Thế giới tôi đang sống (P.1)

"Thế giới" ở đây được hiểu là cuộc sống đang diễn ra xung quanh tôi, là thế giới thu nhỏ mà tầm mắt tôi có thể nhìn, là môi trường mà tôi đang sống, học tập và làm việc. Bài viết này vì lẽ đó chỉ kể về những gì tôi thấy, tôi nghe và tôi chứng kiến - như chính nó thể hiện - hiển nhiên không bàn đến bản chất, nguyên nhân. Nếu có những bình luận kèm theo thì có chăng chỉ là một chút mạn đàm vài ba điều trăn trở nhỏ nhoi, chủ quan mà thôi, chứ không ám chỉ, đả kích ai hoặc điều gì...
***
Nói về chuyện HỌC


Nguồn: Internet
Nhớ ngày xưa đi học, thấy Thầy Cô giảng điều gì hay là sướng lắm, chăm chú lắng nghe, về nhà đọc thêm sách, làm thêm bài tập để thỏa mãn cái sự hứng thú có được từ lớp học. Thế là mê hết môn này đến môn kia, quý hết Thầy này đến Cô kia. Khi đó, chỉ quan tâm đơn thuần đến những điều được Học: Điều đó có mới mẻ không? Điều đó có giải đáp được những cái mình đang băn khoăn không? Điều đó có đúng, phù hợp với những điều mình đã được học, được biết trước đây không? Điều đó có logic không?... chứ mặc nhiên không quan tâm đến con người hay gia cảnh của người đứng lớp. Có Thầy sau giờ dạy phải đi lấy thức ăn thừa về để nuôi lợn tăng thu nhập cho gia đình. Có Cô chiều chiều phải ra trường mầm non bán mấy thứ kẹo bánh, đồ chơi cho con nít để có thêm ít đồng trang trải chi phí... Những điều đó, hầu như khi đang học tôi đều không biết, thường là đến tận học kỳ sau hoặc thậm chí các năm học sau mới biết và khi biết rồi thì sự kính trọng của tôi với các Thầy, các Cô không hề sụt giảm mà ngược lại còn gia tăng lên rất nhiều. Bạn bè tôi, tôi nhớ khi đó có người biết chuyện rồi thì tỏ ra ái ngại - người thì thương cảm, người thì không chú tâm vào bài giảng mà quan tâm đến việc sau buổi dạy hôm nay người Thầy, người Cô đó sẽ làm gì tiếp theo. Âu là cũng đủ suy nghĩ cả!

Lên Đại học, tôi vẫn giữ tâm thế đó để đến giảng đường - nghĩa là tìm điều hay trong các bài giảng của Thầy Cô để học. Tôi học Quản trị kinh doanh và thích thú tìm về các nguyên lý, quy luật cơ bản và ứng dụng đằng sau của các môn học về món "quản trị" này và tiếp tục thỏa mãn cái sự sung sướng được "gãi đúng chỗ ngứa". Và cũng như mọi khi, tôi cũng không quan tâm lắm đến "background" của người dạy. Bạn bè tôi, ở thời điểm đó, một số người đã bắt đầu manh nha suy nghĩ: Thầy nào giàu hoặc có doanh nghiệp riêng rồi thì mới dạy được Quản trị kinh doanh thành ra với những Thầy Cô có vẻ bên ngoài "hòa nhoáng", tiểu sử đẹp, thành tích nổi bật thì các bạn siêng năng đến lớp, phát biểu, lấy cảm tình. Còn những Thầy Cô "mộc mạc" hơn (dù có thể giàu trải nghiệm hơn, kiến thức uyên thâm hơn) thì các bạn học có vẻ uể oải, đối phó. (Sau này đi làm và hiểu hơn về tâm lý thị trường tôi mới không còn lạ lẫm với điều đó nữa).

Hai câu chuyện trên xét ra chẳng có nội dung gì nhiều, đơn thuần là kể lể chuyện "ngày xưa" nhưng sở dĩ tôi nhớ đến nó là bởi chứng kiến được những "chuyện nay" cũng nói về người Dạy và người Học.

Tôi có anh bạn mở lớp dạy Kinh doanh. Nếu xét về mức độ trải nghiệm thì có thể xếp anh vào dạng "dân chơi" rất chi là đời về lĩnh vực này. Đã từng thành công từ rất sớm, đã từng thất bại đầy cay đắng, đã từng làm giàu "sai", đã có mười mấy đứa học trò rất thành công trên thương trường (nhiều người khá có tiếng).... Sở dĩ anh mở lớp dạy là bởi anh muốn chỉ cho mọi người cách có thể kiếm sống, làm giàu một cách chân chính - để không như anh từng tham lam, từng "ngu dốt" (như cách anh hay nói) - và giúp đời nhiều hơn - Đây cũng là cách mà anh muốn sửa sai với đời. Học viên ban đầu đến với anh bởi sự tò mò về những câu chuyện "làm giàu" của anh, nhưng sau đó khi nghe những lời phong phanh, đồn đại về quá khứ không "giàu sạch" của anh bỗng trở nên nghi ngờ, thậm chí nhiều người ghét bỏ anh không thương tiếc. Chưa kể trong quá trình dạy, anh khá nghiêm khắc với học trò (nếu không muốn nói là đôi khi có chút hà khắc), nên hiểu lầm càng chất đống hiểu lầm, và nhiều học viên đã chọn rời xa anh. Những người ở lại, sau thời gian "nằm gai nếm mật" đều trưởng thành nhanh chóng trong suy nghĩ, hành động cũng như bắt đầu gặt hái những kết quả khả quan trong công cuộc kinh doanh, làm giàu của mình - và tất nhiên là theo con đường đúng đắn, quang minh lỗi lạc. Khi đã hiểu được anh và những giá trị anh chia sẻ, họ yêu quý và biết ơn anh thật nhều.

Hôm trước vô tình tôi đọc được một bài viết kể về câu chuyện chốn tù lao của những người phạm tội "hiếp dâm". Theo lời kể của một người từng nếm trải thưc tế, bị "trừng phạt" với những đòn rất độc của các bạn tù nếu thụ án "yêu râu xanh", anh (người kể chuyện) nói rằng, sau những ngày thụ án, anh bị ám ảnh bởi tội lỗi mình đã gây ra khi chịu sự đau đớn của các hình phạt - anh thấu hiểu nỗi đau về thể xác và tinh thần của nạn nhân trước các tội ác của anh. Anh khẳng định rằng, nếu cho anh phạm tội lần nữa, anh cũng không dám bởi quá sợ hãi tội lỗi của chính mình. Anh ra tù, xã hội và gia đình có thể một ngày nào đó sẽ tha thứ cho anh nhưng bản thân anh sẽ mãi không thể tha thứ cho chính mình. Đọc câu chuyện này tôi chợt nghĩ rằng, nếu có những buổi trò chuyện công khai giữa anh và công chúng về sự hối lỗi, ăn năn và những ám ảnh đã trải qua trong thời gian ở tù thì biết đâu số tội phạm "hiếp dâm" sẽ giảm đi bởi tôi tin rằng chỉ cần nghe được mô tả chi tiết các hình phạt thôi cũng đủ làm cho những người có "tà tâm" phải ớn lạnh. Nhưng ngay sau đó, một thực tế đã lôi tôi quay trở lại với trăn trở: Nhưng liệu bao nhiêu người sẽ chịu mở lòng mình để đón nhận, lắng nghe và tin tưởng một người có tiền án chia sẻ về chủ đề "Đừng bao giờ hiếp dâm?"

Sợi dây liên kết ở những câu chuyện này là gì??? Theo thiển ý suy nghĩ cá nhân của tôi là "người học" (người đi học, tham dự hội thảo, khóa học, người nghe, ...) đang đổ hết trách nhiệm lên đầu "người dạy" (người giáo viên, diễn giả, người chia sẻ, người nói...). Theo đó những vấn đề liên quan đến "người dạy" sẽ được đem lên bàn cân để xem xét, đánh giá. Nếu họ "ok" thì những điều họ chia sẻ được mặc định là những điều nên nghe, nên học, là những điều đúng đắn, tốt đẹp. Nếu học "không ok" thì những điều họ nói có đúng đến mấy cũng chỉ là lý thuyết, là điều cần xem xét, là nghe ủng hộ cho vui và đôi khi cảm thấy có chút "tào lao". (Tất nhiên trong trường hợp đang nói, nếu tiêu chí đánh giá của bạn là phù hợp thì mọi việc vẫn đang ổn ^^). Điều tôi muốn trao đổi là chính kiến của bạn và điều bạn muốn học đã được xếp sau mọi tiêu chuẩn đánh giá dành cho người dạy. Thay vì quan tâm điều bạn được Học có đúng không, bạn quan tâm hơn đến background của họ. Thay vì xem việc Học là để phục vụ cho nhận thức, hiểu biết - làm vốn bản thân trong lâu dài, bạn tìm kiếm các chiêu thức để thành công nhanh chóng. Thay vì đặt câu hỏi cho chính mình để nhìn thấy các vấn đề còn tồn tại và tự tìm đáp án, bạn mong nghe được câu trả lời từ cuộc đời của ai đó. Chính vì lẽ đó, những chương trình, những "người dạy" đáp ứng được cái lý do thứ hai khiến bạn hứng thú "học" hơn và sẵn sàng chi tiền. Và điều này cũng đồng nghĩ với việc, bạn đem tất cả những kỳ vọng về tương lai, về cuộc sống mới đặt lên vai những người mà bạn xem là "người dạy". Theo đó, trường hợp "người dạy" xảy ra "biến cố" về sau, bạn có thể sẽ có khuynh hướng phủ quyết những điều được học - vì nó được "dạy" bởi một "người sai" - thậm chí có thể lên án họ là lừa đảo, là đã khiến bạn mất lòng tin này nọ. Nhưng xét một cách toàn diện, liệu có phải toàn bộ trách nhiệm thuộc về "người sai"? Hay là họ chỉ đang gánh thay mớ nghĩa vụ cho những người vô-trách-nhiệm-với-chính-mình đã trao toàn quyền cho họ???

Chợt nhớ đến câu nói của một người Thầy của tôi: Người ta không ai Dạy ai cả, mà chỉ là chia sẻ trải nghiệm, kinh nghiệm và kiến thức mình có với những người chưa có hoặc có ít hơn thôi. Như vậy, liệu có phải là thay vì lên án việc "dạy sai", chúng ta cần tiếp cận vấn đề ở góc độ "Học sai" sẽ là hợp lý hơn chăng?

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét