Tìm lại đam mê

Rất nhiều người đi được hơn nửa cuộc đời mới nhận ra đâu là đam mê thật sự của mình, nhưng đã quá muộn để họ bắt đầu lại.


Vì vậy, xác định được đam mê của mình ngay khi còn trẻ là rất quan trọng. Có như vậy bạn mới không hối hận về sau. Hành trình tìm lại đam mê không khó, hãy bắt đầu từ những điều cơ bản

Thời thơ ấu, bạn thích điều gì?

Những gì chúng ta hành động hôm nay thường bị ảnh hưởng bởi rất nhiều điều từ thời ấu thơ. Càng lớn, bạn càng mất phương hướng, thế nên hãy quay về chính nơi bạn bắt đầu. Đó mới là câu trả lời thành thật nhất. Khi còn bé, chúng ta thích môn nào đó, cái gì đó, không vì bất kì điều gì chi phối, và cũng chẳng e ngại bất kì thử thách nào. Lớn lên, những suy nghĩ tiêu cực đã làm mờ đi đam mê của bạn.

Những gì bạn thích khi còn bé mới chính là đam mê của bạn sau này.

Ghi ra những khuyết điểm

Bạn ghét làm việc trong môi trường ra sao, nhược điểm của bạn thế nào (thiếu kiên nhẫn, không cẩn thận, ghét ràng buộc…), liệt kê ra hết và bạn sẽ thấy có những ngành nghề chẳng bao giờ bạn có thể làm được. Ví dụ sợ máu thì không thể làm bác sĩ, nóng tính thì không thể dạy học.

Nếu bạn hiểu rõ đam mê của mình, có thể bạn sẽ dễ dàng vượt qua mọi trở ngại. Nhưng vấn đề ở đây là bạn đang đi tìm đam mê thật sự của mình, nên những gì gây trở ngại cho bạn, khiến bạn mệt mỏi khó chịu, đó không phải là điều mà bạn cần tìm.

Nêu lí do để bạn đi làm

Sau khi học xong, chúng ta sẽ phải đi làm. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi, mình đi làm vì điều gì chưa. Tiền bạc, danh lợi, hay bạn làm vì bạn thật sự thích công việc ấy? Phần lớn chúng ta đều đi làm vì tiền. Đó là lí do rất nhiều bạn phải làm việc trái với khả năng và sở trường của mình, vì nếu không làm thì họ không thể có lương để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, hãy gạt bỏ ý nghĩ đó sang một bên. Vứt bỏ hết mọi trở ngại liên quan đến tiền bạc, khoảng cách không gian, khả năng chuyên môn…, thì theo bạn, cái mà bạn thích làm nhất, là gì?

Khi có câu trả lời rồi, bạn sẽ hiểu được đâu là đam mê của mình.

Bạn học (làm) cái gì mà không bao giờ chán?

Chúng ta đều có mỗi thế mạnh riêng, nhưng ít khi nhận ra. Ví dụ bạn có thể tâng cầu hoài mà không rớt, hay như bơi lội cả ngày mà không mệt. Nhưng không có nghĩa là, bạn thích tâng cầu thì sẽ trở thành…vận động viên đá cầu, thích bơi lội thì sẽ phải là “kình ngư”. Tìm ra đam mê, bạn sẽ biết bản thân thích hợp với điều nào đó tương tự như đam mê của mình, từ đó chịu phấn đấu hơn.

Chẳng hạn như bạn có thể viết văn mãi không bao giờ chán, nhưng bạn viết chưa tốt lắm. Có thể bạn không trở thành nhà văn được, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm báo, hoặc lên ý tưởng, lên kế hoạch, hay làm những công việc liên quan đến quảng cáo, biên tập…
Nguồn: Mực Tím

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét