Lâu giờ đi đâu cũng nghe bàn tán xôn xao chuyện này chuyện kia, nào là chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục. Nói gần nói xa, mắt nhắm mắt mở đều nghe nhiều lời tám về vấn đề, hiện tượng, hệ quả: lạm phát, giá xăng tăng, giá điện tăng, giới trẻ có lối sống lệch lạc, nếp nhà bị lãng quên, hạn hán lũ lụt, trái đất nóng lên, sao Việt lộ ảnh nóng, nude để pR,... mà ít đọc được những bài viết giải thích cái nguyên nhân cốt lõi, sâu xa của những câu chuyện đó. Là do người ta không dám bàn, không tự tin bàn hay do cái thói quen đã ăn sâu vào máu - chỉ Than mà không phân tích cho ra nguyên nhân để từ đó tìm giải pháp?
Lội ngược dòng câu chuyện giáo dục và tự giáo dục mạn phép có một vài chia sẻ về vấn đề này.
Câu chuyện giáo dục: Từ hồi nhỏ xíu đi học con chữ ê a, cô thầy dạy ở lớp chỉ dạy cho em định nghĩa, định lý, rồi cùng nhảy vào giải bài, luyện tập ứng dụng. Kết quả: học trò đứa nào thông minh nhanh hiểu thì giải bài lẹ, giải bài nhiều, tự nhiên điểm số tốt. Ngược lại, trò nào không phù hợp với phương pháp dạy đó, thì bị ì từ bài này qua bài nọ, rốt cuộc là "không hiểu" từ chương này qua chương khác thành ra mất căn bản. Điểm số thấp lè tè. Thầy cô và gia đình nhận định: "trò này chỉ học được đến đó, không thể đòi hỏi hơn. Chỉ mong em nó qua được mấy kỳ thi lên lớp, thi tốt nghiệp". Vấn đề ở đây: Những học trò đó có thật sự kém đến thế? Là vì họ không đủ chỉ số IQ để học hay do phương pháp dạy chỉ có Ngọn không có Gốc lại chưa phù hợp với cách học hiệu quả nhất cho từng cá nhân người học? Rồi phải chăng cũng do chúng ta đang góp phần công sức trong việc tán dương những thành quả thu được từ cách ứng dụng rập khuôn trong chuyện dạy-học-thi cử mà còn bàng quan nhiều với việc học sinh đang tư duy thế nào, đang lý giải thế nào, có cách nghĩ ra sao?
Câu chuyện tự giáo dục: Ở lớp nghe thầy giảng, về nhà lo làm bài. Đi học chính thống ở trường chưa đủ, phải đi học thêm cho bằng bạn bằng bè. Mà cái lớp học thêm thì lúc nhúc người, chật chội. Thầy cô sang thì dạy có mic, không thì giảng chay. Trên đọc dưới chép, trên giải bài dưới tiếp tục chép... Cứ thế từng lò học sinh được đào tạo ra thành một cái máy nghe, viết không nhiều tư duy (hay không có đủ thời gian định thần để tư duy). Dần dà tạo thành một cái thói trong suy nghĩ: đúng sai là do người, còn mình là nạn nhân là sản phẩm.
Trở lại câu chuyện ban đầu. Cái điều mà mọi người đang làm là kết quả của một quá trình được đào tạo và tự đào tạo. Chuyện dám bàn và tự tin bạn là điều chắc chắn làm được - minh chứng vấn đề này là những câu chuyện xã hội, giáo dục nhiều bức xúc bà con mình cũng viết bài comment rất sắc bén. Như vậy, câu chuyện cần là phải thay đổi cái thói quen Than kia, nhìn nhận lại cái Gốc của tất cả các vấn đề đang nảy sinh xung quanh để tư duy về giải pháp, chắc chắn mọi chuyện sẽ thay đổi theo một chiều hướng khác.
Ngẫm chuyện lớn để thấy được chuyện nhỏ - tất cả nằm ở bản thân mình. Đây sẽ là câu chuyện dài mà những bài viết sắp tới chúng ta cùng nhau mổ xẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét