"đã sống thì nên sống trọn vẹn cuộc sống của mình..."

Sự cô đơn, tuổi già, sự nghèo khó không hề làm vơi đi niềm lạc quan, nghị lực sống đáng nể từ cụ Cân (tên gọi thân mật của cụ bà 81 tuổi, Đinh Thanh Hạnh).
Nghị lực đến từ cuộc đời nhiều đau khổ 

Đã hơn 25 năm, người dân sống xung quanh bách hóa Thanh Xuân đã quen với hình ảnh một cụ già ngồi ở hành lang bách hóa này để kiếm sống bằng một chiếc cân đo sức khỏe. Cụ vẫn được mọi người trìu mến gọi bằng cái tên là "cụ Cân". Cụ Hạnh lấy làm quý cái tên này lắm vì theo cụ, nó bình dị, dễ nghe. Cụ kể, tên thật của cụ là Đinh Thị Thanh, nhưng cuộc đời cụ nhiều bất hạnh, nỗi đau này qua đi thì nỗi đau khác lại tới, chính vì thế cụ đổi tên mình là Đinh Thanh Hạnh, để mong sao cuộc sống trôi qua hằng ngày bớt nặng nề hơn.

Cụ Hạnh quê ở Thái Bình, cha mẹ, anh em, họ hàng thân thích của cụ đều mất hết vào nạn đói năm 1945, chỉ còn mình cụ sống sót. Cả tuổi thơ cụ là một chuỗi những ngày sống trong đói khổ, rét mướt và cô đơn, một thân một mình mưu sinh, lang thang khắp chốn để sống qua ngày. Ước ao về một ngày có một gia đình nhỏ, có người thân luôn cháy bỏng trong cụ, cụ nói rằng chính đó là động lực sống để cố gắng sống tốt từng ngày, vì cuộc sống cô đơn đã nhiều lúc khiến cụ muốn buông xuôi. Từ khi nhỏ, cụ Hạnh làm thuê đủ nghề từ giữ trẻ, nấu cơm, đỡ đẻ, bán hàng rong… Đôi chân của cụ đã rong ruổi khắp nơi, mọi ngóc ngách của phố phường Hà Nội cụ dường như đã đi qua hết. Hai lần lập gia đình là hai khoảng thời gian hiếm hoi cụ có được bờ vai của người đàn ông để nương tựa. Thế nhưng, cuộc đời dường như quá bất công với cụ, hạnh phúc quá mong manh, cụ sớm phải rời xa những người chồng của mình. Người chồng trước phụ bạc bỏ cụ mà đi thì người chồng thứ hai lại ra đi do một căn bệnh hiểm nghèo để lại một đứa con trai thơ dại. Bất hạnh nối tiếp bất hạnh khi người con duy nhất của cụ bị bệnh qua đời. Trái tim người mẹ tan nát khiến nhiều lúc cụ muốn đi theo con. Thế nhưng, cụ nói rằng cuộc sống là đấu tranh, đã sống thì nên sống trọn vẹn cuộc sống của mình, cụ sẽ sống thay phần cha mẹ cụ, sống cho người chồng và đứa con trai đã mất.

Năm tháng qua đi, khi tuổi đã già, bước chân đã mệt mỏi, không rong ruổi được khắp chốn và không thể tiếp tục làm thuê được nữa, cụ sắm một cái cân sức khỏe rồi ra ngồi ở hành lang bách hóa Thanh Xuân từ năm 1986, đến nay cũng đã được hơn 25 năm. Thời gian đầu, sáng cụ ra hành lang bách hóa ngồi, tối lại trở về căn nhà của mình sống vò võ một mình ở phố Hàng Bột. Cụ quyết định bán căn nhà đó đi để mua một căn nhà khác ở gần bách hóa. Nhưng trớ trêu thay, nhà mua không có giấy tờ đàng hoàng mà chỉ viết sang tay nên ở được hơn một tháng thì bị chủ cũ vu oan cụ chiếm nhà và đòi kiện. Vậy là cụ mất trắng căn nhà, bị đuổi ra ngoài đường. Bắt đầu từ đó, góc hè bách hóa Thanh Xuân trở thành chỗ sinh sống của cụ. Mấy năm gần đây, cụ thuê tạm được một căn phòng nhỏ, ẩm thấp, dưới góc cầu thang với giá 850 ngàn một tháng. Mỗi ngày, không tính tiền ăn cụ tính mình phải kiếm được 30 ngàn để đủ tiền nhà mỗi tháng. Thế nhưng, những ngày nắng hàng cân của cụ còn đông khách, còn ngày mưa, ngày rét, khách qua bách hóa ít hơn, cụ kiếm được ít hơn, lại phải chắt bóp tiền ăn, tiền uống.

Cụ Đinh Thanh Hạnh.

Cụ Hạnh đã ngồi ở hành lang bách hóa Thanh Xuân hơn 25 năm nay.


Chiếc cân mới được cụ vay tiền để mua - nay cụ đã trả được nợ nhờ tích góp tiền trong 3 năm qua

Thương cụ già cả, một mình nhọc nhằn kiếm sống qua ngày, đọc được hoàn cảnh của cụ ở page "Chung tay giúp đỡ cụ Đinh Thanh Hạnh" trên Facebook, một nhóm bạn lặn lội từ Hải Phòng lên Hà Nội thăm cụ, nói: "Bọn mình lên bách hóa Thanh Xuân thăm cụ, cụ vui lắm. Đáng lẽ ở độ tuổi này rồi cụ được con, cháu săn sóc thì phải ngồi ở mặt đường, trước bụi bẩn, tiếng ồn để kiếm sống. Chúng tớ nài nỉ mãi cụ mới chịu nhận chiếc chăn và bộ quần áo chúng tớ gửi tặng. Cụ bảo, cụ già rồi, không ăn mặc nhiều, nói chúng tớ hãy dành tiền để làm những việc có ích hơn. Có biếu quà thì hãy biếu cô hàng nước ngồi cạnh cụ, cô ấy có con nhỏ và vất vả lắm. Cụ cũng hóm hỉnh lắm, cụ thú nhận rằng có tặng áo thì tặng cụ chiếc áo nào sẫm màu thôi, đơn giản thôi chứ tặng áo đẹp quá cụ mặc không quen".

Cụ bảo rằng, ở những năm của thập kỉ 90, cụ không nghĩ rằng mình có thể sống đến những năm 2010 trở về sau vì cuộc đời quá khổ. Nhưng cuộc sống đến từ bàn tay mình, lòng nhẫn nhục của mình và được nhiều người thương đã khiến cho cụ thêm sức mạnh sống đến ngày hôm nay. Đến giờ, cụ không biết Hồ Gươm bây giờ đã đẹp hơn như thế nào, phố Hàng Bột ngày xưa cụ và chồng, con sống đã thay đổi ra sao. Hơn 25 năm nay, cụ chỉ sống ở khu bách hóa Thanh Xuân và mong muốn một ngày được đặt chân đến đó. Từ đó, cụ cũng dạy cho những bạn trẻ đến chơi với cụ bài học về sự tiết kiệm, cụ tiết kiệm để được đi ngắm Hồ Gươm, cụ khuyên các bạn trẻ khác tiết kiệm để có thể làm được nhiều việc bổ ích. Những bài học cuộc sống là những gì mà chúng tớ nhận được sau một buổi nói chuyện với cụ, người ta vẫn nói người cao tuổi là "cây cao bóng cả", quả không sai.
 
Trước đây, cụ nhận phế liệu để có thêm thu nhập, nhưng giờ tuổi đã cao, cụ đành bỏ việc này. (Ảnh: Facebook)

Đến khuya, cụ một mình lụi cụi đẩy chiếc cân về nhà trọ (Ảnh: Facebook)



Tâm nguyện hiến xác cho y học

Dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn rất thích đọc báo, cụ Hạnh xem báo như người bạn tri âm của mình. Mỗi ngày cụ vẫn lắng nghe dự báo thời tiết qua đài, để biết ngày mai nắng mưa như thế nào. Nhiều người bảo ở tuổi của cụ, trời ra sao thì sống như thế đấy, nhưng cụ thì khác, cụ tâm niệm tuổi già có cuộc sống của tuổi già, không phải già rồi mà không quan tâm thời tiết, hay sống tách rời xã hội. Chính vì thế, cụ đọc báo là để mình sống với đời, sống với xã hội, biết chuyện này chuyện nọ, như thế mới không cảm thấy lạc lõng. Khi nghe cụ kể, ai ai cũng cảm phục nghị lực sống của cụ. Cũng nhờ qua đọc báo, cụ mới biết mình có thể hiến xác cho Y học để góp phần hỗ trợ nghiên cứu chuyên môn cho ngành Y, từ đó có thể góp phần chữa bệnh cứu người. Cụ đã viết đơn xin hiến xác cho Đại học Y và Bệnh viện Bạch Mai để có thể sống có ích cho xã hội khi đã mất. Cụ tâm sự: "Mỗi ngày, kiếm thêm được ít tiền, trò chuyện với cô hàng nước, trò chuyện với các cháu qua thăm, ăn thấy được ngon miệng cụ đều trân trọng hết. Sau này, đến ngày cuối cùng của cuộc đời, cụ biết cụ sẽ có ích cho đời, cụ vui lắm".



"Cháu còn gầy lắm, phải gắng ăn uống để có sức mà học." - Đó là lời cụ Hạnh nói với một cậu bạn đến chiếc cân của cụ để đo trong lượng khi cụ đang dở buổi cơm chiều. Trệu trạo nhai bát cơm nguội với một ít dưa đựng trong một chiếc hộp kem bằng nhựa đã ngả màu, cụ móm mém cười khi cậu bạn ấy nói lời cảm ơn cụ. Cậu bạn ấy biếu cụ 100 ngàn đồng vì thương cụ sống một mình, lại ở tuổi đã cao. Cụ không nhận, ôn tồn nói với cậu bạn ấy: "Sinh viên làm gì có nhiều tiền mà cho cụ, cụ cám ơn cháu. Để tiền đó mà ăn học, học cho tốt, ăn cho nhiều, thế bố mẹ cháu vui, cụ cũng vui."

Nếu đã có lúc bạn chán nản vì thiếu thốn, buồn rầu vì cuộc sống của mình không được như mong muốn thì hãy nhìn cuộc sống ra xa hơn, nhìn vào những người như cụ Hạnh - người trải qua nhiều sóng gió cuộc đời vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, dù tuổi đã cao. Gặp bất cứ bạn trẻ nào cụ đều mỉm cười, bắt chuyện và cho chúng ta những lời khuyên bổ ích nhất. Tin chúng tớ đi, nếu bạn một lần thử nói chuyện với cụ thì bạn sẽ thấy, thậm chí cụ sống mãnh liệt hơn rất nhiều người trẻ đấy. 

Địa chỉ cho những ai muốn đến thăm cụ Hạnh: Bách hóa Thanh Xuân, Khu C16, Thanh Xuân Bắc, Quận Thanh Xuân, Hà Nội (Đi qua ngã tư Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến khoảng 30m). Hãy gọi cụ là "cụ Cân" nhé, cụ sẽ thích lắm đó!

Nhungable; Ảnh: L.K - Theo TTVN
Nguồn: Kenh14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét