'Tôi muốn SV Việt Nam cũng có 'a year out'

Với những gì được cung cấp để hiểu về “a year out”, tôi thấy thực sự thích và muốn ở Việt Nam mình, các sinh viên cũng có cơ hội để trải nghiệm điều đó. Bạn Hà Tạ, sinh viên năm thứ nhất gửi chia sẻ về cảm nhận từ bài học tiếng Anh.

Một bài học trong cuốn giáo trình tiếng Anh với chủ đề “a year out” đã giúp tôi hiểu được thế nào là “a year out” và phân biệt được sự khác nhau giữa “a year out” và “a year off (work)”.

Mới nghe, chắc hẳn nhiều bạn cũng giống như tôi sẽ không hiểu nó có ý nghĩa như thế nào và nội dung bài học ra sao. Nhưng hãy cùng tôi khám phá ý nghĩa của cụm từ thú vị đó nhé.

Trước hết, “a year off (work)” để chỉ một năm không làm gì cả, ý là không đi học, không đi làm, không kiếm tiền,… , tức một năm hoàn toàn rảnh rang.

Vậy còn “a year out” thì sao?.

"Rất nhiều nhà tuyển dụng hiện nay muốn những nhân viên có những việc làm cụ thể, những ứng dụng tri thức vào thực tế trong bản CV chứ không chỉ là cái bằng đại học". Ảnh: yearoutgroup.org

"A year out” là cụm từ để chỉ một năm trong khoảng thời gian từ khi đỗ đại học cho tới lúc đi học trở lại (đó là khi bạn đã có bằng A-levels, tương đương với bằng tốt nghiệp của mình). Theo đó, trong năm đầu, các sinh viên có thể bảo lưu kết quả thi đại học và sau đó mới trở lại trường tiếp tục việc học của mình.

Trong năm bảo lưu đó, sinh viên cho thể làm những gì mình thích như đi du lịch, đi làm thêm, giao lưu, kết bạn, trải nghiệm với cuộc sống xung quanh. Đó cũng được coi là một cách học hay còn gọi là học từ trường đời.

Hiện nay, có rất nhiều người trẻ tuổi ở các nước tiên tiến quyết định dành một năm để thực hiện những điều đó.

Theo họ, một năm ấy là vô cùng quý báu, những trải nghiệm từ cuộc sống trước khi bước chân vào giảng đường đại học sẽ giúp họ thêm tự tin, tự lập, trưởng thành hơn, tiếp thu được nhiều tri thức mà trong trường không dạy hay có thêm những mối quan hệ mới, có thể những mối quan hệ đó có thể giúp ích cho công việc tương lai của họ.

Ngoài ra, rất nhiều nhà tuyển dụng hiện nay muốn những nhân viên có những việc làm cụ thể, những ứng dụng tri thức vào thực tế trong bản CV chứ không chỉ là cái bằng đại học.

Các trường đại học ở đó cũng sẽ không hài lòng nếu như trong một năm đó những sinh viên của mìnhkhông làm gì cả. Vì thế nên rất nhiều sinh viên hiện nay đã và đang lựa chọn cho mình rất nhiều hoạt động, công việc phù hợp để làm trong “a year out”.

Với câu hỏi cuối cùng ở cuối bài là “What would you do with a year out? (bạn có thể làm gì với một năm không làm gì?") mọi người trong lớp thảo luận một cách sôi nổi.

Có lẽ từ đầu năm tới giờ, đây là chủ đề lớp tôi thấy hào hứng và thú vị nhất bởi “a year out” là một điều mới lạ với những học sinh, sinh viên Việt Nam và nó quả thực rất thú vị.

Hàng loạt các ý tưởng được nêu ra như: Người thì muốn mở một cửa hàng nhỏ để tập kinh doanh, người muốn làm cộng tác viên ở các tòa soạn báo để nâng cao kĩ năng viết bài cho công việc tương lai, người muốn tham gia vào các tổ chức xã hội để mở rộng quan hệ và giúp đỡ mọi người hay một công việc bán thời gian như bưng bê, phục vụ ở các quán ăn, nhà hàng để kiếm tiền cho những dự định tương lai: đi học, mua sắm hay đi du lịch để mở rộng tầm hiểu biết cũng là một lựa chọn không tồi…

Rất nhiều dự định được đưa ra với giọng điệu khác nhau: hào hứng, phấn khích, vui vẻ, mơ mộng với những gì mình sẽ thu được trong một năm đó.

Các trường đại học có thể coi là những đích đến lớn nhất trong sự nghiệp học hành của mỗi học sinh. Tuy nhiên, việc được trải nghiệm, học hỏi từ thực tế cũng rất hữu ích.

Với những gì được cung cấp để hiểu về “a year out”, tôi thấy thực sự thích và muốn ở Việt Nam mình, các sinh viên cũng có cơ hội để trải nghiệm điều đó.

Tuy nhiên, hiện nay ở đất nước chúng ta không có trường đại học nào sinh viên được bảo lưu kết quả thi đại học để sau một năm họ có thể trở lại trường với hành trang là những vốn sống thực tế từ trường đời.

Còn bạn, nếu có một “a year out” bạn sẽ làm gì?

Hà Tạ
Nguồn: VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét