Cách dạy trẻ Việt Nam tại hải ngoại

Đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại Hoa kỳ nói riêng và hải ngoại nói chung thường tiếp xúc với môi trường nơi cư trú nên tính khí, ý niệm, nhân sinh quan và vũ trụ quan theo đó phát sinh. Thường thường những phụ huynh có việc làm ổn định như giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên v.v.  thì giờ giấc ở xí nghiệp, công sở không đóng khung tám tiếng đồng hồ mà đôi khi về đến nhà là phải ngồi vào văn phòng đọc thêm, nghiên cứu thêm để ngày mai vào lại hảng xưởng có khả năng đủ lĩnh hội, đối phó những việc đang xảy ra với những thay đổi từng giờ về kỹ thuật, tin học, y khoa, ngôn ngữ. Những phụ huynh có cơ sở kinh doanh thì tất bật với việc cạnh tranh trong thương trường, mỗi ngày tiêu pha không dưới 15 tiếng đồng hồ nếu muốn vận hành tốt cơ sở thương vụ của mình. Những công, tư nhân viên thì thời gian rõ ràng hơn trong giờ giấc nhất định, nhưng chế độ “overtime” thường giữ chân nhân viên nhiều hơn thường nhật. Nói tóm lại, dù là giới “white color” hay “blue color” cũng hiếm có thời gian rãnh rổi để cận kề với con cái trong lãnh vực giáo dục, chỉ vẻ, chơi đùa, đối thoại. Ai cũng mong muốn con mình phát triển đời sống về cả hai mặt vật chất và tinh thần để trở thành một công dân hữu dụng tương lai, vì vậy sự kiện giáo dục phải được hiểu một cách rốt ráo là con trẻ cần được dạy dỗ (giáo) để cha mẹ mong chúng hướng đến chân thiện mỹ (dục) hầu giúp đời, giúp nuớc. Như vậy việc giáo dục phát xuất từ trong môi trường thân thiện của gia đình rồi mới đến trường lớp và đến xã hội trường đời. Theo thứ tự như vậy, chúng ta cố gắng phân chia thời biểu thích hợp để con trẻ lớn lên trong tình thương và trí tuệ mà phẩm chất đạo đức, học thuật, hành xử, tư cách luôn hòa quyện trong một đứa trẻ lớn lên cùng thời gian và không gian hiện hữu. Trong gia đình khi sinh ra và lớn lên dưới bàn tay nâng niu của cha và ẳm bồng của mẹ, đứa trẻ tự hiểu những chỉ dấu bảo bọc và trách nhiệm của song thân đối với chính nó nên đã tỏ ra sự phụ thuộc thường tình và ỷ lại bằng cử chỉ đòi hỏi với ngôn ngữ tay chân hay nét mặt và tiếng la khóc. Hành động giẩy nẩy, khoa tay, đạp chân, nét mặt nhăn nhó khóc la là dấu hiệu của sự đòi hỏi điều gì đó từ lúc chưa nói nên lời. Quan sát những hành vi này mà cha mẹ có thể đáp ứng đòi hỏi của con trẻ như thay tã, cho bú, ẳm bồng, ru ngủ v.v.. Dĩ nhiên là cha mẹ, những dấu hiệu này dễ dàng nhận biết ngay sau vài lần quan sát. Điều này không có gì phải thảo luận, nhưng cũng chính những hành vi này của con trẻ, cha mẹ phải lưu ý những việc cần đáp ứng hay không để sau này có phương pháp thực tiễn hơn trong cách giáo dục. 

- Hãy bình tĩnh đáp ứng, không nên cuốn cuồn với những sự la hét của con trẻ vì như vậy là chúng ta đang làm cho đứa bé mất đi tính nhẫn nại. Chúng ta đang làm việc như nấu cơm, viết lách hay giặt giũ quần áo mà nghe con trẻ la khóc đòi hỏi khi còn nằm trong nôi, sự đáp ứng lẹ làng bằng cách ngưng tất cả việc làm sẽ chỉ giúp cho chúng nín khóc lúc đó nhưng tăng sự ỷ lại và phụ thuộc lớn lên. Khi chúng biết đi, yêu cầu đòi hỏi những việc lớn hơn mà cha mẹ không vội đáp ứng là sự cau có, giận dữ của bé sẽ phát sanh. Khi chúng trên mười tuổi mà sự đòi hỏi không được đáp ứng sẽ tạo cho bé những lời lẽ và hành động cáu ghét. Trên mười tám tuổi mà không được đáp ứng những gì con cái đòi hỏi là việc bỏ nhà ra đi dễ xảy ra. Đứa bé dần dần lớn lên với bản ngã to tướng, độc tài, ích kỷ. Vì sự tai hại như vậy nên bậc cha mẹ cần biết cách để giáo dục từ khi con cái còn nằm nôi như thái độ thanh thản, thỏa mái, không quá quan tâm và lo lắng đến tiếng la khóc. Nếu được thì hãy chờ đợi khi nào con trẻ nằm im, không giẫy giụa tay chân thì ta mới đáp ứng những yêu sách như cho bú, thay tã, ẳm bồng. Đây là bước thứ nhất trong việc tập đứa bé kiên trì chờ đợi. Tuy vậy, khi con trẻ nói chuyện, cha mẹ cần nghiêm túc lắng nghe và khuyến khích cho con nói hết ý nghĩ đang diễn ra trong đầu óc non trẻ. Đừng bao giờ phán một câu chận họng rằng, “con nói bậy” mà từ tốn phân tích đúng sai như thế nào. Trẻ con không đủ ngôn từ để diễn đạt ý kiến nên thường nói đi nói lại một chuyện nào đó, hãy kiên nhẫn giúp cháu bằng sự lắng lòng để nghe hết chuyện gì chúng diễn đạt. Đây là cửa ngõ mà chúng sẽ tiếp tục tâm sự từ khi chập chững cho đến khi trưởng thành. Đôi khi trẻ con cũng có những lời chướng tai, hổn hào để tỏ thái độ chống đối, bực bội và muốn mọi người quan tâm. Việc đầu tiên là phải tự tìm hiểu những hành động của con cái đã tiêm nhiễm từ đâu, bạn bè hay trong gia đình. Cách cư xử, nói năng, hành động của cha mẹ là bài học tốt nhất mà đứa trẻ đang phiên bản y hệt như vậy. Hãy cẩn thận theo dõi nếu chúng học từ đám bạn ngỗ nghịch thì nên tìm cách ly gián ngay. Không nên quá quan trọng những việc đó như trời đang sụp đổ mà hãy nói năng, giải thích với chúng bằng ngôn ngữ từ ái yêu thương của sự tác hại trong việc nóng nảy, bực dọc và hổn hào. Đừng bao giờ chửi mắng chúng vì đó là sự phản động lực. Gần gũi và thân mật với con cái là hành động khôn ngoan nhất để dạy chúng những gì chúng ta muốn trao truyền. Nói với chúng những sự cẩn thận nhỏ nhặc như mang dép, đánh răng đến việc an toàn khi đi đứng để tập cho con cái những ý thức phòng hộ thân thể. Sự nề nếp trong phòng ốc, áo quần, ăn uống, tập vở là những thói quen cần thực tập hàng ngày. Hãy kiên trì khuyên bảo nhiều lần và bắt chúng tự sắp xếp. Gia đình là trường học tốt nhất để trẻ con hấp thụ chứ không phải nhà trường, vì vậy môi truờng gia đình gồm ông bà, cha mẹ, cô chú, dì cậu và anh chị em là tấm gương cực kỳ nhạy cảm cho con cái noi theo. Do đó, khi trong gia đình có con em đang lớn lên thì những bậc phụ huynh, truởng thượng phải có trách nhiệm dạy bảo con em bằng cách giáo dục chính mình cụ thể như sau: 

- Nói năng từ tốn, lễ phép với ông bà, cha mẹ và những người thân tộc chẳng những bằng lời nói mà còn dùng cả thân mạng như cung kính, cúi chào, hân hoan nở nụ cười, bắt tay thân mật. Đừng bao giờ cãi vã, văng tục, nguyền rủa, chửi bới hay nói xấu những nguời không có mặt tại chổ trong khi con cái hay các em thiếu nhi đang hiện hữu nơi đấy. Môi truờng gia đình trở nên nghiêm trọng, lạnh nhạt và tù túng khi cha mẹ giận hờn, lời nói sẽ là những độc tố gây ô nhiễm không khí chung quanh và tấm lòng tin tưởng của trẻ con đối với cha mẹ sẽ bị khô héo đến tắt lịm từ hồi nào mà ít ai kiểm chứng, nhưng chắc chắn các cháu bé sẽ dễ phát sanh cáu gắt, dễ giận hờn và ăn nói cộc cằn. Muốn cho con cái đối xử với mình như thế nào về lúc tuổi xế chiều thì chúng ta phải đối xử tử tế, cung phụng thành kính với ông bà hết lòng trong lúc cùng sống với nhau trong gia đình. Đừng than oán, phiền trách, bực dọc để con cái thấy được. Chúng học cái xấu lẹ hơn học cái tốt. 

- Gián tiếp ca ngợi những tấm guơng hy sinh, hiếu học, việc làm thiện nguyện lợi ích nhân quần, xã hội hay đề cao những anh hùng dân tộc, những vận động viên xuất sắc, những phẩm hạnh cao cả của bao con người sống vì mọi người. Đây là những tấm gương trong sáng hay các thần tượng tuyệt vời mà chúng sẽ có ý hướng bắt chuớc vươn tới. Đừng bao giờ ca ngợi tiền bạc quá đáng, vì ý nghĩ non trẻ của chúng sẽ tưởng bạc tiền là cứu cánh của cuộc đời. Trong thời gian qua, một số gia đình kiếm được khá nhiều tiền nên tạo cho các em những sự dư thừa về vật chất từ ăn uống, áo quần, giày dép, game chơi điện tử, I-phone, tiền mặt v.v. trong khi đó thì sự gần gũi, thân mật trò chuyện giữa cha mẹ, con cái quá ư hạn chế đã để lại hậu quả khá tiêu cực như trẻ em sẽ sinh tâm ỷ lại, hưởng thụ, thiển cận và ích kỷ. Ý chí phấn đấu để vươn lên trong cuộc sống đầy gian khổ trước mặt sẽ thui chột, các em dễ bỏ cuộc nếu gặp nghịch duyên, và chắc chắn các em sẽ thua sút bè bạn một khi cùng bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời. 

- Dạy cho con cái biết cách tiết kiệm vì đó là một hạnh lành trong tâm từ. Không cho phép con cái ăn uống phung phí như mua chiếc bánh hamburger để chỉ cắn có một miếng rồi vứt vào sọt rác. Làm cha mẹ phải chận đứng những hành động này ngay lập tức bằng sự giảng giải về nạn đói tại Châu Phi, tại Việt Nam hay ngay cả tại Hoa Kỳ. Nói về nhân quả của sự phung phí dẫn đến cảnh nghèo khó về sau v.v… và tập cho các cháu biết cách nghĩ về người khác. 

- Hướng dẫn đời sống tâm linh từ khi còn bé thơ, đứa bé lớn trong niềm tin tôn giáo bao giờ cũng đạo đức hiền lương hơn một cháu bé vô thần. Hãy nhìn thống kê của các quốc gia có tự do tôn giáo với những nước Cộng Sản sẽ rõ, đứa bé có khuynh hướng bạo lực, bất lương, lường gạt, dối trá ở các quốc gia theo chủ nghĩa vô thần khá phổ biến nếu so với các quốc gia có nền dân chủ và tự do tôn giáo. Hướng dẫn ý niệm lương tâm là một thước đo vô hình ngăn cản con cái không dám hành động sai quấy dù không ai biết, ngược với kiểu “đạo đức cách mạng” là hành động sai quấy dễ phát sinh nếu dấu diếm được với những người có trách nhiệm. Do đó mà trong các nuớc xã hội chủ nghĩa, các em bé lớn lên có khuynh hướng ăn cắp vặt dẫn đến tham nhũng, hối lộ thành quốc nạn mà Việt Nam đang trải qua một thế hệ cay đắng như một điển hình cụ thể. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên thực tập sự chánh tín là tin tưởng đúng đắn vào một sự kiện, một hành động hay một niềm tin mà điều đó có lợi cho mình, cho bé và cho mọi người. Ví dụ phụ huynh hướng dẫn con cái tin vào nhân quả cho thâm thúy sẽ giúp chúng vươn tới những mục tiêu cao rộng. Hướng dẫn tin tưởng cuộc đời vô thuờng để cải tạo hiện tại v.v., nhưng cũng xin đừng hướng dẫn những kiểu tà tín hay mê tín dị đoan như việc đốt vàng mả, sờ mu rùa, cầu thần khẩn thánh theo giúp cho thi đậu v.v. mà ỷ lại không chịu học bài thì hậu quả trược vỏ chuối là điều chắc chắn xãy ra. 

- Tâm từ ái của người mẹ và tính nghiêm khắc của người cha là hai giới hạn quan trọng trong sự phát triển tính cách cư xử mà đứa trẻ được ngấm ngầm thẩm thấu vào tim óc. Do đó, nụ cười của người mẹ thường ảnh hưởng đến tính khí của trẻ con, khi đến tuổi trưởng thành, đứa bé sẽ dễ dàng nhoẽn miệng cười với trọn vẹn tâm tình thương yêu. Bên cạnh đó, đứa bé sẽ rất nghiêm túc trong những việc sai trái của người khác bởi tính khí của cha truyền thụ. Vì vậy mà trong mỗi gia đình, người cha phải thể hiện những nguyên tắc dạy con gián tiếp sau đây: 

+ Nói năng nghiêm túc với bạn bè, với những nguời trưởng thành trong gia quyến. 
+ Lắng nghe khi có ai phát biểu, dù là đối nghịch ý kiến, đừng cắt ngang. 
+ Hướng dẫn gia đinh thực hành việc lễ nghi tôn giáo đúng phép. Những ngày lễ quan trọng hay giỗ chạp cúng kỵ trong gia tộc, người cha tìm cách giảng giải cho con cái biết những ý nghĩa tâm linh này. Trên thực tế, việc cúng giỗ là một bài học cho con cháu noi theo, vì vậy hãy nhân cơ hội này mà hướng đạo cho các cháu tập thực hành, nếu không thì mai sau các cháu sẽ rất xa lạ với nghi thức cúng tế nội ngoại, đến lúc đó thì đừng mong những phong tục tập quán, văn hóa nề nếp của gia tộc được lưu truyền mà chính phụ huynh lại là những nạn nhân thời đại. 
+Không ăn nhậu khoác lác với bạn bè trong khi con trẻ đang chứng kiến cuộc vui. 

- Khi làm việc lặt vặt như tưới cây, làm vườn, rữa rau, dọn chén v.v. cha mẹ nên khuyến khích các cháu trên 7 tuổi trực tiếp tham gia. Các cháu cảm thấy mình có khả năng, như vậy thì tinh thần hợp quần được hình thành rất sớm, tương lai cháu bé sẽ dễ dàng thành công trong một cơ xưởng hay công ty vì bản tính hài hòa công việc. 

- Ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ: Người Việt Nam mà không giúp cho con trẻ của chính mình biết nói tiếng Việt là một thiếu sót vô cùng. Chẳng những biết nói, cha mẹ cần đưa con đến các trung tâm Việt Ngữ học cách viết, học văn hóa, học lịch sử Việt. Đây là một sinh ngữ quan trọng bậc nhất cho con em chúng ta khi lớn lên đi làm việc, khách hàng của chúng phần nhiều là người Việt Nam thì chúng sẽ dễ thành công về cả mặt tài chánh lẫn giao tế. Nếu các quốc gia không có các trường Việt ngữ thì cha mẹ chính là thầy cô giáo thực hành tiếng mẹ đẻ cho con cái noi theo. 

- Quan tâm đến người khác: Các gia đình Việt Nam thường có thân nhân còn ở quê nhà nên việc giởi tiền, quà cáp nhân các dịp lễ tết húy kỵ tổ tiên thường xảy ra. Nếu thuận tiện, quý phụ huynh nên dẫn con em đến các đại lý gởi tiền và nhờ con em tự điền tên họ thân nhân, nhân việc đó hãy giải thích tại sao mình phải gởi quà biếu, tiền bạc giúp đỡ họ hàng. Đây là cách hướng dẫn con cái lòng biết ơn tổ tiên, quan tâm đến thân bằng quyến thuộc và phát triển mối liên đới với quê hương. Không dừng ở nơi đây, mỗi dịp lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh, Tết v.v.. nên khuyến khích con em chọn những quần áo củ, đồ chơi còn mới không xài, đồ ăn trong hộp để tặng cho những trẻ em nghèo khổ qua các hội thiện nguyện, trường học hay Food Haverst, từ đó lòng yêu thương mọi người dần dần phát triển, tâm từ ái mở rộng. 

- Luyện tập óc lãnh đạo và thể chất: Phụ huynh khuyến khích và tạo điều kiện dễ dàng cho các em tham gia các công tác thiện nguyện bằng nhiều phương cách như dẫn dắt con em gia nhập các tổ chức trẻ gồm gia đình Phật Tử, Hướng Đạo sinh v.v.. để cùng nhau thực hiện việc tốt như rữa xe lấy tiền cứu giúp nạn nhân động đất, thiên tai; bán garage sale lấy tiền nấu cơm đãi người vô gia cư nhân lễ Tạ Ơn…; trong khi đó các nhóm trẻ có khuynh hướng giúp các em tập luyện thể chất như bơi lội, banh, bóng chuyền, chạy nhảy để thi đua giữa đoàn viên, giữa đội và các tổ chức với nhau, từ đó các em có khả năng chịu đựng mọi tình huống, ít căng thẳng và cuộc sống vui tươi hơn. Đặc biệt là cách thức tự lãnh đạo bản thân như tự sắp xếp giờ giấc, ăn uống, ngủ nghĩ, học hành, chơi đùa, sinh hoạt, quần áo, sách vở rồi đến lãnh đạo tập thể, đội, nhóm và lớn hơn là lãnh đạo tổ chức, cộng đồng, xã hội. Chỉ dạy cho con trẻ biết cách sống độc lập bằng những bài học đơn giản, từ khi các cháu ý thức về ăn mặc thì để chúng tự giặc giũ quần áo, giày dép, tự lo liệu nhưng phụ huynh phải theo dõi từng hành động và hướng dẫn cụ thể, dần dần chúng sẽ giải quyết những việc vừa vừa rồi việc lớn hơn. Dĩ nhiên phụ huynh không nên trông đợi sự hoàn hảo tuyệt đối ở đứa trẻ mới lớn, nếu hành động như vậy sẽ làm cho đứa trẻ mất tính tự tin. Hãy tìm cách nói chuyện và sinh hoạt thật vui vẻ cho gia đình đầy tinh thần hòa ái, đặc biệt khuyến khích chúng kể ra những gì tốt đẹp hàng ngày ở trường học, ở nơi bè bạn với sự tôn trọng lắng nghe thật kỷ để khuyến khích nếu thấy tốt đẹp, hoặc ngăn cấm nếu thấy có chìu hướng tai hại, bất ổn. Nếu những việc tốt đẹp thật sự như con cái được đạt điểm khá, thể hiện tính cao thượng thì cũng nên tặng thưởng chúng bằng cách cùng nhau đi xem phim hay cho chúng tự chọn món quà ưa thích hợp với khả năng của gia đình. Ngược lại nên phân tích cụ thể bằng sự yêu thương những gì chúng lầm lở, không nên mắng nhiếc làm thương tổn tinh thần của đứa bé đang lớn lên. 

- Bữa ăn sáng sẽ giúp trẻ đi học khỏe mạnh, tiếp nhận lời giảng nhanh chóng, không buồn ngủ, mệt mõi trong giờ học. Chính sự quan trọng này mà phụ huynh cần lưu tâm bằng cách bắt buộc con em phải ăn sáng trước khi đi vào lớp học. Khi đi học về nên giúp con em làm bài tập ngay vì đó là thời gian tốt nhất để nhớ những gì thầy cô đã giảng dạy. Nên cấm việc chơi game sau khi vừa bước chân về nhà. Việc xem TV cũng nên quy ước thời gian và chương trình vì ngoài sự bổ ích về thông tin, giải trí cho trẻ con, TV lại chiếu những câu chuyện bạo động, dâm ô, thù hận rất đáng lên án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu óc non trẻ của con em chúng ta. Bậc phụ huynh khôn ngoan nên tránh những sai lầm đơn giản như là so sánh con mình không giỏi bằng con bạn mình, hay bằng tuổi minh khi còn nhỏ; điều này sẽ làm cho con cái ù lì, bất mãn và chúng có khuynh hướng hư đốn thêm. Nên tìm hiểu nguyên nhân yếu kém của chúng rồi tìm cách giúp đở. Hơn nữa khi thấy con cái bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu thì cũng nên phân tích kỷ lưỡng, không đổ lỗi cho bạn bè mà phải quan sát hành vi của chúng, nhận ra sự sai quấy từ con cái. Có biết được nguyên nhân mới có cách giải quyết tận gốc. Hãy khuyến khích cho chúng tâm sự với phụ huynh như bạn bè, đừng tra hỏi, chửi rủa và áp đặt quyền hạn quá đáng sẽ khiến chúng không bao giờ mở miệng. Nếu phụ huynh có sai điều gì cứ xin lỗi con, đừng áp đảo tinh thần và dồn những sai phạm về chúng, điều này trẻ con bị oan và không cãi lại nhưng sẽ hậm hực suốt khoảng đời niên thiếu. Do đó, hãy khôn ngoan, bình tỉnh khi nghe những báo cáo về con cái hư hỏng, tìm rỏ những nguyên nhân cụ thể rồi mới chỉ bảo. Đừng nổi nóng đùng đùng bằng đòn roi, la mắng và gắt gỏng, hậu quả còn tồi tệ và tình cảm gia đình sẽ bị sức mẻ mà đứa trẻ bị buồn tủi lâu dài, ảnh hưởng đến tâm trí chúng. Trong những cuộc nói chuyện, tranh cãi thì phụ huynh ít khi nhường nhịn con cái, đây là một cách chậm đứng sự tự tin, tài biện bạch và khả năng thuyết phục của đứa bé mới lớn. Phụ huynh cũng nên tìm hiểu gia đình, hoàn cảnh và môi trường của những đứa bạn mà con mình thân thích. Bạn bè dễ ảnh hưởng đến tính tình và thói quen vì sự bắt chước, do vậy mà con cái theo đám bạn có những hoàn cảnh như cha mẹ chúng hay say sưa, nhậu nhẹt, đánh lộn, chửi rủa, cờ bạc thì phụ huynh nhất định phải can thiệp để con cái hạn chế tối đa sự thân thiện, đặt biệt là sự la cà đến nhà bạn bè chơi đùa hay ngay cả học bài thêm. Phải giới hạn giờ giấc về nhà của con em vị thành niên, không nên cho phép chúng quyết định những giờ giấc ngoài tầm kiểm tra của phụ huynh. Khi con cái xin phép đi đến nhà bạn thì cũng cần biết địa chỉ, nơi chốn ấy, đừng bao giờ gật đầu rồi hối hận chẳng biết giờ này chúng ở nhà ai. Nói tóm lại, dạy con trẻ ở hải ngoại là một nghệ thuật nhân bản tuyệt vời và phức tạp. Cộng đồng cần những hạt nhân từ gia đình êm thắm hầu cùng nhau phát triển một xã hội lành mạnh, yêu thương và chia xẻ. Thật tế giáo dục trẻ em là cách tự giáo dục chính mình bằng lời nói, cử chỉ, hành động, sự hoà ái trong gia đình trước tiên., Đứa trẻ học tất cả những gì mà thân bằng quyến thuộc cha mẹ anh em của chúng sinh hoạt hằng ngày, vì vậy mà bài học cho con em là chúng ta làm sao sống thật tốt đẹp trước tiên như vợ chồng hòa thuận yêu thương và tương kính, lời nói không làm tổn hại mọi người mà quyện lẫn những giá trị đích thực của thông tin, lòng nhân từ độ lượng và đặc biệt phải biết nở nụ cười trên môi với con cái để sự cảm thông hai chiều luôn được hài hòa, thành thật và chia xẻ tất cả những điều sâu kín dù đó là việc chẳng ra gì. Kính chúc các bậc phụ huynh ở hải ngoại thành công trên việc dạy bảo con cái thành đạt công danh và nhân ái trên xứ người. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét