Bàn về sự HỌC

Học không phải là một khái niệm mới, một hoạt động mới nhưng để hiểu hết bản chất và ý nghĩa của sự học thì quả thật không phải là điều dễ dàng. Có khá nhiều quan điểm về sự học nhưng tôi đặc biệt tâm đắc với khẳng định: Ta là sản phẩm của chính mình[1]. Theo đó người học vừa là chủ thể vừa là đối tượng của quá trình giáo dục đặc biệt này. Tuy nhiên, hiện nay việc ý thức đúng về sự học đứng ở góc độ một cá nhân, một tổ chức hay một dân tộc vẫn còn nhiều điều cần trao đổi thêm. Đặc biệt với Việt Nam, một nền kinh tế đang mở cửa, mở rộng giao lưu, giao thương với anh em bạn bè quốc tế thì đây quả thật là vấn đề cần đặt đúng vị trí quan trọng của nó. “Sản phẩm” của chúng ta liệu đã đủ sức “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”[2] chưa hay chỉ đơn thuần hướng tới hoa trái của đời người là tiền tài, địa vị, danh vọng, bằng cấp mà đang quên đi gốc rễ là giá trị của thực học? Con người triệu ngàn năm nay vẫn học nhưng tại sao có những cá nhân được cả nhân loại nhắc tới như một vĩ nhân, có những cá nhân suốt đời vẫn là những hình bóng vật vờ của chính mình; tại sao có những người được gọi là “công dân quốc tế”, có những người mãi mãi vẫn là một người dân nghèo địa phương? Mỗi doanh nghiệp đều có những tài sản quý của mình – nguồn nhân lực, nhưng tại sao có doanh nghiệp đã trường tồn và phát triển hàng trăm năm nay, có doanh nghiệp mới mở ra đã sớm “dẹp tiệm”; tại sao có doanh nghiệp được cả thế giới nhắc tới và nhớ đến như một thương hiệu thành công, có doanh nghiệp bị cộng đồng tẩy chay vì những bê bối và thiệt hại gây ra cho xã hội? Mọi quốc gia cũng đều chú ý đầu tư đến công tác giáo dục ở mức độ này hay mức độ khác vậy tại sao có những quốc gia dù “bắt đầu trễ” nhưng đã là người “dẫn dắt”, là bá chủ của nền kinh tế thế giới? Tại sao có quốc gia được thiên nhiên ưu đãi vẫn dậm chân tại chỗ ở vị trí nước kém phát triển, có quốc gia không có “rừng vàng biển bạc” vẫn là nước phát triển với những bước nhảy thần kỳ? Có lẽ nào đang tồn tại một câu hỏi lớn ở đây? Hay phải chăng quả thật như Fukuzawa Yukichi [3] đã nói: “Trời không sinh ra người đứng trên người, trời không sinh ra người đứng dưới người, tất cả đều do sự học mà ra”. Sự học vì vậy cũng cần được bàn tới cho “thấu tình đạt lý” chăng!

Dù là để đạt được đến thành công của cá nhân, tổ chức hay dân tộc, sự học đều cần chú trọng đến sản phẩm cuối cùng mà nền giáo dục tạo ra: Đó chính là con người. Con người “sản phẩm” phải là con người tiên tiến thể hiện ở năng lực tư duy độc lập và năng lực tự giáo dục bản thân. Có được con người như thế làm nền tảng thì bản thân mỗi cá nhân, tổ chức hay dân tộc mới có được cơ sở để tồn tại cũng như phát triển một cách bền vững.

Sự học muốn thành công, phải đi từ gốc rễ của vấn đề. Để bắt đầu sự học, trước hết cần xác định: Học để làm gì? Với một cá nhân, sự học cần bắt nguồn từ mong muốn hoàn thiện bản thân, khẳng định chính mình, tạo dựng được một điều gì đó lớn lao đóng góp cho cộng đồng, xã hội, nhân loại. Với một tổ chức, sự học cần bắt đầu từ niềm tin xác lập lại vị trí của mình trên “thị trường chung”, tạo ra những giá trị mới để làm cho cuộc sống của con người tốt đẹp hơn. Với một dân tộc, sự học cần khởi nguồn từ khát vọng tự chủ, độc lập của dân tộc, xây dựng hình ảnh một quốc gia thân thiện và thông minh, sẵn sàng tham gia cuộc chơi cùng thế giới. Chỉ có như thế, sự học mới có định hướng rõ ràng, tư duy về quy trình thực hiện, mục tiêu hướng tới mới có hệ thống và cụ thể. Làm được như vậy, sự học mới có thể đi đến tính khả thi và hiệu quả.

Cùng nhìn lại hai thực tế sau để ngẫm nghĩ sự học của chính mình, của tổ chức mình và của dân tộc mình.

Thực tế đầu tiên: Để thu được 500USD, người ta có thể làm gì?[4]

Để thu được 500 USD?

Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam bán 5 tấn than đá.
Nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long bán 2 tấn gạo.
Trung Quốc bán chiếc xe gắn máy trọng lượng 100 kg.
Hãng Sony bán chiếc tivi trọng lượng 10 kg.
Hãng Nokia bán chiếc điện thoại trọng lượng 0,1 kg.
Hãng Intel bán con chip máy tính trọng lượng 0,01 kg.
Hãng Microsoft bán một phần mềm trọng lượng 0 kg.

Xót xa thay cho những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của một đất nước “đang phát triển”. Đua tranh cùng thế giới với tài nguyên thiên nhiên được ban tặng? Đua tranh cùng thế giới để trở thành một nước nông nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu nông sản này, nông sản kia? Phải chăng sản phẩm của sức lao động cơ bắp của những ngày xưa đang dần bị “hạ giá” trước những sản phẩm của hàm lượng chất xám, của trí tuệ văn minh, hiện đại? Phải chăng do cách nghĩ của ta chưa tới hay do nền dân trí của ta chưa đủ mạnh để biến tinh thần ham học hỏi, khát khao làm giàu cháy bỏng thành một sản phẩm cuối cùng tinh túy, giá trị hơn? Câu trả lời nằm ở chính ta, chính tổ chức ta và chính dân tộc ta.

Thực tế thứ hai: Lịch sử thế giới đã chứng kiến những sức mạnh khác nhau để một quốc gia trở nên hùng mạnh: Sức mạnh của vó ngựa đã từng giúp Mông Cổ hay đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) bá chủ một thời. Tiếp đó, sức mạnh của cánh buồm rộng lớn đã giúp Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha thống trị thế giới. Rồi đến thời sức mạnh của những chiếc động cơ hơi nước đã giúp nước Anh chiếm lĩnh khắp nơi để họ có thể nói “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”. Tất cả đã lùi vào dĩ vãng. Ngày nay, tất cả những quốc gia trở nên hùng mạnh đều nhờ vào một yếu tố: trình độ giáo dục, và từ đó là trình độ công nghệ. Đó là kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức. [5]

Ta đang ở đâu trong thế giới này? Giờ liệu còn phải lúc để ta tự hào về những chiến công lẫy lừng của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và giải phóng dân tộc đế sống mãi trong tư thế “cùng ôn lại những chiến tích hào hùng”, ngủ quên trong chiến thắng của mấy mươi năm trước mà quên mất rằng mọi thứ đang vận động và biến chuyển không ngừng. Ta chỉ có thể tồn tại và vươn nhanh, vươn xa bằng chính thực lực của mình kết hợp với sức mạnh của thời đại, nương theo đó mà bay lên mạnh mẽ. Hãy nghĩ về quá khứ như một sức mạnh tinh thần, một niềm tin vào sức sống, sức trỗi dậy của một dân tộc, của những tổ chức và của mọi cá nhân để làm hành trang tự tin tiến vào nền kinh tế thế giới, gia nhập nhịp sống của thời đại.

Phân tích những điều trên để thấy rằng câu hỏi “Tại sao học?” quan trọng như thế nào để bắt đầu hành trình dài của sự học. Tôi đồng ý quan điểm của thầy Giản Tư Trung khi dạy rằng: “Chỉ có học thực, mới có năng lực thực; chỉ có năng lực thực, mới có thể làm thực; chỉ có làm thực mới có thể tạo ra giá trị thực; chỉ có tạo ra giá trị thực, mới có thể sống thực. Tất cả, bắt đầu từ thực học”. Rõ ràng, chỉ có sự học mới có thể giúp cá nhân, tổ chức, dân tộc phóng tầm nhìn ra xa, biết được ta có gì, cần gì, muốn gì để biến sức mạnh, thế mạnh của mình thành một giá trị gia tăng mới lớn hơn, tốt hơn.

Khi đã xác định rõ mục tiêu của sự học, câu hỏi tiếp theo cần giải quyết là: Học cái gì để đạt được mục tiêu đó? Học không phải là học tràn lan, đụng đâu học đó, học để biết mà không hiểu, học để tác nghiệp chứ không nắm được bản chất, căn nguyên của vấn đề. Ý thức được “Học để làm gì” để từ đó tìm ra những cái còn yếu, còn thiếu để bổ sung kiến thức, hoàn thiện kỹ năng và có cách nghĩ đúng đắn hơn chỉ có như vậy mới phát triển được bản thân, trau dồi được hiểu biết và quan trọng hơn là đi đúng con đường đã định. Cá nhân muốn thành công, chắc chắn phải đặt sự học ở mục tiêu tự thân, tức là việc học là của mình, do mình, vì mình thì mới có đủ đam mê, nhiệt tình và nỗ lực để đi đến cùng với ngọn nguồn của sự học. Tổ chức muốn thành công thì phải xây dựng được văn hóa học tập không ngừng để khuyến khích mỗi thành viên không ngừng cố gắng để “làm tốt” chính mình từ đó góp phần “làm tốt”, nâng cao năng lực cạnh tranh của tổ chức. Dân tộc muốn thành công nhất định phải đi từ những cá nhân thành công và những tổ chức thành công. Những phần tử, tế bào tiến bộ này sẽ là nội lực vững mạnh, cứng cáp để dân tộc mạnh dạn “dấn thân” vào cuộc chơi toàn cầu. Để làm được điều này thì bản thân dân tộc đó phải phát huy được tinh thần hiếu học, thực học dựa trên nền tảng truyền thống, chứ không phải chạy theo hình thức, hòa tan theo xu hướng mà không giữ được cái gốc của chính mình.

“Học như thế nào?” cũng là một điều cần lưu ý. Xác định được mục tiêu học, nội dung học mà không có cách thức, phương pháp học thì cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn. Sự học thực chất là một quá trình trong đó nguyên liệu, nhà sản xuất và sản phẩm cuối cùng đều là con người. Câu hỏi về cách học liên quan đến vai trò “nhà sản xuất” trong quá trình này. Nhà sản xuất phải nắm sự chủ động, tuân thủ định hướng, thấu hiểu bản thân “nguyên liệu” để có cách chế biến, lắp ráp các mảnh ghép phù hợp trong biển học vô vàn để có được “sản phẩm” như mong muốn. Bản thân người học phải ý thức được vị trí trung tâm, vị trí “làm chủ” của mình để biết yêu cầu, “đòi hỏi” chính mình, xã hội đáp ứng nhu cầu học hỏi này. Học từ sách vở, học từ cuộc sống, học từ kinh nghiệm và những trải nghiệm của bản thân, của mọi người. Chỉ với cách tiếp cận tích cực như vậy thì sự học mới giải quyết được tất cả các vấn đề chưa thông suốt, chưa rõ ràng. Đối với tổ chức, cũng cần xây dựng cơ chế học tập linh hoạt (học trong giao tiếp, ứng xử, trong công việc…) để mỗi thành viên có thể thỏa mãn mong muốn học hỏi, “nâng cấp” bản thân mọi lúc, mọi nơi. Còn ở góc độ dân tộc, để phát triển sự học đòi hỏi sự tôn trọng người học, khuyến khích mỗi cá nhân phát huy tính sáng tạo của bản thân, tạo điều kiện tốt nhất cho người học được phát biểu ý tưởng, thử nghiệm vào thực tế để chứng minh lý thuyết, khám phá ra những khoa học mới. Để “sản xuất” ra những “sản phẩm” ít “lỗi”, nền giáo dục, đào tạo cũng phải xây dựng trên cơ sở tiến bộ, phù hợp với năng lực người học cũng như điều kiện sở tại.

Ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tổ chức UNESCO đã nêu lên 4 trụ cột của cải cách giáo dục [6], đó là:

Học để biết (Nắm được những công cụ để “hiểu”)

Học để làm (Có khả năng sáng tạo, tác động vào môi trường của mình)

Học để cùng chung sống (Tham gia và hợp tác với người khác)

Học để làm người (Sự tiến triển quan trọng nảy sinh từ 3 trụ cột trên)

Và ngạn ngữ Trung Hoa cách đây nghìn năm đã có câu: “Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt thoái”. Như vậy, có thể thấy rằng sự học có một ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng con người mới, tổ chức thành công và một dân tộc tiến bộ nhưng là một chặng đường thật sự gian nan, đòi hỏi nhiều khổ luyện và sự kiên định. Sẽ là rất dễ để bỏ cuộc, sẽ là rất khó để đi đến cùng với hành trình này. Chỉ đến lúc nào công tác giáo dục thật sự đi vào thực học, để tạo ra những giá trị thực, những con người thực với đầy đủ phẩm chất cần có để “làm người” thì khi đó, sự học mới thể hiện được đầy đủ vai trò và ý nghĩa của nó. Bắt đầu từ những điều nhỏ, làm thật tốt, biến những điều tốt thành những điều vĩ đại, sự học giúp cho cá nhân, tổ chức, dân tộc gìn giữ được những bản sắc riêng, tiếp thu tinh hoa của cộng đồng, nhân loại để làm ĐẸP, làm THƠM và RẠNG DANH cho chính mình.

Gia nhập WTO, mọi điều kiện đã sẵn sàng để Việt Nam có thể mở rộng kết nối, giao lưu, giao thương. Dân tộc Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, con người Việt Nam sẽ “cất cánh” bao cao, bao xa tất cả tùy thuộc vào kết quả của sự học mà mỗi con người, mỗi tổ chức và cả đất nước đầu tư ngay từ hôm nay!


[1] Tên bài viết của Thầy Giản Tư Trung – Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE đăng trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn (số đặc biệt, Xuân Kỷ Sửu, 2009)

[2] Trích lời Bác Hồ trong buổi khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946

[3] Nhà tư tưởng (1834 – 1901) có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại, được người Nhật tôn vinh là “Voltaire của Nhật Bản”. Hình của ông được tin trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ 10.000 yên

[4] Ví dụ được đăng trên VietNamNet ngày 09/11/2006 để minh họa khái niệm dùng trọng lượng của sản phẩm để so sánh trình độ quốc gia do nhà báo Thomas Friedman của tờ báo New York Times đã đưa ra.

[5] Đăng trên VietNamNet ngày 09/11/2006

[6] Trích bài nói chuyện “Xây dựng mục đích của việc dạy và học theo tinh thần UNESCO” của ThS. Nguyễn Ngọc Lâm – Giám đốc Đào tạo kỹ năng, Công ty CP Vinawin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét