Một góc nhìn về những giá trị cuộc sống (P1)

Những lý thuyết quản trị kinh doanh không chỉ có ý nghĩa trong hoạt động quản lý. Trong nhiều trường hợp, những lý thuyết này tỏ ra rất hữu ích trong cuộc sống nói chung.

LTS: GS. Clayton Christensen, truờng kinh doanh Harvard, là người đầu tiên đề xướng lý thuyết Chiến lược sáng tạo đột phá. Ông đã viết nhiều bài báo và sách về lĩnh vực này, cũng như thường xuyên được mời nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp tại các hội thảo về chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, bài viết dưới đây của ông lại về một chủ đề rộng hơn: ứng dụng của những lý thuyết quản trị kinh doanh trong cuộc sống nói chung.

Bài viết được tổng hợp từ trao đổi của GS. với những sinh viên trường kinh doanh Harvard, khóa học 2010, trong bối cảnh niềm tin vào kinh doanh và tương lai bị lung lay nghiêm trọng do những hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như những vấn đề nước Mỹ đang phải đối mặt.

Trước khi xuất bản cuốn The Innovator's Dilemma, tôi đã nhận được điện thoại của Andrew Grove, sau này là Chủ tịch tập đoàn Intel. Ông ta đã đọc một trong những bài viết đầu tiên của tôi về công nghệ đột phá và đề nghị tôi trình bày cách áp dụng các báo cáo, nghiên cứu của mình vào thực tiễn Intel. Tôi vui vẻ nhận lời tới Silicon Valley và Grove chỉ nói thế này: "Ông có 10 phút để trình bày. Hãy cho chúng tôi biết mô hình đột phá có thể giúp gì cho Intel." Tôi yêu cầu 30 phút, tuy nhiên khi vừa nói được 10 phút thì Grove xen vào: "Xin lỗi, tôi hiểu mô hình của ông. Ông chỉ cần giải thích cho tôi mô hình này có ý nghĩa như thế nào đối với Intel."

Tôi khẳng định cần thêm 10 phút nữa để mô tả sự đột phá đã ảnh hưởng như thế nào trong công nghệ đối với ngành công nghiệp thép - một ngành không hề liên quan tới công nghiệp bán dẫn - để Grove và những người khác hiểu rõ quá trình đột phá diễn ra như thế nào. Tôi kể lại chuyện tập đoàn thép Nucor và các hãng sản xuất nhỏ khác đã bắt đầu từ thị trường cấp thấp nhất với sản phẩm thanh cốt thép và thép cây, sau đó dần dần tiến lên thị trường cao hơn, bán giá thấp hơn so với các cơ sở sản xuất thép truyền thống.

Khi tôi kể xong, Grove nói: "Tôi đã hiểu. Tức là với Intel...," và bắt đầu tự giảng giải một chiến lược tiếp cận thị trường cấp thấp để tung ra sản phẩm bộ vi xử lý Celeron trong thời gian tới.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về ngày hôm đó: Nếu tôi sa đà vào chỉ ra cho Andy Grove những phương án kinh doanh bộ vi xử lý, tôi đã "chết chắc" rồi. Thay vì tư vấn cho ông ta nên nghĩ gì, tôi hướng dẫn ông ta cách suy nghĩ để tự giải đáp câu hỏi của mình.

Kinh nghiệm này để lại dấu ấn sâu sắc trong tôi. Từ đó, mỗi khi mọi người hỏi tôi nên làm gì, tôi đều hiếm khi trả lời thẳng mà chuyển câu hỏi này qua mô hình của tôi. Tôi sẽ mô tả quá trình trong mô hình diễn ra như thế nào trong một ngành hoàn toàn khác với ngành của họ. Thường thì sau đó người ta sẽ nói: "Tôi đã hiểu." Và tự họ sẽ trả lời câu hỏi của mình thuyết phục hơn cả tôi.

Lớp tôi dạy tại HBS được tổ chức theo cách giúp sinh viên hiểu được thế nào là lý thuyết quản lý tốt và cách thức xây dựng lý thuyết quản lý tốt. Tôi đưa ra nhiều mô hình, lý thuyết khác nhau để sinh viên suy nghĩ về những khía cạnh khác nhau của công việc quản lý trong việc thúc đẩy sự đổi mới và phát triển. Trong mỗi buổi học chúng tôi lại nghiên cứu một công ty bằng các lý thuyết, sử dụng lý thuyết để giải thích tại sao công ty rơi vào tình trạng hiện tại và tìm ra hoạt động quản lý cần thiết để đem lại kết quả như mong đợi.

Trong buổi học cuối cùng, tôi yêu cầu các sinh viên hướng lăng kính lý thuyết vào bản thân để tìm câu trả lời thỏa đáng cho ba câu hỏi: (1) Làm thế nào chắc rằng mình sẽ hài lòng trong sự nghiệp? (2) Làm thế nào chắc rằng mối quan hệ vợ chồng, gia đình sẽ hạnh phúc dài lâu? (3) Làm thế nào chắc rằng sẽ không bao giờ phải ngồi tù? Câu hỏi cuối cùng nghe không được vui lắm nhưng không phải là thừa. Bằng chứng là hai trong số 32 bạn học ở lớp Rhodes của tôi đã từng ở trong tù. Người bạn cùng lớp của tôi tại HBS, cựu giám đốc điều hành Jeff Skilling của tập đoàn Enron cũng phải ngồi tù. Họ là những người tốt nhưng một số việc trong cuộc sống đã đẩy họ vào con đường sai trái.


Theo Frederick Herzberg, động lực mạnh mẽ nhất của chúng ta là cơ hội học hỏi, phát triển trong trách nhiệm, giúp đỡ người khác và được công nhận

Khi sinh viên thảo luận câu trả lời cho ba câu hỏi trên, tôi lấy cuộc đời mình làm ví dụ để họ hiểu được cách áp dụng các lý thuyết từ giảng đường để định hướng những quyết định sau này trong cuộc đời.

Một trong các lý thuyết làm rõ nhất câu hỏi đầu tiên - Làm thế nào chắc rằng mình sẽ hài lòng trong sự nghiệp? - là của Frederick Herzberg. Frederick khẳng định động lực mạnh mẽ trong cuộc sống của chúng ta không phải là tiền bạc mà là cơ hội để học hỏi và phát triển trong trách nhiệm, giúp đỡ người khác và được công nhận. Tôi kể cho sinh viên nghe về cách nhìn nhận vấn đề của mình khi còn tự điều hành một công ty ngày chưa chuyển sang dạy học. Tôi hình dung một nhân viên quản lý dưới quyền sáng ra đi làm với lòng tự trọng tương đối cao. Nếu không được đánh giá, trọng dụng, công nhận đúng mức, hẳn lòng tự trọng bị hạ thấp sẽ ảnh hưởng không tốt tới cách cư xử của cô ấy với con cái khi trở về nhà. Tôi cũng hình dung nếu một ngày người phụ nữ ấy trở về nhà với cảm giác lòng tự trọng được nâng lên (cô đã học hỏi được rất nhiều, được công nhận vì những thành tích đáng kể, đóng góp vào sự thành công của một số sáng kiến quan trọng), cô sẽ cư xử với chồng con vui vẻ hơn rất nhiều.

Từ đó có thể kết luận: Quản lý là nghề cao quý nhất trong các nghề nếu nó được phát huy đúng. Không nghề nào có thể đem lại nhiều cơ hội giúp người khác học hỏi và tiến bộ, chịu trách nhiệm và được công nhận, đóng góp cho thành công của tổ chức như nghề quản lý. Tuy nhiên, đáng buồn thay khi ngày càng có nhiều người đi học MBA nghĩ rằng sự nghiệp trong kinh doanh là mua, bán và đầu tư vào những công ty. Họ phải hiểu rằng tập trung vào những hoạt động đó không thể nào mang lại những giá trị sâu sắc như tập trung vào xây dựng con người.

Tôi muốn các sinh viên khi rời lớp học hiểu được điều đó.

(còn tiếp)

Nguồn: Doanhnhan.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét