Sử ta và ... sử Tàu

Đất nước Việt Nam cũng nghìn năm văn hiến đó thôi. Lịch sử hình thành và chống giặc ngoại xâm của Việt Nam cũng kiên cường bất khuất không hề thua kém bất kỳ một dân tộc nào khác trên thế giới, nhưng tại sao học sinh Việt Nam lại ghẻ lạnh với lịch sử dân tộc mình đến vậy?

Nghịch lý đáng xấu hổ

Một lần nữa, dư luận lại ồn ào xung quanh câu chuyện dạy và học lịch sử tại các trường phổ thông lẫn đại học hiện nay với "kết quả" vô cùng ấn tượng. Nào là hàng nghìn điểm 0; 98% điểm thi dưới trung bình... Bấy nhiêu đó cũng đủ biết tình trạng học sinh Việt Nam hiểu biết về lịch sử, nhất là lịch sử nước nhà... be bét đến dường nào.

Ấy vậy mà đang tồn tại một nghịch lý đáng xấu hổ. Đó là trong khi rất nhiều người Việt Nam không hề biết gì về lịch sử nước nhà nhưng họ lại rất thông thạo lịch sử Trung Hoa. Điều này cũng đã được ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT xác nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây mà rất nhiều tờ báo đã trích dẫn nhận xét của ông làm tựa đề "Hàng ngàn điểm 0 môn sử là bình thường"(?)

Nghĩ cũng lạ, đã có biết bao nhiêu ý kiến, đề xuất của rất nhiều chuyên gia đầu ngành, kể cả những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng được viết lên bằng cả tấm lòng của bậc đại công thần như Đại tướng Võ Nguyên Giáp về vấn đề này. Cũng từng có một cuộc vận động "dân ta phải biết sử ta" rất rầm rộ được ra đời, nhưng rốt cuộc kết quả vẫn là một con số 0 tròn trĩnh.

Lạ hơn nữa là trong khi hầu như không được ai dạy nhưng nhiều người có thể kể vanh vách sử Trung Hoa. Để có được "kết quả" này, có lẽ công đầu thuộc về làn sóng phim ảnh Trung Hoa đang được trình chiếu tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên đài truyền hình Trung ương.

Ngoài ra là những hình ảnh kiểu như "Vạn Lý Trường Thành" tại Đà Lạt hay phố đèn lồng đỏ treo cao ở Ninh Bình... và một số hình ảnh tương tự khác đang hiện hữu trên khắp đất nước Việt Nam cũng đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá lịch sử, văn hóa Trung Hoa.

Như có người nói thay ý mình, ngay sau khi bài viết Đà Lạt: Xây "Vạn Lý Trường Thành" trong khu du lịch được xuất bản trên Tuần Việt Nam, 1 người bạn lớn tuổi đã gửi ngay cho tôi cùng với lời nhận xét thật buồn: "Đúng là vong bản thật rồi!" Rất dứt khoát chứ không e dè tự hỏi như tác giả bài viết.

"Vạn lý trường thành" ở Đà Lạt

Tại sao ghẻ lạnh với lịch sử dân tộc mình?

Phải chăng đây có phải là thêm 1 nguyên nhân, góp phần tác động vào cái thực trạng học sinh vốn đã chán học sử, dẫn đến hiểu biết lịch sử nước nhà be bét như trong thời gian qua? Thử hỏi một người đã không còn biết gì đến gốc rễ của mình, không còn biết gì đến tổ tiên, nòi giống thì làm sao mà có thể làm bài thi môn sử với điểm, ít nhất là trung bình trở lên?

Trên một số diễn đàn, có ý kiến cho rằng người viết đã quá nhạy cảm và biện minh cho việc xây "Vạn lý trường thành" tại Đà Lạt, đơn giản chỉ là sao chép lại một trong những kỳ quan của thế giới. Đồng thời kết luận rằng đây là việc bình thường mà nhiều nước cũng từng làm.

Chúng ta đã đứng vững và tồn tại, phát triển được sau hàng nghìn năm tăm tối chẳng phải là một niềm tự hào to lớn đó sao?

Nhận xét trên có thể đúng nhưng đặt trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam thì lại khác. Liệu có khi nào 1 ai đó tự hỏi rằng tại sao cứ phải là "Vạn lý trường thành" mà không phải là tháp Eiffel hay Kim tự tháp? Tại sao lại thuộc làu làu sử Trung Hoa mà không phải là sử của một quốc gia nào khác hay lịch sử Việt Nam?

Đất nước Việt Nam cũng nghìn năm văn hiến đó thôi. Lịch sử hình thành và chống giặc ngoại xâm của Việt Nam cũng kiên cường bất khuất không hề thua kém bất kỳ một dân tộc nào khác trên thế giới, nhưng tại sao học sinh Việt Nam lại ghẻ lạnh với lịch sử dân tộc mình đến vậy?

Ở đây còn có một nguyên nhân khác. Đó là từ lâu trong tâm thức của đại đa số người Việt vẫn còn nặng tâm lý tự ti, nhược tiểu. Nhược tiểu vì phải chịu hàng nghìn năm đô hộ giặc Tàu, hàng trăm năm đô hộ giặc Tây. Nhược tiểu vì mình là nước nhỏ bên cạnh một nước lớn với bề dày về văn hóa, lịch sử và luôn luôn có tư tưởng bành trướng.

Chúng ta đã đứng vững và tồn tại, phát triển được sau hàng nghìn năm tăm tối chẳng phải là một niềm tự hào to lớn đó sao?

Có thể vì yếu tố lợi ích kinh tế mà "Vạn lý trường thành" ở Đà Lạt hay "Đông đô đại phố" tại Bình Dương mới được hình thành. Thật đáng tiếc là chủ đầu tư những dự án này đều là các đơn vị Nhà nước, hiệu quả kinh tế của họ cũng ít nhiều góp phần cho sự phát triển của quốc gia. Nhưng liệu sự phát triển ấy có đủ để bù đắp cho những mất mát rất khó để cân đo đong đếm, đó là một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Những người đang quản lý về kinh tế, văn hóa nước nhà có cảm thấy xót xa khi một nước Việt Nam phát triển với một thế hệ được thể hiện qua hàng nghìn con số 0 trong kết quả về hiểu biết lịch sử, kết hợp sự lai tạp đáng xấu hổ về văn hóa, liệu có đáng để tự hào?

Vệ Đình

Nguồn: TuanVietNam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét