'Tẩu hỏa nhập ma' vì nuôi con nửa Tây nửa Ta

Edward đã sống và làm việc ở Việt Nam hơn 2 năm. Anh rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy các bà, các mẹ người Việt cứ cầm bát cơm chạy theo đứa trẻ để bắt con phải ăn cho bằng hết, thậm chí quát tháo để ép con ăn. Anh cho biết: ở nước Anh, chuyện này không bao giờ xảy ra.

Hình minh họa. Nguồn ảnh: socola

Giờ ăn = Giờ tra tấn

Edward kể về chuyện một người bạn của anh là chị Hà Thu (quận Thanh Xuân, Hà Nội) sợ nhất là phải cho con ăn. Con chị mới được 2 tuổi. Mỗi khi cho cháu ăn, cả ông bà, bố mẹ cùng góp sức, vừa nhảy múa, vừa trêu cười và dụ dỗ những món đồ chơi.

Khi "nhảy xếch" và "làm xiếc" không ăn thua, chị phải áp dụng chiến thuật "ra điều kiện", nếu con ăn thì sẽ được cho đi chơi, được mua đồ chơi này nọ… Tất cả mọi nỗ lực khổ sở của bốn người lớn chỉ nhằm đút được một miếng cháo vào miệng của con.

Edward rất “bức xúc” với việc này. "Ăn là việc đứa trẻ phải làm với bản thân chúng. Sao các bà mẹ này phải “khổ sở” ép cho bằng được và đứa trẻ ăn như cực hình vậy" - Edward thắc mắc.

Anh cho biết: với các bà mẹ Tây, trẻ được học cách đưa thức ăn vào miệng từ khi mới biết ngồi. Khi ăn, trẻ ăn cùng bàn với người lớn, với một chiếc ghế riêng, để trẻ tập trung ngồi ăn. Ăn xong, trẻ lại chơi đùa thoải mái.

Lúc trẻ lớn hơn, khoảng 2-3 tuổi, đã ý thức được việc ăn và khi trẻ dừng lại không ăn nữa, cũng đồng nghĩa với việc con đã no, bữa ăn dừng lại, không ép thêm.
a
Cũng áp dụng theo "sách Tây", chị Chi (ở Ngọc Hà, Ba Đình) cảm thấy rất hài lòng với bé Minh Anh trước ánh mắt ngưỡng mộ của nhiều bạn bè mình đang phải chạy đuổi theo xúc cho con từng thìa cơm.

Từ hơn 1 tuổi, chị Chi đã dạy con tập xúc ăn. Cứ thể, nhẫn nại từng bước, kể cả sau mỗi bữa ăn cả nhà như một bãi chiến trường, quần áo đầu tóc của con vấy thức ăn từ đầu đến chân chị cũng... mặc kệ. Thành quả là, khi cháu được tròn 2 tuổi cũng là lúc cháu có thể ngồi ăn được cùng cả nhà với cái ghế trước mặt.

Chị Chi chia sẻ, nếu cha mẹ không ép, dần dần trẻ sẽ ý thức được việc ăn là việc của chúng. Nếu cần thiết cứ để cho trẻ đói vài bữa vì ăn là nhu cầu để sinh tồn. Đến lúc thấy đói, trẻ tất yếu đòi ăn.

Cuộc chiến quanh thìa cháo

Cũng tìm hiểu và áp dụng cách thức nuôi con kiểu Tây, nhưng anh chị Ngọc Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) lại chịu thua cô con gái “cứng đầu”.

Chị Ngọc cho biết: chị cũng cố gắng rèn cho con thói quen tự lập, không ép con ăn. Nhưng bé Thu Linh lại không hào hứng, bé sẵn sàng không ăn và nhịn cả ngày.

Đấu tranh với con không được, sợ con nhịn lâu hại sức khỏe, vậy là chưa quá một bữa, vợ chồng chị lại lăn xả vào để dỗ dành ép con ăn. Lên 4 tuổi, bé Thu Linh chỉ tăng được 1kg so với hồi 2 tuổi. Còn chị Ngọc "đau khổ" vì không làm sao dạy được con tự ăn.

Chị Thu Hòa (quận Hai Bà Trưng) rất tự hào với đồng nghiệp và họ hàng khi có cậu con trai kháu khỉnh, ăn uống dễ dàng, không phải "đánh vật" như những đứa trẻ lười ăn khác. Các bác sĩ đều cho biết chỉ số tăng cân và dinh dưỡng của con đều rất tốt.

Nhưng, niềm vui của chị vụt tắt và lập tức rơi vào cảm giác stress khi bà nội xốc nách cháu trai 1 tuổi rưỡi, thở dài xót xa: "Cục cưng của bà lại sụt cân rồi, người cứ nhẹ bẫng. Mới có về ngoại một hôm chơi thôi mà đã ... Bà thương, bà thương..."

Không muốn ép con ăn thêm vì con có thể "sợ" bị nhồi, chị Hòa chỉ để con ăn đúng mức cháu muốn. Lập tức, "quyền cho ăn" thuộc về bà nội, vì bà sợ mẹ cháu không biết cách cho con ăn, để thằng bé "gầy hơn thằng Bi nhà hàng xóm". Tham vọng "san bằng cân nặng" của bà nội hoàn toàn "phá sản" khi cháu trai nôn ra hết 2 bát cháo mà bà nấu và bắt ăn.

Sinh con tại Đức, chị Thanh Thu cho biết: các bác sĩ cũng như cô giáo ở nhà trẻ rất sợ trẻ bị béo phì, nên hầu như không cho ăn nhiều thịt như vậy . Nhiều phụ huynh người Việt thấy... hoảng vì thực đơn của con toàn ... rau! Cô giáo giải thích rằng: Thực đơn này đã được tính toán rất kỹ lưỡng về mặt dinh dưỡng, đảm bảo cho trẻ khỏe, tiêu hao đủ năng lượng cho sinh hoạt và vui chơi, mà vẫn không bị thừa chất.

Thế nên, hễ cháu nào chỉ "bụ bẫm" hơn các bạn khác một chút, các cô sẽ xem lại thực đơn ăn riêng của cháu vì theo các cô, "không phải cứ ăn nhiều thịt, nhiều chất là tốt, vì nếu ăn quá nhu cầu của cơ thể thì cháu bé cũng không thể hấp thu hết được".

"Nghiêm", nhưng đừng "khắc"

Hiện nay, mặc dù tiếp cận nhiều nguồn kiến thức nuôi con kiểu Tây, các bà mẹ Việt vẫn đang chật vật với việc áp dụng cho "trẻ ta" vì hoàn cảnh và điều kiện có nhiều cách biệt. Tưởng chừng chuyện ăn uống của trẻ rất "vặt vãnh", nhưng lại là bước khởi đầu quan trọng để trẻ tự lập.

Bé Bông (quận Hai Bà Trưng) mới 2 tuổi, nhưng đã biết tự ăn, tự mặc quần áo, tự đi giày đi học, chỉ chơi đồ chơi của mình và luôn biết "xin phép". Mẹ của bé Bông khoe đấy là "chiến tích" nhờ học theo câu chuyện của một bà mẹ Mỹ "đại khai nhãn giới" cho mẹ chồng người Hoa, đăng trên báo dạo trước.

Nhưng đọc câu chuyện đó xong, bà nội của bé Bông chỉ phẩy tay và bảo "vớ vẩn, nhảm nhí" vì suốt 30 năm qua, bà là giáo viên mầm non đầy kinh nghiệm thực tế ở trường làng... Cách chăm và dạy con kiểu Tây có ưu việt hơn kiểu Ta không thì chưa ai rõ, chỉ thấy bà nội của Bông suốt ngày cầm bát cháo hò hét đứa cháu ngoại 5 tuổi ăn mà không được. Từ việc đánh răng, đi giày, đi toilet, chơi đồ chơi, bà đều bị cháu "sai khiến" bằng chiêu "ăn vạ".

Các chuyên gia tâm lý cho rằng: các bố mẹ không nên chiều chuộng mà phải tập cho con thói quen nhận biết đâu là giờ ăn, đâu là giờ chơi, đâu là việc các con phải làm cho bản thân mình. Không nên biến mình thành nô lệ của đứa trẻ. Và càng không bao giờ sốt ruột làm hộ con khi thấy con chưa làm được.

Trong việc dạy con tự lập ăn uống, nhất thiết phải để cho trẻ hiểu đến giờ thì phải ăn, không ăn sẽ đói và phải chờ đến bữa sau mới cho trẻ ăn.

Cô Vũ Thị Diệu Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dream House cho rằng, các mẹ đừng mong "cứ bảo là con làm được", mà phải rất kiên nhẫn. Kiên trì làm một việc với trẻ cho đến khi con thành thạo việc đó như một thói quen. Tuyệt đối không nên bỏ dở giữa chừng.

Bé cũng giống như người lớn, muốn chinh phục những thử thách, muốn khám phá bản thân và rất tự hào nếu hoàn thành tốt.

Cô Lý khuyên, trong 10 việc đặt ra cho các con, các mẹ nên chọn ra 1 điều và phải làm thật nhuần nhuyễn việc đó, đồng thời khuyến khích khen con và quan trọng nhất là rèn cho trẻ hiểu điều đó trở thành ý thức hàng ngày. Các việc còn lại chỉ cần đặt ra yêu cầu.. để con hiểu mẹ thích điều gì và mong muốn cái gì ở con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét