“Đừng nói những lời giáo huấn. Với học trò bây giờ, những lời như thế không vào đầu các em được” - Cô Nguyễn Bích Thảo, giáo viên dạy môn văn, Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội cho biết.
Cũng như cô Thảo, nhiều thầy cô nhận ra, học trò bây giờ quan tâm tới những gì thực tế. Việc trách móc giới trẻ không chú ý giữ gìn truyền thống giống như sự níu kéo người ta phải dùng một thứ đồ cũ không được tân trang, hay ăn mãi một món nhàm chán.
Học sinh Trường THPT Việt Đức - Hà Nội trước giờ thi. Nhiều năm nay, môn Lịch sử được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Hỏi sử khác
“Điều thực tế thể hiện rõ nhất là những từ ngữ như “xả thân”, “hy sinh” hiếm khi xuất hiện trong trang văn của các em. Yêu nước bây giờ của các em gắn với yêu chính mình, và luôn luôn sẽ là chính mình đầu tiên, trước khi nghĩ đến có thể làm được điều gì đó cho đất nước hay không?”- Cô Thảo cho biết.
“Vì sao trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta thắng trong tất cả các trận đánh? Thế chúng ta không thua bao giờ hả cô?”, hay “Chỉ thấy địch thiệt hại nặng nề mà chẳng thấy tổn thất của chúng ta đâu cả?” là những câu hỏi mà học sinh đưa ra trong giờ học của cô Trần Thị Thanh Hương, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội).
Khi cô trả lời: "Trên báo đưa tin nguyên thủ quốc gia đến thăm nước bạn Thái Lan và giới thiệu về Việt Nam là một dân tộc anh hùng, trải qua nhiều cuộc chiến tranh và đã đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, nhà vua Thái nhẹ nhàng đáp lời: “Vâng, chúng tôi cũng rất tự hào vì Thái Lan là một đất nước thanh bình”, ngay sau đó cô nhận được câu hỏi: “Cô ơi, tại sao họ cũng là một nước có vị trí quan trọng, mà họ không phải có chiến tranh, còn ta thì trải qua hai cuộc chiến khốc liệt và kéo dài như vậy?”. Đấy cũng là một cách các em học sinh 9X học lịch sử.
Cô đã giải thích: “Vì sao học sinh hay lật lại vấn đề? Bởi sách giáo khoa không đa chiều để các em có thể đối chiếu và rút ra kết luận. Nếu thông tin phong phú và dễ dàng tiếp cận, các em nhìn nhận vấn đề tốt hơn và cũng hỏi nhiều hơn”.
Học văn cũng khác
Nhiều giáo viên dạy môn văn nhận thấy, sự khác biệt trong nhận thức của học sinh cũng thể hiện rõ từ việc các em có thái độ đối xử khác hẳn với hai mảng văn học trong nhà trường: mảng tác phẩm văn học và văn Nghị luận.
Giờ học Văn nghị luận lúc nào cũng sôi nổi hơn rất nhiều so với giờ giảng tác phẩm văn học. Vì rằng, được thể hiện suy nghĩ, ý kiến của mình trước vấn đề gì đều kích thích tư duy và hiểu biết về cuộc sống của học sinh.
Tuy nhiên, ngay cả ở những lớp chuyên văn của những trường THPT nổi tiếng, trong giờ giảng tác phẩm văn học, các em vẫn chăm chú lắng nghe nhưng hiếm khi nêu ý kiến. “Thánh chỉ” để “thi đâu cũng đỗ” là bài giảng của cô, là những kiến thức “cao cấp” trong sách tham khảo sẽ được vận dụng nhuần nhuyễn trong bài thi.
“Em xác định ngay từ đầu là học để vượt qua các bài kiểm tra, các bài thi trong nước. Mà không còn cách nào an toàn hơn đối với những môn học bây giờ là ghi nhớ tất cả những gì thầy cô đã dạy và đưa vào bài thi”- Minh Phương, học sinh chuyên Pháp, Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam, thành thật chia sẻ.
"Cuộc sống trong những tác phẩm văn học phải chăng đã quá cách biệt với xã hội sôi động của các em bây giờ? Hay những người dạy chưa thể bắc được nhịp cầu để quá khứ trong văn học bước vào cuộc sống của các em hôm nay, để rồi nhịp cầu đó, cả cô và trò đều chủ yếu bắc vào tờ giấy thi? Chính vì thế, những bài văn viết bằng trái tim rất ít mà hầu hết, các em vẫn đang “làm văn”, “vẽ văn” để đạt chuẩn kiến thức, chuẩn đáp án!”- Cô Doãn Thị Đông, giáo viên Văn Trường THPT Nguyễn Huệ nhận xét.
Dạy đã kịp khác xưa?
Thảo Minh - học sinh Trường THPT liên cấp Olympia - nhận thấy, khi hòa nhập với các bạn quốc tế, bỗng nhiên lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, một tình cảm trước đây chưa bao giờ mình nghĩ đến bỗng trào dâng mạnh mẽ trong lòng:
“Em đã khoác chiếc áo có hình quốc kỳ để lên thuyết trình. Em muốn cho các bạn quốc tế biết rằng, người Việt Nam đang nói”.
'Các em không có lỗi..." Nếu ở đâu đó, có chuyện một số bạn trẻ ngơ ngác không biết “chị” Trưng Trắc, Trưng Nhị là ai, thì hãy xem đó là một thất bại của giáo dục trong nhà trường. Đừng bi quan. Để từ đó thấy được những lỗ hổng có thật trong giáo dục và truyền thông lịch sử là trách nhiệm của người đi trước chứ bản thân các em không có lỗi. Ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội nói trên Sài Gòn Tiếp Thị (xem đầy đủ TẠI ĐÂY) |
Và Thảo Minh - dù luôn nghĩ đến những chân trời học vấn của Mỹ - vẫn khẳng định: “Chưa bao giờ em có ý nghĩ rằng sẽ không quay về, vì em là người Việt Nam, chẳng có nơi nào trên thế giới cho em cảm giác thân thuộc như ở chính Việt Nam".
Nhiều bạn như Minh sẽ đi tìm tương lai ở chân trời khác, nhưng không phải vì muốn dứt bỏ gốc gác. Một bạn nữ vừa đạt giải cao trong kỳ thi quốc tế mới đây khẳng định: “Là người Việt Nam, mãi mãi là người Việt Nam và thuộc về Việt Nam”.
Nhưng, chất liệu cho lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc của các em là gì? Có còn là một lý tưởng sống thật hào hùng, hay tinh thần xả thân nơi chiến trận?
Qua các bài văn nghị luận, cô Nguyễn Bích Thảo đọc được suy nghĩ của học sinh.
Cô cho rằng: “Các em hiểu về lòng yêu nước rất đúng, nói rất thực, nghĩ rất thực rằng lòng yêu nước không phải cái gì xa xôi. Các em học tập tốt, sau này thành đạt, cho chính bản thân và một phần nào đó cho đất nước. Xả thân hay hy sinh tuyệt đối và mang tính lý tưởng không còn phù hợp với các em bây giờ nữa. Các em mong muốn được rèn luyện bản thân trong môi trường tốt và đầy tinh thần cầu tiến”.
Muốn khác, nhưng...
Với những người thầy trên bục giảng, không dễ để dạy cho học sinh thấm được những điều mình muốn truyền tải.
Cô Nguyễn Bích Thảo - Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội cho biết:
“Nếu như chương trình gọn hơn, cùng với thời lượng như vậy, giáo viên có thể cùng học sinh khám phá tác phẩm bằng chính sự trải nghiệm của cả cô và trò, tạo nên sự giao cảm, tìm thấy những điều hữu ích từ tác phẩm đối với cuộc sống hôm nay của các em. Nếu từ những tác phẩm đó để học sinh được thắc mắc, không bỏ qua những băn khoăn trong lòng thì chính từ các em, sẽ còn có nhiều điều sâu sắc, thú vị hơn cả những gì thầy cô có thể mang đến”.
Cô Nguyễn Thị Ninh, giáo viên Trường THPT Hà Nội- Amsterdam chia sẻ thêm “Ngay cả trong nhà trường, các em cũng không được học văn hóa thực sự. Giờ giảng truyện Kiều không có ngâm Kiều, lẩy Kiều. Giờ học ca dao không có hát ru… Mỗi chuyến đi thực tế chỉ như một thoáng qua nhanh trong cuộc sống, lại thêm chứng kiến sự mất trật tự và nhàm chán của lễ hội, làm sao văn hóa có thể đi vào các em sâu sắc, bền vững?”.
Với cô Hương, người hay nhận được các câu hỏi khác về lịch sử, thì sách giáo khoa môn này còn thiếu nợ các em những kiến thức về giai đoạn lịch sử hiện đại.
"Với tất cả sự biến động, đổi thay của cuộc sống hôm nay mà chương viết về lịch sử hiện đại chỉ mỏng dính, cách viết liệt kê sơ sài, ngắn gọn không thể đủ để các em hiểu về thực tại. Ngoài ra, lịch sử nghiêng về chiến tranh quá nhiều, còn kinh tế, văn hóa thì quá sơ sài, chỉ coi như phần phụ. Làm sao các em có được những bài học cho thời bình nếu lịch sử không có kinh tế, văn hóa mà chỉ thấy chiến tranh?".
“Điều em mong muốn là các thầy cô nói cho chúng em biết đất nước mình có những gì, yếu những gì, cần những gì, hơn kém nước bạn những gì để chúng em tự hào và cũng phần nào thấu hiểu mọi chuyên đang diễn ra" - Chia sẻ của Phương Thảo, học sinh lớp 11 Trường THPT Chu Văn An có lẽ không phải là ước vọng cá biệt về sự học và hiểu đầy đủ về đất nước, dân tộc.
Nguyễn Hường
Nguồn: VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét