Những con đường không bằng phẳng

Không phải ai cũng có may mắn thực hiện được điều mình thích (làm công việc mình đam mê, sống cuộc đời như mình muốn). Có nhiều lý do giải thích cho việc này: Điều kiện của họ không cho phép, hoặc đối với họ sống vì người khác có ý nghĩa hơn rất nhiều so với khăng khăng sống theo mong muốn của riêng mình, hoặc có trường hợp đã bắt đầu sống theo cách mình muốn nhưng đi được giữa chừng vì một nguyên nhân nào đó đã (buộc hoặc phải) bỏ cuộc. 


"Chẳng đường nào trải bước trên hoa hồng" - một câu hát trong bài Đường đến ngày vinh quang một thời đình đám của Trần Lập và nhóm Bức Tường. Quả đúng thế thật, bởi nhìn một cách tổng quan thì chưa có ai có được cảm giác thành công thật sự mà kêu cuộc đời mình toàn thuận lợi cả. Khi đã có một số thành tựu nhất định, nhiều người trong số họ (cho bản thân cái quyền) có thể vẽ thêm hoa lá cành để tô vẽ cho thành công của mình, nhưng chắc chắn một điều là cả câu chuyện họ vẽ (cho một mục đích nào đó) và câu chuyện thật của họ phải có ít nhiều khó khăn đã phải trải qua trong đó mới gặt hái được kết quả mà mọi người nhìn thấy như hôm nay.

Khó khăn cũng có dăm ba loại. Có khó khăn sinh ra từ thực tế là những biến ngoại sinh, phát sinh ngoài tầm kiểm soát và tồn tại một cách khách quan, kiểu như: mưa gió, kẹt xe, mất điện, cúp nước, ... Cũng có những khó khăn bản thân nó không tồn tại một cách hữu hình và cũng chỉ xuất hiện bên trong chúng ta: đó là thiếu tự tin, e ngại khó khăn, sợ rủi ro, ngại va chạm, lo lắng... Xét về mức độ tác động của các loại khó khăn này đến cam kết, quyết tâm và sự vững lòng đi hết con đường đã chọn thì Nguyễn Bá Học đã từng có một đúc kết súc tích: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông". Nhận định này đến nay, theo thiển ý cá nhân tôi thì vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Nói về việc đi đường đã có hay mở con đường mới, mỗi người cũng có một lựa chọn riêng, mỗi cách chọn cũng có những ưu và nhược điểm riêng. Người đi đường có sẵn thì đi nhanh, thuận lợi hơn nhưng lại ít có cơ hội trải nghiệm những điều mới mẻ (theo cách khám phá). Ngược lại, người khai phá con đường mới thì có thể đi lâu hơn nhưng kỹ năng đi đường tăng và số chiêm nghiệm cho riêng mình cũng nhiều hơn rất nhiều. Lẽ dĩ nhiên, theo đó, mỗi phương án sẽ phù hợp với những đối tượng và từng hoàn cảnh riêng biệt khác nhau. Nếu anh làm công việc sáng tạo, anh dám mở lối đi riêng thì anh sẽ sớm thành danh và khẳng định cá tính riêng nếu thành công. Nếu anh làm công việc mang tính lặp lại thì những phương thức có sẵn là những gợi ý tốt để việc có thể thực hiện suôn sẻ, nhanh chóng. Mỗi cá nhân vì thế cũng sẽ có vai trò riêng trong cuộc sống và trong mối quan hệ tương tác với chung quanh. Nhưng không vì thế mà tinh thần chủ động tìm tòi, học hỏi bị coi nhẹ. Để tiếp tục phát triển và hoàn thiện, đòi hỏi mỗi chúng ta phải không ngừng đặt ra những mục tiêu mới, thách thức bản thân để giải mã những câu đố ngày càng lớn hơn trong chính bản thân mình. Nhắc đến điều này, tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà văn Lỗ Tấn trong tác phẩm Cố hương: "Trái Đất vốn chẳng có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi". Và chúng ta đang sống ở Trái đất, chúng ta cũng đang bàn về những con đường. ^^

Nếu con đường bạn đi rất trơn tru, liệu khi đến nơi cần đến, có mấy khi bạn có còn nhớ gì về nó? Nếu con đường bạn đi không bằng phẳng (đại đa số là thế và sự thật là hầu như thế), dù là con đường giao thông, là con đường sự nghiệp hay là con đường đời, bạn có thấy mình thường ghi nhớ rất sâu đậm và học hỏi được rất nhiều từ đó? Tất nhiên không ai có quyền buộc bạn phải đi con đường khó hay bắt bạn phải đi hết một con đường, nhưng nếu có cơ hội, hãy một lần trải nghiệm xem sao, nhé! ;-)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét