Thông điệp từ một học sinh 10 tuổi nhân mùa khai trường

Nếu hiểu dạy học là truyền bá kiến thức, thì dạy học quả thật là một việc làm không có ý nghĩa mấy vì kiến thức thì nhiều vô cùng. Càng ngày, kho kiến thức nhân loại lại càng tăng nhanh; và có không ít những kiến thức mới chứng minh tính đúng đắn và thuyết phục hơn – phủ nhận lại những kiến thức cũ… Vậy thì dạy đến lúc nào và học đến khi nào mới đầy đủ, mới cập nhật cho kịp kiến thức mới? 

Nếu đi học là để “lĩnh hội và nắm bắt” kiến thức thì xem ra đi học cũng thật vô ích, bởi kiến thức “chết” chỉ chẳng giúp ích được gì, mà kiến thức chỉ “sống” khi người học vận dụng được, giúp họ thay đổi thói quen và thay đổi cuộc đời.

Ngay cả khi chúng ta hiểu dạy học là giúp người học vận dụng được kiến thức thì cũng vô cùng khiếm khuyết và giới hạn. Bởi nếu chỉ tạo ra một lớp người biết ứng dụng thôi thì ai là người sáng tạo và phát kiến những cái mới? Dạy học theo cách này chỉ tạo ra những con người đi sau sự phát triển. 

Vậy, chúng ta cần đến hệ thống giáo dục để làm gì?

Hãy nghe thông điệp của Dalton Sherman - một học sinh 10 tuổi - nhân mùa khai trường:

“Tôi có thể làm bất cứ điều gì.

Tạo ra bất cứ thứ gì.

Mơ ước bất cứ điều gì.

Trở thành bất cứ ai…

Bởi vì mọi người tin tưởng ở tôi. Điều đó thực sự tác động đến tôi.



Giáo dục trước hết là đặt niềm tin vào người học. Một lời nói nâng đỡ và chân thành có thể làm thay đổi cuộc đời của một con người, kéo họ từ vùng tăm tối lên miền ánh sáng; ngược lại, có thể tước đi ước mơ, lòng tự tin và sức mạnh của một con người. 

Giáo dục còn là: làm sao để người học có được niềm tin vào cuộc sống, tin vào tương lai, tin vào tình thương và sự nâng đỡ của những người xung quanh dành cho họ; làm sao giúp họ khám phá ra tiềm năng và sức mạnh vô hạn bên trong của mình và không ngừng phát huy những điều đó; làm sao  giúp họ nhận diện được  năng lực  thế mạnh của bản thân; làm sao để giúp họ khám phá ra niềm đam mê và yêu thích của mình; làm sao giúp họ kiên trì theo đuổi điều họ khát khao; làm sao để giúp họ có khả năng tự đào sâu  áp dụng được những gì họ tìm tòi, học hỏi… 

Công việc này không phải là trách nhiệm của riêng người giảng dạy mà là trách nhiệm của cả môi trường giáo dục bao gồm tất cả những thành phần tham gia vào đó.

Trong gia đình, giáo dục con cái không chỉ từ những lời “lên lớp” của bố mẹ, mà chính là lối sống, lối cư xử của ông bà, cha mẹ; qua các sinh hoạt trong gia đình hay các loại hình văn hóa nghệ thuật con cái được tiếp cận. Trong nhà trường hay ngoài xã hội cũng vậy, giáo dục không phải là rao giảng kiến thức, nhưng là lối cư xử, văn hóa, thói quen và những hành vi ứng xử với nhau trong xã hội… Chính những điều này mới thật sự tác động đến việc hình thành tâm hồn và phát triển trí tuệ của một con người.

Vậy, giáo dục nên là công việc truyền lòng tin và tình yêu cho người học. Đây chính là một bàn đạp vững chắc để người học tự mình khám phá bản thân và phát huy tiềm năng vô hạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét