Cách rèn luyện đức tính của Benjamin Franklin


Cũng vào hồi đó (1784), tôi có cuồng vọng muốn trở nên một người đạo đức hoàn toàn. Tôi ước ao sống một cuộc đời không phạm mảy may tội lỗi. Tôi hết sức khắc phục mọi dục vọng, mọi thứ xấu có thể đưa đến tội lỗi. Hồi đó tôi tưởng rằng việc gì phải việc gì trái tôi đều thông cả, và không có lý do gì cấm tôi không làm được điều thiện và tránh được điều ác. Nhưng không bao lâu tôi thấy rằng việc đó khó hơn là tôi tưởng tượng. Khi tôi lưu ý để tránh một tội lỗi, thì vô tình tôi lại rơi vào một tội lỗi khác. Hễ sơ ý là thói xấu trở lại, và dục vọng nhiều khi đàn áp cả lý trí. Tôi nghiệm ra rằng, tin tưởng suông ở đạo đức không chưa đạt tới hoàn thiện được thì hãy nên tập luyện những tính tốt và từ bỏ tính xấu dần dần. Vì vậy mà tôi nghĩ ra một phương pháp như sau:
Tôi lập một bản kê khai các đức tính mà tôi thấy nêu ra trong các sách vở. Nhưng tôi thấy có nhiều tác giả cùng dùng trong một danh từ, nhưng mỗi ông lại định nghĩa một cách, có thêm bớt ít nhiều. Tỉ dụ: điều độ, thì có người chỉ dùng về việc ăn uống, có người lại dùng cả về sự điều hòa tính tình, dục vọng, cuồng vọng có thể chất hay của tinh thần. Muốn cho được rõ ràng, tôi chủ trương nên dùng nhiều danh từ mà ít nghĩa còn hơn là ít danh từ mà nhiều nghĩa. Tôi thống kê được tất cả 13 đức tính mà tôi thấy là cần thiết đối với tôi, và bên cạnh mỗi danh từ chỉ một đức tính, tôi viết mấy chữ để định nghĩa theo quan niệm của tôi.

1. Điều độ: Không ăn đến chán, không uống đến say.

2. Yên lặng: Không nói nếu lời nói không có ích cho người khác hoặc cho bản thân mình. Tránh những câu chuyện ba hoa.

3. Thứ tự: Sắp đặt mọi vật vào chỗ riêng, mọi việc vào một giờ nhất định.

4. Quyết tâm: Việc gì thấy cần thì phải quyết tâm làm, việc gì đã quyết tâm thì làm cho kì được

5. Tiết kiệm: Chỉ tiêu những việc có ích cho mình và cho người khác.

6. Chuyên cần: Không phí thời giờ. Lúc nào cũng làm việc hữu ích. Tránh những việc vô ích.

7. Thành thật: Không nói xấu người, có những ý nghĩ lành mạnh và đứng đắn. Nếu nói điều gì, phải nói cho đúng.

8. Công bằng: Không làm hại người khác, và nhớ hưởng những gì mình đuọc hưởng.

9. Dung hòa: Tránh mọi thái cực. Chịu đựng những điều trách mắng nếu thấy mình có lỗi.

10. Sạch sẽ: Quần áo, nhà cửa, thân thể phải thật sạch sẽ.

11. Yên tĩnh: Tránh phiền não về những việc vặt thường xẩy ra hoặc không tránh được.

12. Trong sạch: Không nên gần đàn bà ngoài sự cần thiết về nhu cầu sinh lý và duy trì nòi giống. Tránh trác táng, hại sức khỏe, hại thanh danh của mình và của người khác.

13. Khiêm tốn: Noi gương Đức Giêsu và Socrate.

Ý định của tôi là tập luyện những đức tính bằng những thói quen nên tôi cho rằng không nên tham vọng theo cả bấy nhiêu đức tính một lúc, mà trái lại phải chú trọng từng đức tính một. Khi nào nắm vững được một đức tính rồi thì mới bắt đầu rèn luyện đức tính khác, và cứ lần lượt như vậy cho đến khi đạt được cả 13 đức tính. Tôi xếp đặt các đức tính theo thứ tự như trên, vì cho rằng hễ có được đức tính đầu thì dễ rèn luyện các đức tính sau. Chẳng hạn, tôi để đức tính điều độ lên trước tiên, vì tôi quan niệm rằng có điều độ thì đầu não mới sáng suốt và có như vậy thì mới đủ tỉnh táo để đề phòng các tính xấu trở lại và tránh những dục vọng luôn luôn đe dọa. Một khi đã có đức tính điều độ thì việc tập yên lặng trở thành một việc rất dễ. Vì đồng thời với rèn luyện đức tính, tôi cũng muốn bồi bổ thêm trí tính, nên tôi cho rằng trong khi nói chuyện cần nghe hơn là cần nói, tôi cố gắng bỏ tính hay nói ba hoa bông đùa. Vì vậy, nên tôi đặt đức tính ấy vào ngôi thứ hai. Ngôi thứ ba là thứ tự, vì tôi cho rằng có thứ tự thì tôi mới có rộng thời giờ để học tập. Đức tính quyết tâm sẽ giúp tôi giữ vững ý định rèn luyện những đức tính khác về sau. Tiết kiệm và chuyên cần sẽ giúp tôi trang trải công nợ, không bị ràng buộc vào người khác. Như vậy, tôi mới có thể dễ dàng thực hành được đức tính thật thà và công bình...

Quan niệm như vậy rồi, tôi bèn bắt chước ông Pythagore, lập một bản theo kiểu vẽ sau đây để tiện việc kiểm điểm:


Tôi đóng riêng một quyển vở, và tôi dành riêng cho mỗi đức tính một trang giấy. Tôi dùng mực đỏ kẻ tờ giấy thành 7 hàng dọc và 13 hàng ngang. Mỗi hàng dọc tôi để riêng một ngày trong tuần lễ, và mỗi hàng ngang tôi dành riêng cho một đức tính. Mỗi ngày tôi tự kiểm một lần, và hễ thấy phạm vào đức tính nào thì tôi lấy bút đáng dấu vào ô đó.

Tôi quyết tâm cứ mỗi tuần thì chú trọng đến riêng một đức tính. Nghĩa là trong tuần lễ đầu, tôi chỉ có giữ điều độ, còn những đức tính khác thì tôi ít chú trọng, nhưng tối đến hễ tự kiểm thảo thấy có lỗi thì tôi cũng chấm một chấm. Đến cuối tuần, nếu tôi thấy hàng đầu sạch sẽ, không bị một vết chấm nào, thì tôi kết luận rằng tôi tự rèn luyện được đức tính điều độ, và tôi bắt đầu sang đức tính thứ hai, tức là sang tuần lễ thứ hai tôi phải lo giữ hai hàng đầu sạch sẽ, không có chấm. Tôi làm như vậy cho đến đức tính cuối cùng, tức là phải trải qua một thời gian là 13 tuần lễ, và trong một năm tôi làm như vậy bốn vòng. Khác nào một người làm vườn, muốn khử cho hết cỏ trong một khoảng vườn rộng, không đủ sức nhổ hết cả cỏ trong vườn ngay một lúc, mà nhổ mỗi ngày một vạt nhỏ cho thật sạch sẽ, hết vạt này đến vạt khác. Tôi cũng theo cách đó mà nhổ cho hết những tính xấu của tôi, và bằng cách nhổ dần cho hết những dấu chấm trong quyển sách của tôi, hết dòng này qua dòng khác cho đến cuối cùng mong có được quyển sách sạch tinh, sau 13 tháng luyện tập và tự tu...

Vì định nghĩa thứ tự là việc gì cũng làm đúng lúc nên trong quyển sách của tôi, tôi dành riêng một trang để chép một bảng thời khóa biểu dùng trong 24 giờ của một ngày như sau:

BUỔI SÁNG

Câu hỏi: Ngày hôm nay sẽ làm điều gì lành? 

5:00: Ngủ dậy, đọc kinh “Đấng Toàn năng”
6:00: Sửa soạn và quyết định công việc trong ngày
7:00: Điểm tâm
8:00 – 11:00: Làm việc

BUỔI TRƯA 

12:00: Đọc sách, tính tiền
13:00: Ăn cơm
14:00 – 17:00: Làm việc

BUỔI CHIỀU

Câu hỏi: ngày hôm nay tôi đã làm gì lành?

18:00: Xếp đặt đồ đạc cho có thứ tự
19:00: Cơm chiều
20:00: Âm nhạc hoặc giải trí 
21:00: Kiểm tra công việc hằng ngày

ĐÊM

22:00 – 24:00: Ngủ

Thế là tôi thực hiện chương trình tự kiểm thảo và tiếp tục mãi trừ vài dịp phải nghỉ ít lâu. Tôi ngạc nhiên thấy có nhiều tội lỗi hơn là tôi tưởng, nhưng tôi cũng sung sướng thấy những tội lỗi của tôi bớt dần. Để có thể dùng đi dùng lại mãi cuốn sổ có kẻ ô kể trên, và để tránh nạn khỏi phải cạo những chấm đen ghi tội lỗi, vì cạo đi cạo lại nhiều lần hay thủng giấy, tôi bèn lấy những tờ bìa bằng ngà dùng thay giấy. Trên tờ bìa đó tôi kẻ các ô bằng mực đỏ cho lâu phai, còn các tội lỗi thì tôi chỉ việc lau qua bằng một miếng giẻ ướt. Thời gian sau phải hết một năm tôi mới đi được một vòng, và sau đến mấy năm mới xong một vòng, rồi cuối cùng tôi bỏ hẳn, vì tôi bận công việc quá và hay phải đi xa ra ngoại quốc, nhưng bao giờ tôi cũng mang quyển sổ theo

Tự Truyện Benjamin Franklin | Benjamin Franklin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét