Nhận lại từ điều gì?

"Những gì ta nhận lại không bắt nguồn từ những gì ta cho đi mà từ cách nhìn của ta như thế nào".

Sống trong xã hội "thiên biến vạn biến", ta không còn xa lạ với chuyện nhiều kẻ giả mạo nhà sư rong ruổi khắp các con phố xin tiền quyên góp tu bổ chùa, nhiều chiếc xe 3 bánh gắn mác "Thương binh 27-7" lưu hành trái phép, nhiều tổ chức mượn cớ làm từ thiện để khuếch trương thanh thế... Gần đây, nạn chăn dắt ăn xin lại xuất hiện ở thành phố Biên Hòa khiến dư luận bất bình. Nhiều người già, tàn tật, trẻ em bị biến thành "công cụ làm tiền", còn người hảo tâm vô tình tiếp tay nuôi béo kẻ chăn dắt. 

Dần dần, "Lòng Tốt" bị không ít kẻ lợi dụng biến thành mảnh đất màu mỡ để canh tác những mánh khóe lừa đảo. Hệ quả là có lúc đôi tay ta trở nên e dè, ngần ngại nếu phải chìa ra giúp đỡ 1 phụ nữ bụng bầu đang khệ nệ xách chiếc túi nặng trịch vì biết đâu trong chiếc túi đó đựng hàng cấm. Càng ngày càng nhiều người trong chúng ta nghi ngờ câu nói "Hãy cho đi lòng tốt, bạn sẽ nhận lại nhiều hơn". Bởi đôi khi lòng tốt cho đi rồi mà thứ ta nhận lại không gì ngoài cục tức anh ách hay cái nhìn méo mó về cuộc sống. Vậy là công nghệ thông tin giúp ta có thể kết nối với 1 ai đó ở nửa kia quả địa cầu nhưng sự toan tính "cho đi - nhận lại" lại là bức vách vô hình ngăn cách ta với những người ở ngay gần bên.

Tối hôm trước, khi đang cùng hội bạn thân ăn kem trên phố Tràng Tiền, tôi tình cờ thấy 1 cô bé con chạy lại 1 góc đường, đưa cây kem đậu xanh về gần phía người ăn xin và nói "Ông ăn đi, kem ngon lắm ạ!". Ông lão nghèo khổ run run đưa bàn tay ra đón lấy cây kem, không quên cảm ơn cô bé kèm theo nụ cười rạng rỡ khiến những nếp nhăn trên mặt xô lại với nhau. Rồi ông lão chậm rãi thưởng thức cây kem một cách ngon lành, vui vẻ dù hàm răng móm mém cái còn cái mất. Nhiều người quay sang nhìn cảnh tượng đó với ánh mắt ngạc nhiên, trong đó có cả tôi. 

Phải rồi, thông thường chúng ta không ngại biếu ông lão đó chút tiền lẻ hay gói xôi, cái bánh nhưng hiếm ai nghĩ tới việc biếu 1 cây kem. Vì ta vẫn nghĩ rằng cây kem đâu thể làm ông lão no bụng, người già cũng không ưa những đồ ăn lạnh buốt rồi hành động của ta sẽ bị đánh giá là gàn dở, nông cạn. Nhưng suy nghĩ đó làm ta quên mất rằng đúng là kem lạnh ê răng và không làm no bụng nhưng đối với 1 người chưa từng biết mùi vị của kem như thế nào thì đó quả là 1 món quà thú vị. Còn cô bé cho đi cây kem chỉ đơn giản nghĩ đến niềm vui khi được ăn kem của mình và muốn chia sẻ niềm vui đó với người khác. Một đứa trẻ với tâm hồn trong sáng, vô ưu không nghĩ quá nhiều đến việc sẽ nhận lại được gì. 

Sáng nay, khi đang đi trên đường, tôi thấy 1 chị điều khiển xe máy nhưng quên gạt chân chống xe. Tôi đã không tiếc 1 lời nhắc "Chị ơi, chân chống kìa!". Chị ấy đưa chân gạt chân chống lên nhưng rồi mặt lạnh tanh đi thẳng, không thèm quay sang cảm ơn tôi 1 tiếng. Nếu là trước đây hẳn tôi sẽ cảm thấy hụt hẫng, hậm hực và tự nhủ sẽ không bao giờ phí lời như vậy nữa. Nhưng hôm nay tôi đã mỉm cười, trong lòng nhẹ nhõm vì tôi hiểu câu nói của mình đâu thừa thãi, nó có thể giúp ai đó tránh được tai nạn không đáng có trên đường. 

Các bạn có biết tại sao tôi lại thay đổi như vậy không? Vì cô bé và cây kem lạnh hôm trước đã cho tôi 1 thông điệp thật ấm áp: "Những gì ta nhận lại không bắt nguồn từ những gì ta cho đi mà từ cách nhìn của ta như thế nào". 

Và tôi nghĩ sẽ ý nghĩa hơn nếu có thể chia sẻ thông điệp đó đến nhiều người khác nữa.

Trần Thái Hồng
Nguồn: Mực tím

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét