"Tôi muốn tiếp tục sống, ngay cả khi đã chết"


Sống ở thời đại mà “mọi lý tưởng đều bị chà nát và hủy hoại, khi con người phơi ra những mặt xấu xa nhất của mình, và người ra không biết có nên tin vào Thượng đế, vào sự thật và lẽ phải nữa hay không”, nhưng Anne Frank lại cảm thấy “Bất kể mọi sự, mình vẫn tin là bản chất con người vẫn tốt đẹp”.
Chiến tranh – nhắc lên hai từ đó thôi cũng đủ gieo vào lòng con người bao nỗi sợ hãi, hoang mang, đủ gợi lên trong lòng những người còn sống và đang sống biết bao đau thương, mất mát.
Năm 2005, Nhật ký Đặng Thùy Trâm sau hơn 30 năm lưu lạc trên đất Mỹ được đưa trở về với gia đình đã khiến dư luận bàng hoàng. Sự tàn khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam được hiện lên sống động qua những trang viết của nữ bác sỹ 27 tuổi, và sự bất khuất của tinh thần con người một lần nữa được vinh danh.
Trước Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, nhân dân thế giới cũng đã biết đến một tác phẩm tương tự – một cuốn sách thật sự đặc biệt. Đó cũng là một cuốn nhật ký, nhưng không phải của một người nào tham gia vào cuộc chiến, mà của một nạn nhân chiến tranh – một nạn nhân đặc biệt – một cô bé 13 tuổi: Anne Frank.
Là người sống sót duy nhất trong gia đình sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, ông Otto Frank trở về Amsterdam. Miep Gies và Elli (Bep) Voskuijl – những người đã che chở và giúp đỡ gia đình ông trong thời kỳ sống bí mật đã đưa cho Otto một cuốn sổ tay và một số giấy tờ có chữ viết của cô con gái Anne Frank. Đó là tất cả những gì còn lại sau khi gia đình người Do Thái tội nghiệp bị bắt đi vào một ngày đầu tháng 8 năm 1944.
Otto Frank sao cuốn nhật ký thành nhiều bản và tặng cho mọi người trong gia đình để làm kỷ niệm về vợ và các con gái của ông. Nhiều người giục ông xuất bản thành sách. Cuốn nhật ký được người cha lược bớt một phần rất nhỏ và được xuất bản lần đầu năm 1947. Kể từ đó, cuốn sách đã được dịch sang hơn ba mươi thứ tiếng và được dựng thành phim, thành kịch, truyền hình và cả truyện tranh.
Ở Việt Nam, “Nhật ký Anne Frank” được xuất bản lần đầu trước năm 1975 với bản dịch của Bửu Ý và được tái bản lại sau năm 1975.  Năm 2006, cuốn sách được tái bản hoàn thiện hơn với bản dịch của bà Đặng Kim Trâm – em gái liệt sỹ – bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Và gần đây, một lần nữa, “Nhật ký Anne Frank” lại được Đông A và NXB Văn học tái bản một lần nữa.
Sự tàn phá của chiến tranh
Cho dù ở thời điểm nào, tác phẩm này vẫn giữ nguyên giá trị trong lòng nhân dân toàn thế giới bởi tính chân thực tuyệt đối của nó. Những dòng chữ còn phảng phất nét thơ ngây của một cô bé 13 tuổi nhắc người ta về sự rùng rợn của chiến tranh, nhắc những người đang sống hãy thêm quý trọng nền hòa bình được xây dựng trên xương máu của những người đã khuất, và đồng thời cũng là lời tuyên bố hùng hồn về tinh thần của loài người.
Năm 1942, Đức quốc xã chiếm đóng Hà Lan, những đạo luật bài trừ người Do Thái của độc tài Hitler đã buộc Anne Frank và gia đình phải lui vào sống bí mật trong một tòa nhà cũ – cũng là chính văn phòng làm việc của ông Otto Frank tại Amsterdam.
Với tham vọng xây dựng một “dân tộc thuần chủng”, Hitler đã ban bố những đạo luật bóp nghẹt quyền sống của người Do Thái. Anne Frank, xuất thân từ một gia đình có dòng dõi, với nhiều đóng góp cho cộng đồng đã từng có một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, được bạn bè yêu quý. Nhưng rồi sự phát triển của các phong trào kháng chiến kéo theo những biện pháp chống người Do Thái ngày một tàn ác, gia đình Frank nói riêng và cộng đồng người Do Thái nói chung đã bị đẩy đến chỗ không còn đường sống. Họ bị buộc phải học trường riêng, phải đeo sao vàng để phân biệt, bị cấm nhiều hoạt động cộng đồng, cũng như chịu các lệnh giới nghiêm hà khắc… Tiếp đến là những cuộc vây ráp và trục xuất đến các trại hành quyết.
Cuộc sống của gia đình Frank cùng một vài bạn bè của mình là gia đình Van Daan và ông Dussel trong “Chái nhà bí mật” gặp phải rất nhiều khó khăn. Mọi hoạt động của họ hầu như chỉ được diễn ra vào ban đêm, khi văn phòng không có ai, nhưng nhìn chung, mọi tiếng động đều phải hạn chế.
Bên cạnh những thiếu thốn về vật chất như thức ăn, đồ uống hay quần áo để mặc, những người sống bí mật còn phải ngày đêm đối trọi với nỗi sợ hãi bị phát hiện, với những lo lắng về cuộc chiến tranh cứ ngày một kéo dài, với sự kinh khiếp vì những trận ném bom oanh tạc, và trên tất cả, là nỗi khổ sở dày vò khi hàng ngày phải nghe tin người thân, bạn bè, những người đồng bào của mình đang bị tẩy chay, bị giết hại hết sức dã man trên khắp lãnh thổ Châu Âu.
Chiến tranh không chỉ bào mòn thể xác mà còn khiến tinh thần con người suy sụp đến cùng kiệt. Cuộc sống ở “Chái nhà bí mật” vì thế lúc nào cũng ngập tràn một không khí căng thẳng: “Người ta chẳng thấy gì ở đây, ngoài những gương mặt bất mãn, gắt gỏng, chẳng có gì hơn ngoài những tiếng thở dài và những lời than vãn bị nén lại”. Những người đàn ông dễ nổi nóng còn những người đàn bà thì khóc lóc, họ thậm chí nghĩ tới việc tìm đến cái chết, bởi cái chết có lẽ còn dễ chịu hơn.
Ngay cả Anne Frank, cô bé mà người ta ngỡ có thừa sinh lực và lạc quan cũng từng khóc ướt gối mỗi đêm, từng thấy mặc cảm tội lỗi khi mình vẫn được sống – dù trong khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn là “được sống” trong khi bạn bè mình đang bị đẩy đến những lò sát sinh của quân Đức.
Và tinh thần bất tử của loài người
“Những miêu tả của Anne Frank khiến tôi bàng hoàng nhận thức được sự tàn ác nhất của chiến tranh – đó là sự suy thoái tinh thần con người. Đồng thời, nhật ký của Anne Frank lại làm rõ đến thấm thía cái cao quý tột cùng của tinh thần đó” – đó là lời nhận xét của Cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ -  bà Eleanor Roosevelt – người đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh cho quyền con người.
Hơn hai năm sống trong “Chái nhà bí mật”, cô bé Anne Frank đã trưởng thành hơn rất nhiều. Phần lớn thời gian trong cuốn nhật ký, cô bé dành để viết về những trải nghiệm cuộc sống của mình, về những rắc rối và băn khoăn của tuổi mới lớn, về cả những niềm vui nho nhỏ như khi được làm công việc yêu thích, được ngắm nhìn bầu trời, được ngồi vai tựa vai bên cạnh một chàng trai, được tận hưởng sự ngọt ngào của nụ hôn đầu….
Cô bé nhìn cuộc sống khốn khó của mình bằng con mắt hài hước để làm vơi bớt những muộn phiền: “Mình coi việc lẩn trốn của bọn mình là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, nhưng đồng thời cũng lãng mạn và thú vị… Mỗi ngày, mình lại cảm thấy nội tâm phát triển hơn, cảm thấy sự giải phóng đến gần hơn và cảm thấy thiên nhiên đẹp làm sao, mọi người tốt với mình làm sao, và cuộc phiêu lưu này thú vị làm sao! Vậy thì tại sao mình lại phải tuyệt vọng?”.Anne không ngần ngại bày tỏ những chính kiến về chính trị, những đam mê học hỏi và viết lách… Sau tất cả, người ta nhận ra một Anne 13 tuổi độc lập, có cá tính, mạnh mẽ nhưng cũng sở hữu một tâm hồn nhẹ nhàng, tinh tế, biết rung động trước cái đẹp.
Sống ở cái thời đại mà “mọi lý tưởng đều bị chà nát và hủy hoại, khi con người phơi ra những mặt xấu xa nhất của mình, và người ra không biết có nên tin vào Thượng đế, vào sự thật và lẽ phải nữa hay không”, thì Anne Frank lại cảm thấy “Bất kể mọi sự, mình vẫn tin là bản chất con người vẫn tốt đẹp”.
Thậm chí, cô bé 13 tuổi ấy còn tự thấy kinh ngạc khi mà mình vẫn chưa buông rơi các lý tưởng, “bởi vì dường như các lý tưởng đó quá ngớ ngẩn không thể nào thực hiện được”. Cô ấy bày tỏ: “Mình đang nhìn thấy thế giới dần chuyển thành một sự hoang dại, mình còn nghe thấy những tiếng sấm đang đến gần, nó sẽ hủy diệt cả bọn mình, mình cảm thấy rõ nỗi đau khổ của hàng triệu người, vậy mà nếu ngước nhìn lên bầu trời, mình nghĩ rằng mọi chuyện sẽ ổn thỏa, rằng cái tàn nhẫn sẽ chấm dứt, rằng hòa bình và yên tĩnh sẽ trở lại”.
Bởi vì trên đời còn tồn tại những niềm tin bất diệt như thế, nên cuộc chiến tranh rồi cũng qua đi, dù nó còn để lại rất nhiều khổ đau, mất mát. Anne Frank đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 16, nhưng tinh thần và ý chí của cô thì vẫn còn sống mãi trên từng trang sách, và cả trong trái tim của nhân dân toàn thế giới.
Ước nguyện của cô: “Tôi muốn tiếp tục sống, ngay cả khi đã chết đi” đã thành sự thật. Ngày nay, “Chái nhà bí mật” đã trở thành nơi viếng thăm của du khách quốc tế – những người ngưỡng mộ trái tim cô gái Do Thái quả cảm. Quỹ Anne Frank đã thành lập Trung tâm Thanh niên Quốc tế – nơi gặp gỡ của lớp trẻ, ở đó thanh niên được nghe các bài giảng, được thảo luận và hội thảo về những vấn đề quốc tế. Trường trung học Montessori ở Amsterdam, nơi Anne từng học nay cũng đã mang tên cô…
Và “Nhật ký Anne Frank” sẽ trở thành tài sản vô giá của nhân loại. Ngày nay, ở đâu đó trên thế giới, chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Nhưng các dân tộc nô lệ và áp bức, đừng lo, bởi “Kẻ yếu sẽ thua nhưng người mạnh mẽ sẽ không bao giờ đầu hàng”; Hãy ngước nhìn bầu trời và vững tin rồi một ngày nào đó mọi chuyện sẽ lại ổn cả…
Hoàng Hải Anh
Nguồn tuanvietnam.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét