Niềm vui và nghĩa vụ

Hôm nay chợt mới nghiệm ra một điều trong tất cả những việc mình làm, việc nào được xem là nghĩa vụ thì hình như rất nặng nề, còn các việc mình thấy nó là niềm vui thì hình như nó nhẹ nhàng hơn rất nhiều (dù có thể khối lượng và áp lực không thay đổi). Phát hiện trên đây có lẽ chẳng phải là một sự đột phá gì với nhân loại, nhưng quả thật là một điều mới mẻ với mình. :-)

Những việc được xem là nghĩa vụ đôi khi không hẳn nó là một trách nhiệm được văn bản hóa hay là một mệnh lệnh được đưa ra từ một ai đó mà đa số nằm nhiều ở suy nghĩ của bản thân mình. Chẳng hạn như, khi bạn nấu ăn, nếu bạn nghĩ đây là một nhiệm vụ phải thực hiện ở vai trò là người phụ nữ, người chị trong gia đình thì quả thật việc nấu ăn về lâu dài sẽ là một áp lực vô hình kiến bạn mệt mỏi (và đôi khi làm bạn dễ cáu gắt khi gặp chuyện không như ý). Rõ ràng là với suy nghĩ này, chất lượng và không khí bữa ăn cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều và tính khí, cảm xúc của bạn khi thực hiện việc nấu ăn cho cả nhà. Cũng là công việc này, nhưng khi bạn suy nghĩ theo một hướng khác: mình muốn ăn món này, món kia, mình sẽ nấu để được thưởng thức, và sẽ nấu nhiều hơn một tí để các thành viên trong nhà cũng ăn nữa. Bạn thử hình dung xem, với tâm thế này, việc nấu ăn trở thành một niềm vui, một cách giải trí cho chính bạn. Việc nấu cho người khác ăn trở thành một kiểu mình tặng thêm cho mọi người (bên cạnh việc mình đạt được cái mình muốn: ăn đúng món mình đang thèm, đang muốn thử nghiệm). Khi đó, tâm trạng bạn sẽ thoải mái hơn rất nhiều, mọi người theo đó cũng được hưởng lây không chỉ món ăn mà cả tinh thần vui vẻ bạn đã truyền cho nữa. Nếu bạn thuộc típ người sống tình cảm thì thành quả bạn thu về còn nhiều hơn, đó là cảm giác sung sướng khi thấy mọi người ăn uống no say, ngon vui,... Vậy là, chỉ cần bạn chuyển được tâm thế của mình khi nhìn nhận một công việc, bạn sẽ làm nó một một tinh thần, thái độ hoàn toàn khác hơn, kết quả và các giá trị mà nó đem đến theo đó cũng có những khác biệt.

Tất nhiên, cũng có những việc, dưới tác động của các yếu tố bên ngoài, bị biến thể từ dạng niềm vui sang dạng nghĩa vụ. Ví dụ như khi bạn bắt đầu làm một dự án ấp ủ lâu nay, ban đầu tinh thần là được làm điều mình thích, mình đam mê, công việc đó là một thứ niềm vui. Nhưng sau một thời gian, khi bạn phải nhận lãnh vai trò này kia, phải chịu trách nhiệm trước các thành viên, cộng sự, phải đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc,... thì dần dần, việc bạn làm sẽ bắt đầu mang hơi hướng của nghĩa vụ. Rõ ràng, một khi bạn làm một điều gì đó vì một lý do nào đó không xuất phát từ sự thỏa mãn thực từ chính bên trong mình thì dù đó là công việc dễ dàng nhất cũng trở thành một thứ nghĩa vụ, hoặc thậm chí là một thứ ám ảnh khiến bạn nhọc tâm. Điều này cho thấy, để hỗ trợ cho việc nhìn nhận ra những khía cạnh niềm vui của một công việc, bạn cần xác định rõ những nhân tố khiến bạn cảm thấy thỏa mãn và những giới hạn tối thiểu nhất của bạn còn có cảm giác thỏa mãn. Và dĩ nhiên, điều này đòi hỏi bạn phải có những hiểu biết về chính bản thân mình, bởi không có một cái khung tiêu chuẩn chung nào cho tất cả.

Một điều nữa, trong quá trình liên tục thực hiện các công việc trong thực tế và khai phá bản thân, bạn sẽ dần nhận biết được thêm nhiều yếu tố tác động đến cảm giác thỏa mãn bên trong của chính mình cũng như mở rộng dần phạm vi sự thỏa mãn tồn tại. Nghĩa là theo đó, nếu bạn bắt đầu luyện tập việc tìm những khía cạnh mang đến niềm vui trong công việc và chuyển biến tâm thế của mình trước mọi việc thì theo thời gian, "nội công" của bạn sẽ dần trở nên thâm hậu hơn, những điều khiến bạn vui vẻ được tích lũy và làm dày lên, khiến cuộc sống của bạn ngày càng dễ chịu hơn. Và điều thú vị nhất khi làm được việc này là bạn sẽ có cảm nhận bạn đang sống cuộc sống của chính mình, cho chính mình chứ không phải vì một lý do ngoại lai nào khác. Nhờ đó, sự cởi mở, tính sáng tạo, lòng yêu thương của bannj cũng được phát huy tối đa trong từng việc nhỏ nhất mà bạn làm. Đó cũng chính là chiêm nghiệm quý giá mà tôi rút ra được qua quá trình vận dụng trong cuộc sống của mình.

Chúc bạn thành công và gặt hái những kết quả tốt đẹp nếu một khi nào đó muốn thử nghiệm đúc kết này! ;-)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét