Thế hệ chỉ biết kêu ca

Đó là một ngày cuối tuần, vợ chồng tôi đưa con về nhà ngoại chơi như mọi lần. Trong lúc tôi vừa lui cui làm bếp vừa chạy lại phòng khách để trò chuyện với mẹ, thì thấy mẹ chăm chú (có kèm theo cái nhíu mày) đọc bài viết Mùa hè sắp đến và chúng ta phải làm gì với lũ trẻ trên tờ báo tôi mang theo để đọc nốt mấy mục chăm con mà tôi thích. Tôi mới đọc bài báo đó khuya hôm trước và rất thấy tâm đắc bởi vợ chồng tôi cũng đang trong hoàn cảnh tương tự như những gì tác giả bài báo ấy đưa ra.


Chơi với con

Chồng tôi làm công ty nhà nước kiêm nhà đầu tư chứng khoán, đi làm 8 tiếng/5 ngày/tuần, giao đãi bạn bè hoặc nhậu nhẹt buổi tối ở ngoài trung bình tuần/lần. Tôi làm nhân viên văn phòng một hãng nước ngoài, thời gian làm việc giống chồng tôi, thỉnh thoảng thêm nửa ngày thứ bảy, giao đãi bạn bè cuối tuần (thường là thành viên vài câu lạc bộ mà tôi tham gia) trung bình 4 tuần/lần. Con gái của chúng tôi qua hè này sẽ lên lớp 2.

Năm nay, cũng là lần đầu tiên gia đình tôi phải đối mặt với “hoàn cảnh mới” – con chúng tôi sẽ “được” trường cho nghỉ hè một tháng. (Với bé, thì chính xác là được. Suốt cả mấy tuần chuẩn bị thi cử, con bé luôn miệng hân hoan với các kế hoạch con sẽ làm việc này, đi chỗ kia trong một tháng được nghỉ học).

Suốt cả tuần trước đó, tôi với chồng bàn bạc nhau đủ kiểu phương án “chống đỡ”. Gom cả phép của hai vợ chồng, cũng không thể đủ cho mỗi người 15 ngày ở nhà với con. Tôi cũng không thể mang con đến cơ quan như mấy chị bạn tôi làm cơ quan nhà nước. Chúng tôi cũng không thể “đày” con đi học tiếp dưới dạng những cái tên mỹ miều là khoá học này, khoá học nọ. Ba mẹ chồng tôi còn sống, nhưng xa nơi chúng tôi ở 800km – và quan trọng là cả hai chúng tôi đều nhất trí con bé không thể ở cả tháng với điều kiện sinh hoạt, vui chơi như ở quê, lại còn không có ba hoặc mẹ ở cùng.

Phương án tối ưu chúng tôi đưa ra là cho cháu về nhà ngoại chừng ba tuần, những ngày còn lại trong kỳ nghỉ là một chuyến đi Phú Quốc và một chuyến sông nước miền Tây như đã hứa với con. Mẹ tôi 60 tuổi, đã nghỉ hưu, không ở chung với hai anh lớn đã có gia đình mà ở với em trai tôi chưa lập gia đình, hàng tuần tham gia các hoạt động từ thiện, đi chùa với các bà hưu trí ở khu phố. Và hôm nay chúng tôi về ngoại cũng là để hỏi ý xem mẹ có đồng ý giữ cháu ngoại ba tuần hay không.

Cái nhíu mày của mẹ lúc đọc báo, khiến tôi chưa biết mở lời thế nào, khi bữa cơm đã đi quá nửa. Và cuối cùng thì mẹ tôi, tinh ý như mọi khi, đã hoá giải với một câu chuyện kiểu “đi vòng vòng” quanh cái lõi của vấn đề.

Mẹ tôi đưa ra những so sánh thời của mẹ và thời của tôi, tôi diễn đạt lại thành bảng biểu để bạn đọc dễ nắm bắt:

Ngoài những điều trên, mẹ tôi còn đưa ra nhiều ví dụ tiểu tiết về việc tiêu phí thời gian của thời mẹ tôi so với thời của tôi. Chẳng hạn, như mẹ nói: mùa mưa, quần áo phơi không khô mẹ tôi mất cả tiếng đồng hồ mỗi ngày để ngồi hong đồ trong khi đó thời của tôi chỉ cần bỏ vào máy sấy, mất 15 giây. Hoặc khi tắm cho con, thời mẹ tôi mất 20 phút đun bếp củi để có nước nóng, thời của tôi cứ mở vòi là có nước nóng, v.v và v.v.

Chưa cần mẹ đưa ra kết luận nào, tôi và chồng tôi đã tự hiểu, “âm mưu” của chúng tôi nhờ bà trông cháu đã hoàn toàn phá sản.

Đêm ấy, khi con gái chúng tôi đã ngủ say, tôi và chồng đem những chuyện mẹ tôi nói hồi tối ra mổ xẻ. Những so sánh của mẹ tôi khiến vợ chồng tôi thấy rõ ràng một nghịch lý, (ít nhất đối với chúng tôi) tại sao tiền bạc dư dả, nhiều công cụ hỗ trợ, tiện nghi đầy đủ, các nhu cầu cuộc sống được đáp ứng, thì lại thấy có ít thời gian hơn.

Trong bữa ăn ấy, mẹ tôi còn đưa ra ý kiến mà khi nghe cả vợ chồng tôi đều sững sờ: “Với thu nhập, tích luỹ, hưởng thụ, du lịch... của các con như hiện tại, có thể nói các con thuộc thành phần khá giả trong xã hội. Vậy thì mỗi con có thể bớt đi 15 ngày làm việc kiếm tiền trong một năm, vừa để nghỉ ngơi vừa dành thời gian cho con, liệu có phải là điều gì trầm trọng, không khả thi?

Ngược lại, nếu các con coi mình là còn nghèo, nghèo thì phải gắng học gắng làm vượt lên hoàn cảnh, chứ đâu có ai nghèo mà gắng để được chơi được hưởng thụ cho thoải mái. Nội, ngoại mỗi bên sẽ giúp chăm cháu ít ngày, còn lại cho cháu đi học. Thời mẹ nuôi con, mẹ đã từng ước có được nhiều trường lớp môn học ngoại khoá như bây giờ để cho con được đi học hè, mẹ nhớ con cũng từng muốn vậy đúng không? Vậy các con hãy chia sẻ hoàn cảnh với cháu rồi hỏi cháu xem nó muốn gì, làm gì để chia sẻ những khó khăn của các con”.

Cả hai vợ chồng tôi đều bối rối và chưa thể “thấm” ý kiến của mẹ, nhưng có một kết luận của mẹ mà chúng tôi chắc chắn thấy đúng: “Như mẹ thấy thế hệ các con, có nhiều lựa chọn, mà các con đã chọn duy nhất một điều là kêu ca”.

Phần việc nhà chung chung:
Thời mẹ tôiThời của tôi
Giờ làm việc8 tiếng/6 ngày/tuần8 tiếng/5 ngày/tuần
Việc nhàTự làm tất cảGiúp việc ở chung, hoặc theo giờ
Thiết bị hỗ trợ việc nhà

Không có

Máy giặt, máy hút bụi, nồi cơm điện,
tủ lạnh, lò vi sóng, máy xay ép đa năng…
Số con41
Phương tiện đi lạiXe đạpXe máy, taxi
Du lịch, nghỉ dưỡng3/lần2 lần/năm
Phần chăm sóc con (mẹ tôi lấy những ví dụ cơ bản theo mỗi giai đoạn nuôi con):
Thời mẹ tôiThời của tôi
Con dưới 6 tháng tuổi
(thời gian dành cho việc giặt đồ)
Tã vải, giặt 1 giờ/ngàyTã giấy, dùng xong bỏ, không phải giặt
Con dưới 1 tuổi
(chăm sóc hàng ngày như cho ăn, tắm, chơi, dỗ ngủ)
Tự làm hoặc con lớn trông con nhỏNgười giúp việc
Con trên 1 tuổi
(chăm sóc y tế cơ bản, ốm đau lặt vặt)
Trạm xá, cách nhà 1kmBác sĩ gia đình, gọi điện thoại tới nhà khám
Con 3 tuổi
(ốm đau bất thường phải đi viện chuyên khoa)
Đạp xe 4km đến bệnh viện

Đi taxi 15 phút đến bệnh viện

Con 5 tuổi
(học ngoại khoá theo sở thích)
Không có trường lớp hoặc không có kinh phíHọc đàn 1 giờ/3 buổi/tuần. Học tiếng Anh 1 giờ/1 buổi/tuần


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét