Hãy hiểu rõ bản thân và có niềm tin chiến thắng

“…Phần lớn những người thực sự thành đạt đều có lòng say mê công việc. Đó là một đức tính tuyệt vời góp phần mang lại cho họ hạnh phúc và thành công.” - Allen Grossman

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã hoàn toàn trưởng thành, đã đủ những trải nghiệm - tôi chỉ tăng thêm mỗi năm một tuổi mà thôi. Tôi sinh ra ở Newark, New Jersey và sau đó chuyển ra sinh sống ở vùng ngoại ô trù phú, một vùng quê tiêu biểu của New Jersey khi người cha có gốc dân tị nạn của tôi bắt đầu thành đạt.

Tôi vào một trường trung học công lập - đó là một cuộc sống rất trơn tru, bằng phẳng. Tôi là đứa con giữa trong số năm anh chị em. Nếu được sinh ra lần nữa, tôi vẫn chọn mái ấm này. Tôi có một anh trai, người được xem như một nhà tiên tri của gia đình và ba chị em gái. Từ rất sớm tôi đã biết tự xoay xở lấy mọi việc dù vẫn còn trong sự bảo bọc của cha mẹ.

Cha tôi là một nhà doanh nghiệp di dân cổ hủ. Tôi làm trong kho giấy của ông vào mỗi mùa hè từ khi mới mười một tuổi cho đến khi học xong đại học. Tôi chưa bao giờ làm ở nơi nào khác. Có một sự đánh giá rất cao cho sự chăm chỉ của bạn đối với những công việc gia đình thời đó. Cha tôi rất coi trọng tính thanh liêm và lòng trung thực. Điều đó thật sự có ý nghĩa với ông vì ông đến đây từ một đất nước khác và hành trang duy nhất ông mang theo là sự chính trực.

Khi còn bé, tôi không chắc mình có một niềm tin tiềm tàng hoặc một cảm nhận rõ ràng về khả năng thành đạt của tôi. Theo tôi, gia đình quá trông mong người anh trai của tôi phải thật giỏi giang và thành đạt, còn đối với tôi thì không mấy hy vọng tôi sẽ làm nên trò trống gì. Thực sự tôi cũng có nghi ngờ bản thân điều đó. Điều này càng trầm trọng hơn khi tôi tốt nghiệp đại học năm 1965 và bước vào kinh doanh với cha và anh trai ở Xí nghiệp bao bì giấy của gia đình. May mắn là chúng tôi đã thành công. Cha tôi là người cực kỳ khôn ngoan, ông là người sáng lập nên nhà máy này và rất yêu mến nó, nhưng ông biết rằng nếu ông không chia sẻ bớt quyền hành cho con cái thì chúng tôi sẽ ra đi. Cho nên chẳng bao lâu sau ông bảo: "Được rồi, bây giờ là đến lượt các con. Hãy xem các con có thể làm được những gì nào”. Thật đáng buồn là ông mất vào năm 1972, khi tôi mới hai mươi bảy tuổi. Sau đó anh trai tôi và tôi đã xây dựng xí nghiệp này thành một công ty tầm cỡ quốc gia hoạt động khá thành công.

Tôi biết cha tôi có ý nghĩ rằng trong hai chúng tôi, anh tôi sẽ là người lãnh đạo. Tuy nhiên, anh tôi, lớn hơn tôi sáu tuổi, lại chưa bao giờ nghĩ rằng anh là số một và tôi là số hai. Trên thực tế, anh vui vẻ chia sẻ với tôi mọi đặc quyền nhưng lúc đầu tôi đã không nhận ra. Anh ấy rất thông minh, có tài, có đầu óc chính xác hơn tôi, và có lẽ bảo thủ hơn tôi. Tôi thì thích đối đầu với rủi ro nên chúng tôi bổ sung cho nhau và mọi việc tiến triển rất tốt.

Sống trong thời Kennedy và Martin Luther King, tôi luôn nghĩ về việc làm công ích. Tôi tin rằng cá nhân tôi có thể tạo nên một sự khác biệt cho xã hội. Tôi lao vào nắm công việc kinh doanh của gia đình và cưới vợ từ rất sớm. Lúc tôi tốt nghiệp đại học kinh doanh, phần lớn các bạn tôi đều đã làm việc cho các công ty lớn.

Tự tin là một khái niệm rất thú vị. Nó không đơn giản chút nào. Có lẽ một trong những giá trị của những người có tuổi là hiểu được ý nghĩa thật sự của sự tự tin. Tất cả chúng ta xét về mặt nào đó đều kém tự tin trong những điều chúng ta mong muốn. Tôi cho rằng tự tin là sự hiểu rõ chính mình, biết được đúng lúc mình sẽ vượt qua các thách thức và cũng biết hoài nghi về chính niềm tin của mình một khi nó tỏ ra không còn đúng đắn. Khi còn bé, tôi thường làm ra vẻ bạo gan hơn là tự tin thật sự. Giờ đây, tôi có thể nói: “Tôi cảm thấy không được tự tin lắm nhưng tôi biết tôi sẽ vượt qua thử thách này”. Tôi nghĩ đó mới là sự khác biệt quan trọng.

Từ rất sớm, tôi đã biết rằng thành công đòi hỏi một sự cần cù, tập trung, quyết đoán và biết cách vượt qua các trở ngại không thể tránh khỏi trên đường đời. Dĩ nhiên thành công cũng cần một chút may mắn và bất cứ ai nói rằng không cần sự may mắn là họ nói dối. Một yếu tố không thể thiếu nữa đó là khả năng động viên những người cùng làm việc với chúng ta. Đa số nhân viên của chúng tôi rất năng động và gắn bó với công ty, họ không có cảm giác bị bóc lột vì họ cũng là một thành viên của công ty. Điều này rất quan trọng, nhất là trong các công ty tư nhân. Một số người giỏi thường có khuynh hướng giấu các kỹ năng của mình khi làm việc và không cho phép ai khác hoàn hảo hơn bản thân họ. Trái lại, anh tôi và tôi nhận thấy giao trách nhiệm nhiều hơn cho người khác là cách tốt nhất giúp chúng tôi có nhiều thời gian hơn để theo đuổi các mục tiêu chiến lược vĩ mô hơn. Việc thiết lập những mục tiêu lớn và kỳ vọng cao đối với bản thân và những người xung quanh cũng rất quan trọng; và tất nhiên, sự chính trực cũng rất cần thiết. Nói chung, dù cho những người tôi quen biết là thống đốc bang, là tổng thống hay người đứng đầu của một công ty, dù họ tốt nghiệp Harvard, Yale hay bất cứ đâu thì mẫu số chung vẫn là sự cam kết về trách nhiệm và sự chuyên tâm vào công việc. Phần lớn những người thực sự thành đạt đều có lòng say mê công việc. Đó là một đức tính tuyệt vời góp phần mang lại cho họ hạnh phúc lẫn thành công.

Sau mười lăm năm điều hành công việc kinh doanh của gia đình, tôi nói với anh tôi rằng tôi sẽ ra đi vì tôi không còn cảm thấy hứng thú nữa. Anh ấy bảo: "Ừ, anh cũng không muốn tiếp tục lâu hơn nữa dù chúng ta đã cộng tác với nhau rất tốt. Chúng ta đã cùng bắt đầu và bây giờ sẽ cùng nghỉ". Thế là chúng tôi quyết định bán công ty với một cái giá rất hời.

Ngay sau khi bán công ty, tôi nhìn vào bức tranh toàn cảnh lúc bấy giờ để xem nơi nào tôi có thể khởi tạo sự khác biệt và quyết định đó là các tổ chức phi lợi nhuận. Dù đã từng nằm trong ban giám đốc và là chủ tịch của hai tổ chức phi lợi nhuận, nhưng lúc này tôi chỉ muốn làm một nhân viên nhỏ bé mà thôi. Tôi phải thôi việc làm thỏa mãn cái tôi của mình sau khi đã thành công trong một lĩnh vực khác, dù hiện giờ tôi không thích lĩnh vực đó lắm. Hai năm tiếp theo, tôi vẫn tiếp tục làm tư vấn viên cho các tổ chức phi lợi nhuận và một số hiệp hội khác. Tôi lãnh nhiệm vụ hỗ trợ các CEO của đối tác trong những dự án quốc tế của Quỹ Rockefeller để giúp họ phát triển thành công các dự án. Thời gian đó, tôi hay ngồi cùng bàn với các nhà tài trợ nên nhiều người nghĩ: "Gã này là ai thế? Hắn làm việc không cần lương à? Chắc hắn bị tâm thần rồi!”. Nhưng với tôi đó lại là một cơ hội lớn vì khi đó, tiền bạc không phải là vấn đề quan trọng nữa nên tôi quyết định học càng nhiều càng tốt để đưa mình lên một trình độ cao hơn. Hai năm rưỡi sau, tôi được đề nghị giữ nhiều vị trí quan trọng trong các lĩnh vực phát triển quan hệ quốc tế ở nước ngoài. Tôi không nhận vì tôi đã lập gia đình và có hai con, một đứa đang học ở trung học và vợ tôi có một hiệu sách ở New York. Vì thế, nếu ra nước ngoài, tôi không thể có một cuộc sống thăng bằng được.

Rồi thật bất ngờ, lời đề nghị làm CEO cho Tổ chức Outward Bound đến với tôi. Lần đầu tiên tôi nghe về tổ chức này và nhận ra rằng những việc tôi đã và đang làm có liên quan đến con người và tối ưu hóa các khả năng tiềm ẩn của họ cũng chính là điều mà Outward Bound đang hướng đến. Tôi có thể áp dụng các kỹ năng quản trị và lãnh đạo của mình vào công việc để làm thay đổi cơ bản cuộc sống của nhiều người. Và tôi đã làm được như thế.

Outward Bound được sáng lập bởi Kurt Haln, một nhà giáo dục có một triết lý sống rất mới và nổi bật. Ý tưởng của Outward Bound là bạn không cần phải chiến thắng nỗi sợ hãi - nhưng bạn cần phải biết cách đương đầu với nó.

Có hai thách thức trong công việc này. Một, tôi là một sự lựa chọn bất thường trong khi có rất nhiều người tại Outward Bound có thể cáng đáng trọng trách đó. Họ đã quen thuộc tất cả nhân viên ở đó và là những người giàu kinh nghiệm hoạt động trong tổ chức này. Hai là, Outward Bound là một tổ chức có cơ cấu kiểu liên đoàn với hơn năm trăm công ty và ba tổ chức quốc tế. Ở vị trí một giám đốc điều hành, tôi phải tạo được sự đồng tâm hiệp lực trong một cộng đồng và thuyết phục họ hiểu rằng thay đổi cơ cấu tổ chức không chỉ mang lại lợi ích cao nhất cho Outward Bound mà còn vì lợi ích của chính họ.

Ở Outward Bound, John Whitehead là một nhà cố vấn vĩ đại và là một tấm gương mẫu mực. John hiện vẫn nằm trong Ban điều hành Outward Bound. Ông là một người đa năng đa tài, từng rất thành công trong vai trò người đứng đầu Goldman Sachs. Ông cũng giữ chức trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và sau này dành một nửa cuộc đời còn lại cống hiến cho các hoạt động ở những tổ chức phi lợi nhuận khác. Tuy nhiên, lúc đó tôi không ý thức về sự cố vấn đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc đời của những người thành đạt. Tôi nghĩ cố vấn là những người chuyên điều chỉnh này nọ hơn là truyền đạt các bí quyết. Chức năng đó rất quan trọng vì “sai một li, đi một dặm”. Tôi thường quan sát những người chưa thành công và tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Tôi không biết liệu nhà tư vấn có hỗ trợ tích cực cho bạn hay không, hay họ chỉ điều chỉnh hướng đi của bạn sau khi đối chiếu với những thất bại mà họ đã chứng kiến nơi người khác. Người có chí tiến thủ và tinh thần vươn tới sự xuất sắc thì thế nào cũng thành công, bất kể có hay không có cố vấn bên cạnh. Theo tôi, với những người có những phẩm chất thành đạt bẩm sinh và có học vấn tốt thì vai trò của cố vấn không thật sự cần thiết, nhưng đối với những người khác thì cố vấn chắc chắn rất quan trọng.

Điểm yếu lớn nhất của tôi trong công việc là tính cả tin. Tôi tin tất cả mọi người nên dễ bị lạm dụng lòng tốt. Một số người không trung thực và thường xuyên tạc để được thăng chức. Nhiều lần tôi đã bị một số người lợi dụng để mưu cầu quyền lợi cho cá nhân họ. Tuy nhiên, tôi chưa gặp vấn đề nào quá khó khăn đến nỗi không giải quyết được. Hiển nhiên là nhiều khi tôi rất căng thẳng nhưng tôi tin rằng mọi người có thể cùng nhau đạt đến thành công và vượt qua mọi trở ngại.

Đường đến thành công của mỗi người mỗi khác nhau. Có những kẻ rất nhẫn tâm nhưng cũng được xem là thành đạt vì của cải và tiếng tăm của họ. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, họ thực sự là những kẻ khốn khổ. Họ có một cuộc sống gia đình đáng thương, bất hạnh và bất an. Có phải họ thành công nhờ sự thôi thúc của cảm giác bất an, hay bị tác động bởi sự kiêu căng ngạo mạn của họ? Tôi chẳng biết nữa. Nhưng dù sao, tôi vẫn tin rằng trên thế gian này đại đa số là người tốt, tuy vẫn còn nhiều kẻ đê tiện.

Một việc khác cần học hỏi là bạn phải biết chọn các cơ hội đến với mình. Nếu bạn không giỏi phân biệt, bạn phải mất nhiều năm tập trung vào các hoạt động hay các dự án không đáng làm. Trước đây tôi đã không làm tốt điều đó.

Định nghĩa của tôi về thành công gồm khá nhiều yếu tố nhưng suy cho cùng cũng khá đơn giản. Tôi nghĩ sự thành công trong nghề nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tính cách của từng cá nhân. Riêng tôi, tôi thích làm việc với các tổ chức xã hội, con người, và các cộng đồng dân cư. Vì thế, thành công đối với tôi là đưa cộng đồng phát triển nhanh, theo một mô hình tối ưu nhất. Phần còn lại của thành công không nằm trong nghề nghiệp chuyên môn của bạn, mà nằm trong mối quan hệ thường xuyên xung đột giữa tình yêu và công việc. Đối với tôi, tình yêu là tình cảm đối với những người xung quanh: gia đình, bạn bè và bản thân. Để tạo sự cân bằng trong cuộc sống, có lẽ bạn không nên tuyệt đối hóa sự nghiệp của mình. Thành công lớn nhất là khi bạn đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp mà vẫn duy trì được một cuộc sống cân bằng với bản thân và những người bạn yêu thương.

Lời khuyên của tôi đối với lớp trẻ ngày nay là phải có đam mê trong nghề nghiệp, dù các bạn bắt đầu trong lĩnh vực kinh doanh hay làm việc trong các tổ chức phi lợi nhuận. Tôi không nghĩ đam mê luôn đem lại thành công nhưng tôi tin rằng bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc và thành đạt trừ phi bạn đam mê công việc bạn đang làm. Hãy thử làm một việc nào đó, rồi kiểm chứng với khả năng của mình và mạnh dạn thay đổi nếu cần. Cơ hội nghề nghiệp không phải là cánh cửa quay, nó không trở lại với bạn lần nữa. Nó giống như các mối quan hệ. Một mối quan hệ tốt không thể tự nhiên mà có. Bạn phải xây dựng và củng cố nó. Sẽ có lúc thuận lợi, lúc khó khăn; những khi vui và nhiều lúc buồn. Nhiều người không dành đủ thời gian cho các cơ hội của mình sau khi nắm bắt chúng. Để biến một cơ hội trở thành sự nghiệp của mình, rất cần ở bạn một sự đam mê.

Nếu bạn không biết đam mê của mình là gì, sớm muộn gì bạn cũng biết thế nào là một công việc không có niềm đam mê. Một trong các phương pháp quản trị tốt nhất là quản trị bằng phép loại suy. Cũng vậy, đam mê cũng có phương pháp loại suy của nó. Khi bạn không thấy đam mê trong công việc, bạn sẽ bắt đầu đi tìm manh mối dẫn đến đam mê của bạn. Đôi khi người ta đi tìm sự đam mê hơn là đi tìm một công việc cụ thể nào đó. Chẳng hạn, nếu tôi thích làm trong các tổ chức từ thiện hay cộng đồng và mục đích của tôi là lãnh đạo thì những gì tôi áp dụng trong các tổ chức đó không quan trọng bằng việc tôi bảo đảm thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo. Nếu mục đích của tôi là hướng tới cái đẹp thì tôi sẽ đi vào ngành làm đẹp phong cảnh, hội họa, thiết kế thời trang… Nhiều bạn trẻ nói thế này: “Tôi muốn vào ngành ngân hàng”. Điều đó có nghĩa là gì? Lĩnh vực nào của ngân hàng? Bạn có thể ở bộ phận tiếp thị kinh doanh, hoặc kế toán, hoặc tổ chức hành chánh,… Ngay cả luật hay các ngành chuyên môn khác đều có một phạm vi công việc rất rộng. Vậy, hãy xác định chính xác ước muốn của mình trước khi chọn một công việc cụ thể.

Napoleon có một câu rất nổi tiếng: “Hãy lao vào, và các cơ hội sẽ mở ra”. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy đam mê nếu chỉ đứng ngoài rìa. Nếu bạn chỉ ngóng chờ cơ hội, chúng sẽ không bao giờ đến. Bạn phải dập tắt cái tôi của mình vì nó khóa chặt bạn và ngăn không cho bạn mạo hiểm. Nhiều đồng nghiệp của tôi không hài lòng với công việc họ đang làm nhưng họ không muốn mạo hiểm với tiếng tăm, địa vị xã hội và cái tôi của họ để đi tìm sự thay đổi. Một khi bạn thoát ra được những níu kéo đó, bạn sẽ tìm thấy những chân trời tự do muôn màu đáng yêu của cuộc sống.

Kết luận

Allen Grossman lớn lên trong một gia đình di cư. Từ rất sớm ông đã phải tự lập và trân trọng sự làm việc chăm chỉ. Cha ông đã dẫn dắt ông vào con đường kinh doanh bằng sự ngay thẳng và lòng trung thực. Các đức tính đó đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp sau này của ông. Như các chiến lược gia có tầm nhìn xa khác, ông đã hoạch định và thực hiện ước mơ của mình trong việc tạo ra một sự khác biệt cho thế giới, bắt đầu từ xí nghiệp giấy và bao bì của gia đình mình và sau đó là những cống hiến không mệt mỏi cho cộng đồng thông qua các tổ chức phi lợi nhuận.

Thật thú vị khi Allen, cũng như các chiến lược gia tầm cỡ khác, đều cho rằng một tinh thần doanh nhân là biết kinh doanh, dám chấp nhận rủi ro và biết truyền cảm hứng cho mọi người. Ông tự nguyện làm việc không lương, cố vấn cho các tổng giám đốc điều hành thuộc hệ thống các tổ chức phi lợi nhuận và trở thành Tổng giám đốc điều hành của Tổ chức Outward Bound, một vị trí mà ông có thể trực tiếp giúp đỡ các cá nhân tối đa hóa tiềm năng của họ, đương đầu với nỗi sợ về sự thiếu tự tin, và vượt qua mọi trở ngại trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống.

Ngày nay ông tiếp tục cống hiến cho các tổ chức phi lợi nhuận qua việc giảng dạy các phương pháp nâng cao năng lực tài chính trong hoạt động kinh doanh. Ông cho rằng thành công có nhiều mặt và có sự liên quan mật thiết giữa cuộc sống nghề nghiệp và gia đình. Ông gọi tính hai mặt của thành công là sự mâu thuẫn cố hữu giữa tình yêu và công việc. Ông đưa ra kết luận rằng thành công là sự tối ưu hóa cuộc sống nghề nghiệp trong sự cân bằng với cuộc sống gia đình của từng người. Lời khuyên về thành công của ông là hãy tìm ra niềm đam mê trong công việc, theo đuổi và tạo điều kiện cho nó thăng hoa. Hãy hiểu rõ bản thân và có niềm tin chiến thắng, và bạn sẽ thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét