Tại sao nên chia sẻ niềm đam mê?

Có thể một vài bạn sẽ hỏi lại tôi ngay: Anh nói “niềm đam mê” có ý gì? Theo anh nó là gì?
- Tôi xin không định nghĩa, vì mỗi người có thể định nghĩa nó theo một cách khác nhau.

Điều tôi muốn nói ở đây là hết lòng hết dạ khuyên các bạn nên chia sẻ, tâm sự về niềm đam mê của mình (ít nhất là trên diễn đàn này).

Đó là chia sẻ về những điều gì?

- Đơn giản đó là những gì bạn thật sự rất muốn làm, những việc mà bạn thích, những thứ mang lại niềm vui đến cho bạn, cái việc mà nếu phải từ bỏ thì bạn sẽ cảm thấy như đời mình bị xẻo đi một nửa vậy. Bạn không cần phải định nghĩa xem nó có phải là niềm đam mê hay không. Bạn chỉ cần biết rằng đó là thứ duy nhất mà bạn muốn làm, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

- Nó thậm chí có thể là những thứ mà thiên hạ cho là linh tinh, hay đơn giản chỉ là một sở thích. Nhưng bạn thật sự nghiêm túc với nó, khát khao thực hiện và vươn tới đỉnh cao trong việc đó. Chẳng hạn như nấu ăn, thêu thùa, đan lát, nghệ thuật sơn vẽ, xếp hình, thể thao, dịch thuật, cắm hoa, trồng kiểng, nuôi thú cưng,…

- Hay nó có thể là những hoài bão lớn lao mà mọi người cho rằng quá sức của bạn, hay cho rằng bạn ảo tưởng, điên rồ. (Nhưng xin nhắc bạn rằng, giáo sư Horward Stevenson đã nói thế này: “Lãnh đạo [doanh nghiệp] theo cách định nghĩa của chúng tôi là: những người theo đuổi cơ hội bất chấp nguồn lực sẵn có.”) Đó có thể là những dự án lớn như: thay đổi một nền tảng công nghệ, thay đổi nhận thức của một thế hệ, thay đổi một chính sách công nào đó, làm được điều mà trước đây chưa có ai từng làm,…

- Hay đó có thể là bất cứ điều gì, miễn là bạn toàn tâm toàn ý muốn thực hiện nó. Nếu không, bạn sẽ cảm thấy vương vấn, hối tiếc suốt phần đời còn lại.

Chia sẻ có lợi gì cho tôi? Nhỡ có ai cười tôi thì sao, bị “ném đá” đến nản lòng thì sao?

- Đầu tiên là lợi ích. Nếu bạn chia sẻ, bạn sẽ có cơ hội tìm thấy những người đồng cảm, những người ủng hộ bạn, và biết đâu cả những nhà tài trợ cho bạn nữa. Bạn có thể tìm thấy những người đồng sự để cùng nhau hợp tác. Và nhiều nữa. Nhưng trên hết là bạn cảm thấy, một lần nữa, chắn chắn hơn, rõ ràng hơn về những gì mình thật sự muốn làm. Nó khiến niềm tin của bạn mạnh mẽ hơn sau mỗi lần bạn chia sẻ và không lùi bước.

- Các bạn thử đoán xem câu chuyện sau này có thật không: Có một cô bé học 12 viết một bài tâm sự trên một tờ tạp chí tuổi teen về niềm đam mê thật sự của mình vào nghệ thuật xếp giấy gửi kèm ảnh vài tác phẩm mà cô bé thực hiện được. Ngạc nhiên là cô bé mới đến với nghệ thuật xếp giấy chưa đầy 3 tháng, và đã thật sự bị cuốn hút. Bài viết của cô bé giàu cảm xúc đến nỗi bất cứ ai xem xếp giấy là một trò chơi giải trí đều phải nghĩ lại một cách nghiêm túc hơn. Và thật tình cờ, bố mẹ cô bé đã vô tình đọc được bài báo nhờ tấm ảnh tác phẩm của cô bé được in trên bìa tạp chí. Họ đã thật sự hiểu sâu sắc tâm sự của cô bé chứ không xem đó là một sở thích hời hợt nữa. Và họ đã tìm cho cô bé một thầy giỏi ở Nhật, gửi cô bé qua đó vừa làm vừa học chứ không cần phải học đại học. Tuy không biết câu chuyện tiếp diễn thế nào, nhưng tôi chắc rằng cô bé đó thật may mắn và thật sự hạnh phúc trong công việc của mình.

- Nếu bạn sợ bị “ném đá”, bị “bàn lùi” thì cũng đừng thổi phồng nỗi sợ đó lên. Một người dũng cảm không phải là một kẻ chai lỳ không biết sợ là gì, mà là một người biết đánh giá đúng mức nỗi sợ của mình để tìm cách ứng phó. Thật sự thì chúng ta rất cần những người giỏi bàn ra. Họ thường là những người có hiểu biết khá rộng nhưng lại không sâu, biết nhiều nhưng hiểu ít. Họ là những người rất giỏi nhìn thấy hiểm họa tiềm tàng trong mọi việc, chính vì vậy mà ta cần họ. Ta cần để chuẩn bị tâm lý cho những gì xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng nếu vì những lời nói đó mà đến một lần bạn cũng không dám thử mà vội vàng từ bỏ luôn, thì điều đó chứng minh rõ ràng rằng điều mà bạn tưởng rằng bạn đam mê thì ra là hoàn toàn nhầm lẫn. Nó giúp bạn tiết kiệm thời gian, và tiếp tục tìm kiếm niềm đam mê khác.

- Mặt khác, luôn luôn có những người chống lại “tư tưởng bi quan” nên sẽ luôn có những ý kiến trái chiều, phản đối cách nhìn đời như tận thế của họ. Vậy là bạn có những góc nhìn đa chiều nhất, chuẩn bị kỹ càng nhất cho niềm đam mê của bạn.

Nếu ai đó bắt chước tôi thì sao?

- Họ có thể bắt chước những thứ bạn làm, nhưng không thể bắt chước niềm đam mê của bạn. Khi đối mặt với những khó khăn thì bạn có động lực để vượt qua, nhưng họ thì không. Khi thất bại, bạn có được kinh nghiệm quý báu để thành công còn họ thì chỉ có sự nản lòng và lạc hướng. Khi thành công, bạn sẽ tiếp tục đặt mục tiêu xa hơn, vươn lên cái đỉnh cao hơn trong khi họ (nếu may mắn có được) thì sẽ thỏa mãn với hiện tại và ngủ quên trong vinh quang. Bạn có những người cộng sự đến với bạn vì niềm đam mê, còn họ lại làm việc với những kẻ chỉ biết đến lợi ích. Bạn được người đời ca ngợi, họ thì bị giễu cợt.

Nhưng trên hết, bạn thấy hạnh phúc khi làm điều mình yêu thích. Còn họ thì lại thấy từng ngày trôi qua thật mỏi mệt và trống rỗng vì phải chạy theo thứ mà người khác thích.
- Vậy, bạn còn sợ ai đó bắt chước bạn chăng?

Vậy, rõ ràng việc chia sẻ niềm đam mê của mình không những không có hại mà hoàn toàn có lợi. Nhưng có lẽ có bạn vẫn còn một ám ảnh nữa, đó là: Tự nhiên chia sẻ như vậy thấy bản thân mình “trẻ con” quá. Lỡ sau này mình thay đổi thì chẳng phải những chia sẻ đó trở nên buồn cười lắm hay sao?

- Xin thưa, tôi hoàn toàn đồng cảm với bạn. Tôi cũng từng như vậy. Nhưng tôi có nghe một câu mà không nhớ rõ nguyên văn, chỉ biết ý đại khái thế này: Trong cuộc đời, sẽ có những lúc ta nhìn lại quá khứ và nhận ra rằng cái niềm tin trước đây của ta thật ngu ngốc, nực cười và đáng xấu hổ làm sao! Nhưng hãy nhớ rằng, chính cái niềm tin đó đã giữ cho ta tiếp tục sống và tạo nên chính ta ngày hôm nay. Vậy thay vì cười ngạo thì hãy biết ơn.

Tôi đã nói hết lời hết ý rồi. Còn lại là quyết định ở bản thân bạn mà thôi!

Ken Trần
Nguồn: Edutender

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét