nổi tiếng, do diễn viên siêu sao James Stewart đóng vai chính và được dàn dựng bởi đạo diễn Alfred Hitchcock, được phong là ông vua kinh dị vì tài dàn dựng những phim trinh thám vô cùng hồi hộp và kinh dị. Tất nhiên phim có những tình tiết hấp dẫn, có gián điệp, có đấu súng, có happy ending (kết cục có hậu), nhưng phim đọng lại lâu dài là hình ảnh ca sĩ diễn viên Doris Day đóng rất đạt một thiếu phu trẻ dịu dàng, khả ái, linh hoạt, với mái tóc cắt ngắn, với giọng ca trong trẻo, vui tươi thể hiện bài hát Que sera, sera.

Tên bài hát "Que sera, sera" vừa khác thường vừa hay hay, bằng tiếng Tây Ban Nha - thứ tiếng khá phổ thông ở Mỹ -, và điệp khúc bài hát vẫn giữ câu "Que sera, sera", dầu câu tiếng Anh "Whatever will be, will be" cũng có nghĩa như vậy. Tên này vẫn giữ nguyên dầu cho bài hát được viết lời cho nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Việt. Đặc biệt, giai điệu quen thuộc của bài hát này được phát trước mỗi loạt đá luân lưu 11 mét tại Vòng chung kết bóng đá World Cup 2006 ở Đức"

Nghe lại bài hát và lần này chú ý hơn về ca từ, tự nhiên thấy chột dạ. Hồi xưa lúc nghe chỉ nghĩ đơn giản là "cái gì đến sẽ đến" nhưng mà xem ra nếu được áp dụng một cách máy móc vào cuộc sống thì sẽ tạo cho con người một thói quen: tin vào số phận, chỉ an nhiên sống với hiện tại vì ... tương lai đã được ông trời quyết định sẵn???

Nếu là như vậy thì có ổn không? Đồng ý rằng sống chỉ biết đến hiện tại không lo nghĩ cho ngày mai cũng là một thứ được gọi là hạnh phúc và không ít người đang sống theo xì-tai này. Nhưng mờ, ngẫm nghĩ một cách sâu xa hơn sẽ thấy chút vấn đề ở đây. Nếu tương lai đã có sẵn vậy thì ai là người đã tạo ra tương lai đó? Liệu có thể thay đổi không? Và ai điều khiển quá trình tiến tới tương lai đó? ... Như vậy con người có khác với búp bê đặc biệt - biết cử động và có cảm xúc - không nhỉ? Bởi khi đó, con người chỉ cần sống theo một chu trình đã được tạo hóa lập trình sẵn, không phải suy nghĩ, không phải lựa chọn, không phải quyết định, chỉ cần làm theo "hướng dẫn". Ôi, nếu vậy thì có chút bất công nào ở đây không khi có người số tốt, có người số xấu và thậm chí có người số đen? Hay kiếp này là "nghiệp chướng" của kiếp trước?

"Que sera, sera,

Whatever will be, will be

The future's not ours, to see

Que sera, sera

What will be, will be.

Tạm dịch:

Que sera, sera

Cái gì đến, sẽ đến

Nào ai biết được ngày mai

Que sera sera

Cái gì đến sẽ đến."


Con người không phải là cô/chú búp bê đặc biệt kia, cũng không phải là diễn viên của một kịch bản cuộc đời có sẵn. "Cái gì đến sẽ đến" chỉ đúng khi con người thật sự làm chủ bản thân mình. Bởi vì chỉ có ở vai trò làm chủ con người mới biết "cái gì" (mục tiêu) sẽ đến là gì, và làm sao để nó "sẽ đến" (đạt được ước mơ, mong muốn). Quả thật "Nào ai biết được ngày mai" bởi chính bạn mới là người biết và quyết định điều đó. "Ngày mai" chính là sản phẩm của những gì bạn đang nghĩ, đang làm từ hôm nay.

(Hình: Nguồn Internet)

Chẳng có điều gì là bày sẵn/ định sẵn chờ bạn, chỉ có bạn mới là biên kịch, là đạo diễn, là nhà sản xuất và đồng thời cũng là vai diễn chính trong kịch bản mà bạn là tác giả. Kịch bản đó được bạn viết từ ngày hôm qua, ngày hôm nay và nếu chưa phù hợp, chưa phải là chính bạn trong đó thì bạn vẫn có quyền chỉnh sửa. Bởi lẽ, BẠN CHÍNH LÀ ÔNG CHỦ CỦA CUỘC ĐỜI MÌNH!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét